Tâm tình trong nạn đại dịch
Nguyễn kim Nên

Lời nói đầu tiên, Kim Nên xin chân thành kính chúc quý thầy cô, quý anh chị em và toàn thể gia đình, các con, các cháu luôn bình an và thật nhiều sức khỏe.

Kính thưa quý thầy cô và các bạn thân mến,

Lá thư này không phải là “Tâm thư của Hội trưởng” mà là “Tâm tình trong nạn đại dịch”, của 1 đứa học trò, của 1 người bạn học, của 1 người em… là những chia sẻ, là một lời hỏi thăm. Mong trao cho nhau chút niềm vui nho nhỏ, vơi đi chút âu lo trong nạn đại dịch “Covid 19” khủng khiếp đang giết chết biết bao nhiêu người trên thế giới. Trong đó có nước Mỹ mà đa số quý thầy cô và học sinh hải ngoại đang định cư tại đây.

Quý thầy cô và quý bạn đã và đang làm gì trong thời gian khó khăn này. Hy vọng toàn thể đại gia đình THĐ đều bình an và khỏe mạnh. Riêng KN càng ngày càng lo âu nhiều hơn, cầu nguyện…cầu nguyện nhiều hơn, khi những ca nhiễm bịnh mỗi ngày mỗi tăng vọt trong nước Mỹ. Vẫn biết tình trạng này khó mà tránh khỏi, vì người Mỹ quá quen sống tự do, nên khó mà kềm chế họ được.

Trong khi xứ nghèo thì dễ kiểm soát dân hơn. Như KN có xem trên “youtube” Bên Ấn Độ mấy người gác đường hay cảnh sát, cầm roi quất đánh thẳng tay mấy người dân đi ra ngoài đường, hay tựu tập trong đền thờ, mấy tiệm chạp phô mở cửa đều bị quất đánh…Mới nhìn thấy hình ảnh người ta chạy tán loạn, chạy bỏ cả giầy cả dép… chạy lấy thân, KN không thể nín cười được... Nhưng nhờ vậy mà nạn dịch không truyền nhiểm nhanh chóng như xứ Mỹ.

Thường ngày thì KN cũng hay lái xe chạy lang thang ngoài phố chợ, nhất là chợ bán cây kiểng. Bây giờ là đầu mùa xuân, lại có nhiều thì giờ để chăm sóc sân vườn, trồng hoa, trồng rau…mà không đi ra ngoài mua sắm được, cũng cảm thấy bị gò bó, nhớ nhớ muốn đi… Nhưng phải cố gắng ở nhà cho an toàn bản thân mình, mà cũng an toàn cho người khác. Nhất là mấy đứa con cứ lo lắng bởi cái tuổi của mình, xui mà “cô 19” chiếu cố thì nguy hiểm tánh mạng như chơi.

Thỉnh thoảng bạn học ở xa gọi thăm nhau, mấy bà mẹ nói cười hả hê, kể chuyện nào là sợ virus, nào là bị mấy đứa con đì quá cở.

Con trai KN ở xa nên không ghé thăm hay đem thức ăn, hay đi chợ dùm như con trai những người bạn. Bà bạn nhà thờ kể rằng:
"Tụi tui giống như tù giam lỏng. Con tui lúc thường nó ít gọi thăm, bây giờ hết đứa này gọi, đến đứa kia nhắc chừng… ba mẹ đừng đi ra ngoài nha."

Người bạn học ở Cali vừa cười sung sướng, vừa kể: “Mày có biết thằng Vũ con tao, nó canh gác vợ chồng tao như tù vậy. Nó đem thức ăn để ngoài cửa nhà rồi gọi phone kêu tao ra lấy. Tao ra, thấy nó ngồi trên xe, rồi nó giơ tay bye bye…chạy mất".

Riêng KN thì ở chung với 2 đứa con gái, nên sự canh gác càng chặc chẽ hơn. Mỗi buổi sáng đi bộ khoảng 4 miles đều có 2 cô bodyguards theo hộ tống. KN rất thích làm vườn, cả ngày ở ngoài sân hết nhổ cỏ dại, lại trồng hoa, trồng rau, bứng nhổ cây này trồng cây kia. Vậy mà cũng nghe ơi ới gọi: Mẹ đâu rồi…

Vâng! Đó là niềm hạnh phúc cho các bậc cha mẹ. Trong những biến cố đau thương thường thể hiện tình yêu thương, tình gia đình, tình liên đới giữa con người với con người. Nhất là sự trông cậy, sự phó thác vào Thượng Đế nhiều hơn.

Xin cầu nguyện mọi sự bình an cho nước Mỹ, cho thế giới, tất cả mọi người trong mọi lãnh vực đang hy sinh, phục vụ nhân loại. Nhất là không còn nạn đại dịch nữa, để mọi người được sống trong an vui và hạnh phúc.

Chân thành kính chúc quý thầy cô, quý anh chị, quý bạn và gia đình được mọi sự an lành.
Xin nhớ cẩn thận và giữ gìn sức khỏe. Tập thể dục, ngủ đủ, uống nhiều nước, ăn uống bổ dưỡng.

Chúc bình an.
Kính,
Nguyễn kim Nên