TÂM TÌNH DÂNG MẸ
Nguyễn thị Cẩm
Chiều hôm nay giữa dòng người xuôi ngược, ôm bình hài cốt mẹ còn nóng
hổi trên tay từ nơi hỏa táng trở về, lòng trí con miên man nhớ lại những
năm tháng đã qua, vậy là đã hơn hai mươi hai năm con làm dâu của mẹ.
Hai mươi hai năm, thời gian đủ để đứa con gái ngày nào trở thành người
đàn bà đứng tuổi, thì thời gian ấy cũng đủ làm biến đổi tâm tình của đứa
con dâu đối với mẹ chồng. Ngày ấy con chỉ là đứa con gái mồ côi mẹ từ khi
còn rất nhỏ, thiếu tình thương lẫn sự chăm sóc, dạy dỗ của mẹ hiền, vì thế
con rất e ngại khi về làm dâu một bà mẹ chồng khó tính và nghiêm khắc. Tình
cảm của con đối với mẹ lúc ấy không có gì hơn là lòng kính sợ, thêm nữa với
sự nông nổi hiếu thắng của tuổi trẻ lắm lúc con tự ái giận hờn khi mẹ dạy
bảo rầy la. Rồi dần dà sau một thời gian sống với chồng- con trai út của
mẹ- một người chồng hiền lành, đạo đức và rất mực thương yêu vợ con, trong
lòng con lại nảy sinh một thứ tình cảm mới. Lòng biết ơn. Vâng, mẹ đã sinh
ra và nuôi dạy chồng con chu đáo biết bao, để giờ đây con có được người chồng
tốt, các con của con có người cha hiền, là nền tảng để chúng con có một gia
đình ngập tràn hạnh phúc. Không biết từ bao giờ con đã rất đồng cảm với Xuân
Quỳnh.
“ Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong…”
Rồi cũng từng ấy năm, khi đối mặt với những vất vả khó khăn trong
việc mưu sinh, cộng với những lo âu muộn phiền trong việc dạy dỗ để hình
thành nhân cách cho con cái thì con lại nghĩ đến mẹ với lòng cảm phục. Ngày
xưa mẹ cũng đã vất vả biết bao, vừa phải cùng bố lo việc mưu sinh, vừa phải
quán xuyến việc nhà cùng dạy dỗ đàn con sáu đứa. Có người con mẹ đã dâng
lo việc nhà Chúa, những người con của mẹ không phải ai cũng thành đạt giỏi
giang, nhưng ai cũng có đời sống đạo đức tốt lành. Đó cũng là ước mơ sâu
thẳm trong con, vượt trên tất cả những ước vọng giàu sang hay thành đạt,
trở thành người có nhân cách, đạo đức tốt, đó là điều đầu tiên con mong muốn
ở các con mình. Mẹ là tấm gương cho con soi rọi trong suốt quãng đời làm
mẹ.
Kính sợ, biết ơn, cảm phục. Thế còn tình yêu thương? Không biết con
đã yêu thương mẹ tự bao giờ? Hai mươi hai năm, cũng là từng ấy thời gian
mẹ thường xuyên đau ốm, con chăm sóc mẹ chu đáo tận tình nhưng chỉ là việc
làm của lương tâm và bổn phận cộng với lòng thương cảm chung chung. Rất nhiều
lần con thức suốt đêm bên giường mẹ, cũng rất nhiều lần mẹ nói với con: “
Con mới đích thực là con gái của mẹ.” Mẹ ơi, những lúc ấy sao con cứng lòng
đến thế, con cố nghĩ rằng mẹ nói thế chỉ để làm vui lòng con mà thôi cho
dù trong sâu thẳm lòng mình, con khát khao được mẹ yêu thương biết dường
nào. Rồi dần dà mỗi ngày mẹ một yếu thêm, những năm sau cùng tất cả mọi sinh
hoạt cá nhân mẹ đều cậy dựa vào con, chốc chốc mẹ lại goi “Cẩm ơi!”, có thể
mẹ cần việc này việc nọ nhưng cũng có khi chỉ là” mẹ chỉ muốn nhìn thấy con
thôi chứ chẳng có việc gì”.
Mẹ hôn mê suốt cả mất tuần, bỗng dưng mẹ bừng tỉnh và gọi “ Cẩm ơi”.
Hai tiếng Cẩm ơi lúc đó đã làm con trào nước mắt. Con thảng thốt thưa “ Con
đây mẹ ơi, con đây...!” Mẹ nói “Con ở lại bên mẹ nhé!” Con cứ tưởng những
lời nói ấy là dấu hiệu của sự phục hồi, nhưng không, thời gian sau đó mẹ
cứ lịm dần đi, con lại thèm được nghe biết bao tiếng gọi.
Ngày qua ngày trong căn nhà vắng lặng, chồng con đi làm, hai đứa con
đi học, con hay đến bên mẹ đang sống đời thực vật, nựng nịu , âu yếm, vuốt
ve, thì thầm gọi mẹ ơi, mẹ ơi…những điều mà khi mẹ tỉnh táo khỏe mạnh con
chưa bao giờ dám làm dám nói nhưng biết đâu đó cũng là điều mẹ chờ con bộc
lộ trong suốt ngần ấy năm trời.
Bao năm dài mẹ đớn đau trên giường bệnh, đó là Thánh giá Chúa ban
cho mẹ nhưng cũng là hồng ân Chúa ban cho con, vì bên mẹ con hiểu được thế
nào là tình mẫu tử. Mẹ ơi, bây giờ mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng, con viết những
dòng này như bó hoa thiêng dâng mẹ cùng với lời cầu nguyện:” Xin Chúa đoái
thương đón nhận linh hồn Martha- mẹ con- người đã sống suốt đời theo gương
phúc Đức Mẹ Maria, vâng phục và phó thác!”