Đi chơi suối Cát…

Lưu Thanh Bình
 

    Suối Cát chảy từ miệt  Bình Chuẩn, An Phú về tưới mát cho cánh đồng An Thạnh quanh năm xanh tốt với lúa và hoa màu, một cánh đồng đã hiện hữu song song với ngôi trường Trịnh Hoài Đức thân yêu trong ký ức, với những kỹ niệm gắn bó suốt một thời trung học. Từ những tháng ngày chập chững làm quen với quần xanh áo trắng hay tà áo dài tha thướt, qua những năm khôn lớn đệ nhị cấp và phân ban rồi lên Đại Học, rồi vào đời với nhiều biến động; biết bao lần dòng suối, cánh đồng đã chứng kiến những buổi sinh hoạt học đường, vui chơi ca hát , cắm trại, thi đua thể thao, bắt dế …của các thế hệ học sinh Trịnh Hoài Đức. Xin cảm ơn Suối Cát với những kỷ niệm êm đềm một thời áo trắng…
 
    Ngày đó, một ngày hè năm 1972, kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt đã chấm dứt, sách giáo khoa của thầy cô đã lần giở vào những trang cuối và ve đã kêu ran trên những nhánh phượng đỏ, gốc phượng mọc sau tường văn phòng thầy hiệu trưởng, cũng là nơi thầy giám thị đứng xét phù hiệu và “áo bỏ trong thùng” mỗi buổi học. Trước lúc chia tay lao vào kỳ ôn thi Tú Tài sinh tử, lớp 11B5 đã tổ chức buổi picnic dạo suối, không ngờ đó cũng là lần cuối còn gặp mặt nhau đông đủ. Sáng hôm đó, khởi đầu bằng cuộc đi bộ băng đồng, đến bờ suối thì cả đám hè nhau ùa xuống lòng suối, dép cầm tay và quần xắn quá gối. Bấy giờ là tháng ba, nước đổ từ thượng nguồn về không nhiều, sâu chưa quá nửa bắp chân nhưng chảy xiết, thật trong nhìn thấy tới đáy với những viên sỏi nhỏ, cát mịn xếp thành từng lớp từng lớp… dẫm lên thật êm chân. Hai bên bờ suối là những khóm trúc, tầm vông nghiêng cành la đà soi mình xuống mặt nước, trên cao khép tán thành một vòm lá xanh che kín cả bầu trời, bóng nắng dọi xuống qua cành lá làm thành những vệt loang lổ trên những chiếc áo trắng học trò. Thỉnh thoảng một vài cánh chim chao liệng trên mặt nước rồi vụt biến mất  trong chòm lá, không biết đó là chim gì. Không gian thật yên tĩnh, xung quanh toàn một xanh và tiếng nước róc rách. Chỉ có một điều lạ là không thấy một chú cá nào dù lớn dù nhỏ. Hay là do đám đông quấy động, chúng lỉnh đi nơi khác mất, cũng hơi tiếc. Kinh nghiệm lội nước, nếu muốn nhanh thì khi bước tới bạn hãy nhấc chân lên trên mặt nước, còn nếu muốn dòng nước mát xa làn da thì kéo rê bàn chân dưới nước, nhìn dòng nước sủi bọt bao quanh như muốn níu kéo bước chân. Nhớ câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, mình theo sau cho chắc ăn, nhưng thực ra là theo sau… mấy nàng trong lớp. Đi hơn trăm thước thì đội hình bắt đầu dãn ra, người đi sau không còn nhìn thấy kẻ đi trước, tiếng hú í ới vang động cả lòng suối. Sướng nhất là Bích Liên, Bạch, Hoà Nam, Tuyết… vì đó là những cánh hoa lạc giữa rừng gươm, con gái mà dám theo học ban B, qua trường Nam vô tình lại lên giá, lúc nào cũng được thầy cô cưng hơn bọn con trai. Và hôm nay lại được chúng nó xách dép cho nữa, sướng chưa. Thật ra không phải dép, mà là giày bít mũi quai dây tréo. Và cũng không phải xách tay, mà có ai đó nảy ra sáng kiến lấy một cành cây xỏ dép vào thành xâu như xâu cá. Ôi những gót chân đỏ hồng nhỏ nhắn xinh xinh chưa biết quắt quay với những bổn phận làm mẹ làm vợ… Mấy cô nàng được bố trí đi đoạn giữa, phía trước phía sau đều có các anh chàng sẵn sàng bảo vệ. Nhưng bảo vệ lại không được mấy nàng để ý, mà chỉ  thích đi cạnh bạn Tân, Khanh… những tay hát hay đá (banh) dỡ ẹt. Nhất là Tân, một số phận tài hoa bạc mệnh. Bạn hội đủ cả ba yếu tố: con nhà giàu, học giỏi , đẹp trai. Đường công danh đang thênh thang thì Tân phát bệnh tâm thần phân liệt, nay phải nhờ sự cưu mang của gia đình các anh chị. Tân hay đi lang thang khu vực gần nhà máy đường Bà Lụa, không làm phiền ai, âm thầm như chiếc bóng. Thuở đi học, bạn hát rất hay, giống như Sĩ Phú vậy. Giờ Văn, khi xem chừng cả lớp đang oải là thầy Duật yêu cầu Tân hát một bài thư giãn xả stress : Bên cầu biên giới, Gởi gió cho mây ngàn bay, Em đến thăm anh…là những bài tủ của Tân. Nhà bạn có một chị tên Nga, cũng là một cây văn nghệ trường nữ, hình như khóa 10 hay 11 gì đó. Đi dạo suối bên cạnh bạn gái, Tân hát khe khẻ mấy bài, dù đã quên mất tên bài hát nhưng mình nhớ mấy cô nàng cứ bis bis hoài làm mình muốn …sôi máu. Đang vui vẽ, bỗng dưng một số bạn đi phía trước la oai oái và chạy ngược về sau, bắn nước tung toé ướt cả áo. Hoá ra chỉ là một chú rắn nước nào đó vô tình chắn ngang đường. Lại tiếp tục hành trình, ngược lên thượng nguồn. Đúng là suối cát vì lòng suối toàn là cát, một màu trắng nhờ nhờ, có chỗ pha sét thì hơi vàng nhưng không có đá sắc nhọn, khỏi sợ cứa lòng bàn chân, trừ khi đạp phải gai cành tre. Từ trong suối nhìn ra ngoài cánh đồng, ánh nắng chói chan híp cả mắt, đang là mùa vụ nhổ củ sắn, nên thỉnh thoảng đó đây lại có vài nhóm người tập trung nhổ, cắt nhánh, đem ra bờ suối rửa, bó lại thành từng xâu rồi chở lên vệ đường bán lẽ cho khách vãng lai. Củ sắn mới nhổ còn tươi, mọng nước trông rất hấp dẫp nhưng thực ra không ngọt, khi ăn phải chấm muối ớt mới đã thèm. Một món ăn chế biến từ củ sắn thường bán trước cổng trường mà bạn nào cũng nhớ: bò bía, gồm củ sắn xắt nhỏ xào với lạp xưởng cuốn bánh tráng chấm tương ngọt. Ngoài ra củ sắn cũng giúp cho những ai đang ăn kiêng giãm cân vì tạo ra cảm giác no bụng. Có một đoạn Suối Cát gấp khúc, uốn lượn quanh co rất khó đi, hai bên bờ là những ụ đất đắp thành đập dày, có lẽ là để lấy nước chảy vào ruộng, vì có những chiếc máy bơm Kohler, Yanmar… gác trên bờ suối gần đó. Càng lên cao, gần tới Quốc lộ 13 mới thì lòng suối càng hẹp lại, nắng chói chang vì thiếu bóng mát, giống như một con mương, trước khi dòng suối chun vào một cái cống nằm dưới mặt đường nhựa, và bên kia đường  len lõi mất hút giữa hai vạt đất gò trồng hoa màu xanh um. Cuộc du ngoạn đến đây tạm ngưng, cả đám sau khi nghỉ ngơi một lúc lại đi dọc theo lòng suối về trường. Lần này thì đi nhanh hơn, và không ai chờ ai nữa vì mệt và đói. Tất cả đều hài lòng, dù cuộc đi chơi bắt đầu do một ý tưởng tình cờ nhưng qua đó đã thắt chặt tình bạn gắn bó giữa các bạn trong lớp: lớp 11 B5 Trung học Trịnh Hoài Đức niên khóa 1971 – 1972. Một sự kiện nữa là trong lúc mê mãi lội suối, ít bạn để ý thấy có hai chiếc trực thăng quần đảo trên bầu trời, sau này mới biết do đám đông áo trắng lội suối đã gây sự tò mò chú ý,mãi một lúc sau không thấy có gì khả nghi thì hai con chuồn chuồn đó mới bay đi.

     Ngày nay nếu có dịp đi ngang cống Suối Cát, ranh giới giữa Thuận An và Thị Xã Thủ Dầu Một, đi từ hướng Bình Dương về các bạn hãy nhìn sang bên phải, dòng suối vẫn còn đó để tưới mát giữ màu xanh cho cánh đồng mặc bao biến động của cuộc đời. Dòng nước mát tạo ra cơm ăn áo mặc, cùng với giọt mồ hôi mẹ cha đổ ra trên cánh đồng cho các thế hệ con cháu lớn lên vào đời , dòng suối vẫn ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ của nó một cách chăm chỉ tự nguyện mà mấy ai biết tới. Mong sao suối Cát đừng chịu cảnh hẩm hiu như suối Chòm Sao của nhà văn Lý Lan, dòng suối này chỉ còn là một dòng nước đục ngầu hôi thối , làm chức năng tiêu thoát nước cho Khu Công Nghiệp gần đó chứ không còn là một dòng suối êm đềm thơ mộng như trong ký ức của nhà văn Lý Lan nữa. Đừng để các thế hệ học sinh Trịnh Hoài Đức sau này đọc lại bài viết này xem như một câu chuyện cổ tích. Gần bốn mươi năm đã qua đi, có nhớ có quên nhưng hình ảnh bóng nắng đổ dài loang lỗ trên mặt nước, những tàn cây rợp mát, những trò nghịch ngợm vốc nước tạt ướt áo nhau…thuở nào đi chơi suối Cát thật sự là một kỹ niệm khó quên của tuổi học trò một thời áo trắng./.

Lưu Thanh Bình
(03 – 2010)