Sơn Mài Cảnh An – Thủ Dầu Một xưa
Minh Tâm



Kính gởi chị/anh Minh Tâm,
Tôi xin thưa cùng chị đôi dòng, tôi có sở hữu một tấm sơn mài của hiệu Cảnh An, qua tìm hiểu thông tin tôi vô tình ghé trang của hội học sinh trường Trịnh Hoài Đức và đọc được bài “Chánh Hiệp Quê Tôi” do chị viết, thật lấy làm vui sướng khi biết chị là tiểu thư của hiệu Cảnh An năm xưa. Trước xin hỏi thăm chị khỏe không? Và qua đây nhờ chị cho mình xin chút thông tin về hiệu Cảnh An của mình, ở vùng Trấn Thủ xưa thì mình thấy nhiều thông tin về hiệu Thành Lễ nhưng Cảnh An mình tuy vang danh một thời nhưng thông tin lại rất ít.
Nay nhờ chị bỏ chút ít thời gian, giúp anh em sưu tập chúng tôi có thêm chút thông tin về một hiệu nổi danh để bổ sung vào kho tư liệu lưu truyền cho hậu thế tham khảo!
Thân kính,
Phúc Định

*****

Trên đây là nguyên văn email của một người không quen gởi cho tôi. Ông là người sưu tập cổ vật và muốn tìm hiểu về một tấm sơn mài hiệu Cảnh An mà ông sở hữu. Ông gọi tôi là chị vì thấy tên Minh Tâm thì nghĩ là con gái. Cảnh An là cơ sở làm sơn mài của ba tôi khoảng hơn 50 năm trước. Đọc thư mà lòng tôi cảm thấy xúc động và ngạc nhiên khi thấy sản phẩm của ba mình nay đã trở nên hiếm quý và là hàng sưu tập của những nhà nghiên cứu và thích đồ cổ. Người viết thư cũng muốn tìm hiểu thêm về hiệu Cảnh An nên tôi nghĩ mình cũng nên viết đôi hàng về xưởng sơn mài nầy để người đời sau có tài liệu nghiên cứu. Trước tiên xin nói về ba tôi, người chủ của hãng nầy:

Thân thế của ba tôi:

Ông sinh năm 1914 ở làng Tân An – Thủ Dầu Một. Ông nội tôi là một nhà nho, một đông y sĩ biết chữ Nho, biết bắt mạch, hốt thuốc. Thuở  nhỏ ba tôi học chữ Nho với thân phụ, sau nầy ông theo học trường Bá Nghệ Bình Dương. Sau khi tốt nghiệp, ông lập gia đình với má tôi là người làng Chánh Hiệp. Ông đi làm ở Kho Xăng Nhà Bè. Tới năm 1945 thì vì chiến tranh nên nghỉ và về quê để lánh nạn. Khoảng năm 1947-48, ông thành lập xưởng sơn mài Cảnh An. Hiệu Cảnh An lấy từ tên hai người chị của tôi là Từ Thị Cảnh và Từ Thị Yên (An).

Xưởng thường xuyên có 10-15 thợ. Công việc làm ăn rất thuận lợi và ông đã có thể mua xe ô tô để giao hàng ở Sài Gòn. Nên nhớ khoảng năm 1950, có xe ô tô riêng là khá giả lắm. Ở Bình Dương, xã Chánh Hiệp chỉ có gia đình Đông Y Sĩ Lâm Văn Luận (Ông Cả Luận) và ba tôi là có xe riêng mà thôi.

Thế nhưng năm 1954, ông bị tai nạn. Do tránh một xe nhà binh ở cầu Vĩnh Bình ở ranh giới Bình Dương
-Sài Gòn mà ông lạc tay lái, xe rớt xuống sông. Ông bị gãy chân phải nằm bịnh viện một thời gian dài. Chiếc xe coi như hư hỏng 100%.

Sau khi người Pháp rút đi, hàng sơn mài thiếu nơi tiêu thụ, thêm vào đó do ba tôi lại bị tai nạn nên việc sản xuất bị chậm lại. Khi tôi lớn lên khoảng đầu thập niên 60 thì hãng cũng còn sản xuất nhưng công việc không dồi dào như trước đó.

Chiến tranh ngày càng gia tăng cường độ. Anh em công nhân bị đi lính, do đó hãng không có người làm và phải đóng cửa khoảng đầu thập niên 1970.

Sau 1975, có người rủ ba tôi tái lập xưởng sơn mài, nhưng lúc đó, việc làm ăn khó khăn vì phải vào tổ hợp, hợp tác xã … nên ba tôi không thuận và sơn mài Cảnh An không có cơ hội hồi phục.

Ba tôi mất năm 1996 khi tôi đã đi định cư ở nước  ngoài. Nhớ lại ông là một người hiền lành chất phát. Ông biết chữ Nho, tiếng Pháp, chút ít tiếng Quảng Đông đủ để giao dịch mua bán. Sản phẩm của xưởng sơn mài Cảnh An là hàng hiệu, làm cẩn thận đúng quy trình để có chất lượng tốt không thua hàng Thanh Lễ , Trần Hà nhưng bán với giá nới hơn một chút vì chủ yếu lấy công làm lời. Bây giờ xin nói sơ qua về cách làm sơn mài của ba tôi.

Sản phẩm sơn mài Cảnh An:

Vật liệu:

Để làm ra sản phẩm thì phải có vật liệu. Tranh sơn mài thường làm từ gỗ cây mít. Khi nào làm tranh lớn thì dùng ván ép, sau đó bọc thêm hai lớp vải và dùng sơn để dán vào thân gỗ, nhờ đó tranh không bị cong vênh khi thay đổi nhiệt độ. Các loại sản phẩm khác như Dĩa, chén uống trà,
bình hoa, hộp đựng đồ trang sức ... thì có người tiện sẵn đem đến bán và cũng làm bằng gỗ cây mít.

Tiếp theo là sơn. Sơn ở đây là mủ cây sơn. Cây nầy mọc nhiều ở vùng Phú Thọ (Bắc Phần). Sau năm 1954 thì ba tôi mua sơn Nam Vang từ Cam Bốt đem về. Nói là sơn Nam Vang nhưng tôi nghĩ nguồn gốc của nó chắc cũng từ Miền Bắc đem vào mà thôi. Thùng sơn gốc thường khoảng 5 lít. Sau khi mua về thì phải chế biến thêm mới dùng làm sơn mài được. Do sơn là một chất khá độc nên khi chế biến có thể làm cho mặt của người công nhân sưng lên từng cục. Thời đó, vấn đề bảo hộ lao động ít được quan tâm nên mặt của những người thợ sơn mài thường bị sưng mà họ đành chấp nhận mà thôi.

Ngoài sơn, tranh sơn mài còn dùng nhiều vật liệu trang trí khác như: võ trứng, ngà voi, ốc xà cừ, vàng lá… để cẩn hay phủ lên những chỗ cần thiết tạo cho bức tranh một giá trị tuyệt đẹp.

Một bức tranh sơn mài được thực hiện qua nhiều công đoạn
trong thời gian khá dài từ 4 tới 8 tuần mới xong. Đó là một bất lợi cho việc sản xuất. Đôi khi người đặt hàng ở Sài Gòn cần gấp, nếu làm không xong trong thời gian quy định (như do chiến tranh đường đi không được hay do thời tiết mà hàng không khô kịp) họ về nước mất thì hàng bán không được.

Nhân công:

Xưởng sơn mài Cảnh An thường có 10-15 nhân công. Người vẽ giỏi nhứt là anh Tư Cấm (người ở xóm Giếng Máy – thân phụ của Luân Anh Dũng, sau nầy mở xưởng riêng). Những người khác là anh Ba Tùng, cô Hai (Chùa Hang), Út Nhỏ, Anh Cộng.

Đồng Nghiệp:

Cùng thời với sơn mài Cảnh An có những nghệ nhân khác như quý Ông Ba Phát Thạnh (xóm Miễu tử Trận), Năm Chước, Ba Tèo, Năm Nghĩa (Chợ Cũ)… quý vị nầy hay tới chơi với ba tôi và nhận hàng của ba tôi về gia công (hay ngược lại).

Sản phẩm:

Sản phẩm của xưởng sơn mài Cảnh An làm ra rất phong phú, đa dạng.
Về tranh thì có: tranh đồng quê Việt Nam, tranh mai, lan, cúc, trúc, hay ngư tiều, canh, độc. Thêm vào đó là tranh cá vàng. Cá được vẽ ẩn dưới lớp sơn, để lâu, càng ngày cá hiện ra thêm rõ. Rồi còn có tranh tùng lộc, mai điểu… Có tranh vẽ và cũng có tranh cẩn ốc, cẩn trứng…


Tranh cảnh đồng quê, vẽ xong thì dùng vàng lá để phủ lên (nay là hàng sưu tập)

Ngoài tranh còn có hộp nữ trang, bình hoa, án gió… Nếu có người đặt hàng thì Cảnh An còn có thể sản xuất tủ thờ, tủ cẩn ốc, bàn ghế salon … (lúc đó ba tôi phải đặc biệt mướn thêm những họa sĩ nổi tiếng để thực hiện).

Một email của anh Đinh Vương nhận định về sản phẩm sơn mài Cảnh An như sau:

“Trở lại bức tranh trên, mình rất quý tuy trước giờ đã sưu tầm nhiều tấm sơn mài Thành Lễ nhưng không cảm nhận được cái đẹp và có hồn  như bức tranh của Cảnh An này của hiệu mình, mang nét gì đó rất hài hòa, thanh bình  - đúng “Cảnh An bình" thật nhưng không kém phần tinh tế  chắc hẳn người thợ làm phải là người tài hoa tột bực! và tranh của Cảnh An thì hình như có vẻ hiếm hơn Thành Lễ, hay chăng như chị nói lúc đó mình chủ yếu làm xuất khẩu hoặc giá thành đắt nên chỉ có những nhà quyền quý mới có thể sở hữu!”.

Tranh sơn mài của Cảnh An thường có chữ ký của hãng ở góc dưới, khi thì bằng tiếng Việt, cũng có khi bằng chữ Nho (có người chuyên môn đọc được là Thủ Dầu Một, Cảnh An tạo). Hiện giờ, tranh sơn mài Cảnh An trở nên hiếm và quý, thậm chí có người đã làm giả.

 
Chữ ký trên sơn mài Cảnh An

Một thời vàng son:

Dù sản xuất ở Bình Dương nhưng ít người Bình Dương biết đến Cảnh An. Đó là vì sản phẩm làm ra giá khá đắt tiền và chỉ tiêu thụ trong giới thượng lưu ở Sài Gòn hay xuất khẩu. Sơn mài Cảnh An làm theo đơn đặt hàng. Người đặt hàng là những tiệm bán hàng mỹ thuật ở Sài Gòn như: Laudine, Nguyễn Oanh, Thẩm Oánh
  (trên đường Tự Do), Diệp Thiêm (ở đường Tạ Thu Thâu)… và một số tiệm trên đường Gia Long, Lê Thánh Tôn… mà tôi không nhớ rõ.

Cứ vài tuần, ba tôi đi Sài Gòn nhận đặt hàng và giao hàng. Trước 1954 thì đi bằng xe nhà, sau nầy phải đi xe lô rất vất vả.
Đầu thập niên 1950, sản phẩm Cảnh An bán rất chạy vì lúc đó người Pháp sắp rút quân, trước khi về nước, họ muốn mua những sản phẩm địa phương để làm kỷ niệm. Hàng hóa bán chạy, cuối năm ba tôi thưởng cho anh em công nhân cũng khá, khi thì chiếc đồng hồ đeo tay (lúc đó rất có giá trị), khi thì tiền mặt…. Châm ngôn của ba tôi là “Lao tư hợp tác” nghĩa là lao động và tư bản cùng nhau làm việc. Ông chủ có tiền thì nhân công cũng được chia phần.

Nhân một cuộc triển lãm mỹ thuật ở Sài Gòn. Ba tôi cũng đã tham gia một gian hàng để trưng bày sản phẩm của mình. Gian hàng đã được ông Toàn quyền Pháp đến xem và khen ngợi.


Sản phẩm của sơn mài Cảnh An triển lãm ở Sài Gòn

Sau 1954, tuy sản phẩm bán hơi chậm nhưng cũng có lúc hàng làm không kịp. Đó là khi có một tiệm mới khai trương ở đường Lê Thánh Tôn. Họ không đủ vốn để mua hàng Thành Lễ (1), Trần Hà nên đặt ba tôi làm rất nhiều và ngày giao hàng phải mướn nguyên một xe ô tô để giao.

Chiến cuộc làm cho nhân công phải đi lính, xưởng thưa dần và cuối cùng phải đóng cửa. Một số hàng còn lại vẫn có người tìm mua. Đặc biệt tôi nhớ có ông bác sĩ người Phi Luật Tân (rễ của bida Chiếu trên đường Ngô Quyền rất thích sơn mài của Cảnh An). Ông là người mua rất nhiều hàng sơn mài để đem về Phi Luật Tân để tặng cho gia đình.

***

Do nhận được email của người không quen mà có bài nầy. Khi viết tôi cứ lo là người đọc sẽ nghĩ tôi là con của ông Cảnh An nên “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng rồi tự nhủ mình cứ viết sự thật để có tài liệu cho người nghiên cứu hay cho các con cháu trong gia đình biết về một người ông, một người cha có chí có tâm, người đã từng lập nên một cơ sở sản xuất khá nổi tiếng ở tỉnh nhà và được nhiều người mến mộ.

Đó phải chăng là điều làm cho ông mỉm cười nơi chốn suối vàng.?

(2/2016)


Ghi chú:
(1) Xin kể thêm một câu chuyện ngoài lề do ba tôi kể :
Hãng sơn mài Thanh Lễ thành lập năm 1943, lúc đầu có tên là Thanh & Lễ, mà người địa phương hay gọi là Thanh Lễ. Thương hiệu nầy lấy từ tên của hai người bạn cùng học trường Bá Nghệ Bình Dương sau ba tôi vài khóa. Họ là hai ông Trương văn Thanh và Nguyễn thành Lễ. Sau một thời gian làm ăn khá thì xảy ra bất hòa, ông Thanh rút ra khỏi công ty và yêu cầu ông Lễ không được sử dụng thương hiệu Thanh Lễ nữa. Ông Lễ không đồng ý. Sự việc ra xử ở tòa do người Pháp xử thì ông Lễ thắng vì tên của ông viết theo tiếng Pháp không dấu là Thanh Le. Sau nầy khi chỉ còn ông Lễ làm chủ thì tên hãng trở nên Thành Lễ. Đó là tên của riêng ông, nhưng đó cũng bắt đầu từ
thương hiệu Thanh Lễ đã rất quen thuộc trong giới thưởng ngoạn. ..