RONG CHƠI THÁNG NGÀY
Lưu Thanh Bình

Độ rày mình ngại ra đường, lý do thì có đủ thứ lý do, như đường xá xe cộ chạy lung tung mất trật tự, như tật bệnh nhiều phải hạn chế đội mưa đội nắng, ngại nhất là những buổi tiệc tùng buổi trưa tận trên…Thủ như hôm nay. Đó là những đám “đi trả” mà dù muốn dù không cũng phải đi bởi vì giờ chót không có ai để gởi. “Bả” lại dỗ ngon dỗ ngọt là đàn ông mấy ông đi dễ, chỉ cần xỏ cái áo sơ mi vô là đi, còn tụi tui phải “đủ thứ” mất công. Thôi thì nói theo phép thắng lợi tinh thần của chú chệt AQ thì cũng nên đi để tự thắng cái lười của bản thân và góp mặt với đời (chưa chết).

Sực nhớ hôm nay là thứ bảy, theo lệ thường thì sẽ có buổi gặp mặt mini tại quán Thanh Thủy để kiểm tra sức khỏe. Bèn ghé chợ Lái Thiêu mua 50 ngàn (hơn 2 đô) bánh đúc ngọt để gọi là đóng góp. Bánh đúc nấu với lá dứa thơm bát ngát, màu xanh mát mắt, cắt xéo xéo cho dễ chấm với nước mật vàng ươm (vô bịch riêng) và gói mè rang để rắc lên bánh đúc khi dọn ra dĩa. Tất cả cho vào cái hộc chứa dưới yên xe và thượng lộ bình an. Đi đường trong để nghía cái trường Trịnh Hoài Đức và tránh cái xô bồ của xa lộ. Sực nhớ đứa cháu gái (cũng học ở đây) vừa thi xong Trung học Phổ thông đang chờ kết quả. Vậy là tam đại đồng trường : cha, con và cháu. Tháng bảy đi Bình Dương nhớ Hoàng Anh năm nào cùng mình và số bạn hữu (có cả Thầy Phúc) khề khà ở quán Diệu Hạnh. Một số phận tài hoa bạc mệnh.

Bình Dương thay đổi quá nhanh, chỉ vài năm mà bộ mặt đã khác hẳn, nhiều nơi không nhận ra. Vòng ngã sáu, quẹo Ngô Quyền sau nhà thờ rồi rẽ trái ra đại lộ Bình Dương, rẽ phải đi về hướng chợ Đình gặp Công viên nước Thanh Lễ, siêu thị Big C rồi tới nhà hàng Mira. Sở dĩ mình không đi hướng sân banh Gò Đậu vì nếu đi như vậy sẽ đánh vòng rất xa mới có chỗ quay đầu rẽ trái. Kinh nghiệm trận mạc đấy nhé. Thiệp mời ghi 11 giờ, đứng trước sảnh chờ tới lượt làm thủ tục đầu tiên : nhét phong bì vào cái giỏ mây, coi nhỏ vậy mà bao nhiêu nước sông Đà chứa cũng hết. Nói thêm là hồi trước không có cái tục này. Chỉ khi cô dâu chú rể đến chào bàn, ra mắt quan khách thì mọi người mới cho quà mừng. Nhìn đồng hồ đúng 12 giờ, tắt đèn làm lễ, thiệt là không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam.

Xin phép bạn đọc cho mình bỏ qua cái màn dạo đầu của tiệc cưới đã thành công thức mà ai cũng biết. Dĩ nhiên có hơi khác một chút vì đây là nhà hàng thuộc loại Top trên của Bình Dương nên có hoành tráng hơn. Mình chọn cái bàn gần cửa ra vào cho dễ lĩnh, trước lạ sau quen vì toàn là dân làm gỗ. Bia uống tới đâu có người rót châm tới đó, không có màn cụng ly một hai ba dô dô như ở quán. Thực đơn dạo đầu là món gỏi, rồi súp cua, rồi đến món tôm …nhìn qua nhìn lại giả vờ đi vệ sinh rồi lĩnh ra cửa dông luôn, giống như ca sĩ chạy sô. Vào trong thang máy xuống tầng, chỉ có ba người : mình và hai kẻ trong gương. Xong, nhiệm vụ đã thành công tốt đẹp. Trả thẻ xe và trực chỉ quán Thanh Thủy ở Bình Nhâm.

Xứ cây trái bây giờ không còn vườn cây tươi tốt như xưa, dây leo, cỏ hoang mọc um tùm. Bình Nhâm đã đô thị hóa, đường ngang ngõ dọc như ô bàn cờ, đơn vị hành chánh là Phường (đô thị) chứ không phải Xã (nông thôn) nữa. Xem ra trồng cây gì cũng không bằng trồng cây trụ xi măng. Ngày trước ranh đất chỉ bằng con mương hẹp té, nhảy qua cái rột là qua đất khác, người lạ không biết được ranh tới đâu. Tình làng nghĩa xóm chan hòa, một hai trái rụng có nghĩa lý gì. Bây giờ nghe sầu riêng rụng cái bịch là chạy ra nhặt liền, để lâu không còn. Hôm rồi chở bà chị đi thăm nhà vợ chồng anh Lưu Từ- chị Năm ở Cầu  Ngang, mới dừng chân chút xíu là hai ba tay cò đất rà tới đon đả tiếp thị : đất mặt tiền hẻm, xe hơi vô được, bao sang tên, điện nước đầy đủ…Lái Thiêu mật độ dân số tăng cơ học do nơi khác tới chứ không phải tăng tự nhiên, cứ ba người thì có hai là dân nhập cư. Đất lành chim đậu, sự phồn vinh cũng có phần đóng góp của họ, ở đây không hề có sự phân biệt, kỳ thị.

Quán nằm ở mặt tiền QL13 cũ, càng vô trong càng nở hậu, một dãy dài các bàn đông ken thực khách. Không sang trọng như Tiamo Phú Thịnh nhưng cũng không bình dân như các quán dã chiến vĩa hè. Điểm cộng là có nhiều cây xanh, mái lợp lá nên mát mẻ, giá cả hợp túi tiền. Nhiều khi có cả những cặp vợ chồng dẫn con cái đến ăn dịp cuối tuần, bọn trẻ cứ quanh quần bên mấy cái chuồng cu, chuồng gà vịt, nhất là con cò nuôi đi dạo trong sân. Khi mình tới thì đã có ba tay bạn thân ngồi lai rai, có mấy cô tiếp viên lăng xăng, ra vẻ quan tâm đặc biệt đến khách quen. Xin giải thích cho mấy ai ngoại đạo biết rõ mà phân biệt giữa tiếp viên quán ăn và tiếp viên karaoke : ở quán không có trò ôm ẳm hun hít, bỏ dép nhảy tót vào lòng người ta như ở karaoke đâu, trừ khi khách ruột thì có thể cho véo một cái. Mình hiểu các bạn thích sự vui vẻ để lây cái cảm giác trẻ trung ở họ chứ không phải vì dục vọng. Món bánh đúc được chấm giải nhứt, nhưng anh bạn G. cũng đá nhẹ một phát : ai cũng mang đồ ăn tới như ông thì quán chắc lỗ quá. Nhưng có người không sợ bị lỗ đâu.

Nói thật, ban đầu thì mình thích gặp mặt bạn bè để hàn huyên tâm sự, nhưng gặp rồi đâm ra thất vọng. Ba cái chuyện thời sự chẳng ra đầu cua tai nheo, nói tới chuyện chống Tàu và tham nhũng thì sợ đụng chạm, nói tốt thì không thực lòng, nói gà nói vịt một hồi thì thôi, mình xin kiếu trước. Tuổi già cô độc khó dung hợp là vậy. Có được một bạn thân đồng cảm thật là một diễm phúc. Thôi thì vui với mấy con gà, chậu kiểng và cái computer vậy. Mấy lúc sau này mình thích chơi với ông đồ Đào Mộng Nam với bộ Tự học chữ Nho 3 quyển. Nghe nói Mây Trắng Lang Thang cũng thâm Nho lắm, nhưng chưa có cơ duyên hạnh ngộ. Chợt nhớ phần giải tự chữ “Thọ” (trang 438 quyển 1) : công trình tạo tác của kẻ sĩ (công) ở cõi đời này (nhị) chỉ có sự lập ngôn (khẩu) là mới còn được lâu dài (thốn). Bác Nam nói như thế cho người học dễ nhớ mặt chữ chứ ở cái cõi đời ô trọc này, đến như Tố Như tiên sinh mà còn cảm thán : bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như thì cỡ như mình chỉ là một cơn gió thoảng./.