Quê hương! Biết bao điều
để nhớ
Nguyễn thị Hai
Tình yêu quê hương bắt đầu từ những hình ảnh thân
yêu, gắn bó với tôi từ thuở ấu thơ. Xa quê bao
năm nhưng những kỷ niêm êm đềm vẫn mãi còn trong
ký ức và tôi luôn ao ước được trở về sống lại
những ngày tháng vui tươi và hồn nhiên thuở ấy.
Tôi yêu quê hương vì nhớ con đường làng
đất đỏ từ lộ về nhà, mùa nắng thì bụi bay mù mịt
đến những tàu lá chuối cũng thấy đỏ au; sang mùa mưa
thì sình lầy trơn trợt, đi té tới té lui, đi
học phải xắn quần tới gối nếu không thì quần trắng sẽ thành
quần bông…
Tôi yêu quê hương vì tôi nhớ con sông
nhỏ sau nhà, ngày nào mấy đứa con trai trong xóm
cũng ra tập lội và tắm sông. Tôi thường hay lén
ra đứng nhìn và ước gì mình được nhảy ùm
xuống dòng nước xanh mát ấy, nhưng lần nào cũng vậy
hễ ra tới bờ sông đúng nhìn một lát là
thấy Bà Ngoại lẽo đẽo ra sau và trên tay còn lăm
le cây chổi lông gà kèm theo câu nói
quen thuộc của Ngoại: “Con gái không được tắm sông”. Tôi
đành phải líu ríu đi vào mà lòng
thì tiếc nuối.
Tôi yêu quê hương vì nhớ đến những ngày
hè êm ả, ngoài vườn những chú ve sầu kêu
râm ran, chỉ cần một cây sào dài bằng tre có
quấn mủ mít trên đầu, tôi đi quanh vườn mà bắt chúng.
Ve đậu trên cành mít, cành chôm chôm
nhiều vô số kể. Có lúc chị em tôi đem những chú
ve bắt được chiên vàng lên ăn giòn rụm vậy đó.
Tôi yêu quê hương vì nhớ đến những rổ khoai luộc
của Bà, nóng hổi vừa thổi vừa ăn, khoai lang của miệt Tân
Phước Khánh, càng để lâu càng ngọt, ngon đến
nỗi chị em tôi giành nhau đến củ cuối cùng.
Tôi yêu quê hương vì tôi nhớ cái
chái bếp sau hè, đó là nơi tôi ra trốn
và khóc cho thỏa thích mỗi khi bị ăn đòn, vừa
khóc thút tha thút thít, mà mắt cứ trông
Mẹ ra dỗ dành mới chịu nín.
Tôi yêu quê hương vì nhớ đến món cá
rô kho tộ của Bà ăn với cơm cháy nóng và
bông kèo nèo luộc, ăn no căng bụng mà vẫn muốn
xới cơm thêm. Tôi vẫn còn nhớ mãi dáng
Bà ngồi bệt trên cái ngạch cửa trước nhà, miệng
nhai trầu “bõm bẽm” mà mắt nhìn ra cổng trông
ngóng bầy cháu, đứa đi làm việc, đứa thì học
hành ở Sài Gòn; lâu lâu mới về thăm Bà
Ngoại, hôm nào về đông đủ thì Bà vui lắm,
nấu nướng cho ăn và khi chuẩn bị ra về thì Bà dúi
vào túi đứa này, nhét vào giỏ đứa kia
mấy chục đồng tiền lẻ, mà đó là những đồng tiền của
Bà chắt chiu dành dụm. Bà còn soạn trái
cây trong vườn nào đu đủ, chuối, … đứa nào cũng tay
xách, nách mang, từ giã Bà mà chân
bước đi không nỡ vậy đó!!!
Tôi yêu quê hương vì nhớ đến tình làng,
nghĩa xóm, nhớ cái giàn mướp hương của Bác Tám
nhà bên, cứ vài bữa là Bác cắt cho mấy
trái mướp, Mẹ đem nấu canh với mồng tơi và tôm khô,
ngon hết ý. Tôi cũng nhớ cây ổi xẻ của Bác Tư,
những quả ổi chin đỏ thơm phức làm tôi động lòng, lén
trèo qua rào mà hái trộm vài trái.
Bác Tư thấy không rầy la mà còn hái cho
cả bụm nữa chứ. Ôi xấu hổ vô cùng cho cái tuổi
trẻ……
Tôi yêu quê hương vì nhớ hoài những dĩa
bông bí xào của miệt rẫy Bưng Cầu và Tân
Phước Khánh. Bông bí xào với tép rất ngọt.
Hễ tới mùa ngày nào Mẹ đi chợ tôi cũng dặn dò:
“Mẹ ơi, bông bí xào nhe Mẹ”. Ôi hương vị của đồng
quê sao mà ngon quá đỗi!!!
Tôi yêu quê hương vì tôi nhớ những ngôi
trường đã học từ nhỏ cho đến lớn. Mỗi ngôi trường là
một kỷ niệm. Ngôi trường Trung học Trịnh Hoài Đức là
ngôi trường lớn nhất tỉnh Bình Dương, muốn vào học phải
thi tuyển rất gắt gao, vì vậy nên tôi phải vất vả học
lại lớp 5 tới 2 lần mới đậu vào lớp Đệ Thất. Trong suốt 7 năm học
tập, ngôi trường này đã dạy cho tôi biết bao kiến
thức và thầy cô, bạn bè đã gắn bó cùng
tôi bao chuyện vui buồn. Đó là khoảng thời gian tuyệt
vời và đẹp nhất của thời cặp sách.
Quê hương! Ôi hai tiếng nhớ thương, dẫu có xa xôi
ngàn dặm hay sống nơi đô thị phồn hoa, quê hương vẫn
là nơi tôi luôn yêu dấu và mong ước quay
về, dù rằng ngày trở về chắc còn xa vời vợi…….