QUÀ TẶNG TINH THẦN
GS Nguyễn Thị Tâm
Khoảng 12g trưa ngày 4.2.2017 (mùng 8 tháng Giêng – Đinh Dậu), tôi đang
nằm võng xem TV. Nghe tiếng kèn xe trước cổng, tôi cứ ngỡ đến gần ngã 3 nên
người đi xe bóp kèn báo hiệu, lại nghe hai, ba tiếng kèn xe nữa, rồi tiếng
nói lao xao ngoài cổng. Tôi đứng lên nhìn thấy xe máy dựng trước sân. Các
em nói: “Có cô ở nhà mà”.
Tôi ra cửa chính nhìn. À, các em khóa 14 đến thăm bất ngờ. Các em ùa
vào cùng một lúc, ồn ào nói nói cười cười. Tất cả có 6 em. Tôi lấy nước, bánh,
các hạt hạnh nhân, bí, điều... ra. Em Ánh Hồng nói: “Bao nhiêu đó đủ rồi
cô. Cô ra ngồi chơi với tụi em”.
Các em rủ nhau ngồi xích đu, rồi băng đá để chụp hình. Thầy trò nói
chuyện cùng nhau...
- “Chúng em ghé thăm cô xong, chút nữa tính đi thăm cô Sương. Cô đi
với chúng em nhé”. – “Được thôi, đi đột xuất như vầy mới vui. Niềm vui bất
chợt”.
Các em bảo tôi vào thay quần áo khác để chụp hình thêm. Rồi cùng nhau
ồn ào kéo ra cửa.
Em Mỹ Anh chở tôi. Khi ra tới đường chẳng còn thấy 5 em kia ở đâu nữa.
Em hỏi: “Cô biết nhà cô Sương chứ? Các bạn nghĩ cô biết nhà cô Sương nên chạy
đi trước rồi”.
Tôi chỉ đường cho em. Khi chúng tôi đến nhà cô Sương, chẳng thấy em
nào hết. Gọi điện hỏi mới biết các em bị lạc đường, đi lố lên trên, giờ đang
quanh lại.
Tôi gọi Sương. Bạn ra mở cửa ngạc nhiên: “Tâm.” – “Tao đi với mấy đứa
học trò. Mày ra nhìn xem có nhớ đứa nào không?”
Các em có 6, nhưng tôi chỉ nhớ tên 5 em. Các em cũng là học sinh cũ
của Sương nên Sương nhớ gần hết. Vào nhà, các em lần lượt đốt hương cho bàn
thờ chồng Sương.
Chụp vài tấm hình xong, ngồi một lát, tôi bảo: “Thôi mình rút đi”. Sương
nói: “Mới vào mà lo đi rồi”. – “Vậy ngồi thêm chút nữa”.
Cả bọn đói meo. Tôi cũng vậy. Đã định đến quán Mỹ Liên nạp năng lượng
rồi xuống nhà chị Hương chơi. Lúc đó cũng hơn 1 giờ rồi. Các em nói chuyện
ồn ào quá. Tôi bảo: “Trưa mà nói lớn quá, chút nữa mình đi, Sương lãnh đủ”.
Cả bọn cười khúc khích.
Ban đầu Sương cũng định đi, sẵn thăm chị Hương luôn. Nhưng sực nhớ lại
đang có tang nên hơi do dự. Cuối cùng quyết định: “Mày nói với chị Hương tao
cũng muốn xuống thăm chị, nhưng tao sợ không hay nên mày giúp tao gởi lời
thăm thôi”.
Đến Mỹ Liên cũ chỉ có tôi và Mỹ Anh. Các em khác không biết đi đâu.
Lát sau ba em Triết, Ánh Hồng và Liên đến. Ánh Hồng bảo: “Thôi mình đưa cô
vô trong đợi”. Một em điện để hỏi Cam Ly và Kiều Nhung tới đâu rồi. Vì Cam
Ly trước Tết bị té, lưng còn đau nên phải chạy chậm, mới đến Phú Văn thôi.
Quán Mỹ Liên quá đông, chúng tôi phải lên lầu. Leo đến đầu cầu thang
tôi thấy em A, chủ quán, đang ngồi. Em cũng là học sinh trường Trịnh Hoài
Đức. – Em hỏi: “Cô Tâm phải không? Em lâu gặp cô quá”.
Lúc trước mỗi khi ghé Mỹ Liên, tôi đều gặp em. Sau này không gặp vì
em bị bệnh nên chỉ ngồi trên lầu nhìn xuống để quản lý nhân viên.
Quán đắt quá. Trên lầu chỉ còn 1 bàn vì khách ăn xong vừa xuống. Chúng
tôi ngồi vào và gọi món. Chỉ còn bánh bèo bì. Búng, bì cuốn, chả giò không
còn. Mỗi người đành ăn một dĩa bánh bèo và uống nước.
Cả bọn xuống lầu. Em A đang cầm một bịch kẹo hột điều, em gọi tôi và
nói: “Em gởi cô về ăn. Gặp cô em mừng quá. À, cô đợi em một chút, em lấy cho
cô 2 đòn bánh tét. Hôm nay là đám giỗ má em, có bánh tét mới gói”.
Tôi nhớ bác ngày xưa cao, hơi gầy một chút, lúc trẻ chắc khá đẹp, lanh
lợi nhưng chân thật. Thỉnh thoảng tôi ghé vào quán ăn, rồi đi bộ vào trường
Nữ dạy. Bác hay hỏi: “Sao cô ăn ít quá vậy?”.
Một hôm bác đem ra cho tôi mấy chiếc chả giò. Lúc đó chỉ bán bánh bèo,
chưa bán chả giò. Hôm nay nhà có giỗ nên bác mới chiên.
- “Cô ăn thử đi, ngon lắm”. Bác còn nói thêm: “Tôi chỉ tặng một mình
cô thôi. Không có tặng cho ai hết”.
Mỗi khi tôi ghé quán, bác hay ra tiếp tôi, trò chuyện đôi câu. Bác cuốn
bì cuốn có rưới thêm nước mắm vào rất khéo. Khi sợ trễ giờ tôi thường nhờ
bác làm vậy để tôi mang vào trường ăn, không phải chấm nước mắm. Cuốn bì thấm
đều nước mắm ăn rất ngon. Những người không quen cuốn, cho nước mắm vào thì
cuốn bị bể, không dùng được. Chỉ có mình bác làm được việc này. Bác chỉ chịu
cuốn như vậy cho những khách hàng quen thân thôi.
Chúng tôi xuống nhà chị Hương, kêu cửa một lúc lâu mới có người ra mở
cổng. Chị ở trong nhà ra tiếp. Nhìn thấy chị Kỳ - chị của chị Hương – tôi
vào chào.
Sực nhớ đến 2 đòn bánh tét, tôi nói với chị Kỳ: “Em A ở quán Mỹ Liên
có tặng em 2 đòn bánh tét. Để em ra lấy chia cho chị Hương một đòn. Bánh mới
gói”.
Các em chụp hình quanh nhà. Ai cũng có máy nên phải luân phiên, người
này chụp giùm người kia.
Chị Hương mời chúng tôi qua nhà kế bên. Một số em vào tiếp chuyện, một
số mãi mê chụp hình. Tôi cũng vậy. Ở trong nhà các em nói chuyện với chị,
chủ yếu là về đề tài thể dục, môn phất thủ...
Khoảng 3 giờ hơn chúng tôi chuẩn bị ra về. Chị Kỳ ra mở cổng sẵn, cùng
với chị Hương tiễn chúng tôi. Chị Kỳ còn nói thêm: “Hình chụp đẹp quá. Để
rồi xin lại làm kỷ niệm”.
Bận về em Triết chở tôi vì em Mỹ Anh về Thuận An, không tiện đường.
Em Liên chở Ánh Hồng. Cam Ly vẫn chở Kiều Nhung như cũ.
Về tới nhà đã hơn 4 giờ.
Tôi rất thích những cuộc đi chơi gần và đột xuất như vậy. Chỉ cần phụ
huynh học sinh, các bạn, các em đến mời, nếu tôi không bận gì tôi thường tham
gia một cách hào hứng. Chẳng hạn phụ huynh ghé tạt ngang nhà tôi và nói:
“Cô ở nhà đợi. 10 giờ em sẽ đến đón cô đi...” là tôi đi ngay. Vì buổi sáng
tôi chỉ dạy từ 7 giờ đến 9 giờ. Thỉnh thoảng tôi cùng một em đi uống cà phê
ở một quán nào đó. Có khi chúng tôi chỉ yên lặng nghe cả hơi thở của nhau
và tiếng lá rụng nhẹ nhàng đằng xa.
Tôi cảm nhận được cái chết thi vị và cái sống lặng lẽ cận kề bên nhau.
Chúng tôi im lặng sống, chỉ nghe hơi thở. Chiếc lá vàng lìa cành chao đầu
xuống bãi cỏ xanh, một cách êm đềm. Nó nằm phơi mình yên bình, không hề nuối
tiếc, không vấn vít với mọi vật chung quanh. Một cái chết nhẹ nhàng, nên thơ
và đẹp biết bao!
Buổi đi chơi ghé nhà cô Sương, quán Mỹ Liên và nhà cô Hương rất vui
vì không định trước, quá bất ngờ. Vậy là đầu năm nay tôi được thêm quà tặng.
Từ trước Tết đã có rồi giờ mùng 8 vẫn còn được tiếp.
Món quà mà tôi nói ở đây, không phải là quà vật chất của em A tặng tôi.
Mà là món quà tinh thần.
Niềm vui nhỏ có nhiều, tích lũy lâu dần sẽ tụ họp lại thành niềm vui
lớn và rất lớn. Những khe nước nhỏ róc rách trên núi chảy xuống, tập hợp lại
để thành những con suối, những dòng sông... Và cuối cùng thành đại dương.
(Tối 4.2.2017)