Phượng
Kim Nên

(tặng Dũng, Kim Oanh và Nga)

                                       


Mùa hè năm nay, trên những con đường làng quanh xóm nhỏ gần nhà tôi ở Texas, hoa tường vy nở rộ dưới bầu trời trong xanh. Hàng ngày, trên đường về, tôi lái xe qua những con đường thật thơ mộng, lúc ánh nắng chiều vàng yếu ớt xuyên qua các hàng cây tường vy. Những cánh hoa nho nhỏ như đàn bướm con mang sắc màu rực rỡ trắng, tím, đỏ, hồng nhẹ nhàng rơi bay theo làn gió thoảng… Đường làng phủ đầy cánh hoa rơi… Hoa rơi !!! Niềm vui vụt bay mất cho nỗi buồn chợt đến vương vấn tim tôi. Nhìn hoa tường vy rơi tôi chợt nhớ về những cánh phượng hồng rơi rụng cuối sân trường trong một lần tôi về thăm ngôi trường cũ… Tôi chợt nhớ đến người bạn gái mang tên Phượng.


Đi tìm phượng rơi về tặng bạn,
Sao cánh phượng hồng rách tả tơi.
Như người con gái mang tên Phượng,
Ray rứt tim tôi một ngày về…

Phượng và tôi học chung một lớp. Tôi không chơi thân với Phượng nên thật ra cũng không biết nhiều về người bạn học này. Tôi chỉ nhớ Phượng có nước da bánh mật, mái tóc đen huyền chấm vai. Bạn hay cười hiền và ít nói… Kể từ ngày rời xa mái trường thì hai đứa không có dịp gặp nhau. Đôi lần xem lại hình ảnh cũ của lớp, nhìn những nét mặt ngây thơ thật dễ thương với những chiếc áo dài trắng, tôi tìm thấy hình Phượng… Đẹp nhất là tấm hình chụp trước cổng trường Trung Học Trịnh Hoài Đức đã được chọn làm bìa báo Xuân Tân Mão năm 2011.       

Các bạn tôi bên quê nhà năm mươi lăm tuổi đã về hưu ở nhà hưởng nhàn, nên họp mặt sinh hoạt rất thường xuyên. Hình ảnh của các bạn đều được đăng vào trang nhà Trịnh Hoài Đức… Ai ai cũng cười tươi vui vẻ mặc dù vắng thiếu vài đứa bạn… trong đó có Phượng.  Những tấm hình mới vẫn tiếp tục đăng trên trang nhà… Cuộc sống của tôi vẫn bận rộn… Thời gian vẫn âm thầm trôi, bận rộn với bao công việc, tôi không còn nhớ những đứa bạn đã lâu lắm rồi vắng tin.

Cuối tháng tư vừa qua tôi trở về thăm xứ Thủ. Chuyến đi này tôi muốn dành nhiều thì giờ đi thăm viếng bạn bè và tìm lại những kỷ niệm thời tuổi thơ… Tôi muốn đi lại con đường rợp bóng me xanh và con hẻm nhỏ dẫn vào khu phố nghèo… Tôi muốn tìm lại con sông xưa ngày nào bì bỏm tập lội… Một buổi trưa, ngồi chuyện trò với người bạn thân tên Nga, tôi chợt hỏi:
-     Còn đứa bạn nào ở Bình Dương để tao đi thăm nữa không?
-     Mày có muốn đi thăm Phượng không? Cái số nó khổ vì chồng con…
-     Ừ! Mấy chục năm rồi tao không gặp nó, hay là mày chở tao đi…đi…

Tôi ngồi sau chiếc xe gắn máy, Nga chở tôi chạy vèo về hướng chợ Bình Dương, rẽ vào con đường bên hông chợ. Căn nhà cổ xưa màu ngói đỏ kế bên lò bánh mì gần ty Bưu Điện cũ là nơi Phượng chung sống với gia đình bên nhà chồng. Đó là một căn nhà gỗ ba gian cũ kỷ bị mối ăn đang tu sửa lại. Phượng ở gian bên phải… Thấy chúng tôi bước vào, Phượng vui vẻ và bảo ngồi chơi và chờ Phượng vào giường thay tả cho chồng.

Chồng Phượng là con nhà khá giả có tiếng tăm ở tỉnh Bình Dương. Sau năm 75 anh phải đi học tập ở trại cải tạo mấy năm trời… Được tha về nhà không lâu thì anh bị bịnh đứt mạch máu não và nằm liệt trên giường bịnh trên 20 năm qua. Phượng vừa chăm sóc anh vừa nuôi đứa con cũng bịnh tật. Một ngày nọ, đứa con mất đi để lại bao khổ đau cho Phượng. Sáng sáng Phượng ngồi dưới nắng mưa kiếm tiền sinh sống bằng sức lao động của mình thật cực khổ. Nếu vô tình gặp Phượng ngoài đường thì chắc chắn tôi không nhận ra người bạn học năm xưa. Dáng Phượng bây giờ không còn một nét gì quen thuộc để tôi có thể nhận diện được  sau bao năm xa cách… Người Phượng co nhỏ lại, da đen sậm, miệng bạn móm xọm không còn một cái răng… Nhìn Phượng cười sao thương quá đi thôi!

Trở về đây sao hình ảnh Phượng vẫn ray rứt tim tôi. Nổi buồn vương vấn bay qua mãi tận miền biển nắng… Một người bạn ở vùng biển mặn cùng chia sẻ nỗi niềm thương:

Thuở trước xa xưa tình phơi phới
Ve sầu ru Phượng tiếng à ơi
“Dù bao cay đắng hay bão táp
Ta vẫn bên nhau suốt cuộc đời”
Trãi bao trôi nổi cùng vận nước
Chân tình giờ đây giữa biển khơi
Ve sầu gãy cánh nằm khô héo
Cánh Phượng tàn phai giữa dòng đời.

Anh gọi Phượng là “Người đàn bà vĩ đại” bởi bao tháng năm Phượng vẫn một lòng thủy chung, đợi chờ thăm nuôi chồng trong trại tù, sau đó lại nuôi chồng bịnh hoạn trong thời gian dài mấy mươi năm. Tự nhiên tôi chợt thấy mình không là gì cả so với những chịu đựng cùng sự hy sinh và can đảm cao quý của Phượng. Cuộc đời khốn cùng của Phượng đã cho tôi một chút gì để suy ngẫm. Một nỗi ưu tư nhè nhẹ xâm chiếm tâm hồn…
Ngoài kia nắng chiều đã tắt liệm để lại bầu trời một màu tím đậm nhớ thương.

Hè 2013