Chuyến du ngoạn lý thú
Phóng viên không chuyên nghiệp
Chuẩn bị:
Một lần nữa, những CGS và HS Trịnh Hoài Đức lại có một chuyến du
ngoạn thật vui vẻ, thật lý thú. Đó là chuyến đi San Diego sau Đại Hội Toàn
Cầu lần thứ 3.
Chuyến đi đã được “lên kế hoạch” từ một năm trước. Lúc đó, BTC dự tính
sẽ đi 3 ngày lên Bắc Cali để thăm viếng Công Viên Quốc Gia Sequoia, sau đó
sẽ thăm Lake Tahoe, Reno… Để có thể “quậy” tưng thì đoàn phải mướn nguyên
xe buýt mới được. Liên lạc với các công ty du lịch thì họ đòi hỏi phải có
ít nhất 40 người để có thể bao nguyên xe. Trong thời gian đó không thấy CHS
nào hỏi về chuyến du lịch nên BTC lo ngại sẽ không đủ số người tham dự.
Cuối cùng đành phải quyết định đi du ngoạn gần gần, để nếu “ế độ” và có
lỗ thì cũng lỗ ít ít.
Tháng 3/2014, thông báo chuyến du ngoạn vào tháng 7 được đăng lên trang
nhà THĐ và gởi đến những CHS không có email. Lúc đầu, chỉ có một số ít bạn
ghi tên nhưng tới tháng 6 thì danh sách 56 chỗ ngồi trên xe đã đủ. Sau đó
lại có nhiều anh chị muốn tham gia đoàn. Trong lúc bối rối thì chị Kim Nên
và vài anh chị Khoá 9 như Minh Lan, Kim Oanh, Vương Gái cho biết sẽ hy sinh,
nhường chỗ cho quý anh chị mới từ Việt Nam qua tham gia và đoàn sẽ mướn
thêm một xe van nhỏ để đi theo.
Lên đường:
6:45 sáng ngày 6/7/2014, phóng viên tới điểm hẹn là công ty du lịch Chí
Linh thì thấy hầu hết các anh chị đã có mặt. Ai nấy đều phấn khởi và vui vẻ.
Mọi người đều hy vọng sẽ có một ngày nhiều hào hứng.
Trước giờ lên đường
Kiểm điểm nhân số thấy thiếu một chị từ tiểu bang khác về. Do trái giờ
nên chị ngủ quên. Thế là xe nhỏ phải chờ chị (tội nghiệp quý anh chị đi xe
nhỏ quá!). Còn xe buýt lớn lên đường đúng 7 giờ như chương trình đã định.
Phần điểm tâm được quý anh chị: Đức, Phát, Kim Nên, Phượng.. chuẩn
bị. Trên xe quý anh Huynh, Liêm, Náo... trao đến từng người trong
đoàn những phần điểm tâm gồm bánh bao, bánh paté chaude, nước cam, nước ngọt…
Trưởng đoàn là Anh Diệp chào mừng phái đoàn du ngoạn hôm nay và giới thiệu
bác tài người Mỹ là Johnny. Mọi người vỗ tay với hy vọng sẽ có một chuyến
đi an toàn và phấn khởi.
Mở màn BB:
Từ Little Saigon đến San Diego, thời gian di chuyển chỉ khoảng
90 phút. Không có nhiều thời gian nên Minh Tâm bắt đầu chương trình sinh
hoạt với việc bắt nhịp để đoàn cùng hát hai bài ca là Khoẻ Vì Nước và Quyết
Tiến để mọi người làm quen và “tan băng”, mở lòng cùng bạn đồng hành. Sau
đó Tâm đố một câu đố. Đó là trên xe hôm nay có một nhân vật mà cái tên khi
nói ra thì mọi người “hơi nể”. Vừa nói hết câu thì Tâm liếc thấy chị Kim
Nên cười mím chi liền. Đúng là thông minh ra phết!. Trong lúc chị Cẩm Hồng
thì hiền lành hỏi thêm: “Làm sao mình biết tên của mọi người trong đoàn
khi chưa thấy giới thiệu ai là ai?” . Không sao đâu, từ từ sẽ rõ.
Tiếp theo Minh Tâm kể một câu chuyện vui tựa đề “Cái Tên”. Anh nói Việt
hay Mỹ khi đặt tên cho con đều phải cẩn thận.
Thí dụ, trong hãng anh làm có một bạn tên Jack. Mỗi lần gặp Jack, anh
thường chào:
- Hi, Jack.
Lúc đó anh Jack thường cười và nói: “Bạn nhớ đừng chào tôi khi gặp nhau
trên máy bay nhé, nếu không tôi sẽ bị rắc rối đó”.
Người Việt qua Mỹ, tên đổi thành First Name, họ đổi thành Last Name.
Có anh Vũ văn Hùng, qua Mỹ đổi thành Robert Vu. Robert thường hay gọi
là Bob. Thế là anh có tên Bob Vu. Bạn nhớ đừng có thêm dấu bậy bạ nhé!.
Anh Tô văn Cư, qua Mỹ đổi tên ngược lại và không có dấu. Xin bạn đọc tự
suy nghĩ tên Mỹ của anh nầy như thế nào!
…
Anh Trần văn Trực, tên Mỹ là Truc van Tran. Tên nầy có đủ ba loại xe:
truck, van và train.
Anh Phạm văn Phúc mới mệt. Tên Mỹ là Phuc Pham.
Có lần anh phải ra toà làm chứng. Quan toà hỏi:
- What is your name?
- Phuc, your honor.
- What? Quan toà hỏi lại. Ông ta nghe chữ Phuc thành Fuck, thế mới
chết. May là có ông luật sư bào chữa giùm, nếu không anh Phúc đã bị rắc
rối.
Trước khi hết chuyện, Minh Tâm đố rằng: “Đố bạn, cái gì của tổng thống
Kennedy dài hơn tổng thống Bush?” . Bạn đừng nghỉ bậy nhé.
Lời giải đáp chính là: Cái Tên. Đó là tựa đề của câu chuyện hôm nay mà.
Chuyện Minh Tâm kể còn dài… “mấy cây số”, nếu kể hết ra đây thì dài dòng
lắm. Mong bạn đọc thông cảm. Nếu sau nầy bạn có dịp thì nên tham gia tua
THĐ để nghe cho trọn bộ nhé.
Trở lại câu đố của Tâm: Lời giải do anh Diệp tìm được. Đó là anh Huynh,
phu quân của chị Nên. Thảo nào chị cứ cười mím chi hoài!. Ra đường, bạn bè
gặp anh đều nói: “Huynh khoẻ không?”. Chưa gì đã được bạn bè gọi là anh rồi.
Còn gì sướng bằng!. Đặt tên như vậy mới đúng phải không bạn?
Mọi người trên xe đều bắt đầu nở nụ cười thoải mái sau câu chuyện mở đầu
của Tâm. Ngay cả bác tài, nghe loáng thoáng câu chuyện mà khi xuống xe ổng
đã kiếm cho được Tâm để nói: “I understand a little bit. You’re so funny!”.
Tiếp theo, anh Luân hữu Đức - người hùng về từ Arizona - lên diễn đàn.
Anh đố một câu:
- Đố bạn trái gì mà có hai tên?
Câu nầy anh đã đố rồi trong chuyến đi kỳ trước, thế mà phóng viên đã quên
mất. Đúng là tuổi già “lú lẫn”. Câu trả lời là trái nhãn hột tiêu. Rõ ràng
một trái mà có 2 tên. Câu đố hay phải không bạn?
Tiếp tục chương trình, chị Kim Nên đã “lên sân khấu” trình bày nhạc phẩm
Về Đâu Mái Tóc Người Thương. Giọng ca ngọt ngào tình cảm của chị đã được
cả đoàn tán thưởng. Ngay cả bác tài cũng vỗ tay đến nỗi Trưởng Đoàn sợ quá,
nói đừng hát nữa để ổng lái!.
Tâm còn tiếu lâm và nói: “Không sao, nếu ổng không lái thì “Để ngộ lái
chút”.
Đố vui văn nghệ:
Tiếp tục chương trình, chị Nên đề nghị cả đoàn tham gia một trò chơi là
Tìm Tựa Bài Hát. Anh Diệp sẽ hát một, hai câu đầu của bài hát. Đoàn sẽ tìm
xem tựa đề bài hát là gì. Mới đầu còn dễ, từ từ có bài anh Diệp hát gần hết
bài mà không ai biết là bài gì. Công nhận “đại ca Trưởng Đoàn” rất có khiếu
văn nghệ và nhớ bài hát cũng dữ!.
Giới thiệu đoàn:
Được nửa chặng đường đi San Diego, anh Diệp bắt đầu giới thiệu các thành
viên của đoàn du lịch hôm nay.
Về thầy cô có GS Lê Đức Cửu từ Việt Nam, GS Đặng Ngọc Liên và Lê Hồng
Lệ (từ San Jose).
Về học sinh có: các CHS từ Việt Nam qua: Võ Tuyết Vân, Võ văn Lập, CHS
Trần Tấn Lực và phu nhân là chị Phấn, Nguyễn văn Làm và phu nhân
Phương Lan, Trần Thị Thu (K9 – em họ Trưởng Đoàn). Từ Thuỵ Sĩ có chị Lâm Kim,
từ Úc có chị Nông thị Ngọc Tuyết. Từ Bắc Cali có chị Bích Thuỷ, Ngọc Điệp,
Ngọc Sương, Nguyễn văn Đông, Phan Hồng Liêm, Phan Văn Tăng và phu nhân, Nguyễn
Thị Điệp… Oklahoma có anh chị Nguyễn văn Viện (K3), CHS Nguyễn Thuý Hồng
(K15)…Pensylvania có CHS Võ thành Long (K5) thêm vào đó Texas có vợ chồng
chị Kim Nên (K9) , Bùi văn Cư, Lê văn Cẩm Hồng (K2), Đỗ thị My…
ngoài ra còn có chị Lê thị Bạch - hoa khôi một thưở, Canada gởi: Minh Lan
và Kim Oanh (K9), Okland có: CHS Phan Hồng Liêm, CHS Phan Văn Tăng và phu
nhân là chị Lai, còn lại các CHS ở miền Nam Cali. 50% đoàn là
những thành viên của đoàn du lịch kỳ trước.
Mọi người vui vẻ bắt tay nhau chúc mừng cuộc hội ngộ kỳ thú trong một
ngày nắng ấm.
Một câu chuyện vui:
Thấy đoàn vui quá, thầy Cửu cũng lên “sân khấu” và kể một câu chuyện vui.
Chuyện đại khái như sau:
Có một nhà kia nuôi hai con két, mà chủ nhà không biết con nào trống con
nào cái. Một hôm chủ nhà thấy con trống yêu con mái mới bắt con két trổng
nhổ một vài cọng lông trên đầu để làm dấu.
Vài hôm sau có một nhà sư đi ngang nhà.
Con két đột nhiên cất tiếng: “Kính chào sư phụ”.
Nhà sư mới ngạc nhiên hỏi: “Lạ quá, sao ngươi biết ta là sư?”
Con két trả lời: “Vì con có một lần mà bị vặt mấy cái lông trên đầu. Ngài
không còn tóc nên đúng là sư phụ rồi”.
Ha ha ha, cả đoàn cười vui vẻ. (Chuyện nầy cấm kể cho các “sư phụ” nghe
nhé).
Thầy Cửu rất chân tình và hoà đồng với các cựu học sinh “già”.
Cô Lê Hồng Lệ:
Tiếp tục chương trình, cô Lê Hồng Lệ ngồi gần micro nên cũng cầm micro
để chào mừng phái đoàn và cho biết đây là lần đầu tiên cô đến họp mặt và thấy
các em học sinh của cô thật vui vẻ, trẻ trung dù gần 50 năm nay mới gặp lại.
Cầm tặc trước tiên phải cầm vương:
Sau đó cô Đặng Ngọc Liên kể chuyện lúc cô về Trịnh Hoài Đức dạy thì mới
có 21 tuổi. Cô dạy môn Toán. Tuy chỉ dạy Đệ Thất, Đệ Lục, mà học sinh trường
tỉnh cũng lớn lắm. Mấy anh chàng nầy to nhỏ với nhau: “Con bé nầy mà dạy
ai?”. Cô nghe được mới suy nghĩ cách “trị” mấy anh nầy. Cô coi sổ đầu bài,
kêu một anh lớn tuổi lên trả bài. Anh nầy không trả lời được. Cô bắt đứng
đó. Sau đó, cô tiếp tục gọi vài anh lớn tuổi khác. Mấy anh nầy cũng trả lời
không xuôi. Cô cho đứng như trời trồng một lúc thì tha. Từ đó cả lớp ngán
cô và học hành đàng hoàng. Đó là kinh nghiệm : “Cầm tặc trước nhứt phải cầm
vương”.
Cô còn kể hồi về dạy Trịnh Hoài Đức , lớp đầu tiên cô dạy là
lớp có chị Nguyện là con của ông Hiệu Trưởng Trương văn Di. Chắc cuối năm,
chị Nguyện khen cô nên qua niên khoá sau khi chị Nguyện lên lớp thì cô Lệ
cũng lên lớp theo để dạy tiếp. Chị Trương thị Nguyện bây giờ là Kiến Trúc
Sư định cư bên Úc, nếu có đọc được phóng sự nầy chắc chắn sẽ nhớ cô Đặng Ngọc
Liên, một vị giáo sư tận tuỵ với nghề, nay đã hơn 70 tuổi vẫn còn nhớ tới
tên chị.
Chuyện tình bây giờ mới kể:
Rất thân tình, cô Liên còn kể tiếp chuyện tình của cô cho cả
đoàn nghe. Đó là một chuyện tình có hậu giữa cô và thầy, cũng là GS Trịnh
Hoài Đức. Kết thúc là một đám cưới tưng bừng mà tới khi thiệp hồng được gởi
đến thầy Hiệu Trưởng thì thầy cũng ngạc nhiên... Tuy nhiên, phóng viên xin
để dành lại không kể ở đây. Bạn đọc muốn nghe được những câu chuyện đầy hấp
dẫn như vậy phải ghi tên các chuyến du ngoạn sau nầy do hội tổ chức , chớ
nói ra hết … thì mất hay.
Một chuyện vui nữa
Nghe Cô Liên nói chuyện rất vui , anh Bùi An Cư tình nguyện lên diễn đàn
để tiếp tục một câu chuyện vui như sau:
Có một học sinh kia khi đi học đã nói với cô giáo rằng:
- Thưa cô, ba em nói: “Cô đã làm cho ba em mất ăn mất ngủ”.
Cô ngại ngùng trả lời:
- Vậy hả?. (và nghĩ thầm chắc mình cũng có duyên lắm).
- Thế ba em còn nói gì nữa?
Đứa học trò mới trả lời:
- Dạ ba em nói, ba phải đi làm cả ngày, tối về xem homework (bài làm
ở nhà) của em để dạy cho em, mà bài cô cho khó quá, ba suy nghĩ không ra,
đến nỗi mất ăn mất ngủ đó mà…
Cả đoàn có dịp cười thoải mái.
Tiếp theo, thầy Lê Đức Cửu kể tiếp một giai thoại văn học với bài thơ
của Hồ Xuân Hương. Thầy kể vừa xong thì đoàn cũng tới địa điểm dừng chân
đầu tiên:
La Jolla Cove:
Đoàn có 60 phút thăm viếng nơi đây. Đó là một công viên cây xanh rất đẹp
nằm sát bờ biển Thái Bình. Công viên nằm trên cao, phải đi bộ theo cầu thang
xuống một bãi tắm hình bán nguyệt ở bên dưới. Một đầu của bãi biển là nơi
có nhiều đá cuội to lớn và một hang động nhỏ. Nhiều thành viên trong đoàn
đã xuống tham quan và chụp hình ở đây. Phía xa, có một đàn hải cẩu đang
nằm phơi nắng. Trên sườn đồi dọc bờ biển là những chung cư dành cho du khách.
Hôm nay trời nắng, du khách khá đông. Đoàn du lịch cũng vui vẻ thoải mái
chụp hình, tán gẫu, nhắc kỷ niệm xưa trong một ngày nhàn rỗi.
Cô Lê Hồng Lệ, Đặng Ngọc Liên, và chị Võ thị Thoại chụp ảnh kỷ niệm tại
La Jolla Cove
Lúc nầy xe nhỏ số 2 của đoàn cũng đã tới. Đoàn du lịch đã tái ngộ đầy
đủ.
Thăm viếng Hàng Không Mẫu Hạm Midway:
Lúc 9:35, đoàn lên xe đi tiếp tới địa điểm du lịch thứ hai đó là Hàng
Không Mẫu Hạm Midway. Đây là một HKMH cũ được hạ thuỷ từ thế chiến thứ hai.
Nó đã từng tham chiến tại Việt Nam và vùng Vịnh trong chiến tranh lần thứ
nhứt.
Hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” Minh Tâm nói sơ về câu chuyện của Thiếu Tá
Lý Bững. Ngày 29/4/1975, Thiếu Tá phi công Lý Bững đưa vợ và 5 con lên chiếc
một máy bay L-19 chỉ có hai chỗ (loại Cessna O-1) cất cánh từ Côn Sơn. Sau
khi thấy HKMH Midway, anh cho bay vòng vòng tàu mà không thể liên lạc bằng
vô tuyến với tàu được. Anh mở đèn báo hiệu muốn đáp xuống tàu mà không có
chỗ vì trực thăng đậu đầy sàn tàu. Sau khi bay quanh tàu 3 vòng, anh ta
thả một lá thư (cột vào cây súng ngắn) xuống tàu đại ý như sau: “Xin vui
lòng dọn dẹp những trực thăng trên sàn tàu. Tôi có thể đáp xuống với phi
đạo ngắn. Tôi còn xăng và có thể bay 1 giờ nữa để chờ đợi. Xin cứu chúng
tôi.” Hạm trưởng tàu Midway ra lịnh dọn dẹp các trực thăng. Tất cả nhân viên
bất kể cấp bực phải tức tốc tham gia việc nầy. Nhiều trực thăng UH-1 đã bị
đẩy xuống biển để có chỗ trống (mối chiếc giá trị 10 triệu đô la). Sau đó
chiếc máy bay L-19 đáp xuống tàu an toàn trong sự chào mừng của thuỷ thủ
đoàn và của Hạm phó về sự gan dạ và khả năng tuyệt vời của ông khi đáp xuống
HKMH một cách bình an trong điều kiện hết sức khó khăn. Sự nhân đạo của chỉ
huy mẫu hạm đã cứu cả gia đình anh Lý Bững. Nếu không có thể cả nhà đã chết
trên biển vì không đủ xăng để bay về.
Trên HKMH hiện có trưng bày một chiếc máy bay tương tự của thiếu tá Lý
Bững khi hạ cánh trên tàu.
Đoàn tới trước lối vào HKMH lúc 10:05. Một số ít anh chị đã xem HKMH sẽ
theo anh Diệp dạo chơi vòng quanh khu hải cảng. Đa số sẽ theo Minh Tâm để
vào xem bên trong.
Trước tiên đoàn vào xem khu ăn ngủ và sinh hoạt của thuỷ thủ cũng như
các phòng hành quân… Ở đây, có tượng sáp của một nhân viên trên tàu mang
họ Nguyen. Bà con chọc anh Đông (vốn là cựu sĩ quan không quân): Đây chắc
là tượng của anh quá!. Mà thật vậy, trông cũng giống lắm !
Tiếp theo đoàn ra khu nhà kho nơi chứa các loại máy bay. Đó là một sàn
rất rộng bên dưới phi đạo. Sau đó, đoàn lên tầng trên để xem tiếp đủ loại
máy bay từ “Cánh Cụp Cánh Xoè” tới các loại máy bay cánh quạt, trực thăng
UH1, Chinook… Các loại máy bay nầy đã hơn 50 năm tuổi, bây giờ trở thành đồ
cổ, chỉ để triển lãm chớ hết chiến đấu rồi. Sáng nay trời nắng tốt nên cả
đoàn chụp được những tấm ảnh kỷ niệm rất đẹp.
Chụp ảnh kỷ niệm khi thăm HKMH Midway
Gần 12 giờ, đoàn ra khỏi HKMH lên xe đi ăn trưa.
Đi ăn trưa:
Trưa nay đoàn sẽ ghé một khu thương xá ở San Diego có tên là Mission Mall
để ăn trưa tự túc. Ở đây có nhà hàng tự chọn mà cũng có những tiệm nhỏ bán
thức ăn đủ các nước Nhật, Ấn, Thái, Mỹ …. Ai muốn ăn gì cũng được, tuỳ ý.
Tha hương ngộ cố tri:
Ăn trưa xong, khi chúng tôi ra phía ngoài thì gặp chị Tuyết
, vợ của BS Rạng. Chị Tuyết là con của “Bà Năm Chi” (nhà bảo sanh Trần Công
ở đường Nguyễn Tri Phương – Bình Dương). Đa số đồng hương Bình Dương đều
biết Bà Năm Chi. Bản thân tác giả, khi mới mở mắt chào đời cũng chính từ
bàn tay của bà.
Hôm nay chị Tuyết biết có người quen đi thăm viếng San Diego nên ghé tìm.
Thế là tha hương ngộ đồng hương. Ai nấy đều chuyện trò vui vẻ, hỏi thăm
nhau đủ thứ, từ sức khoẻ tới việc làm và nhắc nhở nhiều kỷ niệm xưa ở Bình
Dương. Khi biết đoàn sẽ thăm Balboa Park, chị Tuyết và ông xã cũng lái xe
đi theo để tiếp tục nói chuyện. Có đi xa mới thấy thắm thiết nghĩa đồng
bào, tình đồng hương khi gặp gỡ!
Gặp đồng hương BD ở San Diego: Chị Cảnh, vợ anh Trần Minh Tâm, Từ Minh
Tâm, DS Tuyết, Cao Mỹ Châu, Nông thị Ngọc Tuyết, Đỗ thị My.
Balboa Park:
Ăn trưa xong cũng gần 2 giờ. Đoàn lên xe đi thăm một thắng cảnh khác của
San Diego là Công Viên Balboa. Đây là một công viên rộng lớn, nơi có nhiều
kiến trúc xinh đẹp kiểu Tây Ban Nha. Xưa kia nơi đây từng là một khu triển
lãm quốc tế. Sau nầy các toà nhà được chuyển thành các viện bảo tàng, khu
trồng hoa cỏ và thực vật trong nhà. Bên ngoài là các sân khấu lộ thiên và
những bồn nước phun thật đẹp.
Vừa xuống xe chúng tôi thấy có một khu văn hoá với các nhà triển lãm nho
nhỏ của các nước trên thế giới. Một ban nhạc đang trình bày đâu đó. Tiếng
nhạc vang lên vui vẻ và thúc giục mọi người đến xem. Lúc này du khách trong
công viên khá đông nhưng trời cũng khá nóng.
Một số anh chị đi chơi loanh quanh, hay ngồi nghe nhạc dưới bóng râm,
một số trẻ hơn thì theo Minh Tâm đi sâu vào trong để tới Vườn Thực Vật để
xem hoa. Phía trước toà nhà có một hồ nước. Một nhóm nhiếp ảnh đang chụp
hình cho cô dâu và chú rể với phong cảnh ở đây. Hôm nay trong hồ, hoa súng,
hoa sen nở nhiều. Thế là các phó nhòm có dịp bấm máy lia lịa. Tiếc rằng
thời gian thăm viếng nơi đây không dài nên khó có tác phẩm vừa ý.
Balboa Park
Kỷ niệm thăm viếng Balboa Park
Trong khi chờ đợi đoàn tập hợp, có sự hiện diện của khá đông quan khách,
một anh bạn trong đoàn “khích” anh Huynh hôn chị Nên một cái. Không mắc
cở, ảnh ôm chị và hôn một chiếc hôn rất tình. Thế là các máy ảnh có dịp
chộp được một bô hình đầy tình cảm. Anh Huynh là người nhiệt tình vui tính,
chị Nên là người đảm đang, và có nhiều cống hiến cho xã hội, nhà thờ, hội
đoàn. Hai anh chị thật hạnh phúc như mọi người vừa chứng kiến hôm nay. (mời
xem hình trong tranh Hình Ảnh Sinh Hoạt)
Khu Phố Cổ:
Cởi ngựa xem hoa khu công viên chừng 1 tiếng. Lúc 3 giờ, chúng
tôi tiếp tục lên xe đến địa điểm thăm viếng cuối cùng trong ngày: Khu Phố
Cổ (Old Town San Diego). Xe chỉ chạy có 15 phút là tới.
Xin chép lại tài liệu du lịch của tác giả Trịnh Hảo Tâm về Khu Phố Cổ
San Diego như sau:
“…Địa điểm này ngày xưa cách nay 150 năm là thành phố San Diego đầu tiên
do người da trắng tới dựng thành. Kiến trúc thời ấy là những ngôi nhà gỗ
một tầng đôi khi hai tầng là những tiệm rượu, khách sạn mà ta thường thấy
trong những phim cao bồi. Ở đây còn lưu lại những ngôi nhà cũ trước kia là
tiệm buôn, nhà hàng ăn, nhà thờ, bót cảnh sát, tất cả hãy còn đó và được
giữ gìn sạch sẽ với những luống hoa và cây cối được cẩn thận chăm nom. Gần
đó là công viên Presidio là nơi mà trước kia là ngôi nhà truyền giáo và trại
binh được dựng lên vào năm 1769.
Old Town hiện tại là công viên lịch sử của tiểu bang mà du khách vào xem
không phải mua vé. Ngày nay ngoài những nhà bảo tàng nhỏ, những cửa tiệm
bán đồ kỷ niệm và đồ gốm Mễ Tây Cơ, Old Town mang nét đặc biệt là những nhà
hàng ăn Mễ trang trí bằng những màu sắc rực rỡ, những chậu hoa tươi thắm
và những ban nhạc sống tạo một không khí vui tươi sôi động nhưng không kém
lãng mạn trữ tình với những điệu nhạc Nam Mỹ cuồng nhiệt. Nếu bạn không thích
món ăn Mễ nhiều đậu khó tiêu thì ở đây cũng có vài tiệm Tàu sạch sẽ, thanh
lịch mà giá cả lại nhẹ nhàng. Tôi thích tiệm ăn Tàu ở ngoài bìa hướng Tây
của khu phố cổ gần nơi các xe tour bus đậu. Lần đầu tiên tôi đến đây bằng
tour du lịch của người Ðài Loan và anh chàng tour guide chỉ tôi tiệm ăn này.
Sau đó khi hướng dẫn bạn bè từ xa tới thăm San Diego là tôi dẫn họ đến đây.
Nhà hàng này có địa thế cao, khách có thể ngồi nơi patio phía ngoài vừa ăn
vừa ngắm cây cối cảnh vật xanh tươi và những ngôi nhà cũ kỹ mà có cảm giác
ấm áp như ở một nơi nào đó thuộc Á Châu chứ không phải trên xứ Mỹ lạnh lùng…”
Đoàn vào thăm Phố Cổ thì thấy có nhiều tiệm bán đồ kỷ niệm theo kiểu Mexico.
Trong một khu Plaza, có một nhạc sĩ đang thổi sáo. Trưa nay trời nóng mà
tiếng nhạc khá hay nên đa số bà con không đi đâu xa mà chỉ ngồi dưới bóng
mát của các cây hay hiên nhà để nghe nhạc và tán gẫu. Cuộc đời nhiều bận
rộn, phải chăng đây là giây phút thoải mái đôi chút với bạn bè!.
Khu Phố Cổ San Diego
Trong lúc chờ xe, thoải mái "tám" với bạn bè, đó phải chăng là giây phút
thoải mái trong cuộc đời?
Trên đường về:
4:15 phái đoàn lên xe để trở về Little Saigon. Từ đây về Orange
County, thời gian chừng 90 phút. Bà con có vẻ mỏi mệt do thời tiết tháng 7
khá nóng nhưng vẫn tiếp tục nói chuyện và ca hát chớ không chịu ngủ.
Đầu tiên, người về từ miệt dưới Nông Thị Ngọc Tuyết hát 2 bài hát trong
đó có một bài bằng tiếng Nhựt. Chị Tuyết còn kể chuyện đi du học ở Nhựt, lúc
đầu ăn cơm nóng với trứng sống thì ăn không được, nhưng sau nầy ở lâu thì
lại thích món nầy. Chị còn nói người Nhựt rất, rất sạch sẽ. Đường sá, nhà
cửa ở Nhựt đều sạch không một cọng rác.
Tiếp theo, chị Đỗ thị My hát bài Ngậm Ngùi. Chị hơi yếu, đi xe mới có
một ngày mà đã bơ phờ rồi, tuy nhiên, giọng chị trầm ấm và ngân tốt nên
cả đoàn thưởng thức giọng hát chị bằng một tràng vỗ tay tán thưởng.
Hò lơ hó lơ:
Thấy đoàn sắp buồn ngủ, ông phó Minh Tâm bèn bày ra trò Hò Lơ Hó Lơ. Anh
nầy thích hò bậy bạ như:
Chị Nên cùng với anh Huynh (a li hò lờ)
Hôn nhau một cái (a li hò lờ), thiệt tình phải không? (hò lơ hó lơ lắng
tai nghe tiếng ai hò lờ, hò lơ hó lơ).
Còn nhiều câu hò khác, phóng viên không nhớ hết. Nếu có dịp bạn nên tham
gia một chuyến du ngoạn với THĐ và qua đó sẽ nghe được nhiều câu hò rất
vui.
Một câu chuyện BB khác:
Thấy con mắt bà con trong đoàn đã híp, anh Tâm tiếp tục kể thêm một câu
chuyện BB khác. Kỳ nầy nói về Tiếng Việt và sự hiểu lầm khi không có dấu và
khi nghe tiếng địa phương.
Viết Tiếng Việt phải có dấu
Vợ nhắn tin cho chồng mét tội con hư.
Chồng nhắn tin lại: Em là người vợ đảm đang, Em la con đi.
Viết không dấu thành : Em la nguoi vo dam dang, Em la con di
Vợ nhận được tin nhắn, tự thêm dấu đọc là:
Em là người vợ dâm đãng, Em là con đĩ
Tức giận, vợ gọi lại ngay cho chồng:
- Sao anh lại có thể nói về tôi bằng những lời lẽ như thế?...
Chồng vội vàng phân bua:
- Anh bảo là em hãy "la con đi", kể tội con với anh làm gì?
Hai vợ chồng giận nhau cả ngày không nói với nhau câu nào, tối vợ làm
cơm xong nhắn tin cho chồng: "Co ve an com khong con cho?"
Chồng đọc xong, tức giận phóng xe về, gọi vợ ra:
- Cô nhắn tin gọi tôi là con gì?
Bà vợ ngơ ngác:
- Thì em hỏi anh xem “Có về ăn cơm không còn chờ.”
Bởi vậy viết tiếng Việt bắt buộc phải có dấu để tránh hiểu lầm.
Phần sau của câu chuyện không được thanh nhã cho lắm nên xin miễn chép
lại ở đây.
Đại khái đó là câu chuyện một người cha vợ người Quảng Nam nhờ người con
rể người miền Nam lấy xe chở ông ra chợ, nhưng cách trả lời của người con
rể làm ông già vợ tức cành hông.
Anh Diệp tiếp lời và kể câu chuyện hồi xưa học thầy Phạm Ngọc Em. Thầy
dạy vật lý. Một hôm thầy dạy nói hôm nay mình học bài về Con Léc. Cả lớp không
hiểu thầy nói gì. Thầy nói: “Con léc nó léc qua léc lại như thế nầy…”. Tới
khi thầy viết lên bảng thì lớp mới hiểu rằng thầy dạy bài Con Lắc. Nhắc tới
thầy Phạm Ngọc Em, cả đoàn ai cũng tỏ ra rất thương mến vị thầy tận tuỵ dễ
mến...
Huê Mỹ 2:
Trong chuyến du ngoạn hai năm trước, mọi người đều hoan nghinh chị Huê
Mỹ với những câu chuyện vui về quê hương. Kỳ nầy không có chị nên đoàn hơi
buồn. Nhưng nhân tài đã xuất hiện. Có anh Võ văn Lập (K11 - từ Việt nam qua
chơi) lên “sân khấu” để kể một chuyện vui thuộc loại khá BB và sau đó anh
còn hát một bài hát. Anh ăn nói cũng có duyên và kể chuyện rất vui. Chúng
tôi nghĩ rằng Huê Mỹ đã có truyền nhân rồi.
Video Đại Hội:
Lúc nầy coi bộ đoàn đã thấm mệt. Anh Diệp cho chiếu DVD đại hội 3 do anh
Phan Hồng Liêm thu hình. Ai thích thì coi, ai mệt thì “thả hồn theo mây
gió”.
Khoảng hơn 6 giờ chiều, khi gần về tới Orange County theo sự yêu cầu của
nhiều anh chị, Minh Tâm đã bắt nhịp cho bài hát:
Gặp nhau đây rồi chia tay
Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây
Niềm hân hoan còn chưa phai
Hẹn ngày sau sẽ cùng nhau ta sum vầy ….
Lời ca nghe hơi buồn khiến phóng viên cũng hơi rưng rưng nước mắt khi
nghỉ tới sẽ chia tay những người bạn thân mến vừa mới quen mà như đã biết
nhau từ lâu vì đã cùng học chung một mái trường kỷ niệm.
Anh Diệp đại diện Hội cám ơn sự tham gia của mọi người và hy vọng sẽ có
những chuyến du ngoạn đầy lý thú trong tương lai.
Quyến luyến chia tay:
Lúc 6:20 đoàn về tới địa điểm xuất phát là Chí Linh Travel ở Orange County.
Trời mùa hè còn sáng trưng. Mọi người vẫn lưu luyến chưa muốn chia tay.
Có người còn nói: “Vui quá, Tết nầy ráng tổ chức một chuyến khác đi”. Tiếc
rằng một chuyến đi như vậy rất khó tổ chức và phải được nghiên cứu cả năm
trước, nhờ vậy khi thực hiện kỳ nầy cũng tương đối thành công, không có
gì sơ suất.
Mong rằng, trong đại hội sau, chúng ta lại có dịp sum hợp vui chơi, tâm
sự. Hy vọng chuyến đi sẽ dài hơn và lý thú hơn. Muốn vậy mong các thành viên
hôm nay nhớ góp ý xây dựng và thúc giục BTC để anh em có thêm phân khởi
mà thực hiện.
Phóng sự nầy chỉ tóm tắt một số sinh hoạt vui vẻ trong chuyến đi. Có vài
câu chuyện không được nho nhã cho lắm nên không chép lại. Vài câu chuyện
khác có tính riêng tư, kể cho 50 người nghe thì được nhưng ghi ra thì không,
mong bạn đọc thông cảm. Nếu muốn biết “trọn bộ” thì kỳ sau nhớ ghi tên tham
gia du ngoạn, có thể chuyến đi sẽ dài hơn và có nhiều chuyện hấp dẫn hơn
nhiều./.