Một
thiên tài mới khám phá
(tường trình chuyến du ngoạn Bắc Cali – ngày thứ 3)
Phóng viên
không chuyên nghiệp
Ngày N+3:
Reng reng, tiếng điện thoại gọi vang lúc 7 giờ sáng.
Ủa ai gọi vậy ta. Hôm nay 7:30 mới xuất phát mà.
Té ra đó là điện thoại của anh Toàn cho
biết có cháu Phạm phú Thứ đến thăm. Cháu
là con út của anh Toàn. Phú Thứ là
Master về ngành Công Chánh hiện làm việc tại
San Francisco (SF). Hôm nay cháu không quản đường
xa, dậy sớm và chạy từ trên phía bắc SF xuống
đây thăm đoàn. Mừng cho anh chị Toàn & Cảnh
có con học giỏi và thành tài.
Như thường lệ phe ta rất đúng giờ và
phái đoàn lên đường lúc 7:30 nhắm SF trực
chỉ. Chương trình sáng nay là sẽ ghé trở
lại SF một lần nữa để thăm viếng Cung Điện Nghệ Thuật và sau
đó là Cầu Golden Gate. Đoàn sẽ dừng ăn trưa ởSan
Jose trước khi trở về Nam Cali. Chương trình thay đổi,
không ghé đường hoa Lombard được vì xe buýt
lớn không có chỗ đậu. Thay vào đó sẽ được
xem cầu Golden Gate từ hai vị trí khác nhau ở đầu cầu
phía nam và phía bắc.
Xe phải chạy chừng 1 giờ từ khách sạn để đi SF.
Sáng nay trời tiếp tục nắng đẹp. Coi bộ ai nấy khỏe khoắn hơn
một chút sau một đêm nghỉ ngơi. Kỳ nầy không cần
kêu gọi mà phần sinh hoạt đã khởi sắc ngay với phần
kể chuyện của chị Điệp là chị của Thúy Hồng. Chị cho biết
rằng chị là dân "học chạy gạo". Thấy trường nào học
phí rẻ là chị xin vào học, như lúc đầu chị
học ở Nghĩa Phương, sau đó chuyển qua Bồ Đề vì bên
đó học phí rẻ hơn 20%. Tới năm Đệ Nhứt, chị thi và
được tuyển vào Trịnh Hoài Đức để được học miễn
phí. Vào Trịnh Hoài Đức, chị bị cận thị mà
bị "ma cũ ăn hiếp ma mới", bắt chị ngồi ở cuối lớp không thấy
trên bảng viết cái gì. Do đó chị giận
nên không học Trịnh Hoài Đức nữa. Do thời gian học ở
Trịnh Hoài Đức ngắn nên chị ít biết thầy cô.
Chị chỉ nhớ có học thầy Nguyễn trí Thành. Thầy rất
hiền nói giọng Bắc rất nhỏ nhẹ. Học trò rất kính
trọng và thương thầy. Chị Điệp cho biết, chị rất mừng được gặp
thầy Thành trong ngày Đại Hội vừa qua, mấy lần muốn đến
chào thầy, mà ngại thầy không nhớ chị ...
Tiếp theo,
Minh Lan trình bày nhạc phẩm Tuổi Đá Buồn.
Rút kinh nghiệm hai ngày qua là hay quên
nên kỳ nầy có Phượng ngồi kế bên mở laptop để ca sĩ
có thể “liếc” lời nhạc khi trình diễn. Đúng
là high tech!! Nhờ đó bản nhạc được trình diễn rất
thành công.
Tiếp theo đó, Kiều Hạnh là chị của Thúy
Hồng kể chuyện hồi chị học ở Trịnh Hoài Đức thì hay bị
các anh nam sinh ở đó “ăn hiếp” dữ lắm. Chị nầy hiền
nên trời thương và ban cho chị một ông xã rất
thương chị (Ông xã của chỉ là một Giáo sư ở
Trường Đại Học Long Beach). Chị Hạnh còn kể thêm là
gia đình chị có tới 10 đứa con nên ba của chị
khó lắm. Có một lần chị lãnh thưởng được một
cây đàn mandoline. Trong lúc chị rất hãnh
diện về phần thưởng và mê cây đàn nầy
thì ba chị bắt bỏ vô thùng rác ngay,
không cho đàn đúm gì hết!. Công nhận
mấy ông bà già xưa khó thiệt!
Thanh Nga tiếp tục chuyện thời học trò. Cũng
là câu chuyện của Nguyễn thị Huyền. Một hôm mấy đứa
muốn đi chơi mà không có tiền. Huyền nói
không lo, để tao tính. Không biết nó
làm cách gì mà cả nhóm có
tiền để uống nước mía. Sau nầy mới biết nó đi tìm
những nông dân ở gần trường để xin tiền họ. Huyền
nói rằng nhờ đám học trò “mót’ củ sắn nhỏ
mà ruộng sắn đã sạch sẽ, quý vị không cần
phải dọn dẹp thêm. Như vậy nếu bạn có ra ruộng củ sắn gần
trường “mót” thì thật ra đó là làm
chuyện tốt chớ không phải xấu. Đừng mang mặc cảm tội lỗi!!
Thanh Nga còn kể tiếp chuyện cô không
thích cái tên của mình chút
nào. Lý do là thầy Trần Thọ khi kêu cô
lên trả bài không gọi tên thật mà gọi:
“Thành Được, lên trả bài”.
Trong lớp Thanh Nga có một cô bạn tên Nguyễn Thị
Huyền Trang. Cô nầy cũng cùng tâm sự.
Mỗi lần thầy Bùi Thế San gọi Huyền Trang lên trả
bài thì thầy nói:
- Mời “thầy”
Huyền Trang lên thỉnh kinh.
và thầy còn nói thêm:
- Tên
gì mà hay thế, đến như thầy đây mà
còn phải gọi Huyền Trang là “thầy”.
Thanh Nga còn kể thêm một chuyện vui rằng tối hôm
qua, cô có chuyện muốn nhờ anh chị Minh Lan nhưng sợ
bên đó đang “hỉ” với nhau nên thôi. Bà
con trên xe cười rần vì họ nhớ tới câu chuyện anh
Tâm kể hôm đầu tiên khi mới lên xe.
***
Bây giờ xe đã qua cầu Bay Bridge và
vào tới thành phố SF. Xe chạy ngang một kiến trúc
rất đẹp là Tòa Thị Chính. Do không nghe anh
Thành nói gì nên Phượng phải giới thiệu
thành phố SF với du khách trên xe. Cô nầy ở
gần đây nên rất rành, nhờ đó phái
đoàn biết thêm về những khu vực trong thành phố như
Khu Phố Tàu, Khu Tài Chánh, Khu Tòa Thị
Chánh ... San Francisco là một thành phố mà
đường phố rất dốc nên khó chạy xe. Tuy nhiên
hôm nay nhằm sáng ngày Lễ Độc Lập nên trong
thành phố có ít xe, và lưu thông cũng
nhanh chóng hơn.
Lúc 8:15 phái đoàn đã tới vị
trí thăm viếng đầu tiên: Cung Điện Nghệ Thuật
Cung Điện Nghệ Thuật
(Palace of Fine Arts):
Cung điện nầy được xây năm 1915 dùng để triển
lãm những tác phẩm nghệ thuật trong một Hội Chợ
cùng năm. Nói là cung điện nhưng hiện giờ chỉ
còn một vài kiến trúc còn sót lại
mà thôi. Tuy nhiên nơi đây có một hồ
nước lớn ở phía trước. Giữa hồ có một vòi nước
phun. Xa xa một nhà mát lớn với mái vòm
kiểu Âu Châu tạo nên một phong cảnh rất đẹp. Khu nầy
nầy là nơi rất lý tưởng cho những cô dâu
chú rễ ở địa phương chụp hình trong ngày cưới.
Sáng nay nơi đây là một địa điểm rất đẹp để
phái đoàn Trịnh Hoài Đức ghi lại những hình
ảnh đáng nhớ của mình.
Tại Palace of Fine Arts
Xe vừa ngừng thì chúng tôi đã gặp
ngay CHS Trần thị Ngọc Sương (K12) và ông xã hiện
định cư ở San Francisco. Sương đọc trang nhà Trịnh Hoài
Đức và biết đoàn tới SF hôm nay nên ra
chào đón. Trong đoàn không có ai học
khóa 12 nhưng tất cả đều là đồng hương Bình Dương.
Sương nhận ra anh Luân hữu Đức là hàng xóm
của cô ở Xóm Giếng Máy. Chị Cảnh cũng biết Sương
là một cô giáo sau năm 1975. Thành ra, tha
hương ngộ cố tri, mọi người lại có dịp trò chuyện rất vui
vẻ. Sương còn nhắc tới chị Hồ Mỹ Phương là người
cùng làm việc với Sương ở Sở Giáo Dục Bình
Dương sau 1975, tiếc rằng chị Phương bận nên không theo
đoàn hôm nay.
Trên trang nhà Trịnh Hoài Đức, Sương
còn nhắc chuyện thầy Lê Đức Cửu rất thương học sinh
nên hay cho tiền đám học trò nhỏ đi uống nước
mía mỗi khi phải học thêm vào buổi chiều.
Sau khi chụp hình ở một thắng cảnh rất đẹp của SF,
phái đoàn tiếp tục lên đường qua cầu Golden Gate
gần đó. Sương lên xe tiếp tục “tám”* với quý
anh chị trong đoàn. Ông xã Sương lo đi lấy xe chạy
theo xe buýt.
Chỉ 15 phút sau, xe đến thắng cảnh thứ hai. Đó
là cầu Golden Gate.
Cầu Golden Gate:
Cầu treo Golden Gate là một biểu tượng của
thành phố San Francisco. Cầu nằm ở cửa vịnh SF nối liền
thành phố SF và Quận hạt Marine. Dưới đây là
vài số liệu:
Cầu khởi công năm 1933 và được khánh
thành năm 1937 - cách đây 75 năm. Cầu
làm bằng thép dài 2.734 mét. Nhịp giữa của
cầu dài 1.280 mét, khi mới khánh thành
thì đây là cây cầu có nhịp dài
nhứt thế giới. Cột trụ cầu cao 227 mét. Cầu rộng 27 mét,
có 6 làn xe chuyên chở 120.000 xe qua cầu mỗi
ngày. Kinh phí xây cất là 35 triệu
đô la.
Phái đoàn có 45 phút để vui
chơi, thăm viếng, chụp hình ở đây. Người ta đã
xây dựng một khu ngắm cảnh ở đầu cầu phía nam. Ở đó
có bãi đậu xe rộng rãi, có tiệm bán
đồ lưu niệm, có những điểm ngắm cảnh và chụp hình
cầu. Sáng nay trời trong nên thấy khá rõ
chiếc cầu nổi tiếng. Thường ở địa điểm nầy hay có sương
mù và mây nên ít khi có dịp
thấy hết toàn cầu. Trong khu nầy còn có mẩu của
sợi dây thép căng ngang cầu. Sợi dây nầy có
đường kính khoảng 90 cm, làm bằng nhiều sợi nhỏ bện lại
mà thành. Ngoài ra còn có tượng của
ông Joseph Strauss là người đã có
sáng kiến và chỉ huy việc xây cất công
trình nầy. Trong công viên còn có một
khu trồng hoa đỏ vàng rất đẹp kỷ niệm 75 năm xây cất
công trình. Đây là nơi được quý anh
chị trong đoàn ... đóng phim nhiều nhứt.
Ngắm cảnh, chụp hình ở đây tới 9:40 là vừa đủ,
phái đoàn tập họp lên xe. Sương cũng từ giã
anh chị em và hẹn nếu có dịp sẽ ghé thăm miền Nam
Cali vì cô có con trai đang học đại học ở đây.
CHS Trần thị Ngọc Sương K12 đang vui vẻ nói chuyện với
đoàn
"Nữ hoàng Á Rập" du ngoạn San Francisco
Điểm ngắm cảnh phia
bắc cầu Golden Gate (Vista Point):
Xe chạy qua cầu để du khách thấy sự to lớn của
nó. Sau đó, chúng tôi vào điểm ngắm
cảnh ở phía bắc có tên là Vista Point. Ở vị
trí nầy, chúng ta có thể thấy thành phố San
Francisco từ xa và chiếc cầu màu da cam ở phía tay
mặt. Tuy nhiên lúc nầy gió mạnh và lạnh
quá nên phái đoàn thối lui. Phóng
viên gặp chị Hà Như Nga đang chụp hình. Tội nghiệp,
khi nghe tôi nói chuyện với giọng hơi yếu, chị
khuyên: “ Coi chừng bị cảm đó em !” . Ôi, thương
biết bao nhiêu tình cảm của một người chị mới quen!.
Nói tới chuyện sức khỏe mới điểm lại và thấy thương Ban
Tổ Chức. Anh Diệp, Kim Nên, Minh Tâm ai nấy đều khan tiếng,
bơ phờ hốc hác thấy rõ do phải lo lắng mấy ngày
qua.
Tính ở đây chơi 30 phút, ai dè
gió lạnh quá nên bà con thối lui dzọt lẹ.
Phái đoàn bắt đầu hành trình đi xuôi
nam về San Jose (SJ).
Từ đây về SJ xe chạy chừng một giờ. Anh Tâm ngỏ lời từ
giã phái đoàn CHS ở SJ vì một lát
nữa họ sẽ xuống xe ở đó. Sau đó anh hát tặng
quý anh chị đó hai bài hát ngắn. Trong phần
kể chuyện vui, có một câu chuyện mà chút nữa
có người nhắc lại nên xin kể ra đây để bạn đọc cười
một chút cho vui (xin chú ý là chuyện
này hơi bậy một chút, nếu bạn đọc không
thích thì thứ lỗi cho phóng viên).
Texas cái
gì cũng lớn
Có một anh kia vào quán rượu uống bia.
Anh ta là người Texas nên rất tự hào về tiểu bang
của mình. Anh nói: “ ỞTexas cái gì cũng lớn
hết. Diện tích đất đai rộng rãi tha hồ trồng tỉa ...”
Có một cô kia tới gần anh và hỏi: “ Vậy anh
là dân Texas thì cái của anh chắc cũng lớn
lắm”.
“Dĩ nhiên”. Anh ta trả lời như vậy.
Cô ta mới nói: “Tôi muốn thử xem có thật
không”.
Hai anh chị mới vào khách sạn để thử.
Sáng hôm sau, anh chàng Texas có vẻ
thiểu não. Còn cô kia thì nói:
“Vậy mà cũng khoe”.
Chàng ta trả lời một cách yếu xìu:
“Tôi đâu có biết cô cũng là
dân ... Texas”...
Mừng sinh nhựt
trên xe:
Hôm nay ngày 4/7 ngày Lễ Độc Lập của Mỹ.
Trong khi dân Mỹ ăn mừng thì phái đoàn cũng
khám phá ra là trên xe có bốn người
có ngày sinh nhựt là ngày hôm nay.
Đó là Huê Mỹ, Kim Nên, anh Gương và
chồng của chị Thoại. Mọi người đồng ca bài Happy Birthday để
chúc mừng bốn vị khách có ngày sinh nhựt
đúng vào ngày khai sinh ra nước Mỹ. Trong khi
đó anh Đức (thay cho chị Khỏe) cầm nón đi xin tiền để mua
bánh mừng sinh nhựt 4 vị nói trên. Dự định khi tới
SJ sẽ mua bánh và mừng sinh nhựt ở đó luôn.
Chỉ một chút sau, anh tổng kết được số tiền là 174
đô la, trong đó chị Thoại tặng 100 đô. Phượng
nói sẽ tặng một ổ bánh kem. Số tiền thu được sẽ
làm gì, hồi sau sẽ biết.
Kim Oanh tiếp tục chương trình sinh hoạt với hai
câu đố vui.
Ngoài ra, chị còn kể thêm một chuyện vui
về thầy Nguyễn thiện Thuật. Số là thầy có hai chồng
sách trên bàn. Thầy kêu Kim Oanh và
một bạn nữa lên lấy sách đi phát. Kim Oanh mới hỏi
thầy:
- Mỗi đứa
một chồng hả thầy?
Thầy cười và trả lời:
- Dĩ
nhiên rồi, không lẽ mỗi đứa ... hai chồng.
Ngoài ra, Kim Oanh còn kể câu chuyện về
thầy Nguyễn trọng Nhượng do Hòa Nam viết trên trang
nhà THĐ khi thầy bắt Hòa Nam và Bích
Liên lên nói tiếng Pháp với nhau và bị
... tổ trác khi hai con bé dám nói: “Le
professeur est petit !”.
Thanh Nga tiếp tục chương trình. Cô đại diện
đoàn cám ơn ba “Chiến Sĩ Vô Danh”. Đó
là anh Huynh, chồng chị Kim Nên; chị Kiều bà
xã anh Diệp; và chị Chung Anh bà xã anh
Tâm về việc quý vị để cho bà xã, ông
xã lo chuyện chung của Hội.
Thanh Nga kể tiếp chuyện hồi học trò. Cô khen
thầy Trần minh Đẩu dạy Lý Hóa rất dễ hiểu nhờ đó
mà cô lấy lại căn bản của môn nầy. Có một lần
thầy hỏi rằng:
- Tại sao
khi ta chọi trái banh vào tường thì nó dội
lại.
Thanh Nga nhanh nhẩu trả lời:
- Tại
nó hết đường đi thầy.
- Đơn giản
vậy thôi sao?. Thầy cười và trả lời thêm:
-
Không đơn giản như vậy. Khi trái banh đụng vào
tường nó tạo ra một lực. Còn tường thì có
một phản lực đẩy ngược lại. Do đó trái banh mới vội lại
được.
Thanh Nga còn nói thêm chuyện tại sao
một đoàn quân đi qua cầu thì không cần đi đều
bước.. Đó là do hiện tượng cộng hưởng có thể
gây xập cầu. Kiến thức nầy là do thầy Đẩu dạy.
Chị Hà thị Nga là người hổm rày
không phát biểu. Hôm nay thấy vui quá
nên mới cầm micro đố đoàn một câu đố vui. Thêm
vào đó chị còn kể chuyện hồi đi học chị “chảnh”
thế nào khi có một anh bên trường THĐ Nam hay gởi
thơ cho chị mà bị chị từ chối.
San Jose – Thung
Lũng Hoa Vàng:
Từ San Francisco về San Jose, xe chạy chừng một giờ
là tới. Lúc nầy là 11:30, xe vào một khu
thương xá to lớn của người Việt là Century để
chúng tôi ăn trưa. Sau đó, có một số CHS ở
SJ từ giã đoàn để về nhà. Riêng Minh Lan,
Kim Oanh đã được CHS Nguyễn thị Bì đón về
nhà chơi thêm một ngày nữa trước khi về lại Canada.
Phượng đã mua tặng dì bảy Kim Nên và 3 vị
khác chiếc bánh sinh nhật thật đẹp.
Hàng
xóm ngồi gần nhau mà không biết bây giờ mới
biết:
Ở SJ, Lâm thị Tâm có một người anh ra
đón và nói chuyện. Nhờ anh nầy, từ từ mới biết
thêm anh Nguyễn văn Xây chính là hàng
xóm của Tâm và Hiệp ở Búng. Hai nhà ở
rất gần nhau. Mấy ngày nay, hai bên ngồi cách nhau
có mầy hàng ghế. Bây giờ nhờ ông anh ở SJ
mà nhận ra hàng xóm. Kể ra cũng là một điều
hay!
Nhờ có kỳ họp mặt nầy, mà nhiều CHS mới biết
mình là hàng xóm với nhau. Như Cao Mỹ
Châu và Từ Minh Tâm. Hai người là hàng
xóm ở Cali, cách nhau chừng vài cây số
mà mấy chục năm qua không biết. Nay nhờ có
Huê Mỹ qua chơi và làm trung gian, hai bên
mới biết điều đó.
Thêm vào đó Ngọc Sương nối được
dây liên lạc với anh Đức và chị Cảnh; chị Hà
Như Nga biết được tin tức của một người bà con ở Bưng Cầu ...
Cũng nhờ xem chương trình đại hội THĐ trên
đài truyền hình VHN, mà CHS Khoá 1 Trương
viễn Anh ở Dallas tìm lại được bạn bè sau bao nhiêu
năm xa cách …
Trên đường về:
Đoàn khởi hành về Nam Cali lúc 12:30,
nhân số ít hơn nhưng sinh hoạt trưa nay không thua
mấy ngày qua chút nào.
Thúy Hồng là người cầm micro đầu tiên.
Cô kể chuyện hồi đi học. Có một lần trường THĐ cắm trại
chung với các hội đoàn khác ở Gò Đậu. Do
cắm trại ngắn ngày nên không đào hố vệ sinh.
Đêm tối, mấy cô nữ sinh mới tìm chỗ vắng vẻ giải
quyết “bầu tâm sự”. Sáng hôm sau, mấy cô thấy
mấy anh nam sinh cuốn gói dọn lều qua chỗ khác. Té
ra, tối qua mấy cô chọn chỗ gần lều của mấy anh mà
không hay. Thiệt mắc cỡ hết sức !
Thanh Nga tiếp tục chương trình với ba bài
dân ca: Trống cơm, Lý qua đèo và Lý
ngựa ô để nhớ lại lúc sau 1975, mấy nữ sinh đã tập
hát 3 bài nầy tại nhà một người bạn. Lúc
đó nghèo quá, không có gì ăn.
Bà chủ nhà tốt bụng hái mấy trái đu đủ
còn sống để đãi mấy cô.
Hôm qua, khi nghe Huê Mỹ nói rằng đi chơi vui
quá, nên sau kỳ nầy, về Việt Nam phải “nhím”* tiền
chợ để dành tiền đi Mỹ trong Đại Hội và Du Ngoạn của Hội
THĐ lần thứ 3 dự định tổ chức năm 2014. Sau khi tổng kết số tiền thu
được, Kim Nên đã đại diện chị Thoại trao tặng cho
Huê Mỹ 100 đô, còn 74 đô quyên
góp thì nhờ Huê Mỹ mời mấy người bạn ở Việt Nam (bị
rớt visa không tham gia được chuyến nầy) một chầu cà
phê để nhớ về các bạn bên Mỹ. Bánh sinh nhựt
thì có rồi mà không có muỗng nĩa
nên một chút nữa khi vào chỗ nghỉ mới cắt
bánh được.
Trên đường xe chạy vòng ra xa lộ 5, anh Đức đố
vài câu đố vui. Sau đó tới phiên anh
Toàn là chồng của chị Cảnh K1. Anh kể một chuyện
còn vui hơn chuyện Tâm kể hổm rày. Nghe anh kể
chuyện anh xong phe ta cười dữ lắm và tấn phong anh là
“sư phụ BB” của Tâm. Hình như càng ngày
bà con càng tự nhiên và thoải mái hơn.
Những câu chuyện BB* đã giúp chuyến đi
dài hóa thành ngắn. Lúc 3:30, đoàn
ghé nghỉ dọc đường để bà con xã ... stress,
bác tài hút một điếu thuốc, và Kim
Nên đi kiếm chỗ mua dao, nĩa, dĩa giấy dùng thưởng thức
bánh sinh nhựt.
15 phút sau, đoàn tiếp tục lên đường.
Sau khi ăn bánh, mọi người có vẻ tỉnh ngủ và những
câu chuyện thời học trò được tiếp tục.
Thanh Nga mở đầu với chuyện cô Trần thị Hương làm
Giám Thị Trường Nữ. Cô khó lắm. Đứa nào mặc
áo dài mà quên áo yếm sẽ bị cô
phạt. Giờ chơi, từ trên lầu đi xuống thì cũng phải đi nhẹ
nhàng, đi mạnh ồn ào thành tiếng thì cũng
bị rầy. Hồi xưa, là học sinh thì không thích
như vậy, nhưng bây giờ thấy thương cô lắm vì khi lớn
lên làm cha mẹ mới thấy việc dạy dỗ con cái
thì cần phải nghiêm khắc để cho con cháu nên
người.
(Nếu nói về chuyện thầy cô khó ở
THĐ chắc không ai qua nổi thầy Trương văn Di. Ở trường thì
học trò, thầy cô đều “rét” thầy, ở nhà
thì con của thầy cũng sợ thầy một phép, kông tin cứ
hỏi chị Nguyện - hiện ở Úc - thì biết).
Nga cũng nhắc chuyện thầy Lê vĩnh Thọ dạy môn
văn. Khi dạy xong bài ”Mạnh Tông khóc măng” trong
Nhị Thập Tứ Hiếu thì thầy nói: “Học thì học cho
đúng chương trình chớ thầy thấy bà mẹ nầy
không đúng chút nào. Giữa mùa
đông mà đòi ăn măng tre cho thằng con phải
khóc hết nước mắt đến nổi động lòng trời”. Những ý
niệm mới như vậy của thầy khiến cho học sinh có cái
nhìn khác đi không phải lúc nào cũng
bo bo nói rằng sách dạy hoàn toàn
đúng.
Nga cũng khen cô Diệp Xuân Lai khi cô
làm giáo sư dẫn đạo. Lúc đó, chuyện nầy
còn mới nên chưa có ai hỏi nhiều, nhưng đó
là một sáng kiến tốt, giống như Âu Mỹ. Thầy
cô sẽ là nơi để học sinh tâm sự những điều thầm
kín mà không tiện nói cho cha mẹ, hoặc thầy
cô là nơi hướng dẫn cuộc sống và suy nghĩ của học
trò cho đúng đắn.
Người ít nói nhứt đoàn là Cao Mỹ
Châu cũng lên phát biểu và kể một câu
chuyện vui.
Sau đó, Tâm tổ chức một trò chơi.
Trò nầy làm cho phe ta tỉnh ngủ để tiếp tục nghe
Huê Mỹ kể chuyện.
Một thiên
tài mới khám phá:
Trong vòng hơn 2 giờ sau đó, Huê Mỹ
đã làm cho cả đoàn cười nghiêng ngửa khi kể
đủ thứ chuyện trên đời, chuyện nào cũng vui và
dí dõm.
Đầu tiên Huê Mỹ khen anh Diệp hát hay sau
đó cám ơn chị Diệp đã để cho anh tự do lo việc
chung..
Thiên tài nói chuyện vui - có thể kể chuyện
liên tiếp 2 giờ không nghỉ
Huê Mỹ kể tiếp hồi trưa, khi giã từ anh Thưởng
(chồng của Minh Lan) ở San Jose, anh Thưởng có mời Huê Mỹ
qua Canada chơi. Chắc âm hưởng chuyện Texas do Tâm kể
mà anh nói:
-
Khác với Texas cái gì cũng lớn, ở Canada
cái gì cũng nhỏ.
Huê Mỹ phán liên một câu “xanh dờn”.
- Vậy chắc
Minh Lan buồn lắm !! hi hi....
Đúng là anh Thưởng gặp một tay không vừa ...
Trở lại chuyện thời học trò, Huê Mỹ kể chuyện
thầy Đặng văn Danh dạy Lý Hóa. Thầy còn trẻ lắm,
mới ra trường mà đã dạy lớp 12. Một hôm, khi
vào lớp Huê Mỹ thấy một anh chàng đẹp trai ngồi ở
cuối lớp. Chị ta phán liền:
- Ê,
có thằng nào lạ quá ngồi trong lớp mình
kìa.
Một lát sau chuông reng, thầy Danh giới thiệu
là thầy dạy môn Lý Hóa.
Chắc bạn tưởng tượng ra sự “quê độ” của mấy cô
lúc đó như thế nào.
Huê Mỹ kể tiếp chuyện về anh Nguyễn văn Út. Anh
nầy học giỏi mà hiền lắm. Một hôm thấy anh Út ngồi
ăn bánh mì một mình, Huê Mỹ mới nói:
- Ê,
ăn bánh một mình không cho ai ăn hết ta !
Ai dè hôm sau anh Út mua cho mấy bạn
gái mỗi người một ổ bánh mì. Mấy chị ăn
bánh xong thì phải trả tiền chớ không lẽ để anh
Út bao hết. Nhưng tánh của mấy cô hay nghịch
phá nên trả tiền toàn bằng tiền cắc. Số tiền nầy
không đưa trực tiếp cho anh Út mà là
nhét vô giữa mấy cuốn tập. Tới lúc thầy kêu
trả bài, anh Út lấy tập ra thì tiền cắc rớt xuống
sàn nhà loảng xoảng. Tội nghiệp cho anh, lúc
đó mặt anh đỏ rần thấy “quê” quá. Sau nầy anh
Út học y khoa và làm bác sĩ tại Lái
Thiêu, nhưng ảnh lại vắng số và đã mất rồi!
Theo Huê Mỹ, bạn bè trung học được nhiều người
biết thì có 3 điều:
Đẹp: như Lê thị Bạch, Xuân Diệu, Minh Lan, Kim
Nên ...
Học giỏi: như Ngô trọng Hải, Trịnh phi Anh, Trương
công Bình, Vương hoàng Phượng ...
Phá: bên trường Nam thì không biết ai,
chớ nghe Huê Mỹ kể chuyện thì chắc chị ta nằm trong số nầy.
Huê Mỹ còn kể nhiều chuyện nữa. Ngoài
chuyện học trò, còn có chuyện xã hội Việt
Nam, chuyện trường Trịnh Hoài Đức ngày nay, chuyện họp
mặt CHS THĐ ở bên nhà.
Theo đó, chính Huê Mỹ là người tổ
chức lần họp mặt đầu tiên của lớp, lúc đó chỉ
có vài chục người. Sau đó. Anh Nhung, Hiệu Trưởng
Trịnh Hoài Đức mới tổ chức hàng năm vào
ngày 1/5, nhưng sau nầy, các cuộc họp có vẻ
ít hào hứng so với những lần đầu, có lẽ do
khác lớp, khác tuổi. Riêng lớp chị Huê Mỹ vẫn
thường xuyên tổ chức một năm vài ba lần ở nhiều địa điểm
khác nhau khi ở nhà bạn nầy, khi ở nhà bạn
khác. Anh chị nghĩ rằng hiện giờ mình cũng lớn tuổi, nếu
không có dịp gần nhau tán dóc thì sợ
không còn cơ hội nữa ...
Cách nói chuyện của Huê Mỹ rất tiếu
lâm. Chị có thể kể chuyện liên tiếp 2 giờ mà
vẫn còn đề tài để nói. Chuyện nào cũng hay
và vui. Hết chuyện nọ, chị bắt qua chuyện kia liên tục.
Có một chị kia không phải dân THĐ đi theo
đoàn đã khen Huê Mỹ là một thiên
tài về kể chuyện tiếu lâm. Nếu Huê Mỹ mà ở
bên đây thì có thể kiếm được nhiều tiền lắm
nếu làm nghề nầy. Nhiều bạn khác và Kim
Nên cũng có nhận xét tương tự. Mọi người nói
rằng, hai năm tới nếu có tổ chức tua du ngoạn một lần nữa thế
nào cũng phải có mặt Huê Mỹ. Nếu cần mọi người sẽ
hùn tiền để đưa Huê Mỹ qua đây để bảo đảm chuyến đi
đầy những tiếng cười rộn rã.
Lúc 6:45 xe về tới Orange County. Anh Diệp đã
cầm micro để cám ơn các thành viên trong
đoàn của phe ta cũng như phe bạn đã tham dự và
đã hợp tác để chuyến đi thành công tốt đẹp.
Anh không quên cám ơn bác tài Anderson
(tiếc rằng tiền típ phải đưa cho công ty Phước Hạnh trao
lại sau cho ông và không biết công ty sẽ
“nhím” hết bao nhiêu?).
Tiếp lời, chị Hà Như Nga (Florida) lên
cám ơn Ban Tổ Chức và hứa sẽ tham gia tua du ngoạn hai
năm sau trong Đại Hội lần thứ 3.
Tại bến xe, CHS Cao Mỹ Châu mời phóng viên đi
ăn tối cho vui, nhưng chúng tôi đã hẹn con
gái đến đón nên cám ơn thịnh tình của
chị. Ông xã của Cao Mỹ Châu đã chuẩn bị
trước, đem tặng các bạn những bịch trái bơ (avocado)
cây nhà lá vườn thật to và hấp dẫn. Xin
cám ơn chị Châu và ông xã.
Do phải đi vòng vèo hơi xa nên tới gần 9
giờ tối, phóng viên mới về tới nhà kết thúc
chuyến du ngoạn khá mệt nhưng rất vui và hào hứng
từ đầu tới cuối. (Nghĩ mà tiếc cho các anh chị
không tham gia được.)
Hy vọng hai năm sau, Hội Trịnh Hoài Đức càng
vững mạnh thêm và có thêm một chuyến du ngoạn
khác với nhiều hội viên tham dự hơn và hấp dẫn hơn.
Mong lắm thay!
* BB: bậy bạ, BB cũng có nghĩa là Bà Bầu (Kim
Nên)
* tám: tán dóc
* nhím: cắt xén.