Chuyến đi nhiều kỷ niệm
(phóng sự về chuyến du ngoạn sau đại hội THĐ lần thứ 4 – Nam Cali - tháng 7/2016)
Phóng viên không chuyên nghiệp


Phần 3


...Trong khi phái đoàn lục tục xuống xe thì Minh Tâm lo chạy trước vào phòng vé để lấy vé vào xem phi thuyền, bảo đảm khi đoàn tới là có thể đi thẳng vào trong không phải chờ đợi. Trung Tâm Khoa Học nầy rất lớn và có rất nhiều phòng triển lãm. Trước tiên đoàn xem triển lãm các phi thuyền Apollo, Mercury… các áo phi hành gia, các mẩu thiên thạch… Sau đó vào xem triển lãm thành tích của phi thuyền Endeaver.
Xin nói sơ qua về Chương trình Tàu Con Thoi Không Gian và Tàu Con Thoi Endeaver.

Chương trình Tàu Con Thoi Không Gian:

Chương trình bắt đầu năm 1981 và kéo dài 30 năm với 5 chiếc phi thuyền có tên: Columbia, Challenger, Discovery, Atlantis và Endeaver được sử dụng nhiều lần. Có tất cả 135 phi vụ, chở 355 phi hành gia lên trạm không gian quốc tế, đã bay hơn 500 triệu dặm và có 1300 ngày trong vũ trụ. Tàu con thoi chở hàng hóa và phi hành gia lên trạm vũ trụ nhờ bình nhiên liệu bên ngoài. Bình nhiên liệu sau khi dùng hết sẽ bị cháy do ma sát vào khí quyển ở Thái bình Dương.

Tàu con thoi Endeaver:

Được phóng lần đầu năm 1992. Tàu đã được phóng tất cả 25 phi vụ được dùng để sửa chữa các trạm không gian, viễn vọng kính Hubble… Phi vụ cuối cùng thực hiện tháng 5/2011. Sau đó được về hưu ở Los Angeles. Kỹ thuật đưa con tàu to lớn từ phi trường về tới vị trí hiện nay cũng là một thành công đáng kể của ngành giao thông Hoa Kỳ.

Đoàn xem xong các đầu phi thuyền Apollo, Mercury thì tiếp tục vào xem phi thuyền Endeaver. Vé vào xem phi thuyền đã được Minh Tâm đặt trước và là một vé chung cho cả đoàn. Khu vực nầy rộng lớn, nhiều phòng ốc nên tập hợp cả đoàn hơn 60 người cũng hơi khó. May nhờ có con gái Minh Tâm cầm vé đi đầu, anh Dương Náo đi chót bọc hậu nên không ai bị bỏ rơi lại. Vào xem phi thuyền thì thấy nó lớn hơn các đầu phi thuyền Apollo rất nhiều. Tiếc là chỉ thấy hình dạng bên ngoài cớ không được đi vào lòng phi thuyền để coi nên không biết bên trong có gì.


Xem triển lãm kỹ thuật không gian Hoa Kỳ


Phi thuyền Endeaver hoàn tất sứ mệnh và về hưu ở Los Angeles.


Xem phi thuyền xong, khi đoàn trở ra thì ông trưởng đoàn... không biết đường nào mà đi. Đó là  vì trung tâm nầy lớn lắm, ngỏ ngách tùm lum, nếu đi sai đường thì phải vòng lại rất xa. Ra khỏi chỗ phi thuyền Endeaver thì có tới 5 lối đi đến các nơi khác nhau trong đó có một ngõ đi ... toilet. Thế là trong lúc chờ đợi, bà con tạm thời đi giải quyết bầu tâm sự. Kết cuộc, trưởng đoàn cũng tìm ra lối ra và cả đoàn tiếp tục ra bãi đậu xe để được đưa đi ăn trưa.

Từ Trung Tâm Khoa Học qua chỗ ăn trưa cũng gần. Chị Minh Lan vừa hát xong một bản thì đã tới nơi. (Chị Minh Lan và Kim Oanh từ Toronto qua tham dự đại hội).

Ăn trưa:

Trưa nay du khách tự ăn trưa, tự chọn, và tự ... trả tiền. Có bốn nhà hàng để chọn: KFC, McDonald's, Subway và China Buffet. Ai thích nhà hàng nào thì thưởng thức. Bây giờ là 1 giờ trưa. Hẹn đúng 2 giờ lên đường đi tiếp.

Ăn trưa xong, đoàn lên đường, trưởng đoàn mời tiếp quý khách tham gia kể chuyện. Đầu tiên GS Nguyễn văn Lý kể chuyện vì sao ông biết trang nhà Trịnh Hoài Đức và ngạc nhiên khi thấy trong danh sách giáo sư có tên mình vì ông làm việc ở An Mỹ nhiều hơn. Thật ra, có thời gian, trường An Mỹ là một chi nhánh của Trịnh Hoài Đức (thời thầy Di làm hiệu trưởng). Sau nầy trường An Mỹ tách ra nên hai trường cũng có nhiều liên hệ với nhau.

Tiếp tục chương trình, chị Thủy lên hát một bài.

Sau đó, Minh Tâm gọi con gái cưng là Nhã Khanh lên phía trước để góp vui. Cháu hát bài Nỗi Buồn Hoa Phượng. Giọng hát của Nhã Khanh cũng trong trẽo và truyền ... nhiễm, đến nổi hôm sau khi nói chuyện với cô Lệ thì cô nói với phóng viên: "Minh Tâm có con gái xinh quá. Nghe nói nó là dược sĩ, 35 tuổi, mà nó trẻ quá, cô tưởng nó chỉ 25 tuổi mà thôi. Thấy thương quá. Phải chi cô có đứa cháu nào bác sĩ để giới thiệu cho nó"...

Sau đó có một vị khách trong đoàn (phóng viên quên tên), lên nói về chuyện giọng Nam giọng Bắc, chị nói:
- Hồi sáng tôi có nghe các bạn nói về tiếng Nam tiếng Bắc, bây giờ nhớ lại một câu chuyện vui ngắn, xin kể ra đây cho vui:
Có anh bạn người Bắc, gặp anh bạn người Nam và thấy anh này cạo trọc đầu nên mới hỏi:
- Ủa anh Nam, sao lúc nầy anh cạo trọc đầu vậy ?
- Tại tui lỡ dái (lỡ vái) rồi nên mới cạo trọc đầu như vậy.
- Lỡ dái thì đi bác sĩ chớ cạo trọc đầu làm chi ? Ha ha...
Vỗ tay !!!

Lúc nầy xe đang chạy dọc bờ biển Santa Monica, đường hơi kẹt vì hôm nay là ngày lễ Độc Lập của Mỹ, trời nóng nên người ta xuống biển vui chơi khá nhiều. Nước biển ở Los Angeles lạnh nên chỉ tắm được vài tháng hè và bãi biển ít cây nên không đẹp như ở Hawaii, Nha Trang. Tuy nhiên hôm nay trời nắng, từ trên xe nhìn ra biển thấy cũng đẹp lắm.

Lúc 3 giờ, đoàn đã tới địa điểm du lịch thứ ba: đó là Getty Villa. Trời nắng đẹp. Tuy nhiên do đường hơi kẹt xe nên trưởng đoàn đề nghị vào xem nhanh nơi đây trong vòng 50 phút. Sau đó sẽ đi thăm địa điểm cuối cùng là Nhà Thờ Kiếng.

Vào thăm Getty Villa:

Ở Los Angeles có hai Getty Museums. Một là Getty Center nằm trên đồi cao gần giao điểm của xa lộ 405 và xa lộ 101. Hai là Getty Villa ở gần bãi biển Malibu là nơi đoàn ghé thăm hôm nay. Paul Getty là một tỉ phú người Mỹ chuyên về công nghệ và khai thác mỏ. Ông sinh năm 1892 mất năm 1978, thọ 83 tuổi. Lúc ông mất tài sản của ông trị giá khoảng 2 tỉ đô la. Tuy nhiên, ông đã để lại những đồ cổ và tranh nghệ thuật cho hai viện bảo tàng và giao cho chánh phủ bảo tồn. Trong đời của ông có một câu chuyện buồn. Đó là chuyện cháu nội của ông bị bắt cóc. Lúc đó, ông nghỉ rằng thằng cháu thông đồng với bọn bắt cóc để "chỉa" tiền của ông. Lúc đầu bọn bắt cóc đòi 17 triệu thì ông không trả. Khi được hỏi tại sao ông không trả tiền chuộc ngay từ đầu thì tỉ phú nói: "Ông sợ đứa cháu thứ hai sẽ bị bọn khác bắt cóc". Làm tỉ phú coi bộ có nhiều rắc rối quá !!!

Sau đó khi nhận một bao thơ có tóc và một cái lỗ tai của cháu nội ông mới chịu thương thuyết. Cuối cùng khi bọn bắt cóc hạ giá còn 3 triệu thì ông trả 2.2 triệu đô la và cho đứa con trai (cha của cháu nội) mượn 0.8 triệu (với tiền lời 4% một năm) để trả cho bọn bắt cóc. Đứa cháu nội được thả. Nó gọi điện thoại cho ông nội để cám ơn thì ông không trả lời....

Phóng viên đã lạc đề. Bây giờ xin nói về Getty Villa. Đây là viện bảo tàng tranh và đồ cổ. Ngoài ra kiến trúc, vườn hoa của ngôi nhà cũng rất xinh đẹp.

Phải công nhận kiến trúc của Getty Villa rất xinh đẹp. Ông Getty đã bắt chước các biệt thự ở Ý để trang trí cho tư gia của mình. Vườn hoa được cắt tỉa gọn gàng. Đó đây có vài bức tượng đồng đen tô điểm. Do không có ai hướng dẫn nên không biết tượng nầy thật hay giả.

Đoàn chụp vài tấm hình vườn hoa rồi đi dọc hành lang để vào trong. Tường của hành lang được trang trí bằng những hình vẽ rất mỹ thuật. Hành lang nầy có mái che dài khoảng 60 mét. Đi hết hành lang thì tới nột khu trưng bày có hai tầng. Các phòng triển lãm ở đây trưng bày cổ vật và tranh mỹ thuật. Do ít thời giờ nên mọi người chỉ xem nhanh nên không rõ lắm về các hiện vật ở đây. Mọi người chỉ nhớ tới lời của trưởng đoàn căn dặn trên xe là nhớ cẩn thận, đừng quờ quạng làm bể một món ở đây thì chỉ có nước: "Bán nhà để trả, mà không biết nhà mình có giá bằng món đồ cổ hay không!"


Sân vườn Getty Villa


Gần 4 giờ, phái đoàn từ giã Getty Villa lên đường đi Nhà Thờ Kiếng. Trên xe, GS Thêm kể thêm một chuyện vui về tiếng Pháp (GS Thêm dạy Pháp Văn ở trường An Mỹ. Ông từ Texas qua Cali hội ngộ với thầy cô An Mỹ và Trịnh Hoài Đức).

Sau đó chị Hà kể chuyện thời học sinh. Chị nói khoảng năm 1969 có một thầy trẻ mới ra trường và được bổ nhiệm về dạy ở Trịnh Hoài Đức. Chắc do thiếu GS Lý Hóa mà thầy được phân công dạy lớp Đệ Nhất có nhiều nữ sinh xinh đẹp. (Trong khi đó thầy Nhung từng phàn nàn là sao Giám Học lại không phân thầy qua trường Nữ dạy!). Thầy đẹp trai, trò xinh gái, khi thầy giảng bài, thầy thường ngó lên trời. Giảng xong, hỏi lại, không trò nào hiểu hết. Phải giảng nhiều lần mới hiểu. Có lẻ thầy trò đều xúc động!!!. Sau nầy, thầy thú thật là khi ngó lên trời, đó là lúc thầy đang ... niệm Phật!
Chị Cao Mỹ Châu kể tiếp: "Năm đó, sau giờ chơi, khi vào lớp, Huê Mỹ thấy có thầy ngồi ở bàn giáo sư, mà thầy trẻ quá (chắc khoảng 22-23 tuổi, nhưng gương mặt trẻ trung hơn tuổi nên trông bề ngoài chỉ chừng 19-20) nên Huê Mỹ mới nói:
- Ê, bữa nay lớp mình có thêm "tên nào từ trường khác chuyển qua" vậy? Có đứa nào rảnh kiếm mua cho nó một chai sữa ..."
Một lúc sau, khi biết đó là thầy mới tới dạy. Bạn hãy tưởng tượng lúc đó Huê Mỹ sẽ như thế nào..."
Cao Mỹ Châu còn tiếp: "Lúc đó khoảng thập niên 1970, mỗi ngày thấy thầy chạy xe lambretta ngang Ty Cảnh Sát. Mình đứng trong sân nhìn ra thấy thầy thì cũng ngưỡng mộ lắm!"...

Mấy chị kể chuyện rất vui, phóng viên ghi lại ở đây không chính xác lắm hy vọng đúng được 90%.


CHS Ha Huynh

Sau khi hai chị kể xong, thầy Danh mới lên cầm micro và nói: "Hồi thầy học trong đại học sư phạm, tuy không nói thành văn nhưng hầu như ai cũng biết rằng làm thầy rất khó và tránh việc "thích" học sinh. Sau khi mấy em ra trường rồi thì không nói, chớ lúc còn đi học thì không bao giờ thầy dám ...". Thầy còn nói trong CHS THĐ có hai người hay nói thẳng là chị Huê Mỹ và chị Hà.

Sau câu chuyện thời học sinh, Minh Tâm ra câu đố là:
Đố bạn:
- Ai là người có thể nhét tư tưởng mình vào đầu của người khác?
- Ai là người nhét tiền của người khác vào túi mình một cách hợp pháp?
Vừa mới ra câu hỏi thì có chị Phương rất thông minh và đã trả lời liền:
- Người có thể nhét tư tưởng mình vào đầu của người khác là thầy cô giáo.
- Người nhét tiền của người khác vào túi mình một cách hợp pháp chính là bà xã.

Tiếp tục chương trình, GS Nguyễn Thị Phương đố cả đoàn là: Với những chữ: "Không Thầy Đố Mầy Làm Nên" thì làm sao có thể xếp đặt lại để có một câu khác. Ai đáp trúng chị Phương sẽ tặng phần thưởng là một trái đào.

Đố vui là "nghề" của Minh Tâm nên anh ta biết ngay kết quả. Đó là : "Làm Thầy Mầy Không Nên Đố". Hi hi....

Thầy Lý thì nói: Đáng lẽ câu nói phải là: "Không Thầy "Lý" Đố Mầy Làm Nên".

Phóng viên nghĩ trong đầu: Lúc đó câu tiếp theo phải là: "Làm Thầy Mầy Không Nên Đố "Lý " ?

Sau đó, Anh Toàn kể một câu chuyện vui rồi Chị Xinh tiếp tục lên hát vài bản nhạc vui thì xe cũng vừa về tới Nhà Thờ Kiếng. Trưởng đoàn xem lại đồng hồ thì thấy đã 5:15. nên đề nghị mọi người chỉ xem sơ Nhà Thờ Kiếng từ trên xe vì nó rất lớn,  từ trên xe cũng thấy. Còn xuống xe thì sợ không kịp giờ và thật ra Nhà Thờ Kiếng cũng không cho du khách vào xem bên trong vì đang sửa chữa.

Xe ngừng bên đường để đoàn tiễn 5 người ở đây là nhóm chị Phương và nhóm của GS Thêm. Hẹn gặp lại sau.

5:20, xe tiếp tục lên đường về nơi xuất phát. Trên xe Minh Tâm cám ơn tài xế Victor và thay mặt đoàn tặng cho anh ta tiền trà nước.

Xe về tới chợ Thuận Phát lúc 5:45 kết thúc một chuyến du ngoạn nhiều kỷ niệm. Mọi người chia tay trong lưu luyến, hẹn gặp nhau năm 2018 với một chuyến đi khác, hy vọng sẽ sôi nổi và hào hứng không thua hôm nay. Bài phóng sự nầy kết thúc với lời cáo lỗi là phóng viên hơi lu bu, không nhớ hết mọi chuyện, nếu có điều chi sơ xuất, xin phái đoàn vui lòng bỏ qua./.

7/2016


Xem thêm hình ảnh chuyến du ngoạn