Đôi dòng về ông Giang Khánh Phong
(tức Ông Năm Hột Vịt - nhà tại đường HAI BÀ TRƯNG)
GS Nguyễn Thị Tâm

Đường Hai Bà Trưng là nơi tôi rất quen thuộc. Có nhà thầy Lương Văn Minh. Tôi thường đến thăm thầy cô và chơi với Ngộ Trần. Em là cháu của thầy cô tôi.
Khi bắt đầu cắt tóc ngắn, tôi đến tiệm Trà Mi gần đó. Mỗi bận tôi đi ngang qua nhà thầy tôi đến chỗ cắt tóc, một người đàn ông, nét mặt hiền lành và thật thà hay vui vẻ chào tôi. Nếu đứng ở xa, ông cũng lấy tay vẫy gọi :
- Chào cô giáo. Mừng cho cô giáo lúc nào cũng khỏe mạnh.
- Dạ, chào ông.
Lúc về gặp, ông cũng chào tôi :
- Chào cô giáo. Cô đi về à ?
Có lần ông nói:
- Cô không biết đi xe nên đi bộ, tốt lắm nha, cô giáo.
Tôi không biết ông ấy là ai. Có lẽ con cháu ông là học trò của tôi, hoặc là ông quen với gia đình tôi..Tôi nghĩ vậy nên không hỏi.
Hôm 20/1/2017, là ngày 23 âm lịch tháng 12 năm Bính Thân, tôi đi cắt tóc, vì sắp Tết rồi. Bận về tôi đi ngang qua nhà ông . Ông mời tôi vào. Ông quá nhiệt tình, tôi không từ chối.
Ông lấy các sách vở, các bản thư pháp Trung Quốc và giải thích cho tôi biết câu nào sai ở chỗ nào.... Thật ra ngày xưa tôi có học tiếng Trung Quốc, chủ yếu là năm dự bị Đại học Văn Khoa. Cha Larre,người Pháp, dạy chúng tôi. Bài học một bên viết tiếng Pháp, một bên là tiếng Trung Quốc. Tôi không học tiếng Hán nhiều, nên cũng không rành lắm.
Trước khi giải thích cái này cái kia cho tôi nghe,ông hỏi tôi :
- Năm nay cô giáo bao nhiêu tuổi,tuổi gì. Biết để xưng hô cho rõ ràng.
- Tôi tuổi Quí Mùi.
- Vậy cô giáo sanh ngày tháng nào?
- Tôi sinh ngày mùng 10 tháng giêng.
Ông vỗ tay vui mừng:
- Trời ơi, đó là ngày vía ông Thần Tài. Vậy tôi phải kêu cô giáo bằng chị và xưng em vì tôi cùng năm nhưng trễ hơn mấy tháng.
Tôi chính thức quen ông từ đó.
Ông cho tôi xem quyển Chùa Bà Bình Dương, nhà xuất bản Thời Đại của Hoàng Anh. Ở trang 46 ,tựa bài là Thỉnh Tào Kê ( 09- 2011) . Ở trang47, phía cuối trang có ghi:
(Giang Khánh Phong thư riêng cho tác giả, ngày mồng Một tháng Hai năm Tân Mão) .
Tiếp đó ông cho tôi xem quyển Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 15/11/2015. Trong đó có bài do Ngọc Hạnh ghi tựa:
Cứ gọi tôi "Ông Năm Hột Vịt", ở trang 17 .
Sáng 7/7/2017 , tôi đi chụp hình, chủ yếu là đường Hai Bà Trưng. Tôi bị mắc mưa. Ông lại mời tôi vào nhà.
Trong lúc nói chuyện, thấy ông biết rất rành về đền chùa, đình miếu... Tôi hỏi ông có phải Đình Tân An có thờ ông Nguyễn Văn Thành, nghe nói có sắc phong. Ông xác nhận là có.
Tôi hỏi thêm nghe nói Đình Bà Lụa cũng có thờ nữa. Ông nói cái này chưa chính xác. Ông nói thêm sắc phong thần của ông Thành do ông Ba Ninh giữ. Ông Ba Ninh là con của bác Năm tôi. Tôi ngạc nhiên quá sức. Ông không biết tôi thuộc gia đình này.
Đến chừng hỏi ra ông chỉ biết tôi là cô giáo, nên chào vậy thôi.Sau tôi nói tên ba tôi ra. Lần này ông kêu lên:
- Trời ôi, vậy à.
Ông kể cho tôi nghe, ngày Hoàng Anh mất, ông đã được gặp mặt em buổi sáng, cùng nhau trò chuyện. Theo tôi biết ông rất quí Hoàng Anh. Ông ghi những cảm xúc của mình ngay trang bìa cuốn Chùa Bà Bình Dương...
Tôi còn biết thêm các nhà giáo, nhà nghiên cứu... đã đến đây gặp ông. Trong số đó có cả anh Phan Thanh Đào, cựu giáo sư Trịnh Hoài Đức...
Theo lời kể của ông, Bình Dương có 32 cái đình. Ông rất thích những bài thơ, những câu liễn, câu đối. Hễ thấy câu chữ bị nhạt phai hay mất nét ông đến chỉnh sửa ngay.
Ông nói trứng vịt thì ông bán, nhưng chữ thì không bao giờ. Ai nhờ ông viết hay dịch câu gì ông rất sẵn sàng, không hề tính toán. Nhờ đi đến đình miếu nào, ông bỏ công ăn việc làm đi ngay.
Mơ ước của ông là cả đời được làm những việc này. Ông tha thiết muốn có người tiếp nối việc làm của ông...
Vì tôi không biết gì về đinh ,chùa miếu nên tôi không hỏi thêm nhiều. Nhưng tôi có nhờ ông một việc, ông hứa sẵn lòng giúp tôi. Không biết tôi có thành công trong việc này hay không,còn đợi thời gian..
( Hiệp Thành 9/7/2017)