Họa sĩ Nguyễn Văn Thạnh- người nặng lòng với cảnh vật đồng quê
 
Cẩm Lý
 
Trước đây, nghề sơn mài của Bình Dương đã từng có một thời rất hưng thịnh. Thời đó, nhiều nghệ nhân sơn mài tài năng của Bình Dương đã nổi tiếng khắp nơi.

Sau này, nghề sơn mài không còn hưng thịnh nữa, một số người làm sơn mài đành phải tìm đến những công việc khác để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người vì “nặng nợ” với sơn mài truyền thống nên đã tìm cách trụ lại với nghề. Một trong số những nghệ nhân yêu nghề sơn mài còn trụ lại với nghề đó chính là nghệ nhân - họa sĩ Nguyễn Văn Thạnh…

Thí sinh độc nhất…

Ban đầu, ông đến với sơn mài cũng chỉ vì… bất đắc dĩ nên phải đổi nghề. Bởi, cái nghề khởi đầu của ông là gỗ (làm mộc). Nhưng thời đó, nghề gỗ làm ăn rất khó khăn, vả lại, ông bảo, do sức khỏe của ông không được như người khác, nên ông đã bỏ nghề gỗ. Sẵn có năng khiếu về hội họa, thầy cô, bạn bè cũng khuyên ông nên phát triển ngành nghề theo hướng này, thế là ông mạnh dạn đăng ký thi vào ngành sơn mài ở trường Kỹ nghệ (nay là trường Trung học Kỹ thuật Bình Dương). Có lẽ, đây cũng là duyên nợ để ông gắn bó với sơn mài cho mãi về sau. Ông còn nhớ rất rõ, đó là vào năm 1949, nhà trường tổ chức tuyển sinh và chỉ có 2 người đến đăng ký. Đến ngày đi thi thì chỉ còn mỗi mình ông. Thế là ông trở thành thí sinh độc nhất của kỳ thi đó. Nhưng cũng chính nhờ thế mà ông được tiếp xúc, được học với rất nhiều thầy. Nhập học được một thời gian, thấy ông có đủ khả năng nên nhà trường quyết định cho ông “nhảy” lớp. Vậy là ông nghiễm nhiên trở thành sinh viên năm thứ 2. Bình thường, mỗi khóa học phải mất 4 năm, nhưng nhờ vậy ông chỉ học 3 năm thì đã tốt nghiệp.

Khi ông ra trường cũng đúng là lúc đang tổng động viên (thời chống Pháp), như bao thanh niên khác, ông cũng gác bút nghiên đi vào quân ngũ. 3 năm sau, khi đã hoàn thành nghĩa vụ, ông mới có điều kiện để thực hiện những dự định dang dở của mình. Lúc đó, trường Kỹ nghệ mời ông về làm giáo viên dạy sơn mài. Cũng chính vì “nặng nợ” với sơn mài, và muốn truyền đạt những gì mình biết được về sơn mài truyền thống cho thế hệ sau nên ông đã gắn bó với ngôi trường này cho đến lúc nghỉ hưu. Gần 30 năm gắn bó với ngôi trường này, ông đã đứng lớp dạy biết bao thế hế học trò. Bây giờ mỗi khi có ai hỏi đến niềm vui trong suốt cuộc đời làm giáo viên của mình, ông vẫn thường nói, đó chính là: đã đào tạo được những người học trò yêu nghề, gắn bó và có thể nói là khá thành đạt với nghề sơn mài hôm nay…

Và cháy mãi lửa đam mê

Để được vẽ, để được sống lại những giây phút hạnh phúc của người họa sĩ bên những cây cọ cùng những gam màu tối sáng, ông đã phải tranh thủ cả những thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của mình. Cả ngày phải đi dạy, nên chiều về đến nhà là thấy ông lôi màu, lôi cọ ra vẽ. Nhiều khi ngồi chờ màu khô để hoàn thành tác phẩm, ông phải thức đến 1 - 2 giờ sáng. Bù lại, tranh của ông vẽ rất hợp với thị hiếu thẩm mỹ của nhiều người, nên cứ vẽ xong bức nào là người ta lấy hết bức đó. Mặc dù so với ngoài thị trường, tranh của ông bao giờ cũng có giá cao hơn, thế nhưng khách mua tranh vẫn tìm đến ông ngày một nhiều hơn. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều khách nước ngoài ở Mỹ, Pháp, Nhật… cũng tìm đến đặt hàng cho ông. Nói đến đây làm ông nhớ lại một kỷ niệm cách đây đã lâu. Đó là chuyện về một người khách nước ngoài đến đặt mua tranh của ông. Sau đó bức tranh này được gửi qua đường bưu điện. Chờ hoài nhưng vẫn chưa nhận được tranh, nên người khách này đã đến hỏi bưu điện. Những người ở bưu điện nói sẽ bồi thường tiền cho ông ta với lý do là đã để thất lạc bức tranh này. Nhưng vị khách này một mực không chịu nhận tiền và còn đòi kiện ra tòa. Cuối cùng bức tranh đã được trả cho người mua nó. Thì ra, vì thấy bức tranh này đẹp quá nên họ muốn giữ lại, nhưng đến khi nghe kiện ra tòa thì sợ quá nên đem trả lại. Câu chuyện trên ông chỉ nghe kể lại, nhưng đó cũng chính là những niềm vui trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của ông. Niềm vui gần đây nhất là khi ông sang Mỹ chơi (con gái của ông sống ở Mỹ) và thấy tranh của mình được người ta treo trang trọng ở nơi ông đến tham quan. Mặc dù đó chỉ là một bức tranh nhỏ, nhưng thấy tranh của mình được nhiều người biết đến như thế nên ông rất vui… Tranh của ông đã được nhiều người biết đến là thế, nhưng mỗi khi bạn bè ngỏ ý muốn tập hợp tranh của ông lại để tổ chức một cuộc triển lãm (ngay cả chúng tôi cũng thấy điều đó rất phù hợp với cuộc đời nghệ thuật của ông), nhưng vì “Tranh của tôi vẽ chưa thành công lắm đâu” nên ông tìm cách từ chối khéo bằng được.

Trong tranh của ông, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, đó là những chú trâu đang lội nước, hay chỉ là một đàn gà trong sân. Ông thường đi sâu khai thác các mảng đề tài về phong cảnh đồng quê, về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân ở các vùng miền. Đó có thể là cảnh người dân đang cấy lúa, là một góc nhìn về xóm vạn chài trên sông, là hình ảnh của những ngư dân đang chuẩn bị ra khơi, hay chỉ là cảnh giã gạo của những người dân miền núi khi ánh hoàng hôn về… Tất cả tưởng như không có gì đặc biệt, nhưng qua cách nhìn, qua bàn tay của họa sĩ Nguyễn Văn Thạnh thì đều được thăng hoa, tạo nên một thế giới nghệ thuật sinh động… Vì sao tranh của ông lại thiên về cảnh đẹp đồng quê như thế? “Thực ra, lúc nhỏ tôi lớn lên ở đồng quê. Thời đó, tôi vẫn thường theo cha mẹ đi làm đồng, làm rẫy, đến hè thì đi chăn trâu... nên tranh của tôi thường thiên về đồng quê là vậy”. Cũng vì chọn mảng đề tài này, nên cũng có người chê tranh của ông bình thường quá. Thế nhưng ông vẫn giữ vững phong cách của mình. Trên thực tế, tranh của ông vẽ bao giờ cũng bán chạy hơn người khác.

Do tuổi cao, sức yếu (năm nay ông đã 78 tuổi), bây giờ ông không còn cầm cọ để vẽ nữa, nhưng những trăn trở và niềm đam mê nghệ thuật sơn mài truyền thống trong ông vẫn như ngày nào. Những người học trò của ông - bây giờ đã là những nghệ nhân, những họa sĩ sơn mài có tiếng - vẫn thường lui tới thăm ông. Ngoài vấn đề tình cảm của học trò đối với thầy giáo của mình, mỗi khi đến thăm thầy họ cũng không quên mang theo những điều mà mình còn vướng mắc về kỹ thuật thể hiện sơn mài đến xin thầy góp ý thêm. Mỗi lần như thế, ông vẫn rất nhiệt tình, góp ý cho học trò bằng tất cả những gì mình biết được, bởi với ông bao giờ cũng mong muốn những học trò của mình phát triển hơn trong nghề nghiệp.