NHỮNG
NGƯỜI BẠN NHỎ ĐỒNG HÀNH CÙNG TÔI
GS Nguyễn thị Tâm
Tôi về trường Trịnh Hoài Đức dạy từ niên khóa 1967 – 1968. Chủ yếu là
dạy ở Trịnh Hoài Đức Nam, thỉnh thoảng cũng có dạy ở Trịnh Hoài Đức nữ. Đến
năm 1971 tôi mới có một học sinh mà tôi xem như là một người bạn nhỏ. Và phải
đến 2016, gần nửa thế kỷ, tôi mới có thêm 3 người bạn nhỏ nữa.
Em là động lực và là nguồn cảm hứng...
(Trần Thiện Thắng - Khóa 12)
Một hôm các giáo sư và học sinh mời tôi đến chơi nhà một em có vườn
cây trái. Tôi nhận lời vì cũng muốn thư giãn để giải tỏa những áp lực do tôi
làm việc quá nhiều.
Từ đường lớn chúng tôi phải đi bộ vào một quãng mới dừng lại nghỉ. Chúng
tôi ngồi phía trong sát đường đi. Còn đám học sinh tụ họp ngồi phía ngoài,
cách xa một khoảng.
Xung quanh cây trái xum xuê. Không khí rất mát mẻ, rất dễ chịu. Một
lúc sau chúng tôi tiếp tục lên đường. Các bạn giáo sư và con cái của họ đi
tiếp. Tôi còn ngồi nán lại một lát sắp xếp đồ đạc. Bỗng tôi nghe một giọng
nói dịu dàng: “Để em chở cô đi”.
Ngước nhìn lên tôi thấy một học sinh đang đẩy xe gắn máy tới. Tôi ngầm
quan sát em, theo thói quen nghề nghiệp. Trông mặt em rất hiền lành, hồn nhiên
và trong sáng, vóc dáng khá chuẩn. Tôi biết em là học sinh Trịnh Hoài Đức
nhưng không biết tên em. Tới trước tôi em dừng lại. Tôi quen việc đi nhờ
xe người khác nên để em chở đi. Em bảo tôi: “Đường quanh co. Cô ngồi cẩn
thận”.
Trên đường đi chúng tôi im lặng. Tôi ngại nên không hỏi tên em. Em chở
tôi đến nơi rồi đi với các bạn học sinh khác. Tôi hỏi mới biết tên em.
Chúng tôi chơi đến gần xế chiều mới về. Lại đi bộ từ từ ra đường cái.
Đến một chỗ trống tôi nghe có tiếng động phía sau, quay lại và thấy em. Em
nhìn tôi, đẩy xe qua trước tôi và dừng lại. Em ngồi lên yên xe và quay lại
nhìn tôi. Tôi biết là em muốn chở tôi đi. Tôi lẳng lặng ngồi lên yên xe, không
biết từ sáng đến giờ em đi đâu. Đến lúc chuẩn bị về mới thấy em.
Ra đến đường cái. Tôi bảo em hãy để tôi xuống đón xe về được rồi. Tôi
chỉ biết tên em mà không biết nhà em ở đâu. Em không nói gì, cứ tiếp tục cho
xe chạy. Tôi nhắc lại. Em trả lời: “Để em chở cô về”.
Buổi sáng tôi thấy em có vẻ ngoan, nói chuyện rất nhẹ nhàng. Tôi thầm
khen. Tuy là phụ nữ nhưng tôi có cá tính mạnh mẽ hơn em nhiều. Bây giờ tôi
mới nhận ra em không phải là người đơn giản và dễ tính như tôi nghĩ. Em rất
giống tôi, chỉ thích làm theo ý mình.
Ngồi trên xe tôi miên man nghĩ đến những em ở trại Thủ Đức. Làm việc
ở đó tôi bị nhiều áp lực nặng nề. Muốn tìm hiểu về các em thật khó khăn. Các
em rất tinh ranh, nói dối như cuội. Nhiều khi tôi cảm thấy chới với khi tiếp
xúc với các em. Tôi nghĩ: “Mình cố gắng nạp cho nhiều năng lượng bên này
để đem qua bên kia xài”.
Bỗng em dừng xe lại. Đã tới nhà rồi. Em đứng xuống, tôi cũng rời yên
xe. Tôi nhìn em, đợi xem em có nói gì không. Em nhìn tôi nhưng không nói tiếng
nào. Thế là tôi và nhà.
Em thường im lặng như vậy nên lòng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và yên bình.
Em đã giúp tôi giải tỏa bớt những áp lực mà tôi đã phải chịu trước đó. Tôi
có cảm giác như tôi quen em đã lâu. Từ đó tôi xem em như một người bạn nhỏ,
hơn nữa như một người thân. Em là biểu tượng của một cái gì rất trong sáng,
như là thế giới: “Bạch” trong mắt tôi. Em là người có lòng và chân thành.
Gần nửa thế kỷ sau, từ khi em ra trường, tôi mới gặp lại em một cách
bất ngờ. Tôi rất cảm động, thấy em vẫn như xưa. Tấm lòng cũng như sự chân
thành của em là động lực là nguồn cảm hứng để tôi viết về tình thầy trò của
chúng tôi.
Em giúp tôi gửi bài viết
(Lê Minh Chánh – Khóa 15)
Em là học sinh của tôi, và tôi là học trò của mẹ em. Chúng tôi chỉ thường
gặp nhau sau này. Lúc đó chồng em mất thấy em buồn quá nên tôi nói hãy đến
nhà tôi chơi. Từ đó hầu như mỗi tối em đều đến chỗ tôi.
Khi tôi viết văn, người đầu tiên đọc là em. Vì lâu quá không viết tiếng
Việt, bài văn của tôi như là một bản dịch vụng về. Tôi đưa cho em xem, em
lắc đầu. Tôi liền đưa cũng bài văn đó nhưng đã được viết lại lần thứ 2, em
thích và gật đầu.
Sau khi chép lại sạch sẽ bài thứ nhất, tôi đưa cho em xem và chúng tôi
cùng bàn cãi. Em nói: “Chỗ cô viết... M.H mở cửa xe bước vào..., người ta
có thể tưởng là... M.H mở cửa xe để bước vào xe, chứ không phải vào nhà”.
Tôi nói người đọc phải đọc từ trên xuống đương nhiên là hiểu ý chứ.
Đến bài 2, em nói cái này không có trong ngữ pháp tiếng Việt. Tôi
bảo nhưng trong tiếng Anh có. Nó là dạng câu hỏi đuôi. Em nói lại: “Nhưng
cô viết văn tiếng Việt mà”. Tôi bảo: “Nhưng cô muốn viết như vậy. Cô quen
rồi”.
Còn câu: “Cô Hằng hỏi tôi ở tại Sài Gòn chỗ nào”, em bảo ở phía sau
phải có dấu hỏi. Tôi nói: “Đó là câu hỏi gián tiếp trong tiếng Anh không
có dấu hỏi”.
Tôi không biết làm sao để gởi bài đi. Em tự nguyện bảo để em đánh máy
và chuyển. Tôi đề nghị đánh một bài thôi nhưng em cương quyết gởi cả hai bài.
Sau khi M. Tâm nhận hai bài này, em bảo để đăng trong đặc san Xuân,
cố đợi vài tháng sau nữa thôi. Tôi nhờ người đánh máy tiếp bài thứ 3. Lần
này tôi không nhờ em mà thuê người khác vì thấy em quá bận rộn và sợ em vất
vả.
Nhận được bài này M.Tâm gởi email tiếp. Bài này cũng sẽ đăng trong đặc
san Tết.
Em giúp tôi “Hiện đại hóa”
(Trương Huê Mỹ - Khóa 8)
Tôi mới quen em sau này khi em bắt đầu họp ở Công ty 3 tháng 2 (năm
2013). Em học ở trường Trịnh Hoài Đức nhưng em không phải là học sinh của
tôi. Tôi bảo em hãy gọi tôi là “chị”, nhưng em ngại nên vẫn gọi là “cô”.
Em là người gợi ý để tôi mua iPad. Em bảo để viết và gởi bài... Tôi
không thích cái gì hiện đại quá. Tôi cũng không thích những gì có tính ảo.
Các học sinh khác bảo tôi sử dụng di động để các em tiện liên lạc. Tôi bảo:
“Nếu các em thương cô thì đến thăm cô, khi có dịp. Cô chỉ muốn thấy các em
bằng xương bằng thịt. Cô không thích qua hình ảnh, tiếng nói”.
Cuối cùng H. Mỹ cũng thuyết phục được tôi. Tôi mua một chiếc iPad Air
2. H. Mỹ lên nhà tôi xem và bảo tôi mua chi cái mắc tiền, sao không mua cái
thường thôi.
Các em học sinh đang học với tôi thích quá. Tôi thường cho các em mượn
chơi. H. Mỹ nói với tôi: “Cô không nên để học sinh chơi nữa. Em sợ chúng làm
mất dữ liệu...”.
Em phải lên nhà tôi để chỉ tôi học sử dụng từ đầu. Em nói trước tiên
tôi chỉ cần gởi được cái email để có thể liên lạc vài người cần thiết. Kế
đó là đọc các báo...
Thấy em lên nhà tôi rất bất tiện vì mỗi lần đi là phải nhờ con gái nên
tôi tìm người dạy cách sử dụng và đồng ý trả tiền theo giờ như giáo viên dạy
kèm các học sinh. Thật ra tôi có thể nhờ các học sinh khác gần nhà, nhưng
tôi ngại làm phiền. Các người dạy là phái nam thì nhiều, phái nữ thì ít. Nhưng
nếu có thì họ dạy không nhận tiền, mà giờ giấc do họ quy định nên không tiện
cho tôi. Tôi không muốn phái nam dạy vì sợ họ không kiên nhẫn với người có
tuổi...
Nhờ có iPad hôm 20 – 11 – 2016 lần đầu tiên tôi nhận được email của
H. Mỹ chúc mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam. Tôi có thêm niềm vui email mỗi ngày.
Bạn tôi ở Mỹ ngày nào cũng gởi cho tôi nhạc, hình ảnh hay, đẹp, lạ... các
bài văn mà bạn cho là đặc sắc. Tôi thích nhất là những động tác thể dục, xoa
bóp các huyệt đạo.
Mới đầu tôi chỉ có Gmail. Sau tôi dành Gmail cho người bạn ở Mỹ. Còn
Yahoo Mail để giao dịch cho người khác.
Người bạn “ảo” của tôi
(Từ Minh Tâm – Khóa 11)
Trong năm 2016 tôi có một người bạn “ảo” rất lý thú. Tôi nói là “ảo”
vì tôi quen với em, nhưng chưa hề trực tiếp nói chuyện với em lần nào khi
tôi đến nhà em chơi với chị của em lúc xưa. Và bây giờ cũng vậy, vì em ở quá
xa.
Từ khi gởi bài cho em, chúng tôi chỉ giao thiệp qua email. iPad có rất
nhiều chức năng nhưng tôi không thích sử dụng các chức năng khác. Nhận email
thì lúc nào xem và trả lời cũng được, không ảnh hưởng đến giờ giấc riêng của
mình.
Em nhận ba bài viết đầu tiên của tôi và sắp xếp thứ tự thành một bài,
đặt tựa bài khác cho phù hợp và ghi tên người viết là GS Nguyễn Thị Tâm. Khi
em email gởi lại cho tôi để hỏi ý kiến, tôi đồng ý. Hai chữ GS trước tên
của tôi, tôi cũng đồng ý vì như vậy mới có hương vị của Trịnh Hoài Đức xưa.
Tôi tiếp tục viết bài thứ tư và gửi qua em, rồi bài thứ năm em cũng
đăng ngay. Khi đi thăm các thầy cô ở Bình Dương, Sài Gòn về cũng vậy.
Tôi rất vui thích vì đây là niềm đam mê mới của tôi. Mỗi giai đoạn trong
cuộc đời tôi đều có một đam mê khác nhau.
Người tiếp sức nhiều nhất cho tôi trong việc viết bài là M. Tâm. Lúc
nào em cũng “Cháy hết mình” nên tôi rất cảm động.
Người giúp tôi có động lực và cảm hứng để viết là một học trò nhỏ gần
nửa thế kỷ trước. Người giúp tôi duy trì được động lực và cảm hứng lại là
một người không phải là học trò của tôi, và tôi mới quen lại nhưng chỉ qua
email.
Em trước còn nói với tôi ba câu trong lần đầu gặp. Còn em sau tôi chưa
hề nghe qua giọng nói.
Tôi quen với một nhà sư. Ông thỉnh thoảng đến thăm tôi tại nhà. Khi
nói chuyện chúng tôi xưng hô bằng “ông” và “cô”. Lần nào ông đến tôi cũng
hay hỏi về đời thường để ông thông qua đạo Phật trả lời tôi. Tôi hay bẻ lại
những ý kiến của ông nhưng ông không bao giờ nhăn mặt hay phiền giận gì.
Ông đến thăm tôi với mục đích hướng tôi theo đạo Phật.
Hôm người học trò nhỏ năm xưa về thăm tôi và đã đi rồi, tôi có kể cho
ông nghe. Sau khi nói chuyện một lúc lâu, trước khi về ông nói nhắn lại: “Tôi
mong rằng sau cuộc gặp gỡ với người học trò này cô sẽ có một chuyển biến
mới, một bước ngoặc mới trong cuộc đời cô”. Ý ông muốn nói hy vọng tôi sẽ
có một hướng đi mới về phía đạo Phật.
Tôi rất đồng ý với ông rằng cuộc đời tôi sẽ rẽ theo một hướng mới. Như
thế có nghĩa là tôi đang đeo đuổi theo một đam mê mới. Tôi muốn viết những
gì mà tôi thấy, tôi nghe, tôi nghĩ, và tôi cảm nhận.
Điều quan trọng nhất là tôi biết rõ tôi là một người rất may mắn. Lúc
nào cũng gặp những người bạn tốt đồng hành cùng tôi để chia sẽ và giúp tôi
thực hiện những gì tôi ước mơ.
Và như thế là quá đủ với tôi rồi.
(HT ngày 22 – 01 – 2017)