NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI
Sean Nguyen

Cuối tháng tư, nắng chiều trổ xuống bên hông chân đồi. Từ khoảng không xa xôi nào đó, tôi đưa mắt nhìn ra phía biển để hoài niệm một lần... hay nếu được, sẽ xin thêm nhiều lần nữa để trở về với những năm tháng mà tuổi thơ đã đi qua.
Trẻ lên ba biết chơi năm mười trốn tìm, lên bốn thích chơi cá sấu lên bờ, rồi lên năm thì khoái chơi trò bắt dí.
Tôi thích xỏ đôi dép của ba tôi vô chân rồi đi cùng khắp ngỏ của con xóm nhỏ. Ngộ hén, đôi dép của ba bự lắm, lại khó đi, nhưng mà, cứ mang đi hoài để ba theo kiếm.
Rồi một buổi trưa nào đó, tôi dạo chơi quanh khu vườn phía sau hè. Bỗng dưng, tôi rình bắt được một con chuồn chuồn trâu và chạy về khoe với ba.
Chuồn chuồn trâu có màu đen giống da con trâu, mắt nó to, cánh nó bự, lại hay ưa bay trên cao nên khó bắt. Nghe người lớn nói : “ Chuồn chuồn bay thấp trời mưa, bay cao trời nắng, bay vừa trời râm.” Mà thiệt vậy, mỗi lần nhìn đám chuồn chuồn bay sà sà trên mấy thửa ruộng thì cỡ chừng hơn một tiếng sau là trời mưa lớn.
Tụi con nít xóm tôi chỉ chờ có bấy nhiêu đó thôi ! Được tắm mưa là khoảnh khắc vui sướng nhứt trần gian. Nhưng lỡ hôm nào bị sổ mũi là phải bắc ghế ngồi trong nhà mà nhìn mưa rơi, rồi đành khóc thút thít trong nỗi buồn uất nghẹn vì ba má hông cho tắm mưa.
Tắm mưa phải cầm theo cái ca mủ để chơi trò tạt nước cùng đám bạn, hay đứng dưới máng xối cho nước đổ xuống đầu thời mới đã.
Tắm mưa để được dịp lượm xoài mút hay trái mận chín rụng bên vườn nhà hàng xóm, và tha hồ chạy ra bờ ruộng để cầm rổ thi nhau xúc cá. Có khi lại đu mấy tàu lá dừa để tung mình bay thẳng xuống ao trồng súng trồng sen thì còn gì cho đặng.
Con gái thì thích chơi nhảy dây, ô ăn quan, banh đũa, sò, bún thun hay chơi bán quán đồ. Còn con trai tụi tôi chỉ khoái chơi tạt lon, bắn bi, đánh bông dụ, đá cá lia thia, đá dế, đá cầu, đá banh, nuôi gà chọi…..Vv.
Con nít tập làm cô dâu chú rể thì cài cái bông sứ trắng lên trên mái tóc, thả hoa trâm ổi đủ màu cho nổi trôi theo dòng nước rồi giận hờn vu vơ. Đưa tay ngắt lấy cái bông bụp mọc ở hàng rào rồi hái trái sùm sụm nhai cho bỏ ghét.
Đường mương hồi xưa chưa ô nhiễm nên cá rất nhiều. Có lần thấy tôi và thằng bạn cùng trang lứa đang đùa giỡn và tắm gội bên giếng nước thì chị hai tôi biểu : “ Hai đứa bây chà xà-bông ít thôi nhen, mỗi lần tắm là hết y một cục xà-bông hà.”
Nói chung trong sinh hoạt vệ sinh giặt giũ, tắm gội…khi ấy chưa sử dụng nhiều hóa chất như bây giờ.
Giống cá bảy màu hay còn gọi là cá bụng bầu có khá nhiều vì chúng sanh đẻ liên tục. Nghe nói giống cá nầy do Tây họ đem qua mình để thả xuống mương ở quanh vườn cho bớt muỗi. Ngoài ra còn có cá bảy trầu, cá sặc, cá rô, cá lìm kìm, cá bóng đèn, cá tràu, cua, tép, lươn, nhái, ếch…Vv.
Cá đá được ưa chuộng vẫn là giống cá xiêm, tức giống cá của người Xiêm- La, lớn con hơn cá lia thia của mình. Cá xiêm có bán ở ngoài chợ. Còn cá lia thia thì đi xúc ở ruộng.
Xóm tôi, cứ mỗi chiều khi con nước thủy triều dâng thì đám con nít rủ nhau đào trùn, xách cần câu trúc đi xuống cây cầu sắt để câu cá sát, cá mè hoặc cá lòng tong. Có khi hên hên thì cũng ẵm được một hai em cá lăng hay cá tra dầu đem về cho má nấu canh chua lá me non.
Trước cổng ngôi trường tiểu học có mấy chiếc xe đạp chở theo lồng bán dế, bán kẹo kéo….xe hay ghé trước hoặc sau giờ học sinh tan tầm. Xe kẹo kéo thường hay có bàn quay bằng gỗ để mua quay trúng thưởng. Phần thắng là kẹo hoặc đồ chơi. Dế đá thì chủ yếu là dế than và dế lửa nhưng lâu lâu cũng có bán con bửa củi, cánh cam, bọ hung, dế cơm….Vv.
Cà rem đổi hạt điều chỉ có ở những mái trường tiểu học ở trên quê. Cỡ năm cái hạt điều thì đổi được một cây cà rem hoặc một cây kẹo kéo. Đa phần mấy ông lính “Ngụy” đi học tập cải tạo về thì kiếm sống bằng nghề nầy. Từ chạy xe ba bánh, bơm hột quẹt gas, thâu mua ve chai, bốc vác….Vv. Nói chung đủ nghiệp mưu sinh nhưng họ rất mực yêu thương con nít. Còn hình ảnh chú bộ đội cụ Hồ được dạy trong sách giáo khoa thì đám học trò tụi tôi không ấn tượng gì mấy.
Tôi nhớ có lần tan trường, má tôi lên rước trễ. Học trò về hết, tôi đứng một mình bên hàng rào mếu máo khóc. Rồi trong một phút giây nào đó, ông kẹo kéo đến an ủi và còn kéo cho tôi một cây kẹo thiệt bự. Ông nói : “ Ăn xong cây kẹo là má lên tới ! Làm con trai không được khóc.”
Hình ảnh ông kẹo kéo, đôi chân đi dép mũ cũ với bộ đồ có nhiều mảnh chấp vá đượm buồn như chính mảnh đời của ông mà sau nầy lớn lên tôi mới biết được ông là lính “Ngụy”. Từ đó, mỗi khi gặp chuyện buồn, tôi nhủ lòng “ Làm con trai không được khóc !”.
Tối đỏ đèn, sau bữa cơm tụi tôi thường rủ nhau đi bắt dế. Ở chỗ nào có cỏ, có ánh đèn đường thì có dế. Mấy con dế khoái sống trong nghĩa địa, chui núp chỗ mấy lỗ gạch. Và dế chó có lẽ là loài vô dụng nhứt, nhưng sau nầy cũng bị bắt để cho gà ăn.
Giống gà tre được con nít khoái chọn nuôi hơn là giống gà nòi hoặc mấy giống gà chọi khác vì phải tốn công chăm sóc. Gà tre rặt thả đi lông nhông, đến chiều nó tự mò đầu về. Khi trưởng thành gà cân nặng chưa tới một ký lô, bộ lông đủ màu và bắt mắt. Mấy con gà trống, cánh xệ, cổ ngước cao, mắt liếc ngang, mồng dâu hay mồng chít đá rất sung và ít bị thua. Tôi dốc hết ống heo cũng không đủ tiền nên đành phải mua một con gà mái. Khi lớn lên gà đẻ trứng cho má tôi ốp-la ăn mỗi sáng. Tới lúc gà ấp, do không có trống nên tôi lại xin tiền má chạy ra chợ mua một chục hột vịt lộn đem về. Hơn chục ngày sau, gà mẹ dắt bầy vịt con đi lang thang ngoài vườn. Trời mưa xuống gà mẹ đứng trú dưới gốc cây, còn đám vịt con thì lại khoái chí đắm mình trong dòng nước mát.
Tôi có quen một cô nhỏ bạn gái học chung ở lớp tiểu học. Hồi chưa tới mười tuổi mà dám lội xuống ao để bẻ bông sen tặng cổ. Sau nầy cổ theo gia đình qua Mỹ rồi cổ tặng lại cho tôi một con gấu bông với muôn ngàn nỗi nhớ màu cánh sen.
Hồi nhà nước chưa cấm đốt pháo, hễ Tết đến là xác pháo rơi bay đầy đường. Tôi khoái đem pháo chuột vô lớp đốt trong giờ ra chơi để hù tụi con gái. Trò nầy sau đó bị nhà trường cấm. Pháo đại, pháo trung đốt nổ nghe chát chúa, còn pháo bông thì để dành đốt trong đêm ba mươi giao thừa.
Mùa thả diều là sau Tết, khi ấy kiếm tờ báo cũ làm diều cũng khó nên phải xé tập cũ rồi dùng keo hồ hay cơm nhão mà dán lại. Rồi còn phải đi chặt tre về vót làm chiếc sườn thẳng và sườn cong, nhìn giống như cây cung và cây tên. Nhợ phải mua từng tép ở chợ, có đủ màu cho chọn lựa. Mua về rồi quắn vô lon, quắn không khéo là rối nùi. Hồi đó hay tụ tập thả diều ở những cánh đồng trống hay bãi đất hoang.
Khi đám ve sầu kêu la cho đã đời ở trên tàng cây phượng già mọc nơi góc sân trường, thì đó cũng là lúc lòng tôi hân hoan nhứt. Cái nóng nực của mùa hè dường như chỉ hết, trừ khi nào chúng tôi được đi tắm ở hồ Piscine. Vé tắm cũng khá rẻ dành cho học sinh, nhưng xin tiền tắm thì không có tiền ăn bánh. Nên chiều chiều lại rủ nhau ra mé bờ sông để bơi cho đã thèm…..
Con nước lớn, con nước ròng đã thay nhau dập dìu cuốn trôi đi tuổi thơ của một quãng đời hồng ra sông ra biển.
Chiều nay, một mình ngồi chênh vênh trên một mỏm đá ở nơi góc chân trời, tôi nhìn ra phía biển để đòi về lại với…..tuổi thơ.


Những ngày xưa thân ái, xin buột lại cho ai ?
Sean Nguyen.
26-4-2022.