Lá thư Nebraska
Những kỷ niệm bọc bằng nhung
(Thầy cô- Trường lớp- Bạn bè)
Phạm thị Nhung
Trường lớp - Thầy Cô
Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh...
Muôn chim hót vang lên... êm đềm...
Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức là một ấn tượng đặc biệt
trong tâm trí của tôi thời niên thiếu.
Đó là một ngôi trường duy nhất trong đời tôi
ở một địa điểm xanh tươi, chung quanh toàn cây lá ruộng
đồng. Chúng tôi đi học hằng ngày mang theo hoa
lá cỏ cây vào lớp để trang hoàng. Chúng
tôi đi học hằng ngày đuổi theo những đàn bướm trắng,
đàn chuồn chuồn kim đủ màu sắc. Chúng tôi đi học
hằng ngày mang theo mây trời và gió vào
sân trường và lớp học. Tóc và đồng phục
của chúng tôi thơm khét mùi nắng và đôi
khi ướt đẫm những giọt nước mưa. Tất cả những nét, những cảnh
vật của thiên nhiên đã hóa thân thành
chúng tôi như: bươm bướm, mây trời, gió, hoa, lá,
tơ trời óng mượt, đá sỏi, sông, trăng sao, chim chóc,
những trái tim nhỏ bé... Ôi sao nhắc mãi cũng
không đến tận cùng.
......
Còn đâu những buổi mưa dầm,
Ngày ngày đi học âm thầm đội mưa.
Còn đâu kỷ niệm ngày xưa,
Làm em nhớ tiếc những trưa mùa Hè,
Khi cùng chúng bạn bắt ve,
Hái cành phượng thắm đem về nhà chơi.
Thế mà......
Đó là một đoạn của bài Học Thuộc Lòng của
tụi mình hồi ở các trường tiểu học ( quyển Quốc Văn Toàn
Thư ) các bạn chắc hẳn còn nhớ rõ. Và
đó có phải là cảnh của chúng mình hồi
còn bé không nhỉ. Chúng mình sống
giữa hương đồng cỏ nội, chúng mình sống giữa ngàn cây
xanh lá. Chả thế mà thầy Lộc của mình đã
gọi đó là vùng Hoài Niệm Xanh. Và
chúng mình cũng luôn cám ơn và tưởng
nhớ thầy Di, những thầy cô, và những người đã
góp một ý kiến cho trường mình xuất hiện ở nơi ấy.
Nơi tụi mình được học hành. Nơi mà tụi mình
vẫn còn muôn thuở nghĩ về.
Các bạn thân mến,
Nhưng tại sao tôi lại nói trường Trịnh Hoài Đức là
ngôi trường duy nhất trong đời tôi, hiện diện giữa ngàn
xanh. Các bạn hẳn rõ điều này: tuy trường mình
là trường Công Lập duy nhất của tỉnh Bình Dương, chứ
không phải trường làng, nhưng lại không xây cất
ngay trong tỉnh lỵ, mà lại xuất hiện một cách trẻ trung tươi
tắn giữa vùng nông thôn gần chợ Búng. Còn
tôi, thời niên thiếu tôi đã theo học rất nhiều
trường ( tôi sẽ kể các bạn nghe vì sao mà tôi
học nhiều trường ). Nhưng cho dù ở một tỉnh lớn hay một thị
trấn đèo heo hút gió, thì trường tôi cũng
ở ngay tại trung tâm phố xá của tỉnh lỵ hay quận lỵ ấy mà
thôi. Chung quanh khuôn viên các trường ấy
phần nhiều là phố xá, chợ búa, hoặc các công
sự phòng thủ ( vì là thời điểm chiến tranh ).
Ngay cả đến các trường ở các tỉnh lỵ vùng cao nguyên
có " phố núi cao, phố núi đầy sương" thì chung
quanh trường, tôi cũng chưa nhìn thấy " phố núi cây
xanh" bao giờ cả. Họa hoằn là 2 hàng cây cao hai
bên đại lộ.
Nên tôi cứ muốn lập lại, và thèm nghe mãi
như mình thèm nghe một giọng hát ru quen thuộc của
thời thơ ấu. Cho dù ngày nay mình đã lớn
tuổi rồi nhưng vẫn cứ muốn nhắc đi nhắc lại hoài. Vì
điều ấy là thường tình với bạn, nhưng đối với tôi nó
mới hy hữu làm sao! Tôi xin lập lại một lần nữa là
ngôi trường Trinh Hoài Đức của tôi, và của các
bạn nữa, là một ngôi trường duy nhất trong đời tôi, hiện
diện giữa ngàn xanh. Và tại ngôi trường này
tôi có nhiều kỷ niệm với thầy cô, bạn bè.
Với các thầy cô dạy mình, thì hẳn nhiên
là nhiều kỷ niệm lắm. Cứ đọc bài của các bạn và
của chị Nguyễn thị Hai, là tôi cứ như nhìn thấy lại ngay
trước mắt mình, cái lớp P1 thuở nào. Với giáo
sư hướng dẫn lớp chúng tôi là thầy Nguyễn Trường Phán.
Thầy cũng là giáo sư dạy chúng tôi môn
Pháp văn.
Điều tôi muốn kể với các bạn ở đây là sự xuất
hiện của cô Liên ở trường mình, ( chỉ sau này tôi
mới được biết cô là phu nhân của thầy Hiệu trưởng Nguyễn
Trí Lục, vì tôi rời THĐ năm 1968 ), cô là
một trong những bóng hồng làm xao xuyến lòng người
THĐ. Các cô giáo khác của chúng
tôi cũng xinh đẹp lắm. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần
cô có việc đi ngang lớp tôi, nhìn thấy cô
trong những chiếc áo dài tha thướt nhã nhặn, lòng
tôi lại có một mối xúc cảm lạ lùng.
Cô dạy Anh văn, chúng tôi không có dịp
học Cô. Nhưng mỗi lần cô đi qua hành lang, tuy
không bảo nhau nhưng bao nhiêu cái đầu trong lớp cùng
ngoái nhìn theo quý mến, có bạn còn dạn
dĩ gọi: Cô, Cô ơi.... Tôi chưa gọi Cô bao giờ, nhưng
mái tóc ấy, khuôn mặt ấy, nụ cười ấy và những
tà áo dài mà Cô thường mặc, sao lại gợi
lên trong trí tôi một nỗi nhớ, một niềm hoài cảm
nào đó. Những ngày ấy, tôi cứ cố soi rọi
trong trí mình, để nhớ xem Cô Liên là ai,
mình đã gặp Cô bao giờ chưa, sao có một tình
cảm thiết tha nơi tôi đến thế. Trong lúc tôi cố
gắng soi rọi và lục tìm các ngăn trí nhớ
của mình, tôi mời các bạn cùng viễn du với tôi
qua những nơi chốn mà gia đình tôi đã đến nhé.
*****
Không như các bạn cùng lớp cùng trường, tôi
đã phải chuyển trường rất nhiều lần trong suốt thời gian 12 năm
học ( từ lớp Năm cho đến lớp đệ Nhất ). Cha tôi làm
trong ngành hành chánh tư pháp của quân
đội cũ. Tuy là về hành chánh nhưng cha tôi trực
thuộc quân đội nên gia đình chúng tôi cứ
phải thuyên chuyển luôn luôn. Những lần thuyên
chuyển như thế, việc lo lắng đầu tiên của cha mẹ tôi là
chuyện học hành của anh em tôi. Nếu may mắn lắm, thì
lệnh thuyên chuyển nhận được ngay vào dịp hè, thì
đó là thời gian các trường học đều đóng cửa.
Thế là cả gia đình lại lên đường theo những chuyến viễn
du đi về một tỉnh lỵ hay một quận lỵ xa xôi nào đó,
tùy theo sự vụ lệnh thuyên chuyển đã nhận được.
Nhưng không phải lúc nào cũng được như thế cả, có
khi còn đang giữa niên học của chúng tôi thì
cha tôi đã nhận được lệnh thuyên chuyển. Trong
trường hợp này thì cha mẹ tôi sắp xếp như sau: con cái
đứa nào lớn thì cho ở lại thành phố ấy trọ ở nhà
người quen thân, bạn của cha mẹ tôi, để học cho hết niên
khóa. Rồi cha mẹ tôi sẽ đón về sau. Còn
những đứa còn nhỏ bé quá thì đi theo cha mẹ
tôi đến thành phố mới và nộp đơn xin vào học
các trường ở địa phương ấy.
Vì thế thời tuổi nhỏ tôi học rất nhiều trường là
do sự thuyên chuyển nhiệm sở của cha tôi. Trong trí
của trẻ thơ từ lúc có trí nhớ và ý thức
được những việc giản dị chung quanh mình, tôi không biết
cha mẹ mình có buồn không nhưng tôi nhớ là
tôi vui hớn hở, tôi vui lắm, cười nói líu lo cả
ngày. Nhưng có lẽ chính vì tuổi thơ hồn
nhiên quá cũng làm cho cha mẹ tôi bớt buồn chăng,
vì tôi thấy mẹ tôi thường ôm tôi hôn
lên đôi má bầu bĩnh của tôi mà mắt thì
cứ rươm rướm lệ.
Chúng tôi ở vùng cao nguyên Trung phần, kể
từ Đà lạt, Đắc lắc, Kom tum, Ban mê Thuột là những nơi
cha tôi đã về nhận nhiệm sở. Đó là các
địa danh cuối trước khi cha tôi thuyên chuyển về miền Đông
nam phần. Khởi đầu cho miền đông này là một địa
danh có lẽ cũng ít người Việt Nam biết đến, đó là
quận lỵ Dầu Tiếng. Sau Dầu Tiếng là quận lỵ Lái Thiêu,
rồi tỉnh lỵ Bình Dương. Ty Hiến Binh Quốc Gia nơi cha tôi
làm việc ở trên đồi Hành Chánh Tỉnh. Sau
thời gian ở Bình Dương thì cha tôi được thuyên
chuyển về Sài gòn, rồi Biên Hòa đó là
nơi làm việc cuối trước biến cố 1975. Đó là những
nơi cha tôi đã thi hành quân vụ.
Tôi xin bắt đầu ở Đà lạt, lúc ấy tôi còn
bé quá chưa đến tuổi đi học, trí nhớ chỉ lãng
đãng ở những lúc theo chân mẹ đi chợ, những bữa cơm
gia đình, điều mà tôi nhớ nhất là những lúc
mẹ tôi cắt tóc cho tôi. Còn bé quá
chưa được để tóc dài, đứa trẻ nào cũng bị cắt tóc
như những con búp bê Nhật bản. Nhưng mẹ tôi rất
kỹ rất cẩn thận khéo léo với mái tóc của tôi.
Tôi cứ còn nhớ như in mẹ bảo: nhắm mắt chặt chặt nhé,
cố một tí nữa thôi, sắp xong rồi. Nguyên nhân
chính là vì cưng con quá, không muốn
những người thợ cắt tóc con mình như cắt hàng loạt
mái tóc của những đứa con nít khác, cắt cao
tớn lên nửa cái trán, chả thế mà đến cái
kéo dành riêng cắt tóc cho tôi vẫn còn
giữ kỷ niệm đến mãi sau này.
Tôi còn nhớ lớp Mẫu giáo đầu tiên tôi
theo học, đó là trường của các Soeur ở thị xã
Ban Mê Thuột. Tôi đi học ngoan lắm, tôi nghe cha mẹ
tôi khen thế. Tôi còn nhớ như in những buổi học vui
vẻ ấy, các Soeur rất dễ thương và rất hiền ( chả thế sao người
ta lại nói " hiền như ma Soeur" ). Các Soeur thường mỉm
cười với tôi luôn, lớp có nhiều giờ học khác nhau,
ngoài các Soeur còn có những cô giáo
khác dạy vẽ, dạy múa, dạy hát... thật là vui.
Bài tập đem về nhà thường là những trang tập đồ những
con số, và những hình vẽ bông hoa chim cá để
tôi tập tô màu. Các Soeur và các
cô giáo của tôi đều còn rất trẻ. Tôi
còn nhớ trong lớp, có những bạn khi về nhà không
chịu làm bài tập, các Soeur đã mời Soeur Hiệu
Trưởng xuống lớp răn đe, có bạn còn bị phạt ( hình
phạt là Soeur sẽ giữ hình Thánh Chúa khi nào
ngoan thì Soeur sẽ trả lại. Tôi nhớ là các bạn
ấy khóc quá chừng, rồi hứa với Soeur Hiệu trưởng là
từ nay sẽ không dám tái phạm nữa.). Cha tôi
nói trường ấy kỷ luật rất khắt khe.
Có lần các Soeur cho chúng tôi làm
bài tập trong lớp, đó là giờ tập vẽ. Tôi không
biết các bạn làm bài ra sao. Nhưng riêng
tôi vẽ mãi không được, lòng thì
thấp thỏm lo âu, không dám nhìn ai cả.
Tôi thì cứ nghĩ thầm: lát nữa các Soeur phạt
tôi như thế nào đây vì gia đình tôi
đạo Phật, không có hình Thánh Chúa để
các Soeur lấy. Nhưng kỳ lạ làm sao, tôi thấy
các Soeur cứ đi qua đi lại các dãy bàn của
chúng tôi mà cười khúc khích, có
Soeur thì cười mỉm thật hiền lành dễ thương.
Cuối giờ học ngày hôm ấy, các Soeur bảo chúng
tôi mang tờ giấy vẽ hình về cho cha mẹ chúng tôi
xem. Cha tôi thường hay đón tôi về học nhưng tôi
muốn khoe với mẹ tôi hơn nên đã dấu im tờ giấy trong
cái cặp mỏng te. Xe cha tôi ngừng ở sân Ty Hiến
Binh, tôi chạy vội về nhà để khoe mẹ. Sao lạ thế, tôi
thấy mẹ tôi cũng cười như các Soeur. Mẹ tôi cũng trẻ
như các Soeur nên cười cũng dễ thương như các Soeur
vậy. Đến bữa cơm ngày hôm ấy gia đình được một
trận cười vui vẻ, và cha mẹ cùng 2 anh tôi ai cũng khen
là tôi vẽ cái bàn đẹp quá. Đúng
là cái bàn có 4 cái chân !!!
Tôi phải học Mẫu giáo 2 năm mới đủ tuổi vào Tiểu
học. Cuối năm Mẫu giáo ấy, cả nhà chuẩn bị cho tôi
học thi !! Thi vào lớp Năm trường Tiểu học Ban Mê Thuột,
vì đó là trường công lập, ở ngay thị xã
của tỉnh Ban Mê Thuột. Năm Mẫu giáo thứ hai ở trường
các Soeur, tôi đã được học viết, học làm toán
những con số đơn như là 1+4=5 ; 4+2=6. Bài thi thật
là đơn giản, làm 10 bài toán cộng, toán
trừ những số đơn như thế. Sau đó là nhìn lên
bảng mà chép vào giấy một đoạn văn ngắn. Và
tôi thi đậu, điều ấy cũng dễ hiểu thôi, vì ở trường các
Soeur còn cho toán khó hơn và viết bài
dài hơn.
Thú thật với các bạn, lúc mình còn
nhỏ quá, bảo đi thi thì mình đi, vào phòng
thi cô giáo bảo làm toán thì mình
làm, bảo viết bài trên bảng vào giấy thì
mình viết. Rồi khi biết tin đậu thì cha mẹ mình
theo dõi và mừng chứ mình có biết ý
nghĩa của việc thi cử là gì đâu mà mình
mừng. Chỉ nhớ là đầu niên khóa 60-61, tôi
vào học lớp Năm trường Tiểu Học Ban Mê Thuột. Cũng ở ngôi
trường này tôi có một kỷ niệm thật là khó
quên. Các bạn cũng biết kỷ niệm nào cũng đẹp,
cho dù đó là kỷ niệm vui hay kỷ niệm buồn. Nhưng
kỷ niệm này của tôi không phải là một kỷ niệm
vui, mà cũng chẳng phải là một kỷ niệm buồn. Mà
chắc chắn với bạn đó là một kỷ niệm đẹp, tôi ghi nhớ
suốt đời không bao giờ phai nhòa trong ký ức.
Cha mẹ nào mà không thương con, nhưng cha tôi
nét mặt rất nghiêm nghị, còn mẹ tôi thì
hiền từ mềm mỏng. Nên tôi thường hay vòi vĩnh và
làm nũng với mẹ tôi hơn. Ngày khai trường năm đầu
tiên của bậc Tiểu học ấy, cha tôi chở tôi đi học và
đón tôi về. Tuy trường ở ngay trong thị xã, nhưng vì
tỉnh lớn, nên cũng khá xa nhà. Lúc đón
tôi về học, ngồi trên xe cha tôi hỏi chuyện lớp học ra
sao, thầy cô thế nào, có quen bạn bè ngồi cạnh
chưa.... Cha tôi cũng khá ngạc nhiên là tôi
chỉ im lặng, ngồi trên chiếc xe Jeep nhà binh cạnh cha tôi,
tôi không nói hay cười, khác hẳn với hàng
ngày. Cha tôi nghĩ hẳn nhiên là phải có
vấn đề gì rồi, tôi mới hờn mát ( giận lẫy ) như thế.
Xe vào đến sân Ty Hiến Binh, tôi xuống xe, không
nói không rằng tay ôm cái cặp mỏng te, chạy vội
chạy vàng về phía mẹ tôi đang đứng chờ tôi ở
trước nhà. Còn vài bước nữa thì tôi
không nén được mà khóc nấc lên, oà
vỡ ra vì đã cố nén từ lâu lắm, từ sáng
sớm nay cơ, từ trong lớp học đầu tiên năm ấy.
- Mẹ ơi, cô giáo con già quá
!!
Mẹ tôi lau nước mắt cho tôi và vuốt tóc tôi
an ủi:
-Thôi nín khóc mẹ thương. Vào
nhà kể mẹ nghe nào.
Lúc ấy cha tôi cũng vừa bước đến, tôi thấy cha mẹ
tôi đưa mắt nhìn nhau, cha tôi khẽ bảo:
- Khổ quá đi mất.
Năm ấy tôi sáu tuổi, nên những ai lớn hơn các
Soeur ở trường Mẫu giáo hay lớn hơn mẹ tôi thì tôi
đều thấy họ già !! Sau này những khi nhớ lại, tôi
cứ thầm xin lỗi các cô giáo của tôi mãi.
Các bạn biết không, ngày hôm sau nếu mọi người
thấy một ông Hiến Binh dẫn con đến trường, thì đó là
cha tôi đó. Chắc cũng cám cảnh cho cha tôi,
nên ông Hiệu Trưởng sau khi nghe chuyện, mỉm một nụ cười thông
cảm. Sau đó đích thân ông dẫn tôi
đến một lớp khác, cô giáo mới này của tôi
còn trẻ lắm, cô tên là Tâm, cô là
con gái của ông Hiệu trưởng. Sau đó thì
tôi yên tâm và vui vẻ học hành ngoan ngoãn
lắm, và cứ nhớ là lúc ấy sao lòng mình
mát dịu quá đi thôi. Tôi nhớ giờ ra chơi
của ngày hôm ấy, cái ngày hạnh phúc của
tôi ấy, thầy cô các lớp khác chạy sang lớp tôi
rất đông, nói chuyện vui vẻ với cô giáo mới của
tôi, và cứ nhìn tôi mà mỉm cười mãi.
Tôi, con bé sáu tuổi cứ e thẹn như lầm lỗi gì,
cúi đầu nhìn xuống quyển vở của mình, như thể là
đang đọc đánh vần chữ khó vậy.
Và bạn ạ, bây giờ tôi nhớ ra rồi, Cô Liên
thật giống như Cô Tâm của tôi, giống đến độ khiến tôi
nhìn Cô ngẩn ngơ. Tôi cứ tưởng như là tôi
gặp lại Cô Tâm, cô giáo lớp Năm của tôi
ở trường Tiểu Học Ban Mê Thuột vậy. Mỗi lần nhìn thấy
Cô Liên tôi lại nhớ lại cái thời bé bỏng
của mình. Sao cha mẹ và thầy cô thương mình
quá thế.
Gần đến mùa Hè năm tôi học lớp Năm Tiểu Học ấy thì
cha tôi được lệnh thuyên chuyển. Như tôi đã
kể, vì chưa hết niên học nên 2 anh lớn của tôi
phải ở lại Ban Mê Thuột ở trọ nhà người quen để học hết niên
học, tôi và 2 đứa em gái vì còn bé
nên theo cha mẹ tôi để di chuyển về một thị trấn khác
theo như công vụ cùa cha tôi. Thế là tôi
đành rời xa mái trường Tiểu Học yêu dấu đầu đời, xa
một vài đứa bạn quen ngồi gần nhau trong lớp học, và nhất
là xa cô giáo thương yêu của tôi, cô
Tâm cô giáo mà tôi đã tự chọn lựa
lấy, bằng tất cả sự can đảm của mình, bằng trái tim dũng cảm,
để dám nói lên lòng mong mỏi của mình
dù tôi chỉ là một con bé con sáu tuổi.
( Như thể người lớn biết chọn người đại biểu cho mình bằng một lá
phiếu vậy).
Thị trấn kế tiếp mà cha tôi nhận nhiệm sở là quận
lỵ Dầu Tiếng (thuộc tỉnh Bình Dương). Dù tôi còn
bé thế nhưng tôi vẫn nhớ được rằng đó là môt
nơi đìu hiu vắng vẻ, buồn và dân cư phần đông
có vẻ nghèo hơn người ở Ban Mê Thuột nhiều. Nhưng
nơi đây ghi đậm phần đời của gia đình tôi, tôi
sẽ kể các bạn nghe sau. Việc đầu tiên là cha tôi
trình diện nhiệm sở mới, nơi ở của gia đình tôi là
một cư xá khá tươm tất ngay trong khuôn viên của
Ty Hiến Binh Dầu Tiếng. Vài ngày sau ổn định, cha tôi
dẫn tôi đến trường học ở thị trấn để xin nhập học niên khóa
tới. Đó là Trường Tiểu Học Định Thành Dầu Tiếng.
Tôi học ở đây lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì. Tôi
sẽ kể cho các bạn những đìều gì đến với tôi vào
những năm ấy nhé.
Bạn thân mến,
Thư đã khá dài hẹn các bạn thư sau nhé.
Sẽ kể tiếp cuộc hành trình như lời hứa ở trên.
Trong lòng tôi cứ vương vấn mãi, cứ muốn nhắc về chốn
gọi là:
" Nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh......"
Thân mến,
Phạm thị Nhung