NHỮNG CON RẠCH LỚN NGHIÊNG
MÌNH QUA XỨ THỦ
Sean Nguyen
Thượng nguồn con sông Sài Gòn nằm ở huyện Lộc Ninh. Từ đây sông chảy xuống
địa phận chợ Thủ Dầu Một được gọi là sông Ngã Cái.
Người dân địa phương xưa nay thường hay gọi là con sông Cái mà bỏ quên đi
chữ Ngã. Chữ “Cái” ở đây mang nghĩa là con sông chánh, tức con sông mẹ, nơi
hội tụ của trăm dòng chảy lớn nhỏ đổ về. Còn chữ “Ngã” thì có chăng cũng
do trăm ngã mà ra.
Chẳng cần biết sông Ngã Cái chảy về đâu, nhưng người Bình Dương xưa khi nhắc
đến tên vài con rạch, vài cây cầu thì ít nhiều cũng gợi lại những kỷ niệm
vui buồn khó phai.
Bắt đầu từ vùng Bến Thế, sông Ngã Cái có con rạch lớn đưa nước về tưới tiêu
cho cả một vùng đồng ruộng minh mông, đó là rạch Bến Chành.
Thời Pháp, nơi đây từng trồng mía với qui mô lớn và có những lò nấu đường
nổi tiếng nằm ở làng Tương Bình Hiệp, Bến Thế. Nghề làm lu gốm cũng khá phát
triển và theo ghe thuyền buôn bán đi khắp các tỉnh miền Tây. Một trong số
đó vẫn còn hoạt động là lò lu Đại Hưng. Ngoài ra, còn có những giống cây
ăn trái cũng được gieo trồng khá sớm ở đất Nam kỳ như chôm chôm Java, măng
cụt, sầu riêng.....
Vùng Bến Chành cách nay gần hai thập kỷ từng là một địa điểm có nhiều hàng
quán ăn uống, có phong cảnh đồng quê cây trái khá mát mẻ và quen thuộc với
người Bình Dương. Những món ăn đồng quê khó quên như : tép um, chuột đồng
nướng muối ớt, lẩu ếch lá giang, cá lóc nướng trui, rắn xào xả ớt xúc bánh
đa...vv.. khiến nhiều người xa xứ phải thèm thuồng khi nhắc tới.
Rạch Bến Chành bây giờ bị lấn chiếm, đất ruộng thì tách thửa phân lô để bán
nền bởi giá bất động sản ở đây tăng cao. Bãi mía vườn dâu và cả con thuyền
bến đỗ chở lu khạp tấp nập ngày nào, nay trở nên buồn hiu quạnh vắng.
Tiếp theo, đến địa phận xã Chánh Mỹ, sông Ngã Cái có hai con rạch lớn là
rạch Bà Cô và rạch Trầu.
Rạch Bà Cô mang nước từ vùng Suối Giữa đổ về. Lối thập niên 80-90, cầu Bà
Cô từng là một địa điểm tắm khá lý tưởng của những đứa trẻ quanh vùng.
Cầu Bà Cô làm bằng một khung thép kiểu Eiffel, có thanh chắn. Những thanh
gỗ bản lớn được đặt nằm dọc trên gầm cầu tạo sự lưu thông dễ dàng cho xe
máy và cả xe bốn bánh có tải trọng nhẹ.
Sáng chiều là một khung cảnh thanh bình khi những chuyến xe chở nông sản
từ thôn Mỹ Hảo chậm lướt qua cầu Bà Cô để đi về các chợ miệt miền trên.
Trải qua nhiều lần sửa chữa, từ năm 2000 cầu Bà Cô bắt đầu xuống cấp trầm
trọng và chỉ dành cho xe gắn máy lưu thông. Nhiều năm sau, cây cầu được tháu
dỡ và xây bằng bê-tông tráng nhựa khang trang như ngày nay.
Cầu Rạch Trầu (ngay kho xăng Chánh Mỹ) nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ. Trước
năm 1975 có tên là cầu Tân Tây Lan.
Được biết còn có một khu chợ Tân Tây Lan nằm gần Miễu Tử Trận cũng được lính
Tân Tây Lan xây dựng khoảng giữa thập niên 60. Quân đội Tân Tây Lan có bộ
chỉ huy đóng tại Sài-Gòn. Họ tham chiến 7 năm ở chiến trường miền Nam từ
tháng 7 năm 1965 đến tháng 6 năm 1972.
Rạch Trầu mang nước từ sông Cái về tưới tiêu cho cả cánh đồng lúa xã Chánh
Mỹ. Giữa thập niên 90 đập nước Chánh Mỹ cũng được xây nhằm để chủ động trong
nguồn nước tưới tiêu.
Qua đến địa phận Phú Cường thì thấy con rạch đầu tiên là rạch Ông Đành nằm
ôm cập theo khuôn viên trường Bá Nghệ.
Nhắc thêm về ngôi trường Bá Nghệ xây dựng đầu thế kỷ 20 (1901) nầy là trường
dạy nghề sớm nhứt ở Đông Dương. Nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ nhân tài trong
hai nghành nghề chính là : sơn mài và điêu khắc cho đất Bình Dương. Những
cơ sở sơn mài một thời vang bóng như Cảnh An, Thành Lễ, Trần Hà....Và người
có công đầu phải được nhắc tới là ông Outrey, quan Tây, chánh tham biện tỉnh
Thủ Dầu Một. Trước năm 1954 tên ông được đặt cho một con đường ở chợ, nay
là đường Hai Bà Trưng.
Rạch Ông Đành bắt đầu bằng cây cầu Ông Kiểm bắc ngang qua đường Bạch Đằng.
Theo nhiều người kể lại thì hồi xưa có tên là cầu cây Cui hay cây Keo, vì
có một cây keo lớn nằm gần ngay chân cầu ?
Thời Pháp thuộc, hầu hết những cây cầu đều được làm bằng sắt thép đem về
từ mẫu quốc. Nhịp cầu dài bắc qua sông lớn như cây cầu sắt Phú Long ở Lái
Thiêu thì làm theo kiểu Eiffel, còn nhịp cầu ngắn nhỏ thì đổ bằng bê-tông
cốt thép.
Cầu Ông Kiểm được đúc bằng bê-tông do công chánh xây dựng khoảng đầu thập
niên 50. Cùng một lối kiến trúc với cầu Ông Đành, cầu Bà Hên, cầu Ông Bố
và cầu Bà Hai....vv.
Hai bên vòm cầu được đổ bê-tông cao theo hình vòng cung. Có lan can và lối
đi riêng cho khách bộ hành. Những đứa con nít thường hay thách đố nhau đi
bộ lên trên thành cầu cao chót vót. Được biết trước năm 1975, ông Đỗ Cộng
Hoà từng biểu diễn cỡi xe Honda 67 chạy lên trên vòm cầu có kiểu dáng như
vầy hoặc nằm ép mình chui qua dưới lườn xe be để khẳng định mình là “Anh
Hùng Xa Lộ.”
Cây cầu thứ hai bắc qua rạch ông Đành được làm bằng sắt nằm trên đường Nguyễn
Tường Tam nay là đường Ngô Chí Quốc. Cầu xây dựng lối giữa thập niên 50,
mở thông con đường Đắp Mới đi lên Thành Quan nên có tên gọi là cây Cầu Mới.
Nằm sát chân cây Cầu Mới là nhà của một ông bác sĩ quân y mà khá nhiều người
đã và đang phụng sự cho nghành y của tỉnh nhà cho tới nay vẫn còn nhớ tới
là ông Nguyễn Tấn Tờn.
Căn nhà nhỏ, khá nên thơ của ông Tờn có một phòng khám tư, một hồ cá nhỏ
và một vườn cây cảnh nằm kề bên con rạch dưới hàng dừa xanh mát. Cùng thời
với ông Tờn ở đầu xóm trên là nhà của bác sĩ quân y Nguyễn Như Sơn. Ông Sơn
là hậu duệ của cụ Nguyễn Thần Hiến, nhà cách mạng tiên phong trong phong
trào Đông Du ở miền Nam.
Cây cầu thứ ba bắc ngang qua rạch Ông Đành cũng mang tên là cầu Ông Đành
nằm trên con đường Quốc Lộ 13 nay là đường CMT8.
Thời Tây có căn biệt thự của ông Hào Tỵ nằm sát rạch. Ông Hào Tỵ là người
giàu có nứt tiếng, trong vườn nhà có nuôi nhiều cọp và gấu dữ. Những chuyến
xe thổ mộ khi ấy phải đi đi về về qua Quốc Lộ 13, đến đoạn đường chỗ nhà
ông Hào Tỵ thì ngựa bỗng vùng cương bứt chạy khi nghe tiếng cọp rống.
Cùng thời với ông Hào Tỵ là ông Hương chủ Hiếu, tức ông Trần Trung Hiếu chủ
rạp hát Trần Trung, sau 1954 đổi tên thành rạp hát Thanh Bình. Riêng ông
Hiếu thì lại thích nuôi nai, vì người Tàu họ gọi con nai là Lộc (鹿). Lộc
là loài linh vật hoá thân của chánh nghĩa, thiện lương và cát tường. Còn
một điều nữa là lộc có thể trừ tà ma và xua đuổi cái ác.
Có nhiều câu chuyện dị đoan được thêu dệt thời ấy, rằng rạp hát của ông chủ
Hiếu có ma. Hồn ma của cậu Năm Chà thắt cổ khi chết vẫn còn lai vãng trong
rạp hát mà chưa được siêu thoát. Mấy gánh hát ở Sài Gòn lên, nếu muốn đắt
giàn thì phải thắp nhang cúng vái cậu mỗi đêm.
Đáng sợ hơn nữa là hai bà Đầm được chạm khắc bằng xi-măng ở gần trên nóc
của rạp hát. Tay họ ôm đàn, ngồi duỗi dài và thường xuyên hiện ra ca hát
vào mỗi đêm mưa gió hoặc đêm trăng tròn.
Sau năm 1954 phần khuôn viên phía trước nhà ông Hào Tỵ được xây bót cho lính
canh phòng nên gọi là bót Hào Tỵ. Lối năm 1960 trở đi thì trở thành Ty An
Ninh Quân Đội. Đến năm 1962 xảy ra một cuộc tập kích lớn của VC tấn công
vào Ty và giựt mìn làm sập cây cầu Ông Đành vào ban đêm khiến cho lực lượng
cả hai bên đều tổn thất nặng. Về sau Ty An Ninh Quân Đội mới được dời về
đường Đinh Bộ Lĩnh. Phần đất và nền nhà cũ ở trên giao cho giáo phận Phú
Cường, sau nầy dỡ bỏ xây dựng lại làm tu viện.
Cây cầu thứ tư bắc qua rạch Ông Đành là một cây cầu được làm bằng sắt nối
thông con đường Phạm Ngũ Lão. Thời Tây, đường có tên là Rue des Jardins nghĩa
là con đường có những khu vườn trồng rau xanh mát. Dân quanh vùng gọi là
đường Giếng Máy vì người Pháp cho xây giếng và hệ thống bơm lọc nước ngọt
dẫn lên Dinh Tham Biện cung cấp cho dân chợ Thủ xài. Cách chân cầu chừng
30 thước trổ ra hướng đường Ngô Quyền là căn nhà cổ cất theo lối kiến trúc
Pháp khá đẹp của bà Huyện Tình. Tiếc thay, căn nhà nầy đã được một đại gia
mua lại với giá trên dưới 40 tỷ và cho dỡ bỏ rồi sang bằng vào năm 2017.
Đi sâu vào phía trong rạch Ông Đành là xóm nhỏ Bưng Cải, trước khi làm bờ
kè thì vẫn còn thấy được vết tích cây cầu của tuyến đường rây xe lửa Sài
Gòn - Lộc Ninh. Đầu thế kỷ 21, vườn cây trái sum suê và vườn trồng rau cải
đã không còn, thay vào đó là những căn biệt thự mái thái của đại gia bất
động sản hoặc dân nhập cư.
Thượng nguồn rạch Ông Đành là một hồ nước nhỏ nằm trên công viên Vườn Điều
nay là công viên Thanh Lễ, gần chùa Hội Sơn. Chùa Hội Sơn là ngôi chùa cổ
xây dựng lối đầu thế kỷ 19. Nơi đây là nơi yên nghỉ của nhiều nhân vật nổi
tiếng ở chợ Thủ xưa.
Phía cuối con đường Bạch Đằng thì đụng rạch Thầy Năng và cây cầu mang tên
Bà Năm Chi.
Bà Năm Chi quê ở Mỹ Tho, tốt nghiệp khoá Nữ hộ sanh Đông Dương. Sau khi cưới,
bà theo chồng là ông Lê Văn Chi về Bình Dương. Lối đầu thập niên 40, ông
Năm Chi và bác sĩ Trần Công Vị có hùn hạp với nhau mở nhà bảo sanh Trần Công
nằm cạnh bên con rạch thầy Năng.
Bà Năm Chi lại là người trực tiếp đứng ra bảo sanh cho hàng ngàn đứa trẻ,
nên người Bình Dương sau nầy nhớ ơn mà lấy tên cây cầu Bà Năm Chi để tưởng
nhớ đến bà và ngôi nhà bảo sanh lớn nhứt nhì Đông Dương thời ấy.
Rạch Thầy Năng theo dòng nước chảy qua cầu Bến Cỏ nằm trên đường Võ Tánh
nay là đường Văn Công Khai. Trước năm 1954 Bến Xe Ngựa ở khúc đường Triệu
Ẩu nay là đường Bà Triệu. Mấy người phu xe cắt cỏ cho ngựa ăn hay đem cỏ
ra đây để rửa.
Sát bên cầu Bến Cỏ là Công si rượu của bà Bảy Lình, một người phụ nữ giàu
có nhứt nhì ở đất Bình Dương xưa. Quan Tây đã cho bà Bảy Lình được cái đặc
ân buôn bán rượu và thuốc ngoại nhập. Nhưng số mệnh và lời tiên đoán của
ông thầy bói năm nào đã không cho bà cơ hội bước ra đi. Câu chuyện đau thương
nầy đã khiến nhiều người đời sau phải ngậm ngùi rơi lệ mà tiếc nuối mỗi khi
nhìn con nước lớn nước ròng chảy qua cây cầu Bến Cỏ.
Đến đường Lý Thường Kiệt gặp lại rạch Thầy Năng ngủ quên bên cây cầu Võ Văn
Vân. Hiện nay, tuy căn nhà cổ của ông Võ Văn Vân đã không còn. Nhưng trong
lòng người dân xứ Thủ, thì đông y sĩ Võ Văn Vân vẫn là niềm tự hào không
nguôi.
Bên kia cây cầu Võ Văn Vân là rạp hát xưa nhất đất Thủ, đó là rạp hát ông
Bầu Liêu. Mấy gánh hát bội nghèo xơ và khung cảnh ăn uống vội vàng ban đêm
cùng dòng người ở quê rủ nhau đi xe thổ mộ ra chợ Thủ để coi cô đào hát nay
cũng đã không còn.
Chảy gần hết nhánh trái của con rạch Thầy Năng thì đụng trường Nguyễn Trãi
của ông Đốc Nguyễn Văn Pháp, ông Pháp là một trong những cây đại thụ trong
nghành giáo dục ở Bình Dương. Những lứa học trò của ông đã thành danh có
thể kể đến vài vị như : nhà điêu khắc-họa sĩ Lê Thành Nhơn, nhà văn Võ Kỳ
Điền, ba người phó tỉnh trưởng dưới thời VNCH là ông Võ Tấn Vinh, Nguyễn
Thanh Cần, Nguyễn Ngọc Nhơn..vv.
Nhánh phải của rạch thầy Năng chảy thành hai nhánh đi ra mé hai cây cầu nhỏ
nằm trên đường Đỗ Hữu Vị nay là đường Trần Tử Bình. Rồi từ đó chạy thẳng
ra cây cầu Bà Hên nằm trên Quốc Lộ 13 nay là đường CMT8. Sát bên rạch có
hội thánh Tin Lành và chùa Linh Không Đàn là hai địa điểm khá xưa. Rạch chảy
lên trên nữa là Ngã Ba Cống ở ngay chân dốc của con đường Thích Quảng Đức
rồi hẹp dần. Trở lên là đầu nguồn của một mạch suối nhỏ.
Đến đoạn đường Nguyễn Tri Phương qua vựa ngói Vĩnh Xương là con rạch mang
tên Hương chủ Hiếu, tức ông Trần Trung Hiếu. Tổ tiên của ông Hiếu đã đến
vùng nầy trước thời vua Tự Đức. Họ đã có công khai hoang lập ấp từ ngày còn
hoang vu cho đến khi người Pháp tách rời huyện Bình An thuộc tỉnh Biên Hòa
để thành lập ra tỉnh Thủ Dầu Một.
Cách đó chừng hơn năm trăm thước là cây cầu Thủ Ngữ. Thời Tây họ có lập một
cái đồn gần ngay chân cầu, chỗ sát mé bờ sông có tên là đồn Thủ Ngữ. Sau
nầy đồn bị phá bỏ nên dân quanh vùng họ gọi luôn là cầu Thủ Ngữ.
Cầu Thủ Ngữ có một địa điểm đáng nhớ là con rạch nầy tẻ ra thành hai nhánh
vì nằm giữa là một ngôi miếu cổ của người Phước Kiến lập khoảng giữa thế
kỷ 19. Đó là miếu Bà Thiên Hậu. Trước khi nó được dời về một vị trí trang
trọng như hiện nay nằm ở đường Nguyễn Du, lối năm 1920 hoặc sớm hơn vài năm.
Viết tới đây thì không thể nào bỏ qua con rạch Bà Lụa khá lớn nằm ở xã An
Sơn và ngôi đình Phú Cường.
Đình Phú Cường hay còn gọi là đình Bà Lụa vì ngôi đình nằm bên rạch Bà Lụa.
Lối năm 1905, quan Tây đầu tỉnh Thủ Dầu Một cho thợ mộc dùng gỗ làm một căn
nhà dựa vào kiến trúc của đình Bà Lụa để đem sang Pháp dự cuộc Đấu Xảo Thuộc
Địa ở Marseille..
............
Rạch Bến Chành, rạch Bà Cô, rạch Trầu, rạch Ông Đành, rạch Hương chủ Hiếu,
rạch Bà Lụa.....vv.
Những con rạch lớn nghiêng mình qua xứ Thủ và những cây cầu bắc nhịp nối
thời gian để người Bình Dương xưa tìm về ..........khi họ cùng mang trong
tim một dòng chảy.
“Ở nơi đó tuổi thơ tôi đã sống.
Tôi yêu thương bằng tất cả tâm hồn.
Dẫu lưu lạc nơi chân trời góc bể.
Giấc mơ nào cũng hình bóng quê hương.”
.......
Sean Nguyen
21/3/2022.
Ảnh : Bình Dương xưa và nay.