Thưở xưa, sông
Sài Gòn chảy dọc theo chiều dài của tỉnh là
lối giao thông chủ yếu, ghe thuyền
xuôi ngược trên dòng sông vận chuyển những
người khai hoang đi tìm đất mới hay
đem hàng hóa xuống tận miền Tây, lên tới Dầu
Tiếng, Cao Miên. Người Pháp, khi đánh
xong thành Gia Định cũng đã dùng chiến thuyền
ngược theo dòng sông này mà lên
chiếm luôn Thủ Dầu Một. Một trận đánh ác liệt, đổ
nhiều máu có lẽ đã diễn ra
trên dòng sông này, giữa những tên
xâm lược và những chiến binh dân ấp dân đinh
liều chết để giữ gìn sông nước của quê hương. Một vị
võ quan, tương truyền tên
là Văn Đức Lại đã chỉ huy việc trấn thủ và hy sinh
trong trận đánh ấy, nay,
tiếc rằng sử sách không còn để giúp ta biết
thêm về những vị anh hùng vị quốc
vong thân thời xưa ấy.
Chiếm được
đất rồi, kẻ cai trị lo xây dựng củng cố vùng đất mới
và việc giao thông dần dà
hình thành, phát triển, quá trình ấy
bắt đầu được ghi nhận bằng giấy bút lưu
lại đời sau giúp cho hôm nay ta còn biết được
ít nhiều về quang cảnh thời ấy.
Nhà văn
Sơn Nam viết:
“Năm 1900, lúc kỹ
thuật xe ô tô còn
thô sơ, một tay thực dân là Ip-po-lit-tơ (Ippolitts)
đã thầu dịch vụ chở thư
từ, công văn đi Thủ Dầu Một mỗi tuần. Công ty tàu
thủy của Pháp thử mở tuyến đi
và về, 2 tuần một lần, vào ngày thứ sáu, từ
năm 1885, nhằm chở lính, gạo cho
đồn bót, chuyến về thì kéo đòan ghe chở
củi, cây súc.”
(Sơn Nam,Truyền thống
văn hóa, Địa
chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông
Bé, 1991, tr.339)
Thập niên sau,
căn cứ theo tập Địa chí tỉnh Thủ Dầu Một năm 1910, việc lưu
thông có bước phát
triển khá hơn:
“Một chiếc
sà-lúp của người Hoa
tương đối tiện nghi mỗi ngày có chuyến khứ hồi giữa Thủ
Dầu Một với Sài Gòn. Tàu
khởi hành 7 giờ sáng ở Thủ dầu Một và 6 giờ chiều
thì đã về cập bến. Mỗi lượt đi
hay về chỉ mất 2 giờ 30. Đường sông quanh co đẹp như tranh vẽ,
giữa đôi bờ xanh
tươi và thuyền bè đi sông đi biển chở nặng gỗ
cây, trái cây, lúa gạo và muối
ăn.”
(Nguyễn Đình Đầu,
Địa lý lịch sử
Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb.
Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.213)
Tư liệu
của Tổng niên giám Đông Dương 1910 cũng cho biết:
“Một tàu thủy của
hãng Yeng-Seng
chạy trên sông Sài Gòn mỗi ngày một
chuyến khứ hồi từ Thủ Dầu Một tới Sài Gòn. Sáng
7 giờ khởi hành từ Thủ Dầu Một tới Sài Gòn hồi 10
giờ. Chiều 3 giờ khởi hành từ
Sài Gòn tới Thủ Dầu Một hồi 6 giờ. Lượt đi cũng như về,
đều có ghé tại Lái
Thiêu. Giá vé một lượt, hạng nhất 0đ80, hạng
nhì 0đ50 và hạng ba 0đ40.”
(Nguyễn Đình Đầu,
Địa lý lịch sử
Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb.
Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.220)
Muốn qua
sông, người ta phải đi đò, bến đò nằm ngay tại khu
chợ cá, thời đó đò chưa có
động cơ mà phải nhờ hai trục bánh xe gắn ở hai bên
đuôi thuyền, nối liền với
các cánh quạt, khi di chuyển có hai người
đàn ông đạp trục bánh để tạo lực và điều
khiển hướng đi của thuyền. Gặp khi nước ngược, thuyền thường bị đẩy
giạt
đi khá
xa. Mỗi chuyến chở được cũng đôi ba chục khách. Có
vị cao niên kể rằng đôi khi
thuyền còn chở cả xe ngựa, nhưng phải đợi khi nước lớn để
tránh độ dốc ở hai bờ
sông.
Những con
đường bộ được hình thành dần sau đó, đường đất,
gập ghềnh và lầy lội trong mùa
mưa, phương tiện di chuyển chỉ có xe bò hay xe ngựa. Một
đọan văn xưa miêu tả:
“Chợ nằm ngay
khúc quành của dòng
sông, chiếm hết hậu trường của khung cảnh. Bên phải
và bên trái là những lùm
bụi um tùm và các cội cao tơ như nép
sát vào bờ sông bên con đường mòn
màu đất
đỏ quạch đã vẽ thành những đường rực lửa cắt ngang nền
xanh của vùng đất trù
phú hoang vu này”
(Hòai Anh, Thủ
Dầu Một dưới mắt
người Pháp, tạp chí Xưa và nay số 45B, tr.15)
Mãi đến
khi người Pháp qua mới bắt đầu mở mang kiến thiết đường
xá thành một mạng lưới
giao thông cơ bản và khá hòan chỉnh, một số
con đường chính cũng được tráng
nhựa để phục vụ cho xe có động cơ chạy xăng dầu.Hệ thống giao
thông toàn tỉnh
được ghi nhận như sau:
“Tòan tỉnh
có 210 km đường bộ, chia
ra 190 km đường rộng 4m và 20 km đường rộng 3m. Chỉ có 25
km đường thuộc Sở lục
lộ, còn là đều do tỉnh phụ trách bảo
trì. Người đứng đầu cầu đường tỉnh là một
viên chức bản xứ. Du khách ai cũng thán phục
là đường lộ của tỉnh nhà thật tươm
tất.
Một số đường đang được
cải thiện và
nối dài”
(Nguyễn Đình Đầu,
Địa lý lịch sử
Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb.
Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.213)
Những con
đường đang được “cải thiện và nối dài” đó
là đường từ Sài Gòn lên tới Bến Cát,
đường qua Biên Hòa, Tây Ninh, và con đường từ
Lái Thiêu qua Tân Uyên, Biên Hòa.
Chợ Thủ Dầu Một
Đến năm 1934,
chợ Thủ Dầu Một, nhà làng Phú Cường, hệ thống dẩn
nước được khánh thành trọng
thể, cùng với những con đường được tráng nhựa giới hạn
xung quanh khu vực chợ.
Con đường
quan trọng nhất ở giai đọan này là đường liên tỉnh
nối liền Sài Gòn với Thủ Dầu
Một, nối dài thêm mãi về sau chạy lên tới Lộc
Ninh, qua Cam Pu Chia, ngang qua
các đồn điền cao su rộng lớn, dưới
chế độ miền Nam có tên gọi là Quốc lộ 13.
Tài liệu từ năm 1910 cho biết:
“Đường bộ nối Thủ Dầu
Một với Sài
Gòn dài 28km luôn được bảo trì tốt. Nếu đi
xe
hơi (1910) thì mất 3 khắc, còn xe
ngựa thì mất 2 giờ 30. Tới Lái Thiêu đã bắt
đầu leo dốc quanh co thoai thỏai,
cảnh vật thật ngọan mục.”
(Nguyễn Đình Đầu,
Địa lý lịch sử
Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb.
Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.212)
“Đường bộ từ Sài
Gòn tới Thủ Dầu
Một mất 20km qua đường thuộc địa số 2. Mỗi ngày có 2
chuyến xe đò. Đường đó sang
tới Cam Pu Chia”
(Nguyễn Đình Đầu,
Địa lý lịch sử
Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb.
Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.220)
Như vậy
tên của con đường quốc lộ 13 thưở đầu thế kỷ là đường
Thuộc địa số 2, một cái
tên khá xưa nay còn biết. Đây là con
đường huyết mạch của tỉnh, hai bên nhà cửa
san sát, khang trang, hàng quán trưng bày
đẹp mắt. Đến năm 1973, người Mỹ xây
dựng thêm tuyến đường mới, gọi là đường xa lộ (nay thuộc
đại lộ Bình Dương),
chạy từ Lái Thiêu lên đến khu vực Mũi Dùi
(xã Chánh Hiệp, nay là phường Hiệp
Thành) để giải tỏa bớt áp lực của xe cộ lưu thông
trên đọan đường chạy ngang
trung tâm chợ. Đường xa lộ rộng, láng, đem đến sự ngạc
nhiên và thán phục của
dân chúng, tuy nhiên xe cộ chưa lưu thông
nhiều trên đường này mà dành cho xe
loại lớn như xe be, cam nhông và đặc biệt, các loại
xe quân sự, đôi khi chạy rì
rầm cả đêm. Xin mượn tạm đọan văn sau đây, ghi lại
hình ảnh của con đường xa lộ
ngày trước:
“Một
đoàn xe nhà binh mở đèn từ phía Tân
Cảng Sài Gòn rầm rộ tiến
trên xa lộ Bình Dương, kéo lê theo sau những
thùng sắt khổng lồ chứa đựng quân
lương và đạn dược. Bánh xe ép trên mặt lộ
truyền từng cơn chấn động đến chỗ Cúc
đang ngồi trong quán nước cạnh xa lộ. Chiếc xe quân cảnh
mở đường hụ còi, đèn
đỏ lớn hai bên vè chớp tắt cuống quít. Người
lính ngồi trên xe nổ súng, đoàn xe
dừng lại trước cuộn rào kẽm gai kéo chắn ngang con đường
đất đỏ khá rộng dẫn
vào rừng, hai người lính đứng sát hai bên
rào gai. Gã quân cảnh bước xuống xe
móc túi đưa lộ trình. Đoàn xe chậm chạp
quẹo vào con đường đất đỏ, động cơ rầm
rì. Cúc ngồi trong quán bên kia đường
ngó qua. Cho tới lúc chiếc xe bọc hậu
khuất sau đám bụi đỏ mịt mù. Trời xế trưa, nóng
hực.”
…..
“Từ
phía Bình Dương ào ào xô tới một
đoàn xe tăng rầm rĩ, xích sắt chấn
động làm rung rinh ghế Cúc đang ngồi, ly chai trên
bàn va chạm leng keng. Cúc
sốt ruột đứng dậy ra đứng bên cạnh Sáu Cụt. Đoàn xe
tăng kéo lê theo sau mỗi
chiếc một khẩu trọng pháo, nhiều cỡ khác nhau. Chiến xa
dẫn đầu từ từ quẹo vô
con đường đất đỏ, những chiếc sau nối đuôi, bầy rùa sắt
chậm rãi bò tới, nặng
nề, dọa nạt. Tiếp đến bốn chiếc cuối cùng có gắn liền ở
tháp xe những khẩu
trọng pháo dài ngoằn độ sáu bảy thước, theo sự ước
lượng của Cúc, nòng pháo
chĩa nghiêng chếch lên trời.”
(Kiệt Tấn,
Điểm Hẹn Cuối Năm)
Từ năm
1999, đọan đường từ ngã ba Mũi Tàu (thuộc phường Hiệp
Thành, Thủ Dầu Một) đến
giáp ranh xã An Thạnh có tên mới là
Cách Mạng Tháng Tám (dài 5.509, 9m).
Chạy song
song với con đường này là con đường dọc theo bờ
sông, từ giao lộ Bàu Bàng, đi
1741m đến Miễu Tử Trận, nay là một công viên nằm
giữa ngả ba rẻ lên trường Sĩ
quan Công Binh. Thời Pháp, đó là đường
LaGrandièr. Tên đường hầu hết là do Tây
đặt, và dĩ nhiên mang tên Tây, nay có
lẽ chỉ còn duy nhất đường Yersin là dấu
vết của thời đó.
Đường Hàng Dương
(Đường Bạch Đằng)
Đường Bạch
Đằng bắt đầu từ miễu Tử Trận, đi ngang qua khu vực xưa có
tên là An Nhất
Thuyền, nhiều người cho rằng sở dĩ có địa danh đó
là vì xưa đây là vùng đóng
thuyền ghe nổi tiếng của Nam bộ, có lẽ do suy ra từ chữ “Thuyền”
chăng?. Theo
học giả Nguyễn Đình Đầu, thì “Thuyền” chỉ một đơn vị
hành chánh tương đương cấp
ấp, thời đó cả miền Nam có năm “thuyền” như vậy. về
các trại ghe, nhà văn Sơn
Nam cho biết rõ hơn:
“Theo tư liệu của sĩ
quan Pháp là
Đờ-Gra-Mông (Lucien De Grammont) thì đã có
một viên quản đồn điền nắm quyền,
dân tập trung ở khu vực gọi “đường phố dài”, tại thủ (đồn)
có đến 22 xí nghiệp
cở lớn chuyên đóng ghe. Tác giả này
không ghi chi tiết. Ta suy luận là những
trại cưa xẻ gỗ đóng ghe tải (grands chantiers de
construction). Có lẽ người Hoa
tập trung về đây chăng?”
(Sơn
Nam,Truyền thống văn hóa, Địa chí tỉnh
Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.334)
Ông Nguyễn
Liên Phong, đến năm 1909, cũng ghi nhận hình ảnh
này:
“Trại ghe trại
ván sẳn cùng
Sông sâu
nước chảy điệp trùng bán
buôn”
(Nguyễn Liên
Phong, Nam kỳ phong
tục nhơn vật diễn ca, sài Gòn, Phát Toàn,
1909, tr.14)
Trại đóng
ghe, qua những gì còn lưu lại như trên, cho thấy từ
khi Pháp mới đến cho tới
hồi đầu thế kỷ 20 là một hình ảnh ấn tượng của địa
phương. Nơi đóng ghe, tất
yếu phải nằm men theo kinh rạch, sông để thuận lợi cho việc vận
chuyển cây gỗ
và hạ thủy khi sản phẩm hoàn
thành. Có
thể suy luận thêm, như vậy từ thời xưa, con đường này
đã khá nhộn nhịp, đông
đúc xe cộ và người qua lại. Tuy nhiên không
biết tại sao, chỉ vài mươi năm sau
thôi thì các trại ghe này không
còn nhìn thấy nữa.
Qua khỏi thuyền
An Nhất thì đến cầu ông Kiểm (còn gọi cầu Cây
Cui,có phải đọc trại từ cây Keo,
vì bên cầu có một cây keo rất lớn?),
phía tay phải là trường Mỹ Thuật (xưa hay
gọi trường Bá Nghệ) xây dựng tại đây từ đầu thập
niên 30 thế kỷ trước.Tay trái
là sở Quan Thuế. Từ đây, phía mặt tiếp giáp
với dòng sông, phía trái là
các trụ
sở cơ quan của chính quyền, cho đến khi tới chợ. Dựa
vào hình ảnh trên các tấm bưu thiếp từ
thời Tây nay còn lưu lại, có thể nói rằng
đây là đoạn đường xưa và đẹp nhất của
chợ Thủ nhờ nằm sát bờ sông, phía bên
sông là vườn trái cây xanh hiền hòa,
bên
đây là nhiều công trình kiến trúc của
Tây. Nhất là ngọn đồi cao với nhiều cây cổ
thụ, bao quanh tòa nhà làm việc của quan Tham Biện
tỉnh. Theo Trần Bình Dương, (
Trong bài Hàng Dương-con đường đẹp nhất Bình
Dương) dựa vào tài liệu của Baurac
( La Cochinchine et ses habitants-Sài Gòn 1899) và
Monographie de Thu dau Mot
1910, đầu những năm 1890, chính quyền Pháp ra lệnh đốn
hết hàng trăm cây dầu
mọc ven đường và trồng tòan cây dương ( peuplieur
filao), từ đó, dân gian mới
gọi là đường Hàng Dương (Bình Dương, miền đất anh
hùng, nhiều tác giả, nxb.Trẻ,
2006, tr.149). Từ năm 1910 đổi thành đường Bạch Đằng, dân
gian cũng gọi là bến
Bạch Đằng (Pháp gọi Quai de Belgique) để chỉ đọan đường chạy
ngang tòa Tham biện
tỉnh.
Bài vè xưa
về chợ Thủ mô tả con đường này:
“Bên sông
chợ cá
Đường đi mát
quá
Lại có
Hàng Dương
Đi thẳng một đường
Lên cầu ông
Kiểm
Máy cưa bằng điện
Bá Nghệ một
bên
Từ đó đi lên
Có hai dãy
phố
Đàn bà
thiệt ngộ
Quần vận bằng chăn
Đầu uốn tóc quăn
Xem ra rất tốt
Nhìn bốn
cây cột
Có bốn con rồng
Chữ đề ở trong
Là Miễu Tử Trận”
Hồi ký của
Grammont có đọan văn khá tài hoa hết lời ca ngợi
quang cảnh nơi đây:
“Sự bố trí ở
đây được coi là một
khung cảnh hòanh tráng, cộng thêm những vẻ mỹ miều
của các danh thắng, mà không
làm mất đi phần nào tính cách hoang sơ
thôn dã của nó. Độc đáo tự nhiên của
khu
vực đã tạo ra một nhiệt độ ôn hòa, nhờ những
cây cổ thụ đã che bớt sức nắng gay
gắt của buổi ban trưa. Vào những ngày đẹp trời, khi chiều
xuống, nếu có ai dừng
lại ở giữa cao nguyên, vì ngay lúc mặt trời sắp
lặn, các ánh hòang hôn hiu hắt
sẽ được ngọn gió nồm đìu hiu thổi về làm tắt lịm
hẳn đi. Ánh vàng bàng bạc còn
chiếu lên tất cả những đường nét chi li của tòan
khung cảnh trang hòang tuyệt
mỹ này, một cách tự nhiên, hòa hợp với
vô vàn hương sắc hòa quyện trong hơi ấm
của dòng sông, tỏa lên tận các tàng
cây rủ bóng, từ các lùm bụi cỏ hoa, ta
tưởng chừng một thóang đã để hồn lâng lâng
giữa một tòa nhà kính bao trùm lên
những lượn sóng triều, xanh biêng biếc. Thế là ta
không còn tưởng mình ở đất
Nam kỳ nữa: không còn những ruộng lúa, những đầm
lầy với ánh nắng chói chang
như lửa. Ta cứ tưởng như gặp lại đâu đây những cảnh đẹp
lừng danh của vùng Tân
thế giới và ta như cảm thấy sống lại trong ta một kỷ niệm xa
xôi, vui nhộn, mà
rạo rực, của những dòng sông trù phú
đã được mô tả trong áng cổ thi bất hủ của
Attala. Tôi đã sống qua suốt bảy tháng trời tại
đây. Trong suốt thời gian này
(Tôi ngần ngại không dám tự thú) dường như
có đôi lần tôi đã quên hẳn nước
Pháp.”
(Hòai Anh, Thủ
Dầu Một dưới mắt
người Pháp, tạp chí Xưa và Nay số 45B, tr.16)
Một trăm
năm sau, năm 1954, nhà văn, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
có thời gian về dạy học tại
trường trung học tư thục Nguyễn Trãi ở Bình Dương. Trong
một lá thư ông viết
cho một người học trò cũ của mình ở thời kỳ ấy
(giáo sư Võ Tấn Phước), ông cũng
nhắc đến con đường Hàng Dương:
“Tôi rất
thích con đường bờ sông
vắng vẻ với một bên là khu tòa tỉnh cây cối
um tùm, một bên là mặt nước trải
phẳng , xa xôi và hiền lành; ngồi ở ngôi
nhà thủy tạ bên bờ sông có thể trông
xa tới tận ngôi trường Công Binh nằm phía bên
kia cây cầu xi măng ngắn nơi ngăn
cách con đường tráng nhựa của thị xã và con
đường đất bụi của vùng ngọai vi.”
(Thư của thi sĩ Thanh
Tâm Tuyền gởi
người học trò cũ, ngày 18-01-92)
Khi người
Pháp đến, trên đường đã tồn tại hai ngôi
chùa cổ:
“Một ngôi
chùa nho nhỏ đã biến cải
thành vọng gác cất chồm ra bờ sông và nằm
chắn ngang giữa bãi. Làm nền cho ngôi
chùa là một cây xòai tơ, điểm nhô ra
xa nhất của cái ghềnh nho nhỏ
này.
“Ngôi chùa
kia nằm lui về đường
ranh giới bên trong của địa điểm nổi bật này. Ngôi
chùa đã biến thành một thứ
đồn lũy nhỏ với các trại quân và công sự
phòng thủ. Hông chùa tiếp giáp với bờ
sông là một chiến lũy có lỗ châu mai thiếp
lập dài theo bờ thành. Sự bố trí ở
đây được coi là một khung cảnh hòanh tráng,
cộng thêm những vẻ mỹ miều của các
danh thắng, mà không làm mất đi phần nào
tính cách hoang sơ thôn dã của nó.”
(Hòai Anh, Thủ
Dầu Một dưới mắt
người Pháp, tạp chí Xưa và nay số 45B, tr.15)
Tác giả
nhận xét về hai ngôi chùa như sau:
“Tòan vùng
sẽ tạo cho ta một nỗi
niềm thành kính đối với quê hương đất nước
này. Ai cũng nhận thấy điều đó nhờ
có hai ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa
là một tòa kiến trúc uy nghi. Ngôi nằm gần
dòng
sông là ngôi đẹp nhất. Từ ngày bị xâm
chiếm, ngôi chùa đã trải qua bao cuộc đổi
thay. Đầu tiên là trại quân, tiếp sau đó
làm lỵ sở của tỉnh, rồi tòa án, rồi
nhà ở của Bộ Chỉ Huy, và cuối cùng chùa
được giao cho một nhiệm vụ tầm thường
là một câu lạc bộ, rồi một phòng ăn.”
(Hòai
Anh, sđd)
Nhà
văn Sơn Nam ghi chép rằng:
“Các vị bô
lão còn kể lại: địa điểm
chợ Thủ Dầu Một là bến xe trâu, thuận lợi để tắm
trâu và rửa xe. Gần bến là
quán trà Huế, quán cơm, lần hồi thành chợ”
(Sơn Nam, Truyền thống
văn hóa, Địa
chí tỉnh Sông Bé, nxb. Tổng hợp Sông
Bé, 1991, tr.337)
Ông Nguyễn
Liên Phong, vào năm 1909, cũng cho biết một chi tiết quan
trọng về nguồn gốc
của chợ Thủ:
“Chợ đông người
nhóm dập dều
Chợ Thủ nguyên
trước cựu triều bến
xe”
(Nguyễn Liên
Phong, Nam kỳ phong
tục nhơn vật diễn ca, sài Gòn, Phát Toàn,
1909,tr.14)
Khu
vực bến đò và chợ cá, rất có thể là
bến xe
trâu thưở xưa. Qua khu vực chợ cá, có nhà
thầy Năm Trong nổi tiếng giàu có, nay
chỉ còn lưu lại cây trụ cửa ngỏ đúc bằng gạch
và xi măng có chạm trổ hoa văn.
Kế đó là nhà bảo sanh của bà Năm Chi, nay
là khu chung cư cao tầng.Vượt qua cây
cầu là khu vực của người Tàu, đông đúc,
náo nhiệt, nhà cửa có nhiều màu đỏ đặc
trưng của họ. Phía tay trái có ngôi
nhà to và đẹp nhất khu vực là dinh cơ của Hội
đồng Ngôn, vào thập niên 50 là xưởng sản xuất
loại đĩa nhựa 45 vòng chuyên dùng
để thu các tuồng cải lương và vọng cổ.
Đến
giao lộ Bàu Bàng (trước là đường Trương
Vĩnh Ký), còn gọi khu Lò Heo, thuộc đường Nguyễn
Tri Phương, kéo dài 3350m đến
giao lộ 30-04.
Từ lúc
này, con đường chạy len lỏi giữa những làng mạc vườn
quê xanh mát và hiền hòa,
qua nhiều cây cầu nhỏ và ngôi miếu thờ Bà
Thiên Hậu (bên cầu Thủ Ngữ, đây là
tiền thân của “Chùa Bà” ở đường Nguyễn Du hiện
nay). Đi mãi, sẽ đến cảng Bà Lụa
với ngôi đình cổ nổi tiếng linh thiêng và
nhất là nét đẹp về kiến trúc đặc
trưng truyền thống của Nam bộ. Đình xây từ khi nào
không rõ nhưng khi Pháp mới
qua, ngôi đình này đã có mặt
và được nhắc tới:
“Sau khi đi ngang qua
chợ, các bạn
sẽ ra đi khỏi làng, về phía Nam. Rồi các bạn lần
theo một con đường mòn xinh
xinh có những đường viền linh động. Nhiều cây cầu bắc
ngang, những hàng rào
xương rồng cao cao, những cây cối xum xuê đầy triển vọng,
nó dành cho bạn muôn
ngàn sự bất ngờ sau mỗi bước đi. Bạn sẽ đi tới bờ kinh, nơi kết
thúc khu dân
cư, cách đó chừng năm cây số. Tại đó bạn sẽ
gặp ngôi chùa Bà Lụa, chùa cất dưới
một vòm lá cao khoảng 150 bộ, giữa gốc ba cổ thụ to,
tôi chưa từng thấy bao
giờ. Có khi chúng tôi cũng đi săn tới nơi đó
và ở lại nghỉ chân suốt nửa
ngày mà không phải
lo sợ điều gì, cuộc dừng chân là để chúng
tôi giải khuây phần nào với những
người dân địa phương và nghề nghiệp của mình”
(Hòai Anh, sđd,
tr.16)
Chạy song
song và cắt ngang hai con đường Bạch Đằng và Cách
Mạng Táng Tám có nhiều
con đường ngắn hơn, tạo thành mạng lưới
giao thông của khu vực chợ Thủ. Đáng kể trước tiên
nhất là hai con đường chạy
cặp hai bên ngôi chợ, đường Nguyễn Thái Học
và đường Đòan Trần Nghiệp.
Đường
Nguyễn Thái Học từ nhà làng Phú Cường (nay
là trụ sở Ủy ban nhân
dân phường Phú Cường) chạy đến
đường Bạch Đằng ở bờ sông, dài 356,9m. Đời
Pháp, gọi là đường Garrido, sau 1954, đổi lại là
Thái Lập Thành, rồi mới có tên
Nguyễn Thái Học cho tới nay.
Thái Lập
Thành là tên của vị Thủ Hiến Nam Kỳ, thay ông
Trần Văn Hữu. Ngày 31 tháng 7 năm
1951, trong một lần tham dự buổi lễ tại tỉnh Sa Đéc, ông
cùng viên Tư lệnh quân
đội Pháp ở Nam phần là Charles Chanson bị ám
sát chết bởi một cảm tử quân kháng
chiến Việt Nam tên là Phan Văn Út. Sự kiện
này gây rúng động cả Sài Gòn
và
Paris vào thời đó.
Đường
Nguyễn Thái Học thời xưa có đường ray xe điện làm
bằng gỗ cây, có móc nối vào
dây điện phía trên, chạy đến nhà hàng
và phòng ngủ Nam Bắc Hiệp. Phía bên kia,
trước chợ đồng hồ có nhà ga cất hình chữ thập (sau
1945, khi nhà ga ngừng họat
động đổi lại là phòng Thông tin, rồi là nơi
bán sách vở, văn phòng phẩm). Xe
điện có được ba toa, có bánh lái ở hai đầu
xe, khi rời bến, tài xế chỉ việc đổi
ra phía sau. Mỗi đầu xe có hai ngọn đèn làm
tín hiệu, khi bật đèn trắng là đầu
xe, còn đèn đỏ là phía sau xe. Khi xe chạy,
sẽ có người đi bán vé, từng trạm sẽ
có màu vé khác nhau thuận tiện cho
nhân viên đi kiểm tra.
Lại
cũng có mấy người lớn tuổi, thưở nhỏ từng
đi xe điện nay vẫn còn nhớ, người nói là xe điện;
người thì bảo thực ra xe chạy
bằng hơi nước. Gần đây đọc một bài viết của Sơn Nam, ta
biết thêm:
“Pháp
cho mở thêm tuyến xe lửa (chạy hơi nước,
sau chạy điện) từ Sài Gòn, Bà Chiểu, Hóc
Môn lên Lái Thiêu, về sau nối lên Lộc
Ninh nhằm chở mủ cao su về Sài Gòn).
(Sơn Nam, Người
Bình Dương, Nam Bộ
xưa và nay, nxb. Tp Hồ Chí Minh,1998, tr.154)
Chỗ này
dường như ông Sơn Nam cũng có điểm lầm, thực ra lúc
đó có hai đường rầy khác
nhau, một cho xe lửa và một cho xe điện. Tuy nhiên kết hợp
hết các thông tin này,
có thể nói rằng đường xe điện lúc đầu chạy hơi
nước, về sau tiến bộ hơn thì mới
thực sự chạy điện, vì vậy mà các cụ kể lại
không giống nhau vì họ đi ở các thời
điểm khác.
Qua
khỏi chợ, xe chạy vòng qua Nhà Làng, vòng
qua bến xe cũ (nay là công viên Phú Cường)
xuống trạm Phú Văn, Búng, Cây Me,
Lái Thiêu rồi mới qua cầu Phú Long.
Đường
xe điện này bắt đầu có giấy phép thực
hiện vào ngày 27-7-1889, đưa vào sử dụng từ
17-09-1897, chạy từ Sài Gòn tới Gò
Vấp, sau nối dài qua vùng Ba Thôn tới bờ kia của
sông Sài Gòn ở Lái Thiêu. Sau
khi cầu Phú Long xây dựng xong, đường ray đựơc nối
dài lên chợ Búng, Phú Văn và
tới chợ Thủ vào năm 1923. Đến năm 1945, vì chiến tranh,
tuyến đường này ngưng
họat động.
Trên dãy
phố dọc theo con đường Nguyễn Thái Học nay còn lại
vài ngôi nhà đã trên 70 năm,
kiến trúc khá đẹp theo kiểu thời xưa. Một trong những căn
đó là Thiện Đức Đường,
của ông bang Kề, người Việt đọc trại ra là bang Cờ, người
Phước Kiến. Nổi danh
là người giàu có, ông còn được người
thời nay nhớ đến vì giai thọai thi nhau
đốt pháo với một ông bang giàu có nhà
kế bên trong lễ hội rằm tháng giêng.
Chuyện này được nhà văn Bình Nguyên Lộc kể
lại trong truyện ngắn “Người tài xế
điên”, với hai nhân vật mang tên “ông bang Sa”,
chủ tiệm sắt và “ông bang
Lếnh”, chủ tiệm gạo:
“Nhưng chắc chắn
là cúng nhiều, kéo
nhau đi ngòai đường và “cái đinh” của ngày
lễ là đốt pháo đua. Ông cắc chú nào
đốt nhiều hơn ông khác là ăn. Không ăn
cái gì hết, nhưng được đồng bào của họ
phục lắm.
Thực ra chỉ vài
ông bang trong tỉnh
lỵ mới dự cuộc đua đốt pháo này, vì phải đốt
hàng mấy giờ liền, nếu không làm
ăn lời to thì đừng mong đua với ai.”
(Bình
Nguyên Lộc, Người tài xế
điên, Tuyển tập BNL II, nxb. Văn Học, 2002, tr.794)
Về sau, vợ
chồng bà bảy Lìn có thời gian sống ở ngôi
nhà này trước khi dời qua căn nhà ở
đường Đòan Trần Nghiệp, trước là tiệm thuốc tây
Trần Tấn, nay là tiệm giày
Bitis.
Đường Đòan
Trần Nghiệp dài 366,7m, tên thời xưa là Rechaud,
chạy song song với đường
Nguyễn Thái Học, cũng bắt đầu và kết thúc như con
đường này. Vè xưa tả lại cảnh
vật trên đường khá sinh động:
“Có tiệm
cà phê
Có người quạt nước
Rủ nhau bày sọan
Có tài
có tuổi
Có may có
rủi
Có vận có
thời
Ngồi nghỉ một hơi
Bước vô tiệm
hút
Người hút pho pho
Kẻ thì nằm co
Người thì nằm
thẳng
Ba tiệm đăng đẳng
Người ta rất đông”
Chợ Thủ
xây cất theo mô hình một chiếc tàu, nên
dân chúng có người còn gọi vui là
“Hàng
không mẫu hạm”, nếu vậy thì hai con đường cặp hai
bên có thể mường tượng như
hai dòng nước chảy hai bên mạng tàu khi lướt
sóng trên đại dương, nhứt là khi
ngắm nhìn từ trên cao, lúc xe cộ nối đuôi
nhau dập dìu trên hai con phố. Các
bức ảnh còn lưu lại từ hồi đầu thế kỷ cho thấy thời trước chỉ
là những ngôi nhà
thấp đơn sơ, có lẽ phải đến khi chợ được xây dựng lại
vào đầu thập niên 30, hai
con đường được trải nhựa thì các ngôi nhà
lầu đẹp mới thi nhau lần lượt mọc
lên.
Nằm bên
trái đường Đòan Trần Nghiệp có vài con
đường chạy song song với nó, gần nhất là
con đường ngắn dài khỏang 100m bắt đầu từ đường Hùng
Vương đến đường Trừ Văn
Thố. Trước năm 1980 có tên Triệu Ẩu, sau đổi thành
Bà Triệu. Trên đường này có
hai căn nhà xưa, ở góc đường là nhà của
ông chủ rạp Thanh Bình, giữa đường là
nhà của dòng họ ông Đốc phủ Biện. Hai căn
nhà này nay vẫn còn, nhưng có vẻ cũ
kỷ, hoang phế. Có một thời, con đường này còn
là bến xe ngựa, mãi đến sau 1985,
khi người đi xe ngựa thưa thớt dần thì mới hết.
Kế tiếp là
đường Văn Công Khai. Thời Tây gọi là Rue Daniel, sau
9/3/1945 Nhựt đảo chánh Tây
thì đổi lại là Rue des Poteries. Dưới chế độ miền Nam đặt
lại là Võ Tánh, đến
1980 có tên là Văn Công Khai cho tới nay.
Đường dài 487,7m từ đường Hùng Vương
đến đường Bàu Bàng. Đầu đường có ngôi
nhà không to lắm nhưng kiến trúc cũng khá
đẹp là nhà của ông phán Dần, làm lục
sự tòa án. Trên đường có nhiều trường học,
như trường tiểu học Trí Tri (ngôi nhà xưa bên
cạnh phòng khám đa khoa thị xã
hiện nay, ngôi nhà này nguyên của ông
Trần Văn Lý, còn gọi là ông Tư Lý,
cũng
từng có lúc là phòng khám bệnh của
bác sĩ Rạng, con ông bà Năm Chi, mua lại của
ông Ba Cảnh ), trường Chim Non (Thầy Giáo Thọ dạy, nổi
tiếng nghiêm khắc),
trường Nghĩa An của người Hoa, trường trung học tư thục Nghĩa Phương
(do thầy Lê
Bích, một kiến trúc sư từ Sài Gòn về
là Hiệu trưởng). Trường trung học tư thục
Nguyễn Trãi do thầy Nguyễn Tiên Sanh sáng lập năm
1955, một trong những ngôi
trường đầu tiên của tỉnh, nằm cách đường cũng chỉ
vài chục mét Đường từng có
tên là Rue des Poteries, tiếng Việt là đường
Lò Chén, có lẽ vì nếu đi thẳng
riết trên con đường này, người ta sẽ đi qua vùng
lò chén nổi tiếng của người
Tàu ở Chánh Nghĩa, Bình Dương.
Thứ ba là
đường Trần Tử Bình, trước năm 1999 có tên là
Phan Văn Hùm. Đường bắt đầu
từ đường Cách Mạng Tháng
Tám đến đường
Lý Thường Kiệt, dài 343m.Ở đọan có đường
Hùng Vương cắt ngang tạo thành ngã tư,
có tên là ngã tư Quốc Tế. Không ai nhớ
chính xác tên này có từ bao giờ
và tại
sao lại gọi như thế, nhưng từ xưa đây đã là nơi
có nhiều tiệm cà phê, tiệm kem
và quán ăn có tiếng, người qua lại khá tấp
nập. Giai đọan giữa thập niên 60,
ngòai số khách người Việt, đi với lính
tráng còn có nhiều người Mỹ, Tân Tây
Lan…có lẽ cái tên Ngã tư Quốc Tế ra đời
trong bối cảnh này.
Từ đường
Nguyễn Thái Học, có các con đường chạy cùng
chiều song song bên cánh phải: Đường
Đinh Bộ Lĩnh, đường Ngô Quyền, đường Nguyễn Văn Tiết.
Đường Đinh
Bộ Lĩnh, kết nối hai con đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng,
dài 339,5m, có tên đó
từ 1945 đến nay. Khu vực đầu đường trước 75 là trụ sở của sở Học
Chánh, qua
phía ngả tư trở đi là trại giam, tường xây cao, đến
cuối đường công trình kiến
trúc đáng kể có nhà Bưu Điện, xây từ
thời Tây, dân gian còn gọi nhà dây
thép.
Phiá tay trái của đường có ngôi nhà
cổ
của ông nha sĩ Trần Công Vàng, do ba của
ông là Hội đồng Cần xây cất từ năm 1889, nay vẫn
còn hầu như nguyên vẹn.
“Từ đó đi
lên
Ông cò ở
trên
Khám đường ở dưới
Tường xây cao dữ
Lại gắn miểng chai
Từ đó đi ngay
Xuống phông
tên nước
Đi xuyên tuốt luốt
Tới nhà việc
Phú Cường
Nhà cất bằng tường
Gắn máy radio”
Đường Ngô
Quyền, tên thời Tây là Commandant Henri, nối hai con
đường Phạm Ngũ Lão và Bạch
Đằng, dài 539, 5m. Khởi từ đầu đường, phía tay
trái là phiá sau của nhà thờ
chánh tòa Phú Cường, phía tay mặt có
khu trượt patin Tứ Hải, họat động nhộn nhịp
được thời gian ngắn thì ngưng do lệnh cấm trò chơi
này của chính phủ trước 75.
Chạy dài theo con đường, qua ngả tư piscine (gần đó
có một hồ bơi) đến ngả ba
có con đường Nguyễn Tường Tam rẻ phía tay mặt chạy
lên Thành Quan, ngang ngôi
nhà to và đẹp của ông Cả Luận, một thầy thuốc
Đông y nổi tiếng, đường này nay
đổi lại là Ngô Chí Quốc, thời trước dân địa
phương chỉ gọi là đường Đắp Mới, dù
sau 1963 đã có tên là Nguyễn Tường Tam. Cũng
trong năm này, cây cầu bắt qua con
rạch nhỏ được làm lại kiên cố hơn, bọn trẻ con trong
xóm thích đứng trên thành
cầu nhảy xuống nước bơi lội, nơi đây trở thành địa điểm
vui chơi của lũ nhỏ một
thời. Qua khỏi cầu, phía tay mặt có nhà ông
Năm Hí là một lò võ cổ truyền đã
đào tạo được nhiều đệ tử.
Từ ngả ba rẻ
lên đường đắp mới, phía tay trái đường Ngô
Quyền là khu cư xá cảnh sát rồi đến khu
cư xá sĩ quan gần tới bờ sông, còn tay mặt
là khu xóm đạo, tức khu cư ngụ của
người Công giáo. Hồi ký của ông Grammont
mô tả khu vực này vào đầu thập niên 60
thế kỷ 19 như sau:
“Ở phía Bắc,
cánh rừng thiêng danh
tiếng là nơi tập hợp các họ đạo mới thành lập.”
(Grammont, Hoài
Anh dịch, Thủ Dầu
Một dưới mắt người Pháp, Xưa và nay 45B, tr. 15).
Một tài
liệu khác cho biết rõ hơn về xóm đạo
này. Trong bức thư của linh mục Phêrô
Nguyễn Đức Nhi, cha sở người Việt Nam đầu tiên của họ Thủ Dầu Một viết cho linh mục Poinat vào năm 1910
có
đọan:
“Vốn trước kia, Đại
Pháp qua Nam kỳ
thì chưa có họ Thủ, hoặc có một hoặc hai người đạo
hạnh lếu láo theo ở giữa kẻ
ngọai hoặc có kẻ trốn cơn bắt đạo, đến đó ẩn tránh
vậy mà thôi. Đến lúc đại
Pháp đánh lấy thành Biên Hòa
là năm 1861, thì qua chiếm cứ Thủ Dầu Một, vậy thì
bổn đạo Tân Triều, Bến Gỗ, Búng, Lái Thiêu,
Bến Sắn đổ tràn đến Thủ hoặc nương
bóng cờ Langsa khỏi Trào Nam bắt bớ vì đạo, hay
đặng buôn bán với người ngọai
quốc. Bởi vậy sinh ra đông người có đạo ở đó.
Tôi tưởng gốc họ Thủ như vậy”
(Kỷ yếu giáo phận
Phú Cường
1965-2005, tr. 206)
Những
người miền Bắc đạo Công giáo di cư năm 1954 có thể
cũng đã gia nhập thêm vào
khu vực này, nhưng gốc gác của xóm đạo, theo
mô tả của các đọan văn trên cho
thấy bắt nguồn từ xa xưa lắm.
Con
đường này còn là lối đi chính dẫn lên
trường
Sĩ Quan Kỹ Thuật Công Binh ( xưa gọi thành Săng Đá
(Vassoigne), do phát âm trại
từ chữ soldat mà ra) do vậy là một trong những con đường
khá đông đúc của một
thời, nhất là vào những ngày cuối tuần, những
người lính quần áo ủi hồ phẳng
phiu dáng đi mạnh mẽ cùng với những người đi lễ
nhà thờ quần áo tề chỉnh rảo
bước, tà áo dài đủ màu sắc của các
cô gái thướt tha theo gió đã làm cho
phố phường
như xinh đẹp hẳn lên.
Đường
Nguyễn Văn Tiết, trước 1980 là Châu văn Tiếp, bắt đầu từ
cuối đường Bạch Đằng,
chạy dài 1276m thì gặp đại lộ Bình Dương, ngang
qua địa phận của hai phường Phú
Cường và Hiệp Thành. Tại điểm khởi đầu có một
công viên nhỏ, trước đây là Miễu
Tử Trận, được xây dựng từ thời Tây để tưởng nhớ những người
Việt bị Tây bắt đi
đánh trận chết ở nước ngòai, trong cuộc Đại chiến lần thứ
nhất.
“Nhìn bốn
cây cột
Có bốn con rồng
Chữ đề ở trong
Là Miễu tử trận
Khỏang năm
1970, tại đây có một cái tủ đựng máy
vô tuyến truyền hình, ban ngày khóa lại,
đến tối thì có người mở ra cho dân chúng
trong xóm đến coi, ngồi chen chúc trên
bãi cỏ. Hồi đó máy vô tuyến
truyền hình,
nay gọi tivi, rất hiếm, nên dù phải ngồi dưới đất, ai nấy
cũng say mê, nhất là
vào những tối thứ sáu, thứ bảy có chương
trình cải lương. Tại đây cũng là bến
xe ngựa, vì rẻ về hướng trường Công Binh, phía tay
trái có một ngôi chợ kiểu
tiền chế do lính Tân Tây Lan (New Zealand) dựng
lên, gọi là chợ Tân Tây Lan. Từ
ngôi miễu, có :
Có đường đắp ngăn
Chạy thẳng thành
quan
Có đường đắp ngang
Đi qua cầu dốc…”
Con đường
mỗi lúc một cao dần, đi ngang qua khu ký túc
xá của quân đội Tây, nằm phía tay
trái, gọi là Thành Quan, công trình
kiến trúc đó nay vẫn còn, là một di
tích
quý hiếm của tỉnh ghi dấu thời kỳ thuộc địa ảm đạm của địa
phương. Phía tay
phải, đối diện khu thành Quan này có một
ngôi nhà nằm giữa khu vườn có trồng
nhiều cây kiểng, khoảng năm 1973 được chọn làm cảnh quay
bộ phim Ngọc Lan do nam
diễn viên Bảo Ân và Thanh Lan thủ vai chính.
Người trong xóm kéo đến chen chút
xem hai tài tử điện ảnh nổi danh đóng phim.
Khi vượt
qua quốc lộ 13 cũ, đường dẫn vào một xóm quê gọi
là xóm chùa Đức Sơn vì phía
bên trái, cách đường không tới 100m có
ngôi chùa cổ xây từ thế kỷ 18 (1775) mang
tên đó.
Ngòai các
con đường vừa kể, có vài con đường nữa cũng đáng
nhắc đến.
Đường
Nguyễn Du, trước năm 1945, tên Tây là Rue La
Bataille, dài chỉ 138,1m, từ Cách
mạng Tháng 8 tới đường Yersin. Đường này tuy ngắn, nhưng
dân ở đây ai cũng biết
vì có ngôi chùa Bà, vào dịp
rằm tháng giêng thì chen chân không
lọt, trống múa
cù rộn rã ngày đêm. Xung quanh đó lại
có ba ngôi trường, trường Nam (trường
tiểu học Nam Châu Thành, nay là trường Nguyễn Du),
trường Nữ (trường tiểu học
Nữ Châu Thành), hai ngôi trường xưa và lớn
nhất tỉnh, và trường tư thục Đăng
Khoa do thầy Nguyễn Văn An (ông Đốc An) lập. Tại trường
này có một nữ sinh từng
theo học một thời gian trong khóa hè, tên là
Nguyễn Thu Cúc, sinh năm 1947, quê
quán Bình Long, về sau trở thành ngôi sao ca
nhạc nổi danh của miền Nam là Mai
Lệ Huyền.
Sau năm
90, khu nhà trước chùa Bà bị giải tỏa để
làm công viên, quang cảnh nơi đây trở
nên rộng rải, thóang đảng hơn, và vào
ngày rước cộ Bà, cũng đở cảnh chen lấn
như trước.
Đường Phạm
Ngũ Lão, xưa gọi là Rue des Jardins, từ đường Yersin,
chạy 1280m thì đụng đại
lộ Bình Dương. Ở đầu đường, đổ xuống một con dốc, phía
tay trái là mặt sau của
nhà thờ Chánh tòa Phú Cường, từ giữa thập
niên 60 đã xây dựng ngôi trường trung
học Thánh Giuse. Phía tay mặt là ngôi biệt
thự khá đẹp của một ông quan Tây làm
việc tại tỉnh trong những thập niên đầu thế kỷ. Đường thường được
dân gian gọi
là đường Giếng Máy hay đường Bưng Cải.
“Xuống tới đầu chợ
Trại cưa trước mặt
Thổ mộ có
hàng
Rủ
nhau sọan bàn
Đi về Bưng Cải”
Đầu và
cuối con đường là hai cái dốc rất cao, phía giữa,
như một thung lũng, là vùng
đất thấp, có nhiều mạch nước ngầm phun lên, từ ngữ địa
phương gọi là mội, nước
trong, ngọt. Người Pháp xây một nhà máy khai
thác nước ở vùng này để phục vụ
cho khu vực chợ Thủ, do vậy mà có từ Giếng Máy để
phân biệt với các mội nước tự
nhiên trong vùng. Ông Nguyễn Đình Đầu nhận
xét:
“Tòan tỉnh
có nhiều mạch nước ngầm
tốt. Chính tòa bố đã dùng nước giếng ngầm
dẫn từ xóm Bưng Cải cách 800m về. Một
lầu nước xây trên đồi cao cùng với 23
phông-ten ở rải rác cung cấp nước cho cả
thôn Phú Cường. Nước Bưng Cải rất tốt, không phải
các tỉnh khác của Nam Kỳ đều
được nước tốt như vậy.”
(Nguyễn Đình Đầu,
Địa lý lịch sử
Sông Bé, Địa chí tỉnh Sông Bé, nxb.
Tổng hợp Sông Bé, 1991, tr.212)
“Lầu nước
xây trên đồi cao” mà tác giả đề cập, được
mô tả vị trí chính xác là:
“Đài nước
này rất gần trụ sở thanh
tra, ở trên chỗ cao trông ra sông. Độ cao của
nó cho phép cung cấp nước đáp ứng
nhu cầu cho tỉnh.”
“Nước do các
nguồn nước của Bưng
Cải cung cấp có chất lượng tuyệt hảo. Đó là một
thuận lợi lớn cho tỉnh. Ở khắp
vùng Nam Bộ, nước ăn uống hầu như không tốt cho sức khỏe
dân chúng”
(Địa chí Thủ Dầu
Một-1910, tr.6,
Thủ Dầu Một xưa qua địa chí 1910 và bưu ảnh, Hội khoa học
lịch sử Bình Dương,2007)
Đây là một
trong những con đường quê hiền hòa và nên thơ
nhất của thị xã. Hai bên đường dẩn
đến cây cầu nhỏ là hàng cây dầu cổ thụ cao
vút, kế đó là hai mương nước trong
veo, nhìn thấy rõ những đám rong xanh biếc
và từng đàn cá đủ màu sặc sở nhởn
nhơ bơi lội.Thời đó không hiểu sao người ta không
bắt cá, không chích điện để
tiêu diệt sạch sẽ tất cả các lòai sinh vật sống
dưới nước như bây giờ. Nhà cửa
thưa thớt, nằm ẩn mình giữa những vườn cây trái
xanh um, mùa hè, ve kêu ran cả
trời đất, trái chín lủng lẳng trên cành rất
đẹp mắt.Giữa khung cảnh của làng
quê nghèo hiền hòa mộc mạc ấy, ngôi
nhà của ông Huyện Tình chợt hiện ra tráng
lệ, uy nghi. Năm tháng trôi qua, nó vẫn đứng
yên như vậy như thách thức với
thời gian, chỉ có rêu mốc đóng trên
mái ngói và tường vôi, nhất là trong
những
buổi chiều nắng vàng, là gợi cho người ta khó ngăn
được cảm giác bùi ngùi mơ
hồ, chạnh lòng trước những
dâu bể và tàn
phai của muôn vật ở cỏi trần gian này. Người xưa đâu
tá?
Đường Trừ
Văn Thố, tên thời Tây là Rue Lacotte, ( có
tài liệu ghi là Moriet, tên một sĩ
quan Pháp), giai đọan 1957-1980 đổi tên là Lê
Văn Duyệt, dài 138,3m gồm hai
đọan, nối đường Văn Công Khai và Đinh Bộ Lĩnh, bị
cách ngăn bởi khu chợ
Thủ. Trên đường này, xưa Tây cho trồng hàng
me
hai bên đường, dấu vết nay vẫn
còn. Một tiệm mì nổi tiếng trước 75 bán ở lề đường
có thương hiệu là mì Cây Me,
nay dời qua bán ở đường Văn Công Khai. Có
vài ngôi nhà đáng chú ý như
nhà bà
Bảy Lìn, nay là nhà hàng Bông Sen,
đối diện có khách sạn Bông Sen, lúc đầu
dành
cho Mỹ thuê, trước cũng thuộc bà Bảy. Kế bên
nhà bà Bảy có ngôi nhà cũng
khá
xinh xắn là nhà của ông phán Nhơn,
làm Đệ Tam Tham Vụ trong tòa Đại Sứ của chế
độ miền Nam ở nước ngòai. Sau 75 ông bán nhà
dời về Bình Chuẩn và qua đời nơi
đó ít năm sau. Phiá bên kia chợ có
khu nhà nghỉ Phi Long, có nhà ông đốc Di,
một
nhà giáo danh tiếng của thị xã trước đây,
và nhà thuốc của đông y sĩ Nguyễn Văn
Khê, thường gọi thầy Bảy Khê.
Đường Lý
Thường Kiệt, tên thời Tây là Rossigmeux, dài
813,4m từ đường Cách Mạng Tháng 8
đến đường Nguyễn Thái Học. Trên đường này
nhà cửa san sát, có nhiều quán ăn,
tiệm nước, có nhà bào chế thuốc Võ Văn
Vân nổi tiếng cả Đông Dương một thời, và
gần đó là rạp hát Bầu Liêu, rạp hát
đầu tiên của chợ Thủ chuyên trình diễn các
tuồng hát bội. Biệt thự tư nhân có nhà
ông Đốc phủ Biện (Hạ Quang Biện), về sau
có lúc là trụ sở Bảo an đoàn (1959),
ông Phạm Ngọc Thảo (1922-1965), Tỉnh Đòan
Trưởng, từng ở đây,
nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân
trong bộ phim tình báo Ván bài lật
ngửa. Con gái ông bà Đốc phủ, vợ của tiến sĩ Trần
Văn Trai, từng lập ra hãng Mỹ
Vân phim, có công phát hiện ra minh tinh Thẩm
Thúy Hằng và thực hiện bộ phim
Người đẹp Bình Dương tạo nên thanh danh cho phụ nữ tỉnh
nhà. Căn nhà ông Đốc
phủ Biện xưa đó, từ sau 1975 là trụ sở hội Chữ Thập đỏ
tỉnh Bình Dương.
Đường Hai
Bà Trưng, tên thời Tây là Outrey, sau 1954
đổi lại là Trưng Vương, đến ngày
20-04-1998 Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương ra quyết
định số 52/1998/QDUB đặt
lại là đường Hai Bà Trưng cho đến nay. Con đường
này dài 250m, nối hai con
đường Văn Công Khai và Đòan Trần Nghiệp, thuộc
phường Phú Cường.
Outrey là
quan đầu tỉnh Thủ Dầu Một vào đầu thế kỷ 19, từ năm 1901,
ông đã cho xây dựng
trường Bá Nghệ (École des arts) trước chợ Thủ. Về sau
trường này được dời về vị
trí hiện nay ở đường Bạch Đằng. Đây được xem là
ngôi trường mỹ thuật sớm nhất ở
nước ta. Trước khi được bổ nhiệm làm quan đầu tỉnh TDM,
ông từng làm cũng chức
vụ ấy ở Vũng Tàu, là người có công vạch kế
họach thiết kế Vũng Tàu thành trung
tâm nghỉ mát miền biển.
Người Bình
Dương khó quên con đường này, vì giữa đường
có rạp hát Trần Trung Hí Viện, về
sau đổi tên là rạp Thanh Bình, nơi diễn các
tuồng hát bội, cải lương, đại nhạc
hội và về sau còn chiếu phim. Bình thường
đây là khu phố của người Tàu, với vài
tiệm làm mì, bán tương, nhang đèn ở đầu
đường, ở bên lề, có một vài ngừoi Việt
bán truyện tranh, bán dế, cá lia thia…khách
hàng chủ yếu là bọn trẻ con, nhưng
mỗi khi có đòan hát về, nhất là vào
mấy ngày Tết thì con đường trở nên đông
đúc, náo nhiệt, rộn rả ngày đêm. Ở
góc đường tiếp giáp với đường Võ Tánh
là
công xi rượu của bà Bảy, nay không còn.
“Từ đó xuống
sông
Tới nhà Út
Chánh
Có đường đắp ngắn
Đến rạp Trần Trung
Chưng hình mỹ nữ
Bán đồ
sành sứ
Đông đảo chỗ
này”
Kể đến đây,
dĩ nhiên là chưa nói hết về các con đường ở thị xã, hy vọng sẽ có dịp
bổ sung, khi
sưu tập thêm được nhiều tư liệu.
“Mênh mông
đại hải
Khắp cả châu
thành
Tôi không
biết nữa…”
(Vè chợ Thủ)
Viết về
đường chợ Thủ như trên, điều làm người viết lo lắng nhất
là sự chính xác của
những gì trình bày. Chúng tôi
đã cố gắng thu thập từ nhiều nguồn tài liệu khác
nhau, quan trọng nhất là ghi lại từ lời kể của các cụ cao
niên nay còn nhớ
chuyện ngày cũ, chỗ được chỗ mất. Chúng tôi
đã nhờ nhiều cụ đối chứng, kiểm
tra, tuy vậy thời gian đã quá lâu thì những
gì còn lưu giữ trong ký ức khó
tránh được sự nhầm lẫn. Chúng tôi sẽ tiếp tục
công việc của mình, và rất mong
được sự giúp đở của tất cả những ai còn nhớ về chuyện cũ
ở Bình Dương.
Kể chuyện
quá khứ xa xăm, mù mịt, mong nhất là ít
điều sai sót. Muốn vậy, phải nhờ cậy
đến sự chỉ bảo của nhiều người.
(06-07-10)