Những chiếc xe thổ mộ trong
ký ức tuổi thơ tôi
Trần thị Hoàng Tân
..."Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo"...
Khoảng cuối thu năm 1955, ba má tôi rời miền quê sông nước Cần
Thơ lên Bình Dương lập nghiệp. Thế là cả đám chị em tôi đã lớn lên trên vùng
đất quê hương này. Bình Dương ngày đó còn hoang sơ lắm, phía sau ngôi nhà
gỗ của gia đình tôi là một khoảng rừng rộng, cây cối um tùm. Có một lối mòn
nhỏ xuyên suốt cánh rừng. Con đường mòn mà chị em tôi thường thích thú rủ
nhau chạy một mạch để đến trại cưa gỗ nơi ba tôi làm việc. Có rất nhiều cây
cổ thụ cao ngất ngưỡng trong rừng, với chằng chịt những dây rừng leo quấn.
Thêm vào đó có cả những dây chùm gửi trổ hoa theo mùa, bám chặt thân cổ thụ
tạo thành những hình dáng kỳ dị. Trong con mắt của tuổi thơ chị em tôi, những
cây rừng đó giống như những con dã nhân khổng lồ mình đầy lông lá. Những hình
dáng kỳ dị ấy cứ lớn dần theo trí tượng tưởng, rồi trở thành nỗi sợ hải ám
ảnh chị em tôi trong những buổi chiều nhập nhòa bóng tối! Chị em tôi không
đứa nào dám đi một mình trong cánh rừng đó để trở về nhà, khi mặt trời đã
lẫn khuất sau bóng tối rậm rạp của đám cây rừng!... Nhưng đứa nào cũng thích
thơ thẩn trên lối mòn đó trong những buổi trưa khi ánh sáng mặt trời xuyên
qua đám lá, không chói chan mà chỉ vừa đủ soi sáng từng đám cây chồi thấp,
mọc san sát nhau dọc lối mòn. Đó là những đám cây dại đã cho chúng tôi những
trái chín ngon lành mà có lẽ không có gì ngon hơn trong ký ức tuổi thơ của
chúng tôi ! Đó là những quả cò ke chín đen bóng, những chùm cơm rượu đỏ hồng
bóng mọng, những trái chùm bao ngọt nhạt lẫn chút vị chua chua … Những quả
dại như chiến lợi phẩm càng làm chị em tôi yêu thích khu rừng quanh nhà mình.
Rồi ngày đêm cứ theo nhau tiếp nối. Không thể nhớ được ta đã lớn lên từ lúc
nào. Thời gian cứ vút qua mỗi đời người như một thứ ánh sáng tự nhiên. Đến
một lúc nào đó, ta giật mình quay nhìn lại, thì quá khứ đã trải dài một khoảng
đời xa lắc ! Trong khoảng đời đó, còn đọng lại trong tâm trí mỗi người những
niềm vui, hạnh phúc, cay đắng, buồn đau,… mà người ta đành gọi là kỷ niệm,
vì muốn hay không thì tất cả đều đã hiện diện, xen lẫn vào nhau trong mỗi
đời người !
Lối mòn trong cánh rừng ngày đó là con đường rong chơi của tuổi
thơ chị em tôi. Còn con đường đi học ngày ngày là con đường quốc lộ từ nhà
ra thị xã. Chỉ hơn 2 cây số đường bộ mà với chị em tôi con đường như dài lắm.
Có lẽ bước chân bé nhỏ ngày đó, chưa đủ dài để thu ngắn lại khoảng cách, một
khoảng cách sẽ trải dài theo số phận mỗi đời người ! Con đường đi học không
bằng phẳng mà gập gềnh uốn khúc. Một con dốc cao trên lối về làm thêm chậm
bước chân. Đó phải chăng là con dốc đầu tiên trong cuộc đời mà chị em tôi
đã vượt qua trong vô thức, chưa hề cảm nhận được chút gian nan khởi đầu như
một lẽ thường tình ! Mỗi lần tan học trên đường trở về nhà, chị em tôi mừng
nhất khi gặp được má đang trên chiếc xe ngựa từ chợ về nhà. Đứa nào cũng
sung sướng được lên xe đi cùng má, được ngồi bên má trên chiếc xe ngựa lộc
cọc trên đường. Tiếng lộc cọc mà mãi sau này khi không còn được nghe, không
được nhìn thấy, không còn được ngồi trên những chiếc xe đó nữa, chúng tôi
mới cảm nhận được rõ ràng sự mất mát của mình ! Cảm giác mất mát còn bổng
chốc trở thành sự nuối tiếc khôn cùng khi hình ảnh chiếc xe ngựa còn gắn
với bóng hình ông bà Ngoại thân yêu, từ quê nhà xa xôi lên Bình Dương thăm
con cháu. Mỗi năm vào mùa xoài chín, Ngoại tôi thường gom góp những quả xoài
vườn nhà mang lên cho chị em tôi. Thương vợ chồng cô con gái duy nhất sống
xa quê, ông bà ngoại còn chuẩn bị cả những gáo mắm ruột Ngoại tự làm sau
mỗi vụ tát đìa thu hoạch cá, những chai tương ớt cay nồng đỏ thẳm và cả những
quả chuối vườn nhà chín rục ngọt lịm, Ngoại đã tỉ mẫn cán mỏng phơi khô.
Những món quà quê đó mãi mãi là những món ăn ngon nhất trong đời của chị
em tôi ! Dù có đôi khi, trong những lúc không bình yên của cuộc sống, ký
ức như bị nhạt nhòa trước bao lo toan trăn trở, chị em tôi cũng không quên
được, hình ảnh những chiếc xe ngựa quen thuộc từng đưa Ngoại lên thăm chúng
tôi. Những chuyến xe ngựa tiếp nối cho mãi đến ngày Ngoại tôi không còn đủ
sức để vượt cả trăm cây số đường dài để đến với những tiếng reo mừng: "Ngoại
lên ! Ngoại lên" của chị em tôi nữa ! … Và rồi mãi mãi chị em tôi không
thể nào tìm lại được hình bóng Ngoại thương yêu trên những chiếc xe ngựa
lộc cọc trên đường đời!
Năm tháng cứ qua đi, không ai còn nhớ nỗi từ lúc nào tiếng xe ngựa
lộc cọc đã biến mất trên đường. Con quốc lộ trước nhà bây giờ rộng dài thêm.
Hai hàng đèn chạy dọc theo con đường sáng rực mỗi đêm. Con dốc cao ngày xưa
trên đường về nhà cũng thấp dần đi. Năm tháng đã vô tình xóa đi những thứ
nó tình cờ bắt gặp trên lối đi qua của nó và cũng làm vơi đi bao con dốc đời
thường !
(5/2014)