Nhớ người đã khuất
Minh Tâm
(tổng hợp)

GS Nguyễn Thiện Thuật vừa mãn phần tại Sài Gòn ngày 14/5/2021, hưởng thọ 80 tuổi. Đối với học sinh Trịnh Hoài Đức, thầy là người có công giảng dạy môn Sử Địa cho rất nhiều khóa. Đối với bản thân người viết thầy để lại nhiều ấn tượng rất tốt. Xin ghi lại vài kỷ niệm với thầy ở đây để cùng nhớ về một người thầy đáng mến.

Nhắc về thầy Thuật, GS Phạm đức Liên cho biết, thầy Liên và thầy Thuật là bạn học cùng lớp ở Đại Học Sư Phạm nhưng thầy Thuật học giỏi lắm, ngoài chuyên môn Sử Địa, thầy còn học thông thạo tiếng Nhựt nữa không biết thầy học để chuẩn bị du học hay làm việc cho công ty Nhựt ? (Thầy có nhiều học sinh học tiếng Nhựt, học sinh cũng rất quý mến thầy).
Thi ra trường năm 1965 thầy Thuật đổ thủ khoa, thầy Liên hạng nhì. Hai anh em cùng chọn trường Trịnh Hoài Đức tỉnh Bình Dương - đất lành chim đậu - làm nơi khởi đầu cho nghề giáo của mình. Nhớ lúc đó không được an ninh cho lắm, hai thầy đi xe gắn máy đến trình diện tại trường. Giấy tờ giới thiệu công vụ thì dấu vào trong vớ. Khi đến trình diện ông hiệu trưởng Nguyễn Đức Lâm thì giấy hơi ướt nhưng ông hiệu trưởng cũng vui vẻ chấp thuận cho hai giáo sư trẻ đến làm việc. Hôm sau là bắt đầu đến trường và bắt đầu cuộc đời công chức...
Thầy Thuật dạy hay lắm. Tôi có may mắn học thầy năm lớp đệ Ngũ. Thầy dạy sử mà như kể chuyện. Những câu chuyện về vua Lê Lợi đánh giặc Minh hay vua Quang Trung đại thắng quân Thanh... thầy giảng nghe rất hấp dẫn và gợi lên lòng yêu quê hương yêu đất nước với lòng tự hào dân tộc.
Thầy Thuật rất đẹp trai và có nụ cười rất tươi. Sao lúc đó thầy cô dạy Trịnh Hoài Đức có rất nhiều người đẹp!. Bên nam thì có thầy Nguyễn Trí Lục, Lê Tân Lộc, Nguyễn Thiện Thuật, Bùi Thế San... Bên nữ có cô Trần thị Hương, Hà Thị Liên, Hoàng Thị Đàn Hội... Thầy Thuật đi dạy bằng chiếc xe Yamaha. Thầy rất hiền, có khi học sinh nghịch phá xe của thầy mà thầy cũng không rầy la. Tôi không nhớ rõ trước hay sau tết Mậu Thân thầy bị tai nạn phải băng bột tay phải và phải tập viết bằng tay trái để viết bài giảng.
Thầy rất tận tụy. Nhớ sau tết Mậu Thân, trường phải đóng cửa một thời gian. Khi trường vừa mở lại là thầy có mặt. Hôm đó là ngày thi Lục Cá Nguyệt. Cả lớp đệ Ngũ A5 đến đủ chỉ có một mình tôi là không biết trường mở cửa nên còn ở nhà học bài. Thế nhưng thầy thương học trò nên tuần sau thầy cho tôi thi chỉ có một mình với cùng một đề thi. Thật là đáng quý. Tôi luôn luôn nhớ ơn thầy về chuyện nầy. Tôi còn nhớ một chuyện nữa. Đó là năm lớp 12, tôi học giỏi nhưng cũng nghịch lắm. Một hôm vào giờ chơi, tôi và Trần công Hảo đá banh một cách khá nguy hiểm là đá tung lên trời cao cho rớt xuống chơi! . Thầy Thuật đi ngang thấy vậy bước  ra ... "xách lỗ tay" hai thằng nhóc, làm tôi cũng hơi "quê" với mấy bạn gái ban A đang đứng nhìn... Ai biểu nghịch quá làm chi...
Trái với thầy Liên là người năng động và thích sinh hoạt học đường. Thầy Thuật hơi e dè ít sinh hoạt trong công tác chung. Không trách thầy về chuyện nầy vì thật ra thầy đã rất nổi tiếng và có nhiều nữ sinh mến mộ. Nếu nổi bật quá cũng không phải là điều tốt.
Sau khi tôi rời trường năm 1972 thì ít biết tin tức về thầy. Đến khi hội CGS & HS Trịnh Hoài Đức được thành lập thì cũng tìm kiếm khắp nơi mà không ai biết thầy ở đâu. Chị hội trưởng Nguyễn Kim Nên cũng rất năng nổ trong việc nầy. Không biết ai cho chị Nên số điện thoại thầy Thuật ở Việt Nam. Chị gọi lên thì nghe giọng một thầy Thuật ... ở ngoài Bắc!. Mãi sau nầy, các CHS khóa 8, 9, 14... mới tìm được địa chỉ của thầy và đến nhà thầy ở Sài Gòn để thăm thầy. Với số điện thoại của thầy do hội cung cấp, nhiều vị giáo sư bạn cũ của thầy như GS Phạm Đức Liên, Huỳnh Văn Thế đã gọi về Việt Nam để thăm hỏi thầy. Qua đó mọi người biết hoàn cảnh cuộc sống kinh tế của thầy cũng đầy đủ. Thầy không muốn nhận bất cứ quà cáp hay trợ giúp của bạn bè hay học trò. Thầy nói quý mến nhau là ở tấm lòng.
Vào cuối đời, sức khỏe thầy rất yếu. Thầy bị bịnh tim. Bác sĩ nói phải mổ thay van (?) thì mới trị được nhưng thầy từ chối. Không phải vì thiếu tài chánh mà vì thầy nói cũng lớn tuổi nên không muốn điều trị rắc rối thêm.
Tin thầy Thuật qua đời không gây ngạc nhiên vì thầy cũng đau yếu khá lâu, nhưng mất đi một người thầy đáng quý cũng là một điều làm nhiều bạn bè, học trò yêu quý thầy đau buồn. Trên mạng facebook và qua email, nhiều người đã nhắc lại nhiều kỷ niệm và nhớ đến thầy. Có người làm thơ nữa. Xin mạn phép ghi chép lại vài cảm tưởng về thầy như sau:

CHS Nguyễn Kim Nên:
Nhận được tin thầy Nguyễn Thiện Thuật vừa mới qua đời, bao nhiêu kỷ niệm của những ngày còn đi học bổng thi nhau trở về trong tâm trí mình. Và những ai đã từng học môn Sử Địa với thầy Thuật đều nhớ thầy... Thuở ấy, thầy Thuật rất trẻ khi về dạy ở trường trung học THĐ. Với dáng gầy rất thư sinh, hiền lành và nụ cười với chiếc răng khểnh... nên nữ sinh thường nói “ông thầy đẹp trai”... chính vì vậy mà thầy thường bị học trò trêu chọc trong đó có lớp A2 khoá 9.
Mãi đến sau này, mình mới được biết thêm về thầy Thuật, thầy học rất giỏi và đổ đầu ở trường Đại Học Sư Phạm ....( do thầy Phạm Đức Liên kể... )
Thời gian bay qua nhanh hơn mình tưởng, mới ngày nào mà nay thầy trò tóc đều bạc trắng, lần lượt ra đi theo luật tạo hoá, ai còn đây thì cầu nguyện cho người đi trước....
Kính chúc thầy an nghỉ bình an trong vòng tay Thiên Chúa nhân từ. Nguyện xin Đức Mẹ Maria và Thánh Cả Guise nâng đỡ và ủi an cô Thuật và các em trong sự mất mát lớn lao này. Thành kính phân ưu. CHS/THD. A2 khoá 9

GS Lê Tấn Lộc
Thầy Thuật rất được đồng nghiệp và môn sinh thương mến, quý trọng. Thầy là môt giáo sư rất có tài và rất dễ mến. Trong niềm thương tiếc, chúng ta   chân thành cầu nguyện cho hương linh thầy Thuật mãi mãi hưởng an lạc nơi miền miên viễn.

GS Đoàn Phế:
Thầy Thuật cùng với thầy Liên, thầy Phúc, cô Thanh Quý... và tôi về THĐ cùng lúc (1965). Với tôi, anh Thuật là một người bạn đồng môn (ĐHSP Saigon), đồng nghiệp      (THĐ) thật hiền hoà, dễ mến. Anh học rất giỏi, ra trường năm đó anh đậu Thủ Khoa ban Sử Địa (thầy Liên đậu hạng nhì) và đã tận tuỵ hướng dẫn học sinh với tất cả thiên chức của một nhà giáo. Trong niềm thương tiếc, chúng ta chân thành cầu nguyện cho hương linh thầy Thuật mãi mãi hưởng an lạc nơi miền miên viễn.

GS Phạm Đức Liên:
Buồn Quá, Tâm Ơi !!! Nhớ hồi trẻ, thầy Thuật học giỏi lắm. Dân trường dòng ra mà !. Lớp thầy có nhiều bạn xuất thân từ trường Tây qua mà vẫn học thua thầy Thuật. Thầy và thầy Thuật rất thân nhau. Thầy Thuật thường gọi thầy một cách thân mật là "Bắc Kỳ". Ngược lại thầy cũng chọc thầy Thuật là "Nam Kỳ". Đám cưới của thầy, thầy nhờ thầy Thuật làm phụ rễ. Ý thầy là muốn giới thiệu một cô phụ dâu cho thầy Thuật. Cô nầy cũng là một dược sĩ.Sau đám cưới thầy còn mời phụ dâu phụ rễ gặp nhau nữa nhưng duyên không thành. Lúc học Đại Học Sư Phạm, buổi tối thầy học thêm tiếng Anh còn thầy Thuật học tiếng Nhật và đã có dịp đi Nhật. Sau nầy thầy dạy tiếng Nhật ở Đại Học Hùng Vương. Nhớ thầy Thuật quá !

GS Trần Anh:
Thương tiễn anh Thuật, người đồng nghiệp năm xưa ở Trường THĐ Bình Dương giữa mùa Covid 2021

TIỄN ANH
Cõi đời là chốn sắc không,
Sắc đi, không đến, lòng vòng nhân gian...
Tao nhân quý trọng chữ nhàn
Bước qua chốn sắc, dặm ngàn về không...
Anh Thuật đi làm lòng đau nhói,
Thương tiễn anh về chốn vĩnh hằng...
Biết rằng hết sắc là không,
Mà sao vẫn thấy tiếng lòng quặn đau...
Tưởng anh, nước mắt bỗng trào,
Nhớ người đồng nghiệp ngọt ngào tình thân...
Chúc anh xa cách hồng trần
Về miền đất Chúa an thân vĩnh hằng!..
Canada, 15/05/2021

GS Huỳnh văn Thế:
Tôi xin cùng cộng đồng cựu Trinh Hoài Đức nguyện cầu linh hồn Thầy Nguyễn Thiện Thuật siêu thoát vào cỏi vĩnh hằng.

GS Phạm Hoàng:
Rất xúc động hay tin GS Nguyễn Thiện Thuật vừa qua đời. Rất thương tiếc và xin chia buồn cùng tang quyến. Cầu chúc hương linh GS được bình an nơi cõi vĩnh hằng .

GS Nguyễn Trí Thành
Vô cùng xúc động được tin Giáo Sư Nguyễn Thiện Thuật vừa thất lộc tại Việt Nam.
Chúng tôi xin thành thật chia buồn cùng tang quyến. Nguyện xin Hương Linh Giáo Sư Nguyễn Thiện Thuật được đời đời hưởng Nhan Thánh Chúa. Thành Kính Phân Ưu.

CHS Lê Đức Cường:
Thầy Thuật rất đẹp trai và luôn có nụ cười rất hiên hòa . Thương nhớ Thầy .

CHS Trần Bảo Thúy:
Thành kính phân ưu. Nhớ thầy một thời trẻ trung năng sộng. Một trong những người thầy mãi nằm trong ngăn ký ức của bao thế hệ học trò THĐ ngày xưa.

CHS Nông Thị Ngọc Điệp:
Ôi! Biết rằng đời cũng chỉ là cát bụi, nhưng mỗi lần nghe tin thêm một chiếc lá xa lìa cành, nhất là chiếc lá ấy từ cây cổ thụ của trường THĐ chúng ta, một người thầy kính mến. Thật là bồi hồi ... Thành kính phân ưu cùng tang quyến, kính tiễn hương hồn thầy về một miền an lạc, vĩnh hằng.

CHS Nguyễn Thúy

ƠN THẦY
Sáng nay, tin đến bất ngờ
Thầy tôi hoạt bát đúng người tài hoa
Thầy đã ra đi chiều qua
Bạn thương, trò nhớ, người nhà tiếc thương!
Cũng vì COVID tai ương
Nơi thầy quạnh vắng tơ vương đắng sầu
Nén hương trò thầm nguyện cầu
Thầy về bên Chúa nhiệm màu thiên thu!

CHS Nguyễn Kim Oanh:
Nhân đọc bài viết của Minh Tâm, xin ghi lại vài kỷ niệm về thầy Thuật...
Một buổi chiều, lớp đệ ngũ A2 gặp giờ trống, vậy là cả lớp như cái chợ ! Dạo đó có chương trình Tạp Lục Tùng Lâm cùng với màn Đắc Kỷ Ho Gà đang thịnh hành, không rõ ai đã bày đầu ra... ho, thế là cả lớp cùng bắt chước nhau... ho. Chẳng may, lúc ấy Thầy đi ngang ngoài hành lang (Thầy đang dạy lớp đệ ngũ P1), vậy là Thầy bước vào lớp A2 và... mắng cho cả lớp một trận về tội ... hỗn hào với Thầy Cô ! Quả tình là ... oan ơi Ông Địa nhưng cả lớp chúng em xếp ... re, chẳng đứa nào dám phân trần. Bây giờ chắc Thầy đã hiểu lớp chúng em bị mắng oan rồi phải không Thầy ?
Cũng năm đệ ngũ này, một hôm, vào giờ học, Thầy đem theo hai chồng sách Sử Địa. Thầy gọi hai cô nhỏ ngồi bàn nhất lên phát sách cho các bạn, vậy là Bé và Kim Oanh lên nhận sách, nhỏ Bé liến thoắng hỏi Thầy:
  - Mỗi đứa một chồng hả Thầy ?
  - Ừ, mỗi đứa một chồng thôi chứ mấy !
Ông Thầy tủm tỉm cười trả lời cô học trò "ngây thơ, khờ dại"...
Năm Thầy bị tai nạn phải nằm nhà thương Bình Dương, lớp A2 đến thăm và biếu quà, món quà được gói kỹ càng nhưng lại bắt ông Thầy phải đoán, nếu Thầy đoán trúng mới được nhận bằng ngược lại, Thầy phải khao cả đám một chầu... ăn tối ở quán ăn nổi bên bờ sông BD. Rốt cuộc, khi Thầy bình phục lũ học trò được một bữa ăn ngon ơi là ngon vì thuở ấy, làm gì có chuyện lũ con nít đựợc ăn nhà hàng Thầy nhỉ.
Tâm ơi,
Đây là những kỷ niệm của lớp A2 - Khóa 9 với Thầy Thuật chị còn nhớ được. Gửi Tâm như một nén hương thắp cho Thầy...

... và còn rất nhiều thầy cô và bạn hữu khác của Trịnh Hoài Đức đã nhớ thương một người thầy dễ mến. Chúng em học sinh của thầy ở xa không về được xin thắp nén hương lòng nguyện cầu linh hồn của thầy Nguyễn Thiện Thuật được sớm về hưởng nhan thánh Chúa... Xin xem lại vài tấm ảnh thầy chụp trong thời gian dạy ở Trịnh Hoài Đức...

Cùng học sinh khóa 14


Cùng học sinh khóa 12


Cùng học sinh khóa 14