" Nhất Tự Vi Sư..."
Cao Quế Lâm

     Tôi ngừng xe trước ngôi nhà xinh xắn.  Những chậu hoa được chăm chút trồng gọn ghẽ trên lối đi, tiếng lao xao cười đùa vọng ra từ khung cửa sổ, mùi dạ lý hương thoang thoảng trong đêm.  Tôi đưa tay ấn nhẹ vào nút chuông, tiếng cười đùa nín bặt, có vẻ như nghe ngóng, chờ đợi.  Giây lát sau cửa mở.  Năm tháng có thể làm hằn thêm những vết nhăn trên trán, có thể làm dài thêm những vết chân chim bên khoé mắt, nhưng tôi vẫn nhận ra cố nhân năm cũ, vẫn chỉn chu, lịch sự như ngày nào.  Thầy Cô tôi đó: thầy Trần Ngọc Bích và cô Nguyễn Thị Bích Thuỷ.

    .....Tôi đã là học trò cô Thuỷ từ năm lớp 8, đó là khoảng thời gian cuối những năm 70 của thế kỷ trước.  Ngày đó Bình Dương mình còn nghèo, đâu được giàu có sung túc như bây giờ. Cho nên thầy cô giáo nói chung cũng không là ngoại lệ.  Lúc đó có câu :" Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ. Bốn nhà cộng lại vừa đủ bằng một cái nhà nghèo.".  Qua cô Thuỷ, tôi được biết là thầy Bích có dạy thêm Anh Văn. Cùng thời gian đó, gia đình tôi nộp hồ sơ xuất cảnh theo diện đoàn tụ ( do người cậu, em má tôi bảo lãnh).  Phong trào học tiếng Anh "chui" đi Mỹ nhen nhúm từ đó một cách âm thầm, vì rằng nó chưa hề được sự đồng thuận từ chính quyền.  Hồi đó, các thầy cô từ các miền xa đến dạy đều được cấp tạm căn phòng lưu trú.  Thầy Hàn, cô Cúc ở căn bìa, kế bên là thầy Thắng, cô Minh.  Xeo xéo phía đối diện là thầy Cúc ( anh Nguyễn Hùng 12C), cửa phòng ngó ra sân cát tập nhảy xa.  Sát cạnh là phòng của thầy Bích, cô Thuỷ.  Phòng của thầy tương đối rộng rãi hơn chút đỉnh.  Thầy ngăn đôi, phân nữa là nơi sinh hoạt, phân nữa là phòng học của chúng tôi. Chỉ cần hai ba cái bàn, đâu như chục cái ghế và cái bảng đen, vậy là những lớp học đàm thoại dã chiến các cấp ra đời.  Vì là dã chiến nên tiện nghi thiếu thốn đủ bề.  Trưa mùa hè thì nóng nhưng được cái là sáng.  Tối mùa đông thì ấm nhưng lại bị tối.  Bóng đèn điện vàng câu tạm không mang nổi ánh sáng cho cả căn phòng.  Gặp hôm cúp điện thì thầy trò cùng nhau dạy và học dưới ánh sáng tù mù của hai ngọn đèn hột vịt.  Vậy đó, đơn sơ mà ấm cúng tình thầy trò.  Nhớ có lần Thầy dạy đến từ " hamburger ".  Cái từ mà bây giờ nghe đơn giản vô cùng.  Nhưng vào cái thời đó, cái thời mà ăn bo bo (do Liên Xô viện trợ) vàng con mắt thì làm gì mà biết nó là cái thứ chi chi.  Thế là đám tụi tui cãi nhau chí choé, cậu ấm cô chiêu nào cũng cố chứng tỏ khả năng kiến thức siêu hạng, " không nhất thị xã thì cũng nhì Bình Dương" của mình. Ban đầu thì ông thầy còn cố giải thích đôi chút, nhưng sau thấy đám tụi tui " lầy" quá, nên ông thầy chịu hết nỗi, gắt ngang :" ...thì mai mốt các anh chị qua Mỹ ăn thì biết ngay thôi, chứ làm gì mà cãi nhau nhắng thế...".  Thế là dám tụi tui tịt ngòi, xụi lơ...   Song song với những giờ học đàm thoại,  tôi còn may mắn được học với thầy trong những giờ học chính khoá phổ thông.  Hết năm lớp 11, chúng tôi được lên lớp thì hi hữu sau, ông thầy cũng " được lên lớp" luôn. Cũng lại là giáo viên Chủ Nhiệm 12C, coi như là lớp 11C nối dài.  Sau khi ra trường, tôi còn nấn ná đôi ba lớp đàm thoại gì đó trước khi thầy rời nhiệm sở về lại Sài Gòn.  Thầy trò tôi mất tin nhau từ đó.

    ... Khi tiễn chân người bạn cuối cùng ra cửa thì đã quá nữa đêm.  Bạn tôi về vì muốn Thầy Cô đi nghỉ, chứ cũng chưa có ý tạ từ.  Thầy trò tôi đã trãi qua những giây phút cảm động tương phùng sau 33 năm mất dấu đời nhau.  Nhìn lại những chàng trai, những cô gái xinh năm nào giờ đã là những anh chị trung niên.  Ngoài đám học trò ruột từng được sự dìu dắt của thầy như Lâm tui, Vũ, Mai, Út, Hạnh... Nhóm còn lại anh Công, anh Hải, Trinh dù không trực tiếp học Thầy nhưng cũng đồng điệu với chúng tôi.  Có lẽ khôn ngoan nhất là ba nàng dâu Linh, Xuân, Tiên.  Ba nàng kiếm chỗ xa xa mà ngó qua, thủ thỉ với nhau cho "chắc ăn", chứ đám học trò ruột của Thầy Cô quậy quá, léng phéng ngồi gần sợ bị văng miểng.  Lâm tui xớ rớ đứng gần bị vùi dập liền :" Hồi đó thằng Lâm nói tiếng Anh như gió mà nghe kỹ thì tiếng có tiếng không.  Bây giờ thì nó nói tiếng Anh cho có, chữ nào khó nó nói qua tiếng Việt ".  Út, Hưng hân hạnh có thêm hỗn danh mới là hai "Ông Mập", Vũ thì được phong là " Killerwhale mới của SeaWorld".  Mai, Hương, Hạnh đều có nickname mới nhưng Lâm tui không dám công bố lên đây, chỉ sợ ba người ăn vạ, nghỉ chơi thì tui mất ngang ba người bạn quí.  Chỉ biết rằng khi nghe qua nickname thì Mai liếc xéo Vũ một phát "hớp hồn". Nếu 30 năm trước thì cái liếc này đã được liệt vào hàng kinh điển " nghiêng nước nghiêng thành" rồi.  Nhưng tiếc là Mai liếc muộn mất 30 năm nên giờ là " nghiêng nước nghiêng thùng".  Thôi đành vớt vát cho Mai câu " liếc bất phùng thời" coi như trúng lô an ủi, Mai nhé.   Những ngày sau đó, tôi được hân hạnh tiếp đón Thầy Cô trong sự riêng tư.  Thầy trò chúng tôi có dịp lắng lòng ngồi ôn lại những trang giấy ố vàng của quyển English 900 mà má tui đã mang theo sang Mỹ từ gần 30 năm trước.  Lần giở từng trang giấy trên quyển sách kỷ niệm như để tưởng nhớ một thời khốn khó đã qua và cũng để tưởng niệm một người cũng đã đi xa.  Hôm Thầy Cô thắp nén nhang nói lời tạ từ ngoài mộ Má tôi, tôi cảm nhận được sự xúc động chân thành của Thầy Cô, dù rằng giờ đây cách trở âm dương.

   ...Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn.  Tối nay tôi sẽ sang thăm Thầy Cô lần cuối trước khi Thầy Cô trở qua Chicago rồi về lại Việt Nam.  Tôi biết rằng tôi sẽ chúc Thầy Cô mạnh khoẻ và rồi thể nào thầy trò mình cũng sẽ lại gặp nhau và tin rằng sẽ có cuộc tương phùng như lần hội ngộ tuần qua.  À quên nữa, nếu có lần nào đó trong mơ gặp lại Má tôi, tôi sẽ kể lại với Bà câu chuyện hôm nay và cũng sẽ thỏ thẻ thêm rằng :" Má biết không, cái câu gì mà : Nhất tự vi sư... mà Má dạy con hồi trước, giờ xưa lắm rồi. Bây chừ đám nhỏ tụi con hiểu rộng thêm là: Mỗi Chùa một Thầy, mà có bán Chùa thì Thầy cũng vẫn ở lại Chùa.  Nghe "đời" hơn nhiều phải không Má...?".  Tôi đoán chắc Bà sẽ xách "đồ nghề" rượt tui chạy vòng vòng như hồi tui ở tuổi 15.  Nhưng có điều tui không chắc lắm là "đồ nghề " mà Người sẽ dùng là cây roi mây truyền thống hay cây chổi lông gà thời nay.  Mà biết đâu cả hai cây luôn cũng không chừng....

California, July 11th 2017