NƯỚC - DÂN qua THƠ VĂN NGUYỄN TRÃI
Trần Anh



    Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc vĩ đại của Việt Nam. Ông được Unesco công nhận là danh nhân văn hoá thế giới. Nét nổi bật nhất của người anh hùng nầy là lòng yêu nước. Ngay những ngày cuối đời mình, chuyện nước vẫn luôn là niềm hăng say của ông:
            " Nhất tâm báo quốc thượng hoàn hoàn " ( một lòng báo quốc vẫn hăng say )
             (Ức trai thi tập )
      Hơn ai hết, Nguyễn Trãi khẳng định : biểu hiện đầu tiên của lòng yêu nước, của nghiệp dựng nước chính là lòng yêu thương nhân dân, là sự chăm lo cuộc sống yên ổn của "dân đen , con đỏ " :
              " Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân "
      Hầu như trong bất cứ áng văn nào , từ " chiếu " đến " cáo " , bao giờ nhắc đến nước , đến vua , Nguyễn Trãi đều nói đến " dân đen , con đỏ " bằng cả tấc lòng của mình .
    Chỉ vì giặc Minh quá tàn ác , bạo ngược , giết hại " dân đen , con đỏ "một cách cực kỳ dã man :
             "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn ,
              Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ ..."
              ( Bình Ngô đại cáo )
    Cho nên , "ta đây " :
              "Núi Lam sơn dấy nghĩa ,
               Chốn hoang dã nương mình .
               Ngẫm thù lớn, há đội trời chung,
               Căm giặc nước, thề không cùng sống ."
               ( Bình Ngô  đại cáo )
    Ngay trong bài chiếu viết cho vua Lê thái Tổ nhằm răn bảo Thái tử chăm lo việc nước , Nguyễn Trãi cũng viết :
            " ...phải thương yêu dân chúng , nghĩ làm những việc khoan nhân ."
    Rõ ràng , đối với Nguyễn Trãi , yêu nước phải thật là cụ thể . Đó là thương dân , chăm lo cho dân . Bởi vì dân là linh hồn , là
điều kiện hàng đầu để hình thành, tồn tại và phát triển đất nước , như phương châm của muôn đời : " Dân giàu , nước mạnh ."
    Chính ông chỉ rõ : dân là gốc , dân như nước , mà vua chỉ là thuyền . Cho nên , đẩy thuyền hoặc lật thuyền cũng là do dân :
           " Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ " ( lật thuyền mới chịu tin rằng dân như nước - nước chở thuyền đi , nhưng  cũng chính nước làm lật thuyền)
            ( Quan hải ).          
       Ngày  nay, chúng ta được nghe nhắc lại phương châm " lấy dân làm gốc " . Ấy cũng chính là một cách kế thừa tư tưởng của Nguyễn Trãi vậy !
        Và cũng. bởi vì dân  là gốc , dân có sức mạnh hơn bất cứ loại vũ khí nào , cho nên : " muốn cứu nước phải dựa vào dân ", tức là dựa vào cái sức mạnh vô địch vốn có của tổ quốc, của đất nước .
     Cứu nước không thể bằng con đường mượn sức của ngoại bang hay bằng sức mạnh của chỉ một đoàn quân nào mà phải. là bằng toàn bộ sức mạnh tổng hợp của toàn dân . Có thể nói Nguyễn Trãi là Ông Tổ phát động và thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân , dùng sức mạnh của nhân dân để chiến thắng kẻ thù trên mọi lãnh vực , đưa đất nước đến thắng lợi .
    Thật vậy , trong "Nam sơn thực lục " , Nguyễn Trãi đã khẳng định : "Chính nhờ được lòng người , lòng dân , nên ai ai cũng vui theo vua , đã làm nên sức mạnh chiến thắng :
      " Trong khoảng vua tôi , lấy nghĩa lớn mà xử với nhau , thân nhau như ruột thịt , không hiềm gì , không ngờ gì , thế cho nên được lòng người mà ai ai cũng vui theo ."
       Điều đó được khắc hoạ  một cách cụ thể , sinh động , đầy hình tượng trong " Bình Ngô đại cáo " : Đạo quân dựng cờ khởi nghĩa cứu nước là đạo quân " nhân dân bốn cõi " , " tướng sĩ một lòng " :
    " Nhân dân  bốn cõi một nhà , dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới ,
    Tướng sĩ một lòng phụ tử , hoà nước sông chén rượu ngọt ngào ..."
    Trên con đường cứu nước, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã dựa vào đúng chỗ : dựa vào dân , nên sức mạnh của đoàn quân là sức mạnh " sấm vang chớp giật " , "trúc chẻ tro bay " làm cho kẻ thù phải " tan tác chim muông " . Và thế là :
    " Một cỗ nhung y chiến thắng , nên công oanh liệt ngàn năm . "
      Việc cứu nước được Nguyễn Trãi xác định cụ thể : "Cứu nước là để cứu dân , đem thái bình cho mọi người . Vì kẻ thù " dối trời , lừa dân " , " bại nhân nghĩa " , " nhiễu nhân dân "... cho nên , dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi , toàn dân ta đã :
            " Tấm lòng cứu nước , vẫn đăm đăm muốn tiến về đông ."
       Cứu nước được định hướng một cách dứt khoát là để cứu dân . Trong " Chiếu giáng Tư Tề làm Quân vương , đặt con thứ là Nguyên Long nối nghiệp " viết cho Lê Thái Tổ ban , Nguyễn Trãi cũng nhắc lại phương châm trị nước để " gốc nước bền vững " cũng chính là " để lòng dân yên ổn " . Cứu nước là cứu dân , dựng nước chính là chăm lo cho dân .
       Bằng tư tưởng của Nguyễn Trãi , vua Lê dạy con :
       " Vậy trao  cho con ấn báu để thay ta cai trị nước nhà để gốc nước vững bền , để lòng dân yên ổn . "
       ( Quân trung từ mệnh tập )
     Ngay trong thư tranh luận với kẻ thù , khi còn chiến tranh , Nguyễn Trãi cũng chỉ rõ cho các tướng giặc Minh biết :
         " Tôi thường nghe , binh cốt bảo vệ dân , không phải là để làm hại dân "
        ( Quân trung từ mệnh tập )
      Thậm chí , sau chiến thắng , lúc tha chết cho kẻ thù , Nguyễn Trãi cũng canh cánh bên lòng sự lo nghĩ về nhân dân ,  muốn nhân dân nghỉ sức :
        " Họ đã tham sống , sợ chết mà hoà hiếu một lòng ,
         Ta lấy toàn quân là hơn , để nhân dân nghỉ sức . "
          ( Bình Ngô đại cáo )
       Đến lúc toàn thắng , cứu được nước , thì cũng là lúc dân chúng bốn phương thanh bình , khắp chốn phải được duy tân :
           Bốn phương biển cả thanh bình , ban chiếu duy tân khắp chốn ."                                           
           ( Bình Ngô đại cáo )     
          Có thể nói , với Nguyễn Trãi , cái đích cuối cùng của việc nước chính là lo cho dân được thái bình , hạnh phúc .
       Quả thật đó là một tư tưởng vĩ đại mà cụ thể và thiết thực. Cuộc đời và thơ văn ông quả là những chứng minh hùng hồn cho việc thực thi tư tưởng vĩ đại đó trong hào quang của một vị anh hùng dân tộc có tầm cỡ quốc tế . Sự nhất quán tuyệt vời trong tư tưởng , cuộc đời và thơ văn của anh hùng Nguyễn Trãi quả là cơ sở hoàn toàn vững chắc để vua Lê Thánh Tôn đã phải thán phục và ca ngợi :
       " Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo "
       ( Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê ) (1)
      Đó cũng chính là niềm thán phục của chúng ta  !

      TRẦN ANH

(1) có người dịch là : lòng Ức Trai rạng toả văn chương (?)