Người thầy nhiều nhiệt
huyết
Từ Minh Tâm
Trong đời học sinh, chúng ta được tiếp nhận sự giáo dục từ nhiều thầy
cô. Trong số đó có những người thầy đã tạo cho chúng ta những ấn tượng tốt
về lòng nhiệt huyết, niềm hăng say, thương mến học trò, muốn truyền dạy cho
các em về kiến thức và nhân cách. Đối với tôi, người thầy có nhiều ấn tượng
nhứt chính là thầy Phạm Đức Liên. Tôi có nhiều dịp gặp gỡ thầy trong những
cuộc họp mặt cựu học sinh Trịnh Hoài Đức và nhận thấy thầy là một người thầy
gương mẫu rất đáng quý. Bên cạnh đó thầy cũng rất tình cảm và có những sáng
tác thơ văn rất hay...
1. Những giờ học với thầy:
Thầy tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm năm 1965. Khi ra trường thầy xếp hạng
cao nên được chọn nhiệm sở trước các bạn khác. Thầy chọn trường Trịnh Hoài
Đức - Bình Dương là nơi làm việc đầu tiên. Lúc đó đường bộ từ Sài Gòn lên
Bình Dương không an ninh lắm. Thầy Nguyễn Thiện Thuật và thầy cùng đi xe
gắn máy, sự vụ lịnh thì nhét vào vớ. Thầy trình diện ông hiệu trưởng Nguyễn
Đức Lâm và được phân công làm việc ở văn phòng trước khi dạy chính thức.
Tôi học thầy môn Sử Địa lớp đệ Lục năm 1966. Năm đó, tôi còn nhỏ lắm,
còn ham chơi và hơi nghịch. Trong một giờ dạy của thầy, tôi ném một tờ giấy
cho bạn Nguyễn Hữu Hiệp (đã mãn phần) để hỏi điểm. Thầy bắt gặp và "mời"
tôi lên bảng để trả bài. May cho tôi là đã học thuộc nên trình bày không
vấp váp. Từ đó, thầy để ý tôi là một thằng bé thông minh nhưng cũng hơi quậy.
Đến năm lớp 12 tôi lại được học thầy một lần nữa. Lúc nầy chúng tôi đã
17-18 tuổi và đã có ý thức nên thầy dạy hơi khác. Hồi nhỏ thì thầy đọc, trò
chép, sau đó trả bài thuộc là tốt. Bây giờ, khi vào lớp thầy ít giảng bài
vì lúc đó đã có nhiều sách giáo khoa, học sinh có thể tham khảo dễ dàng.
Thay vào đó thầy nói nhiều về cuộc sống, về khoa học, về tình hình đất nước...
Tôi nhớ thầy đã dạy chúng tôi về chuyện Mỹ có mỏ dầu trong đá nhưng không
khai thác mà để dành về sau. Thầy cũng dạy về chuyện các nước giàu cho học
bổng để học sinh giỏi các nước nghèo qua du học rồi dụ ở lại, điều nầy thầy
gọi là "chảy máu não"... Cách dạy nầy của thầy là theo xu hướng mới của các
nước tiến bộ như ở Âu Mỹ. Với cách học nầy, học sinh đi thi có thể không
có điểm tối đa nhưng trong sự giáo dục đã tạo được ý thức tự lập, tự chủ
cho bản thân. Đó mới là điều quan trọng để ganh đua với đời sau nầy.
Ngoài dạy văn hóa, thầy còn là người tham gia tổ chức nhiều sinh hoạt
hiệu đoàn như cắm trại, hội Tết... đặc biệt thầy và thầy hiệu trưởng Nguyễn
Trí Lục có mời được Khánh Ly và Trịnh Công Sơn về hát tại trường Trịnh Hoài
Đức. Đó là một buổi văn nghệ tuy bất ngờ nhưng rất thành công.
2. Nhà nghiên cứu giáo dục:
Khi sang Mỹ, thầy dạy đại học ở North Carolina môn xác xuất thống kê.
Thầy viết nhiều bài nghiên cứu về giáo dục, lịch sử... rất có giá trị học
thuật và đăng trên trang nhà Trịnh Hoài Đức. Những bài viết của thầy có số
liệu rõ ràng, tham khảo nhiều tư liệu ngoại quốc rất chính xác. (Thầy viết
tay gởi cho Tâm, Tâm đánh máy dài lắm, gần 10 trang, mệt gần chết !!).
3. Nhà thơ Mây Tần :
Thầy là một nhà thơ, bút danh Lão Hạc Mây Tần, Thiên Thai... Thầy có
nhiều sáng tác hay. Thơ của thầy thường có chủ đề:
- Yêu nước Việt: Tôi Yêu Nước Việt, Nhớ lắm Hà Nội yêu, Huế của nhớ mong,
Sài Gòn đẹp xinh...
- Yêu nét đẹp quê hương: Áo Dài, Áo Dài Tỏa Sáng Rồng Tiên, Cô gái Việt
Nam ơi...
- Tình yêu học trò, trường học: Hoa Học Trò, Tôi Yêu Trịnh Hoài Đức...
- Tình cảm lãng mạn: Cho Mình Gặp Lại Nhau, Áo Lụa Vàng, Tình Thiên Thu...
Thơ của thầy được nhạc sĩ Phan Ni Tấn... phổ nhạc. Thầy nhờ Tâm tìm nhạc
sĩ Vũ Thế Dũng để hòa âm và nhờ ca sĩ hát và đăng trên youtube.com. (Thầy
gọi Minh Tâm là "Ông Bầu" của thầy). Nhiều bài hát của thầy được nhiều người
xem như Tình Thiên Thu, đã có hơn 10,000 lượt xem, bài Cho Mình Gặp Lại Nhau
cũng gần 9,000 lượt xem... Những bài nhạc phổ từ thơ của thầy rất dễ thuộc,
dễ đi vào lòng người. Bạn có thể mở youtube, tìm bài "Tôi Yêu Trịnh Hoài
Đức" rồi nghe chừng ba lần là thuộc. Bài hát nầy thật hay, dễ nhớ, nhứt là
những người có liên quan đến Trịnh Hoài Đức.
Đặc biệt, thơ của thầy được chính thầy dịch ra tiếng Anh để người ngoại
quốc hay những bạn trẻ sau nầy có thể đọc và thưởng thức những tình cảm lãng
mạn.
4. Thầy Liên và Hội Ái Hữu Trịnh Hoài Đức:
Phải nói thầy Phạm Đức Liên là một người yêu thương Trịnh Hoài Đức rất
nhiều. Sự thương yêu của thầy thể hiện qua bài thơ được phổ nhạc: Tôi Yêu
Trịnh Hoài Đức...
Tôi yêu Trịnh Hoài Đức
Thuộc tỉnh lỵ Phú Cường
Nơi miền Đông đất nước
Chốn người đẹp Bình Dương...
Tôi yêu Trịnh Hoài Đức
Không biết tự bao giờ
Bao anh hùng cứu quốc
Trai gái đẹp tuổi thơ
Tôi yêu Trịnh Hoài Đức
Những ngày mới ra trường
Hăng say qua nhịp bước
Ban mai mờ tinh sương
Tôi yêu Trịnh Hoài Đức
Học trò giỏi lại ngoan
Thầy cô vàn nô nức
Hoài Đức rực trời Nam.
Tôi yêu Trịnh Hoài Đức
Những sinh hoạt học đường
Thầy trò cùng chung sức
Hoài Đức nhiều vấn vương
Tôi mê Trịnh Hoài Đức
Trường nữ lẫn khu nam
Thầy cô thật xuất sắc
Vạn tuế cho Việt Nam.
Từ khi hội Ái Hữu CGS & HS Trịnh Hoài Đức thành lập năm 2009, thầy
đã nhiều lần bay đến California để gặp quý thầy cô tại địa phương, tham gia
những cuộc họp mặt THĐ toàn cầu... Khi Toronto tổ chức họp mặt mini, thầy
cũng đến tham dự dù sức khỏe thầy rất yếu... Thầy đóng góp rất nhiều bài
viết cho trang nhà và đặc san Trịnh Hoài Đức. Mỗi năm thầy đều tặng hiện
kim để hội có ngân khoản hoạt động. Thư của thầy gởi cho hội rất nhiều tình
cảm và đầy lòng thương mến... Đối với tôi, thầy như là một người cha dù rằng
cả hai đã rất già. Thầy hơn 80, trò gần 70. Ngược lại, tuy thầy có ba người
con, anh chị là dược sĩ, bác sĩ rất giỏi, thầy cũng xem tôi như một người
con. Thư của thầy viết cho tôi luôn kết thúc bằng: "Thầy yêu Trịnh Hoài Đức
lắm, thầy yêu thằng Tâm lắm". Chữ "thằng" ở đây thể hiện tình thương mến
của thầy với đứa học trò nhỏ đã học thầy hơn mấy mươi năm qua.
Dù còn nhiều kỷ niệm với thầy để kể nhưng xin dừng bút nơi đây. Bài viết
ngắn nầy không thể diễn đạt hết tình cảm của một học trò về thầy của mình
nhưng hy vọng cũng giúp cho người đọc biết thêm về tâm tình của một cựu học
sinh luôn yêu mến một người thầy nhiều nhiệt huyết: GS Phạm Đức Liên.