Người thầy đáng kính
Từ Minh Tâm

    Ngày 15/1/2024 trong khi đang lo việc phân phối đặc san Xuân Giáp Thìn của hội Trịnh Hoài Đức thì nhận được tin nhắn của chị Kim Nên cho biết thầy Đinh Đức Vượng đã từ trần ngày 6/1/2024. Thật bất ngờ, bàng hoàng, và xúc động khi hay tin nầy. Dẫu biết rằng cuộc sống là vô thường, thế nhưng khi nhận được tin buồn của một người thầy mà tôi thường tiếp xúc cũng đã khiến tôi xúc động và chợt nhớ lại những kỷ niệm về thầy...
    Thầy Đinh Đức Vượng về dạy Anh Văn trường Trịnh Hoài Đức từ giữa thập niên 1960. Lớp Đệ Tứ A5 - khóa 11 của chúng tôi học với thầy vào năm học 1968-1969. Lúc đó thầy trẻ, người ốm và cao. Thầy nói tiếng Bắc, mang kiếng đen, mà mắt kiếng của thầy u lên cao trông thầy cũng hơi ... "ngầu" một chút. Thầy dạy dễ hiểu, giọng đọc lớn nên chúng tôi tiếp thu cũng khá dễ một môn học khó. Trong lớp A5, chúng tôi đặt biệt danh tên thầy là "Chief Omar". Đây là một nhân vật trong cuốn English for Today cuốn số 3, bìa màu xanh lá cây.
    Bạn Hồ Thị Kim Ngân học khóa 11 - lớp A2 có những hồi ức về thầy như sau:
    "Kim Ngân học cùng khóa 11 với bạn Minh Tâm, nhưng học lớp A2 bên trường nữ. Vì vậy, lớp Kim Ngân cũng được học Anh Văn với Giáo sư Đinh Đức Vượng, cùng năm Đệ Tứ như lớp A5 của bạn Tâm.
    Ấn tượng đặc biệt, khó quên, đối với người thầy giỏi tiếng Anh như thầy Vượng là, vừa bước vào lớp, thầy đã chào học sinh bằng tiếng Anh. Chúng tôi lập tức có được phản xạ về nghe và nói. Cả lớp chào lại thầy bằng từ đơn giản nhứt đã được học từ các lớp dưới.
Và thầy bắt đầu bài học, bằng cách đọc bài text, giảng nghĩa, đặt câu hỏi hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chúng tôi ráng lắng nghe, để thực hiện những mệnh lệnh đơn giản, như : "ngồi xuống", "đứng lên", "mở sách ra", "trang mấy", "hãy lắng nghe", "hãy trả lời câu hỏi"... và ráng bập bẹ tập trả lời bằng tiếng Anh, đúng theo yêu cầu của thầy.
    "Chief Omar", mà bạn Tâm nhắc tới trong đoạn trên, là tên một nhân vật của bài text trong sách học từ bộ English For Today. Khi giảng bài nầy, sợ học trò không hiểu rõ tiếng Anh, thầy đã dùng điệu bộ, diễn tả thêm để chúng tôi dễ hiểu hơn.
    Chúng tôi đã có những giờ học tiếng Anh thú vị, đúng chuẩn, từ sự thông minh và hóm hỉnh của thầy.
    Đã trên 50 năm kể từ ngày đó. Kim Ngân chỉ biết tin thầy qua các thông báo và bài viết trên Đặc San Trịnh Hoài Đức, nhưng không có dịp gặp lại thầy.
    Hôm nay nghe tin thầy đã nghỉ yên, chúng em xin cúi đầu tiễn biệt thầy, với lòng kính nhớ biết ơn, người thầy đã thật sự khai sáng cho chúng em, bằng Tiếng Anh thật duyên dáng".
    Thầy dạy nhiều lớp khác nữa. Đặc biệt quý chị khóa 9 cũng rất quý mến thầy.
    Chị Nguyễn Thị Nga cho biết thầy là người giúp chị tiến bộ cho môn Anh Văn. Chị viết: "Thật là đau buồn khi hay tin thầy mất, một người thầy đáng kính đã vực em vượt qua được giai đoạn mất căn bản môn Anh Văn, mãi mãi em không còn cơ hội nào gặp lại thầy!".
    Chị Nguyễn Kim Nên - Cựu Hội Trưởng Hội Trịnh Hoài Đức - cũng rất quý thầy. Lần nào qua Cali họp mặt, chị Kim Nên cũng đều dành nhiều thời giờ đến nhà thầy để thăm viếng. Nghe tin thầy mất, chị viết: "Chúng em rất buồn khi nghe tin thầy mất. Một người thầy đã có công dạy dỗ và truyền cảm hứng cho tất cả học trò mới bập bẹ học tiếng Anh. Nghe tin thầy mất, nghe buồn tênh, trống vắng. Em có đến thăm thầy 4 tháng trước, thầy trò chuyện trò vui vẻ. Thầy có mua bánh bò cho em ăn vì biết em người miền Nam. Kỷ niệm đẹp, đơn sơ nhưng nhớ mãi!".
    Hay tin thầy Vượng mất quý vị giáo sư đồng nghiệp của thầy ở Trịnh Hoài Đức cũng rất đau buồn:
    
Giáo sư Lê tấn Lộc viết: "Với phương vị là một thành viên trong đại gia đình Trịnh Hoài Đức, tôi rất đau buồn với sự vĩnh viễn ra đi của thành viên Đinh Đức Vượng, cựu giáo sư Anh văn của trường chúng ta. Xin thành kính phân ưu cùng phu nhân GS Đinh Đức Vượng: Bà Lê Kim Hoa và tang quyến"
    Giáo sư Đoàn Phế viết: "Rất đau buồn và vô cùng thương tiếc khi được tin người bạn thân mến, người đồng nghiệp khả kính: Thầy Đinh Đức Vượng, đã  ra đi  về miền miên viễn. Chúng tôi thành kính chia buồn cùng gia đình Thầy Vượng trước mất mát lớn lao này và thành tâm cầu nguyện hương linh Thầy Vượng sớm siêu sinh về miền Cực Lạc" .

    Trở lại kỷ niệm của tôi về thầy. Sau năm học Anh Văn với thầy năm Đệ Tứ, tôi mất liên lạc với thầy mấy chục năm. Tới khi sang Mỹ, tham gia Hội Trịnh Hoài Đức thì tôi mới liên lạc được với thầy. Đó là nhờ thầy Nguyễn Trí Lục giới thiệu. Nhà thầy Vượng ở gần nhà thầy Lục. Gặp lại thầy, tôi nhận ra ngay vì thầy không thay đổi nhiều, vẫn ốm và cao, giọng nói chuyện thì rất hiền hòa dễ mến, chỉ có điều thầy hơi lãng tai do tuổi già sức yếu. Thầy cũng ngại việc hội họp vì sợ ngồi lâu và nghe tiếng ồn sẽ khó chịu!.
    Ngoài việc tiếp nhận kiến thức tiếng Anh từ thầy Vượng, tôi còn rất cảm phục tài năng và lòng yêu nước của thầy qua việc thầy đã viết được những quyển sách tiếng Anh để giới thiệu văn hóa Việt với người ngoại quốc (đặc biệt là người Mỹ). Đó là những quyển sách:
    1. 54 Vietnamese Love Poems (54 bài thơ tình Việt Nam) (đồng tác giả) (2007)
    2. Vietnamese Mythology (Thần Thoại Việt Nam) (2017)
    3. Vietnamese Folk Poetry (Ca Dao Việt Nam) (2018)
    4. Ca Dao: A Survey of Vietnamese Folk Poems (Ca Dao Việt Nam phần 2) (2021).
    Thầy cho biết lúc mới qua Mỹ, khi thầy đi học thêm ở trường Đại Học Cộng Đồng Golden West gần nhà, lúc vào thư viện để tìm sách tham khảo về văn chương và thần thoại Việt Nam thì không thấy cuốn nào, trong khi cùng đề tài nầy thì người Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn ... có rất nhiều ấn bản. Thế là thầy ấp ủ ý định phải viết những cuốn sách bằng tiếng Anh về văn chương bình dân và thần thoại học Việt Nam để giới thiệu cho người nước ngoài. Trong vòng 4 - 5 năm thầy đã viết được ba cuốn sách. Đặc biệt là khi có dịch Covid, thầy lợi dụng thời gian bị hạn chế ra đường, ở nhà nghiên cứu viết được thêm cuốn sau cùng về Ca Dao Việt Nam (trong danh sách bên trên) để bổ túc cho cuốn Ca Dao phần 1. Sách thầy viết thuộc loại tài liệu nghiên cứu, bằng tiếng Anh nên độc giả Việt Nam có lẽ khó tiếp thu. Thế nhưng những người ngoại quốc học tập về chuyên ngành Thần Thoại và Văn Chương Việt sẽ rất hào hứng khi có được một tài liệu hữu ích để nghiên cứu về văn học, văn hóa Việt Nam. Mấy năm trước khi đi chúc Tết thầy, khi gặp và hỏi thăm về sách của thầy tiêu thụ như thế nào thì thầy cho biết những cuốn trước đây đã hết!
    Năm ngoái khi gặp thầy để hỏi thăm về dự án tương lai, thầy cho biết còn muốn viết thêm một cuốn nữa nhưng tự biết là tuổi đã già, không còn thời gian để thực hiện...
    Tháng 9 năm 2023, Hội Trịnh Hoài Đức tổ chức Đại Hội Toàn Cầu lần thứ 6 tại Nam Cali. Ban Tổ Chức có mời thầy đến tham dự. Thầy nói sẽ cố gắng nhưng cuối cùng thầy không đến dự được vì sức khỏe yếu. Ban Đại Diện mới của Hội dự định sẽ đến viếng thăm thầy vào ngày 2/2/2024 dịp Tết Thầy, nhưng không ngờ thầy đã ra đi. Cũng may là khi đi Cali tham dự đại hội, chị Kim Nên - lúc đó là Hội Trưởng có đến thăm thầy (và được thầy đãi ăn bánh bò Miền Nam như đã nói bên trên).
    Dẫu biết rằng cuộc sống là vô thường. Mọi người ai ai cũng phải từ giã cõi tạm và với tuổi 87 thì thầy Đinh Đức Vượng cũng đã sống rất thọ. Thế nhưng sự ra đi của thầy cũng để lại trong tôi một nỗi buồn do sự bất ngờ và lòng cảm mến, cảm phục một vị thầy rất tài năng, một học giả đã có công giới thiệu văn hóa Việt với người nước ngoài. Thầy là người có tấm lòng yêu dân tộc, yêu quê hương rất đáng trân trọng. Xin chắp tay cầu nguyện cho hương linh của thầy Đinh Đức Vượng sớm vãng sanh cực lạc./.


Đoàn CHS Nam Cali đến chúc Tết thầy Đinh Đức Vượng năm 2020