Những người giữ hồn Nam Bộ

 Trải qua bao biến thiên dâu bể, tưởng chừng như những nét văn hoá truyền thống đậm chất dân gian của miền sông nước Nam bộ chỉ còn lại trong ký ức của người già. Nhưng có những người con của mảnh đất này vẫn ngày đêm nỗ lực dồn công sức bảo tồn và lưu truyền tinh hoa nghệ thuật độc đáo cho thế hệ trẻ. Họ là những nghệ nhân dân gian…

Lão “xà ích” cuối cùng



Xe thổ mộ là loại phương tiện đi lại phổ biến ở Sài Gòn – Gia Định và những vùng quê lân cận vào những năm 40, thế kỷ XIX. Theo sử sách lược ghi, xe thổ mộ bắt nguồn từ cỗ xe song mã của Pháp, sau đó được người dân miền Nam chế tác lại phù hợp với điều kiện và địa hình của miền quê sông nước. Hình ảnh chiếc xe ngựa với những tiếng kêu lách cách và cặp bánh gỗ to đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Trải qua thời gian, xe thổ mộ đã dần vắng bóng, người ta chỉ có thể nhìn ngắm nó qua những bức ảnh hay trong các viện bảo tàng văn hoá dân gian. Vậy mà đến ngày nay, ở mảnh đất Bình Dương có một ông lão ngoài 80 tuổi vẫn chung thuỷ một đời làm anh “xà ích” (người đánh ngựa).
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Hai – tức Hai Sộp (ấp Hưng Thọ, Hưng Định, Thuận An, Bình Dương) để được gặp lão “xà ích” cuối cùng của đất Nam bộ, người đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với những chiếc xe thổ mộ. Trong căn nhà cấp bốn chật hẹp, ông Hai dành một phần trang trọng cho chiếc xe thổ mộ cổ, ông coi đó như “báu vật” của người xưa truyền lại. Dù đã trải qua gần 1 thế kỷ lăn bánh, nhưng chiếc xe vẫn chắc chắn, không bị năm tháng làm hư hại. Nhấp ngụm trà đặc quánh, ông Hai nhìn về hướng xa xăm, hồi tưởng lại những năm tháng rong ruổi cùng chiếc xe thổ mộ khắp miệt vườn Nam bộ.

Ông kể, nhà ông có ba đời làm nghề xà ích, từ đời cụ thân sinh là nghệ nhân Trần Văn Ký, học trò cưng của cụ Văn Văn Luốc, ông tổ nghề chế tạo xe thổ mộ có tiếng của xứ Nam kỳ. Ngày ấy, dân từ các tỉnh phía Nam đổ xô về xưởng của ông đặt hàng làm xe ngựa đông không đếm xuể. Xe của ông Ký vừa gọn nhẹ, tiện dụng, bền đẹp mà giá cả lại bình dân. Có năm, nhà ông phải thuê thêm 7 - 8 người thợ để phụ việc. Sau khi cha ông qua đời, ông Hai lại kế nghiệp cha, vừa làm anh “xà ích” vừa tiếp quản xưởng sửa chữa, đóng mới xe thổ mộ.

Vài năm trở lại đây nhiều người đến Bình Dương lùng mua xe thổ mộ cũ về làm kiểng nên loại xe này giờ cũng cạn kiệt. Nhiều chủ xe cũng giải nghệ, chỉ còn ông vẫn đeo đuổi với nghề. Ông coi đấy là cái nghiệp mà khi còn nằm trong bụng mẹ đã nên duyên với nghề. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người dân không còn mặn mà với xe thổ mộ, ông và gia đình phải xuôi ngược khắp nơi tìm mối đặt hàng để giữ nghề. Tên tuổi của lão nghệ nhân Hai Sộp đã đến với các đạo diễn làm phim. Họ tìm đến ông thuê xe thổ mộ, phục vụ trong các bộ phim về Nam bộ xưa. Ông Hai cũng từng góp mặt trong nhiều bộ phim như: Công tử Bạc Liêu, Đất phương Nam...

Hơn nửa đời người gắn bó với xe thổ mộ, ông đã sưu tầm được những vật liệu chế tạo xe như: nhíp, trục, nhông… ngót nghét trăm năm tuổi. Nhiều người đến hỏi ông mua với giá cao, nhưng ông nhất quyết không bán mà chỉ lưu truyền lại cho thế hệ con cháu về sau. Ông có 6 người con nhưng chỉ có hai người quyết chí nối nghiệp cha làm nghề chế tạo xe thổ mộ. Chia tay chúng tôi ông Hai bùi ngùi rằng, không sợ nghèo đói, chỉ sợ lớp trẻ sau này không nhìn thấy xe thổ mộ, một nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng rất đặc trưng của vùng Đông Nam bộ xưa, ký ức về xe sẽ phai mờ, rồi mất hẳn.

Nghệ nhân vẽ tranh trên kiếng



Trên chặng hành trình đi tìm những nghệ nhân giữ hồn Nam bộ xưa, chúng tôi xuôi theo con đường tỉnh DT 745 đến thị trấn Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) để tìm gặp người thợ vẽ tranh trên kiếng nổi tiếng một thời của đất Nam kỳ, nghệ nhân Trương Cung Thơ.
 
Tranh kiếng là một loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX, được người dân Nam bộ ưa chuộng và xem như một nét văn hoá đặc sắc. “Ngày trước, do nhu cầu của người dân cần các loại tranh thờ, tranh phong cảnh để chưng trong nhà, thay thế cho các bức tranh bằng giấy nhanh hỏng và không sinh động nên cha tôi tự mò mẫm cách vẽ tranh trên kiếng. Ban đầu ông chỉ vẽ trang trí trong nhà nhưng dần dần được mọi người yêu thích và đến đặt hàng ngày càng đông”, ông Sáu kể lại. Công việc làm ăn phát triển, ông Trương Tường (cha của ông Sáu Thơ) mở rộng quy mô sản xuất, thành lập cơ sở vẽ tranh kiếng Mỹ Tân và dạy nghề cho nhân công. Dưới bàn tay đào tạo của ông, nhiều người đã đứng ra tự lập xưởng vẽ tranh riêng. Sản phẩm tranh kiếng Lái Thiêu được xuất khẩu sang nhiều nước như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…

Sau khi cha qua đời, ông Sáu tiếp tục nối nghiệp, phát triển nghề vẽ tranh kiếng theo nhiều trường phái khác nhau. Đến những năm thập niên 50 của thế kỷ XX, nghề vẽ tranh kiếng gặp khó khăn, do chiến tranh ác liệt, kinh tế sa sút, người dân không đủ khả năng chơi tranh kiếng. Nhiều cơ sở vẽ phải chuyển nghề hoặc phá sản, chỉ có ông Sáu vẫn “trung thành” với nghề cha ông để lại.

Năm nay, dù đã ngót ngét 80 tuổi, nhưng ông Sáu vẫn miệt mài bên bàn vẽ những bức tranh công phu và tỉ mỉ. Trong đôi mắt tinh anh của người nghệ sĩ già, dường như năm tháng không làm tình yêu nghề suy giảm. Những trải nghiệm của cuộc sống đã được ông thổi hồn vào những bức tranh sinh động. Ít ai biết rằng, ông Sáu đã từng phải làm chân cu li ở bến cảng, đạp xích lô thồ hàng để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cái nghề tranh kiếng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng ông vẫn một dạ thuỷ chung gìn giữ nghề cha ông truyền lại. Đó là cái duyên, cái nợ với đời
.
(Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Người níu giữ hồn quê

Võ Đông Điền

Giữa tháng 7 năm 2003, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có đến Bình Dương tìm tư liệu và cảm hứng để viết một kịch bản phim về Bình Dương. Anh nhờ tôi làm hướng dẫn viên với tư cách là dân thổ địa. Sau khi đi một vòng quanh chợ Thủ Dầu Một, chùa Hội Khánh, đình Tân An, tôi cho xe đi thẳng xuống Bến Chành.
Con đường đến Bến Chành đất đỏ như son, hai bên đường là hai hàng dâm bụt lá xanh mơn mởn. Trên cái nền xanh non mơn mởn ấy lập lòe những đóa hoa đỏ thắm điểm xuyết một cách tự nhiên mà nghệ thuật. Bên trái là dòng sông Sài Gòn thơ mộng, bên phải là những bãi mía non tơ, những vườn cây xanh mát.
Anh Sáng tỏ vẻ tâm đắc với cảnh này và yêu cầu thêm:
-  Nhờ cậu tìm cho mình một người đánh xe ngựa. Phim sẽ bắt đầu từ đây với chiếc xe ngựa chạy trên đường.
Tôi nghĩ ngay đến anh Hai Sộp, anh là bạn học của chị tôi từ thuở nhỏ. Tôi cho xe chạy về phía chợ Búng. Nhà anh rất dễ tìm, cứ qua khỏi cầu Ngang, nhìn thấy nhà nào có chiếc xe ngựa đậu trước sân, đó chính là nhà anh Hai Sộp.
Khi tôi và anh Sáng vừa đến nhà anh Hai Sộp thì cũng là lúc trời đổ cơn mưa. Tiếp chúng tôi là một người đàn bà đứng tuổi, tôi nghĩ đó là chị Hai, chị có gương mặt phúc hậu và nụ cười rất tươi:
-  Hai anh ngồi chơi, ảnh mới vừa qua chuồng ngựa. Để tôi kêu sắp nhỏ gọi ảnh về.
Nhà anh Hai nằm sát quốc lộ 13 cũ, đất không rộng, nên cả tàu ngựa anh phải đặt ở một khu đất vườn cách nhà khoảng 200 mét. Việc chăm sóc đàn ngựa và đóng xe ngựa, anh đều làm ở đây. Chị Hai vừa rót nước, vừa kể thêm bằng một giọng chân chất:
-  Mấy lúc sau này, đám cưới nhiều người không thích rước dâu bằng xe Huê kỳ, người ta chỉ thích rước dâu bằng xe ngựa thôi. Có đám thuê ảnh cả chục chiếc.
Anh Sáng nhìn tôi cười thích thú. Có lẽ cuộc sống công nghiệp hóa khẩn trương và tất bật quá, khiến con người ta có khuynh hướng thích tìm về nhịp đập hồn nhiên, ít ra là trên lĩnh vực văn hóa, để cho tâm hồn mình dịu lại.
Bên ngoài mưa vừa dứt hạt, anh Hai cũng vừa về tới. Tôi đứng dậy bắt tay anh và giới thiệu ngay:
-  Giới thiệu với anh đây là nhà văn Nguyễn Quang Sáng…
Chưa kịp nói gì thêm thì anh đã ôm chầm lấy anh Sáng và tươi cười nói:
-  Biết rồi, anh Sáng “Thời thơ ấu” đây mà.
Thì ra hai người quen biết nhau từ “Thời thơ ấu”. Đó là vào khoảng đầu thập niên 1990, khi anh Hai Sộp được mời xuống Long Xuyên tham gia đóng bộ phim Thời thơ ấu, tác giả kịch bản Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn Lê Văn Duy. Thế là từ Bình Dương anh một mình rong ruỗi trên chiếc xe ngựa đến Long Xuyên. Sáng sớm thức dậy đánh xe đi, đến hơn 10 giờ trưa thì nghỉ; rồi lại lên đường vào lúc xế chiều khi trời vừa dịu mát, đến khoảng 6 giờ chiều thì người và ngựa tìm chỗ nghỉ đêm để sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình. Cứ thế, ngựa chạy liên tiếp ba ngày thì đến nơi.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Sáng, làng Mỹ Luông quê anh nằm bên bờ sông Tiền, chợ Long Xuyên nằm bên bờ sông Hậu. Hồi nhỏ, cha anh thường đưa anh đi trên chiếc xe ngựa có tên là xe lá liễu, chạy bằng bánh xe hơi, băng ngồi có nệm, mui bằng vải bố, khi mưa nắng thì lên giương lên, mát trời thì hạ xuống. Chiếc xe ngựa mà anh Hai Sộp đi từ Bình Dương đến Long Xuyên cũng nhằm thể hiện cảnh này.
Từ khi có chủ trương đổi mới, kinh tế đất nước phát triển, nhà nào cũng có vài ba chiếc xe gắn máy để làm phương tiện đi lại. Số người có nhu cầu đi xe ngựa này càng giảm dần. Những bạn bè đồng nghiệp của anh cũng dần dần giải nghệ chuyển sang chạy xe ôm, xe ba gác… Nuối tiếc về cái thời hoàng kim của xe ngựa không còn nữa, bao nhiêu “đồ phụ tùng” xe ngựa của bạn bè giải nghệ, anh đều thu mua lại chất đầy kho. Trong kho đầy ắp những yên, cương, bao trá, lục lạc, chuông, đèn… vô tình bây giờ trở thành một “kho tư liệu” quý hiếm không dễ ai có được.
Một dịp may tình cờ đã đến với anh. Đó là vào năm 1990, khi một hãng phim truyền hình Pháp mời anh hỗ trợ cho 9 chiếc xe ngựa để thực hiện bộ phim Người tình (L’Amant). Cuối năm 1991, Người tình đã được công chiếu lần đầu tiên ở Tp.HCM. Ngày 22-01-1992, phim được ra mắt tại Pháp, ngày 19-6 tại Anh, ngày 30-10 ở Mỹ, bộ phim tình cảm lãng mạn dài 115 phút này đã làm ngây ngất công chúng thế giới và thành công vang dội với doanh thu đến 45.323.211USD.
Thành công của bộ phim có phần đóng góp không nhỏ của những chiếc xe ngựa  Bình Dương mà anh Hai Sộp là chủ nhân.  Từ sau bộ phim Người tình, cái tên Hai Sộp đã được nhiều đạo diễn biết đến và đặt hàng.
Thế là, từ một y sĩ của Trung tâm y tế huyện Thuận An, anh trở thành “diễn viên đánh xe ngựa”, đồng thời là nhà cung cấp đạo cụ cho các hãng phim trong và ngoài nước, khi những cảnh quay có sử dụng ngựa hoặc xe ngựa.
Sau chuyến đi Long Xuyên lần đó, một tháng sau anh lại một người, một ngựa đi xuống Cần Thơ để tham gia bộ phim Chân trời nơi ấy của đạo diễn Trần Vịnh. Rồi sau đó là hàng loạt các phim khác như Trường xưa kỷ niệm, Giai điệu quê hương, Mùi đu đủ xanh, Người Bình Xuyên… Ngoài việc đóng phim, anh còn đem ngựa tham gia các lễ hội lớn như Festival Huế hoặc đóng các kiểu xe ngựa theo đơn đặt hàng của các hãng phim, các khu du lịch Bình Quới, Văn Thánh… Anh cho tôi xem hình các kiểu xe ngựa mà anh đã tự đóng như xe cá chiếc, xe cá đôi, xe Ca-lech, xe lá liễu, xe kiếng, xe thổ mộ… mỗi loại xe thích hợp với từng thời điểm lịch sử và hoàn cảnh khác nhau.
Được biết cha anh cũng là một thợ đóng xe ngựa chuyên nghiệp. Ông tổ của nghề này là ông Quản Luốc ở Bưng Cầu, cha của anh cũng được học nghề này từ ông Quản Luốc. May là còn anh để nối nghiệp, mà tuổi anh bây giờ cũng đã quá lục tuần.
Tôi và nhà văn Nguyễn Quang Sáng chia tay anh trong một niềm cảm xúc khó tả. Trên đường về, xe chạy qua Cầu Ngang, dọc theo rạch Vàm Búng, hai bên đường vườn cây trái xanh tươi, những dề lục bình trôi tản mạn theo dòng nước. Tôi chợt nghĩ đến chiếc xe ngựa trong cảnh cuối của phim Trường xưa kỷ niệm cũng được quay hình ở đoạn đường này. Trân trọng thay, trong cái bộn bề của cuộc sống đời thường, trong cái tất bật, hối hả của cuộc sống công nghiệp, vẫn còn có một người âm thầm níu giữ hồn quê.