Người đi tìm dấu xưa tích cũ
 
Hồng Thuận
(web www.sugia.vn)
 
Là một thầy giáo về hưu, nhưng từ trước đến nay, ông Phan Thanh Đào ở thị trấn An Thạnh (Thuận An) vẫn rất say mê với công việc nghiên cứu văn hóa cổ, đặc biệt là văn hóa chữ Hán và chữ Nôm trong các công trình cổ trên đất Bình Dương. Không phải là nghề, nhưng ông xem công việc đó như là cái nghiệp mà mình đã trót đam mê, rồi cứ thế mà say sưa đi tìm...

Người phát hiện tác phẩm chữ Nôm trên đất Bình Dương

“Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển” là tên tác phẩm chữ Nôm được ông phát hiện trong một dịp rất tình cờ. Nhân một đợt đến thăm chùa Hội Khánh, ông được đi thăm thư viện và đã phát hiện ra nó trong kho sách cũ của nhà chùa. Ông cho rằng, đây là điều rất may mắn của mình vì đã phát hiện được một tác phẩm chữ Nôm ngay trên đất Bình Dương. Đặc biệt, cuốn sách vẫn còn khá nguyên vẹn, được in bằng giấy bản xưa. Đã lâu lắm rồi, có dịp đến thăm nhiều công trình văn hóa cổ, nhưng việc phát hiện ra tác phẩm này làm ông hứng khởi hơn bao giờ hết. Ông quyết định mượn nhà chùa tác phẩm trên để về nhà nghiên cứu từ từ. Nhưng để nghiên cứu hết tác phẩm này không phải dễ dàng gì, bởi chữ Nôm đã trở thành “chữ cổ” ít người còn biết đến. Ngay cả bản thân ông cũng từng học qua chữ Nôm từ thời sinh viên, nhưng đâu phải tường tận hết. Thế nên, phải mất cả năm trời, ông mới hoàn thành công việc nghiên cứu phiên âm toàn bộ tác phẩm này. Ông làm cái công việc này chỉ vì yêu thích, với lại thời kỳ đó chưa có máy in nên làm xong ông để đó làm tài liệu cho mình chứ chưa in ấn gì được.

Mãi đến năm 2008, với sự khích lệ của Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương, ông mới chỉnh sửa lại bản thảo để in thành sách. Đây được xem là một trong những công trình có giá trị cao về lịch sử văn hóa chỉ có ở Bình Dương. Về mặt văn chương, cái quý của tác phẩm này là chữ Nôm của địa phương mình. Bởi vì, sau khi phát hiện ra tác phẩm này ông đã mang ra Huế, rồi Quy Nhơn hỏi một số người rành về chữ Nôm, nhưng vẫn chưa có ai biết về sự xuất hiện của tác phẩm này. Sau này phiên âm ra, ông mới phát hiện, ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm là của người miền Nam. Từ đó, ông nhận định, đây là tác phẩm chữ Nôm cổ xưa nhất (cho đến thời điểm này) còn lại trên đất Bình Dương. Đây là tác phẩm có chủ đề viết về tư tưởng Phật giáo. Thế nên, nếu xét về tác phẩm chữ Nôm cổ viết về tư tưởng Phật giáo, thì đây là tác phẩm thứ ba (sau tác phẩm Quan Âm Thị Kính và tác phẩm Phật Bà Quan Âm) diễn nghĩa từ những cố sự trong dân gian mang nội dung tư tưởng Phật giáo dùng để khuyến thiện, răn đời. Toàn bộ tác phẩm có 86 trang, với 3.042 câu thơ lục bát. Nội dung câu chuyện đặt trên cơ sở tinh thần nhẫn nhục, giữ giới, kiêng sát sanh của Phật giáo, lại đề cao thuyết nhân quả. Ngoài ra, tác phẩm cũng phản ánh những hình ảnh hiện thực của cuộc sống ngày xưa, ở đó, người nghèo khó thường hay bị ngược đãi.

  

Đã 70 tuổi, ông vẫn miệt mài với công việc nghiên cứu yêu thích của mình

 Văn hóa cổ - cái nghiệp đam mê

Là người quê Quy Nhơn (Bình Định), nhưng thời gian ông sinh sống, gắn bó với Bình Dương lại lâu hơn rất nhiều. Thế nên, Bình Dương với ông cũng đã trở thành quê hương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, ông xuôi về Bến Tre công tác. Nhưng chính tình yêu với cô gái (nay là vợ ông) từ những ngày còn là sinh viên đã kéo ông về với vùng quê mới Bình Dương. Hai người nên vợ nên chồng và cùng dạy học tại trường THPT Trịnh Hoài Đức. Mới đó mà gần 40 năm trôi qua. Bây giờ, đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, sức khỏe đã phần nào giảm sút, nhưng ông vẫn luôn đau đáu với cái nghiệp nghiên cứu văn hóa cổ trên mảnh đất quê hương thứ hai này. Ông nói: “Dù Bình Dương không phải nơi sinh ra mình, nhưng mình sống ở đây nhiều hơn tất cả, lại có hiểu biết ít nhiều về chữ Hán, chữ Nôm thế nên mình phải có trách nhiệm đóng góp một phần công sức vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa trên mảnh đất này. Hơn nữa, trải qua thời gian, những dấu tích của cha ông để lại trên các công trình kiến trúc cổ sẽ dần mai một đi, nếu như thế thì sẽ rất đáng tiếc, nghĩ thế nên mình cố gắng nghiên cứu để lưu giữ lại...”. Ông nói thế, bởi vì ông rất hy vọng, với những gì ông tìm hiểu, nghiên cứu trong thời gian qua và cả sau này sẽ có ích phần nào cho công tác bảo tồn văn hóa của địa phương. Thế nên, vừa làm công tác dạy học, ông vừa tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để đi và sưu tầm tư liệu cho cái công việc không ai trả lương mà còn tốn tiền và tốn thời gian này. Tốn tiền đi lại, tốn tiền mua thêm tài liệu để tìm hiểu... Biết là vậy, nhưng được làm cái công việc mình yêu thích, lại có ích cho xã hội thì cũng đáng lắm chứ. Mỗi khi nghe người nào đó giới thiệu ở đâu có các công trình cổ là ông tìm đến cho bằng được. Nhà cổ là “duyên nợ” đầu tiên của ông với cái nghiệp đi tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa cổ trên đất Bình Dương.

Cách đây đã lâu, trong một cuộc họp Hội đồng khoa học tại Ban Khoa học công nghệ tỉnh (sau này là Sở Khoa học - Công nghệ), ông đã nêu lên ước mơ của mình là có được một đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội và đã được đồng chí trưởng ban đồng ý. Trong lúc ông đang tìm một đề tài phù hợp với yêu cầu của tỉnh, lại hợp với sở thích của ông thì có một người bạn vong niên giới thiệu về ngôi nhà cổ của cụ Trần Công Vàng ở phường Phú Cường, TX.TDM vừa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và rủ ông đến xem. Những nét đẹp văn hóa còn lưu lại trong đời sống sinh hoạt của chủ nhân ngôi nhà này đã cuốn hút ông ngay từ buổi tham quan đầu tiên. Chính quy mô rộng lớn của một ngôi nhà gỗ, sự phong phú trong các hạng mục kiến trúc, trang trí nội thất, cộng với vẻ cổ kính của một ngôi nhà xưa vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn đã làm ông thực sự khâm phục. Qua trò chuyện với chủ nhân ngôi nhà là bác sĩ nha khoa Trần Công Vàng (nay đã mất) và biết được chủ nhân ngôi nhà này là một người Tây học, sống nhiều năm ở Pháp, dù chưa hiểu hết về ngôi nhà của mình, dù không đọc được những câu liễn, đối treo ở trong nhà, nhưng ông luôn nghĩ, đó là những điều tốt đẹp, thiêng liêng mà tổ tiên để lại, ông là con cháu nên phải có trách nhiệm bảo tồn. Làm công tác nghiên cứu văn hóa cổ mà bắt gặp một người có ý thức cao trong việc bảo tồn những giá trị cổ như thế, ông cảm thấy rất xúc động. Để rồi sau đó, công trình “Nghiên cứu những ngôi nhà cổ ở Bình Dương” của ông đã ra đời. Ông gọi đó chính là “cái duyên” của ông với nhà cổ Bình Dương.

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu những ngôi nhà cổ ở TX.TDM, Thuận An, Tân Uyên... đến năm 2004, với sự hỗ trợ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, công trình trên của ông đã được xuất bản thành sách “Nhà cổ Bình Dương” để giới thiệu rộng rãi đến mọi người. Ngoài những nghiên cứu về những đặc điểm chung của nhà cổ Bình Dương, cuốn sách còn giới thiệu đến độc giả 6 ngôi nhà cổ tiêu biểu trong tỉnh. Trong đó, có những ngôi nhà ông phải đến trên dưới 10 lần để xác minh lại những chi tiết mà trước đó ông đã ghi nhận nhưng sau khi về nhà xem lại thấy chưa thỏa đáng.

Ngoài hai cuốn sách “Nhà cổ Bình Dương” và “Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển” trên, trong thời gian qua, ông còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về những ngôi chùa cổ trên đất Bình Dương. Bây giờ, tuổi cao sức yếu, ông không còn đi đây đi đó nhiều như trước đây. Nhưng, niềm đam mê tìm hiểu văn hóa cổ ẩn chứa trong các công trình cổ đối với ông vẫn chảy đều đặn như dòng máu tuần hoàn trong con người ông.

“Công việc này nó cũng âm thầm lặng lẽ như những nét văn hóa cổ đang tồn tại đâu đó mà chúng ta chưa phát hiện ra...”, ông cười hiền. Vâng, âm thầm như thế nhưng không phải ai cũng làm được nếu không có một niềm đam mê thực sự như ông.

HỒNG THUẬN