NGƯỜI CŨ ĐÂU RỒI
LƯU THANH BÌNH
Cày bừa ở xứ người không phải dễ ăn, bằng chứng là bà chị tôi sáu
năm rồi mới về thăm nhà. Dĩ nhiên chị cũng có tiêu chuẩn nghĩ phép thường
niên nhưng một phần do ba má tôi mất hết rồi nên thưa về hơn. Về kỳ này để
xem lại ngôi nhà từ đường mà chị có góp phần trùng tu. Nhà lớn rộng nhiều
tranh thờ, liễn đối, cột gỗ to, nhất là những bao lam gỗ quý chạm khắc hoa
lá độc đáo. Ba gian đều có tủ thờ cẩn xà cừ, ván gõ hai bên giữa là bộ trường
kỷ. Hồi nhỏ, mỗi lần có đứa bị má đánh đòn là tám đứa còn lại túa lên nhà
trên để tìm chỗ núp, vì thế nào cũng bị văng miểng. Những lỗi lầm từ hồi
nảo hồi nao, đã khắc phục hậu quả rồi mà cũng bị hâm lại, bị khiển trách
cảnh cáo giống như (tự ý đục bỏ) bây giờ. Đứa nào nhanh chân thì tìm được
chỗ tốt, đứa nào chậm thì bị lộ, phải chịu một hai roi vụt. Những cái hốc
kẹt bây giờ nhìn lại sao nó nhỏ ơi là nhỏ, vậy mà hồi đó cũng chui lọt.
Lái Thiêu bây giờ đổi khác nhiều, đến như tôi còn thấy lạ. Có việc
đi An Phú, Thuận Giao hay Bình Chuẩn tôi cứ ngần ngừ trước các ngã ba ngã
tư không biết rẽ lối nào. Những địa danh Miếu Ông Cù, ngã tư 550, Đồng An,
Ngã sáu An Phú, xa lộ Mỹ Phước-Tân Vạn …bây giờ nhà cửa san sát như phố thị,
người đông như trẩy hội. Nhà mới nhà cũ đều bỏ sân trước, chồm ra càng sát
mặt lộ càng tốt, đúng nghĩa mặt “tiền”. Bình Hòa trước là khu tạm cư cho
nạn nhân chiến cuộc, bây giờ không khác chợ Vườn Chuối hay Bàn Cờ ở quận
3. Ấp Đông Ba xưa là khu thuần nông , bây giờ lọt thỏm giữa ba bốn khu công
nghiệp nên nhà trọ mọc lên như nấm, tấc đất tấc vàng bởi người ngày càng
đông thêm mà đất chỉ có vậy. Những công trình dân sinh như bệnh viện, trường
học trở nên quá tải, xây mới không kịp tốc độ tăng dân số.
Nhưng trong ký ức của những người xa quê như chị tôi, nhớ tới Lái
Thiêu là nhớ hình ảnh của Gò Cát, Mạch Chà, những lò đường chú Cót, lò đậu
chú Thăng, Piscine Bạch Đằng, truông Nhà Đỏ, tiệm nước Đồng Tâm, trường Thống
Nhất, nhà Làng Tân Thới …Tất cả những địa danh kể trên đều không còn nữa.
Đất xưa gắn bó với người xưa, phần lớn nay không còn nơi ở cũ, hoặc dời đi
nơi khác hoặc không còn trên cõi đời này. Có những người tôi có thể trả lời
chị tôi ngay nhưng cũng có những người tôi bị bất ngờ vì bây giờ không biết
họ ra sao. Những con người bị thời gian, thời cuộc cuốn đi, mờ dần trong
tâm tưởng mọi người. Mỗi lần nhắc lại những người quen cũ đó, tôi cảm thấy
bần thần mất một lúc. Tôi tìm chút an ủi khi nghĩ rằng sau biến cố năm 1975,
mọi người đều có hoàn cảnh khốn khó riêng, cố mà tồn tại trong cuộc sống
bị ghì sát mặt đất, đâu có thì giờ nghĩ tới người khác.
Người Lái Thiêu mà chị tôi nhắc đến phần nhiều là những người cư ngụ
quanh quận lỵ, hoặc ở chợ hoặc ở gần đâu đó nhưng đều có những nét chung
: cuộc sống bình thường,êm đềm với những sinh hoạt mực thước, con người tuân
thủ những ước lệ xã hội chi phối cuộc sống nhiều hơn là những định chế pháp
luật, mặc dù người ít học vẫn chiếm đa số. Cuộc sống nhàn hơn chứ không hối
hả gấp gáp, nhất là hoàn toàn không có khái niệm vô cảm, một tai nạn thương
tâm cũng thành đề tài cho nhạc sĩ sáng tác bài Xâu trái gùi nổi tiếng, một
vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt a-xít tàn nhẫn khiến vị Đệ nhất phu nhân phải lên
tiếng bênh vực. Nhìn rộng ra toàn miền Nam, dù không dám nói là một xã hội
tiểu khang nhưng khi đó người nghèo không có nghĩa là đói ăn thiếu mặc mà
vẫn có được những tiện nghi vật chất tối thiểu. Ngay cả việc học hành, đơn
cử như học sinh Trịnh Hoài Đức chúng ta, tất cả vào trường đều bằng con đường
thi tuyển đâu có phân biệt giàu nghèo.
Lái Thiêu của tuổi thơ chị em tôi gắn với bạn bè hàng xóm, như nhảy
cò cò, nhảy dây, tạt lon, trốn tìm-năm mười, những buổi chiều ra ngã năm
thả diều hoặc xuống phòng thông tin xin nguyệt san Hương Quê. Những buổi
tối ngày hè xách thùng thiếc đi bắt dế cơm, cà cuống dưới những cột đèn,
những buổi chiều tắm mưa dưới máng xối nhà người ta. Sau này số phận đưa
đẩy mỗi người mỗi ngã, có những người đã bặt tin từ lâu, có người đã qua
đời, có người đã thay đổi vì hoàn cảnh xã hội đã thay đổi. Chỉ một con đường
Trưng Nữ Vương không quá hai trăm mét, hầu như không có nhà nào giữ được
như xưa, cả kiến trúc lẫn con người. Người cũ đâu rồi, tôi không thể biết
vì cuộc đời nhiều ngã rẽ, mỗi người mỗi số phận không ai giống ai, tôi có
thể hiểu sự thất vọng trong đôi mắt của chị, một người Lái Thiêu cố cựu.
**
Những ngày cuối trước khi rời Việt Nam, theo yêu cầu của chị, tôi
đưa chị đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên, tôi hiểu chị chỉ muốn tìm lại cảm giác,
hương vị xưa chứ không phải thèm những lát bánh bèo trắng tinh, xếp khéo
trên dĩa như những cánh hoa cúc hay tô nước mắm thơm nức mũi. Quả nhiên chị
nói sao không thấy nó ngon như tưởng tượng. Tôi muốn nói dĩa bánh bèo bây
giờ sánh sao được với dĩa bánh bèo của cô nữ sinh Trường nữ Trịnh Hoài Đức
năm xưa, mặc dù công thức gia truyền đâu có khác. Có thể chủ nhân đã thay
tô sành bằng tô kiểu, đũa tre bằng đũa ngà, muỗng nhôm bằng muỗng inox nhưng
những tiện nghi đó không thể thay thế được dĩa bánh bèo trong hoài niệm của
chị ./.
(7-2019)