NGHĨ VỀ BA
Đỗ Mỹ Loan
Ầu ơ... Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Buổi trưa ở xóm nghèo heo hút càng buồn hơn với tiếng võng đưa kẽo
kẹt và lời ru con não nuột. Tôi càng chạnh nhớ đến ba tôi. Ba vừa là người
cha yêu thương vừa là người thầy giáo nghiêm khắc, đã cho tôi sự sống và
dạy dỗ tôi khi tôi bước chập chững vào trường.
Mẹ tôi mất khi đứa em út của tôi vừa tròn chín tháng tuổi. Ba tôi
với đồng lương dạy học ít ỏi phải bương chải để nuôi năm đứa con nheo nhóc
ăn học. Hồi còn nhỏ, tôi chưa biết đến nỗi cô đơn của một đứa trẻ mồ côi
bởi vì bên cạnh tôi còn có ba và tình yêu thương trời biển của Người. Ba
chỉ có một mình tôi là gái còn lại là bốn em trai. Thế nên tôi còn có bổn
phận phụ ba lo chăm sóc các em từ việc ăn uống, giặt giũ, tắm táp và cả đến
việc dạy các em học chữ.
Hồi ấy gia đình tôi nghèo lắm. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì
đừng nói gì đến việc ăn ngon, mặc đẹp. Nhìn bạn bè tôi có cha có mẹ, gia
đình hạnh phúc tràn trề mà tôi tủi thân cúi mặt chẳng dám ngẩng đầu. Nghèo
đến độ những chiếc áo dài sờn tay, rách cổ, không còn mặc được tôi cũng chẳng
dám phí phạm bỏ đi. Tôi tiện tặn lấy vạt trước cắt thành hai thân trước,
vạt sau làm thân sau còn hai ống tay tôi làm tay và cổ áo. Như vậy, từ một
chiếc áo dài cũ tôi đã may được một chiếc áo sơ mi mới cho các em trai tôi
có mặc đi học. Nghĩ mà tội nghiệp cho các em tôi. Chúng cũng biết được cảnh
nghèo túng của gia đình nên chẳng dám đua đòi, lẳng lặng mặc đi học mà chẳng
ngại gì tiếng cười đùa trêu chọc khi mặc khính từ chiếc áo dài của chị (
Những chiếc áo dài của tôi mặc phần lớn là của các bạn đồng nghiệp của ba
tôi sắm cho tôi).
Trong xóm nhà nào cũng có điện sáng choang nhưng đặc biệt nhà tôi
thì lại tối triền miên suốt năm tháng khổ cực ấy. Tôi ít có bạn vì hoàn cảnh
gia đình nghèo khổ nên các bạn cũng chẳng đoái hoài. Bởi vậy ngoài giờ học
ở trường và phụ ba nuôi nấng dạy dỗ các em, thời gian còn lại tôi dành hết
cho việc học. Chiếc đèn dầu leo lét chính là người bạn thân thiết với quãng
đời thơ ấu của tôi. Ngay từ nhỏ, tôi đã biết được rằng để có một tương lai
đảm bảo thì trước nhất phải tự trang bị cho mình một số kiến thức nhất định
và một trình độ học vấn có thể nuôi sống bản thân mình rồi sau đó mới lo
lắng cho các em. Tôi đã lao vào việc học không biết mỏi mệt. Học, học và
học. Ngoài những kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt cho tôi ở trường lớp,
tôi còn tìm đọc thêm ở sách báo, tài liệu tham khảo .Việc học của tôi tiến
bộ rất nhanh. Phải nói tôi là niềm tự hào lớn nhất của ba tôi. Cuối mỗi học
kì hoặc cuối năm học, tôi thường mang về cho ba tôi gói phần thưởng to lớn
kèm theo tấm bằng danh dự ghi rõ họ tên tôi. Tôi biết nỗi nhọc nhằn hi sinh
của thân gà trống nuôi con sẽ tan biến đi vì ba hoàn toàn tin tưởng, hãnh
diện về đứa con gái đầu lòng.
Rồi tôi đậu tú tài và chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Tôi
vốn mê viết lách nên ngành báo chí là nỗi đam mê to lớn nhất của tôi. Thế
nhưng sau sự ra đi đột ngột của mẹ tôi, ba tôi không còn đủ sức để chịu đựng
được nữa. Ba tôi trở bệnh và con đường vào đại học của tôi càng mù mịt hẳn
đi. Tôi đành phải thi vào trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn như một tình cờ
và tiếp nối con đường mà ba tôi đã chọn cho chính bản thân ông. Sau hai năm
đằng đẵng, tôi tốt nghiệp và dạy ở một ngôi trường tiểu học xa nhà đi về
gần hai mươi cây số. Vừa là giáo viên dạy một buổi, thời gian còn lại tôi
ghi danh học tiếp Đại học Văn Khoa. Khoác áo sinh viên, tôi bước chân lên
giảng đường với đầy nỗi hân hoan, phấn khởi. Tôi được sống với nỗi đam mê
của mình. Nhưng hỡi ơi, khi tôi vừa công thành danh toại thì ba tôi không
còn nữa. Ba đã ra đi cùng mẹ, bỏ chị em tôi côi cút trên đời sau khi đã trăng
trối, gửi gắm lại cho tôi bốn đứa em nhỏ dại, ngây thơ.
Thời gian ấy, tôi như hụt hẫng, muốn khóc nhưng sao nước mắt đã khô
cạn từ lúc nào. Tôi đã phải nghiến răng, gồng mình chịu đựng bao nỗi khổ
đau giằng xé. Tuổi thơ của tôi qua đi không một chút màu hồng ước mơ hi vọng
mà tất cả chỉ là một màu đen ảm đạm vô tình. Đôi khi nhìn tôi qua tấm gương
nhoè nhoẹt, tôi đã phải thốt lên:
Người có biết sau đôi kính cận
Thật nghiêm trang u ám một trời buồn
Tôi vừa là cha, là mẹ, là anh, là chị và là thầy của một bọn con trai.
Thế nên dần dần tôi gần như mất đi nữ tính. Tôi biết tôi có rất nhiều khuyết
điểm, trái tính trái nết, thiếu sự dịu dàng của một người con gái. Trước
mắt các em, tôi nghiêm nghị cứng ngắc như một bố già. Tôi lại hay quyết đoán
và đôi lúc cũng gia trưởng ghê lắm.
Được ảnh hưởng từ ba nên khi là một giáo viên, lúc nào tôi cũng sống
đúng với phong cách mô phạm của một nhà giáo. Tôi luôn làm theo lời ba nhắc
nhở: không đi trễ về sớm, không làm việc riêng trên lớp, soạn giảng nghiêm
túc, chấm điểm xếp hạng công minh. Thậm chí mỗi khi bệnh cũng cố gắng khắc
phục không dám bỏ học trò...Ba tôi gương mẫu như thế và chính ba tôi là tấm
gương sáng để tôi noi theo. Với niềm yêu nghề mến trẻ và tận tuỵ dạy học,
sau hai mươi năm giảng dạy và cống hiến, tôi đã được ngành tôn vinh và phong
tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1994. Cài chiếc huy chương lên ngực áo,
người tôi chạnh nghĩ đến nhiều nhất là ba tôi. Tôi khẳng định thành tích
tôi có được hôm nay chính là nhờ công lao to lớn của ba tôi trong quá trình
dạy dỗ, hình thành nhân cách cho tôi.
Ngày mai là ngày giỗ của ba tôi. Trong khi dọn dẹp bàn thờ, tôi bắt
gặp hình ảnh ba với tia nhìn ấm áp. Chắc hẳn nơi Cực lạc ba sẽ rất vui mừng
khi nhận ra con gái của ba vô cùng vinh dự khi được tiếp nối sự nghiệp trồng
người mà ba đã theo đuổi một đời. Ba ơi! Nén hương này con gửi hết mười phương
chư Phật cầu mong ba của con sẽ luôn an lạc, thanh thản ở chốn vĩnh hằng.