Ngã tư piscine

Minh Tâm

Hôm nay rảnh rỗi, xin viết vài hàng hồi ức  về ngã tư piscine nơi mà hồi nhỏ tôi thường đi qua đó để đi học.

Ngã tư nầy là giao điểm của hai con đường lớn là Quốc Lộ 13 và đường Ngô Quyền. Nói đường lớn là ở thời điểm 1960 chớ bây giờ thì chỉ là hai con đường nhỏ có hai làn xe thì cũng không phải là đường lớn nữa rồi.

Xin bắt đầu câu chuyện vào năm 1959 là năm mà tôi bắt đầu đi học mẫu giáo. Trường mà tôi học có hai lớp nằm trước Nhà Thờ. Lúc đó chỗ ngã tư piscine có trụ sở Ty Thanh Niên là một căn nhà nhỏ nằm bên đường Ngô Quyền đối diện tiệm nước Cẩm Xương. Trước phòng học của tôi là sân bóng chuyền nằm dọc đường quốc lộ 13. Đây là sân cỏ.

Trường mẫu giáo có hai lớp, một lớp nam một lớp nữ. Mỗi lớp có khoảng 50 học sinh. Thú thật, mới học lớp mẫu giáo mà tôi đã “mê gái”, bởi vì bên lớp mẫu giáo nữ có một “con nhỏ” rất xinh. Sau nầy, khi lớn lên, tôi có học thêm vài lần với người đẹp nầy nhưng vì tính tình hơi nhát nên không bao giờ dám thổ lộ tình cảm. (Dùng chữ “con nhỏ” là chữ mà tôi nghĩ hồi nẫm chớ bây giờ người đẹp nầy bây giờ đã hơn 60 tuổi rồi.)

Trong thời gian tôi học mẫu giáo, đôi khi ở sân bóng chuyền có tranh giải. Khoảng năm 1959-60, đội bóng chuyển Tâm Lý Chiến là đội hay đoạt giải nhứt. Sau nầy khi tôi lớn lên một chút, sân bóng chuyền nầy là nơi đám nhỏ chúng tôi đến vui chơi vào những buổi chiều. Tấm hình đính kèm do một người không quen chụp đã gợi lại trong tôi biết bao kỷ niệm thời niên thiếu.

Gọi là ngã tư piscine vì ở đây có một hồ tắm công cộng. Hồ dài khoảng 25 mét rộng khoảng 10 mét, một đầu sâu khoảng 1,5 mét đầu kia sâu nhứt khoảng 5 mét. Phía trước hồ có hai nhà thay quần áo. Giữa hai căn nhà nầy là một khoảng trống, phía trước chỗ nầy có một bồn nước nhỏ. Có ống thông từ hồ nước bên trong ra bồn nhỏ nầy và có tượng đầu một con sư tử đang đổ nước xuống hồ nhỏ. Hai bên hồ nước có bậc cấp để đi vào hồ lớn. Lúc tôi học mẫu giáo thì hồ tắm không còn sử dụng được và bỏ hoang (có lẽ vì nước bị rò rĩ mất do hệ thống van rỉ sét và thật ra hồ cũng bị nứt và nước hồ bị thất thoát, không giữ lại được).

Mấy năm sau, khi tôi lên tiểu học và trung học thì hai lớp mẫu giáo của tôi trở thành văn phòng Ty Thanh Niên. Phòng phía ngoài thì làm văn phòng, phòng phía trong thì để bàn bóng bàn. Hàng ngày chúng tôi đến đánh bóng bàn ở đây rất vui. Sâu vào trong là nhà của anh Khiêm - Trưởng Ty Thanh Niên). Có thời gian trước nhà của anh Khiêm cũng có bàn bóng bàn. (Lúc đó, người đánh bóng bàn hay nhứt tỉnh Bình Dương là anh Lê Phước Huỳnh, huấn luyện viên của Ty Thanh Niên, nhưng anh ít chơi ở đây lắm. Tôi nhớ những đàn anh hay đánh bóng bàn ở đây là anh Đảnh, anh Tròn, anh Liêm (anh của Bình), Châu (đen) và một bác hoạ sĩ ở Bưng Cải tôi không nhớ tên. Lứa tuổi của tôi thì có Thạnh, Tâm, Hảo, Phước… Thế hệ sau thì có Bành Văn, Sa Công Danh, Nguyễn Phú Yên, Nông Vĩnh Trị… mấy em nầy đánh cũng hay lắm. Về sau, chỉ có Từ Minh Thạnh là tiếp tục chơi bóng bàn và đoạt được nhiều giải thưởng trong giới sư phạm. Riêng Nguyễn Phú Yên lại là một lãnh đạo của Sở Thể Dục Thể Thao tỉnh Bình Dương.)

Hai phòng thay đồ của piscine thì làm nơi tạm trú cho nhân viên của Ty Thanh Niên là anh Bé và anh Tuấn Anh. Căn nhà Ty Thanh Niên cũ ở bên đường Ngô Quyền thì làm trụ sở các hội đoàn thanh niên như Hồng Thâp Tự hay Nghĩa Sinh… Đến cuối thập niên 1970, sân bóng chuyền được công binh Mỹ giúp tráng xi măng và nằm phía trong gần hồ tắm hơn. Phía ngoài, ở góc đường QL 13 và Ngô Quyền được xây thêm văn phòng của Ty Thông Tin và một Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng (thuộc Ty Xã Hội). Thêm vào đó là Toà Nhà Hội Đồng Tỉnh cũng được xây cất ở phía nam đường Ngô Quyền, gần hồ tắm.

Sân bóng chuyền tráng xi măng của Ty Thanh Niên có lúc được dùng để dạy võ. Có những lớp Thái Cực Đạo hay Vovinam được mở ra và dạy cho thanh niên trong tỉnh. Chiều chiều, những võ sinh mặc võ phục đến học khá đông tạo cho nơi đây một không khí sinh hoạt vui vẻ. Vào những dịp đại hội thể thao cấp tỉnh thì các võ sinh lại biễu diễn những bài quyền, những kỹ thuật công phá như chặt gạch, đá bể các miếng gỗ… đem lại sự náo nức, hào hững cho thanh niên trong tỉnh.

Hồ tắm được công binh Mỹ sữa lại và khai trương phục vụ thanh thiếu niên trong tỉnh khoảng đầu thập niên 1970. Nhờ có hồ tắm nầy mà tôi biết lội sơ sơ. Đó là nhờ tôi nhìn người ta lội mà ngộ ra rằng, muốn biết lội không phải lúc nào đầu của mình cũng ở trên mặt nước để thở mà cũng có lúc đầu mình nằm dưới mặt nước. Chỉ cần biết nhịp nhàng khi nào nổi lên để lấy hơi, khi nào phải úp mặt xuống mặt nước để thở ra. Bơi lội là cần sự nhịp nhàng đều đặn.

Đó là sự phát triển phía Ty Thanh Niên.

Bên kia đường quốc lộ 13 đối diện Ty Thanh Niên là Nhà Thờ Phú Cường.

Trước nhà thờ là sân cỏ. Tụi tôi hay đá banh ở sân nầy. Sân không lớn lắm nhưng hai phe cũng chia ra có đủ hàng phòng thủ và hàng tấn công, chỉ thiếu cái khung thành vì là đất của nhà thờ không phải sân banh. Phía trong, ở dưới đồi nhà thờ có trường tiểu học công giáo với ba phòng học dạy từ lớp năm tới lớp ba. Nhà thờ nằm trên đồi cao. Vách nhà thờ quét vôi trắng. Phía trước là tháp chuông nóc bằng. Hàng ngày, đúng 5 giờ sáng, 12 giờ trưa và 5 giờ chiều, là nhà thờ đỗ chuông. Tiếng chuông nhà thờ vang vọng ra lắm. Nhà tôi ở Thành Quan vẫn còn nghe rất rõ.

Phía trước nhà thờ có bậc cấp để lên. Trước nhà thờ hai sườn dốc vẫn chưa có chữ Địa Phận Phú Cường. Mấy chữ nầy mới làm sau năm 1965. Bên hông nhà thờ có hang đá và tượng Đức Mẹ. Khi đi học từ trường Nam chi nhánh ở Ngã Ba Cây Sao Quỳ về (khoảng 1964) tôi thường đi tắt từ cổng sau nhà thờ men theo bên hông nhà thờ và xuống những bậc thềm để ra ngã tư piscine mà về nhà. Xung quanh nhà thờ lúc đó không có những hàng rào và việc đi lại tự do lắm. Phía sau thì chưa có trường Thánh Giuse (mới xây khoảng 1969- 1970). Tương tự, lớp nhu đạo của võ sư Vĩnh cũng mới có khoảng sau Tết Mậu Thân mà thôi.

Đứng trước sân nhà thờ nhìn về phía Ngã Sáu hay phía Trường Công Binh phong cảnh đẹp lắm vì nhìn từ trên cao. Nhớ khoảng năm 1960 có một con đường đất đỏ từ Ngã Sáu đi tới chân bậc thang trước nhà thờ. Tín đồ đạo công giáo từ ngoài chợ đi nhà thờ thường theo con đường tắt nầy để về nhà cho nhanh.

Khoảng năm 1970 ở góc đường QL 13 và Ngô Quyền được xây thêm Tu Viện Con Đức Mẹ, sau đó sân cỏ càng ngày càng nhỏ và bị rào kín nên con nít hết vào đây để đá banh nữa.

Góc ngã tư có một xe nước mía. Đây là nơi giải khát của chúng tôi sau những trận cầu mệt lã. Bên cạnh xe nước mía có bà bán bánh kẹp, nướng bằng lửa than. Bánh của bà chín thơm lắm nên thỉnh thoảng tôi cũng mua. Đối diện xe nước mía là tiệm hớt tóc. Đường Ngô Quyền hướng vô Giếng Máy có sân trượt patin Tứ Hải là nơi tụ họp thanh niên một thời gian khoảng năm 1971.

Tiệm nước Cẩm Xương ở góc đường thì ai cũng biết vì là nơi có cà phê ngon giá bình dân. Tôi thấy chiều chiều, ông chủ quán rang cà phê ở phía sau, mùi hạt cà phê rang bốc lên thơm lắm. Năm 1960, tiệm nước Cẩm Xương còn xập xệ. Sau đó năm sáu năm mới xây kiên cố như ngày nay. Kế bên tiệm nước là phòng trồng răng Ngô Văn và một tiệm tạp hoá (gia đình TTL).

Dọc đường Ngô Quyền hướng về bờ sông, hai bên đường là hai dãy phố. Năm 1968, đây là nơi có giao tranh giữa hai bên, mấy ngày sau đi ngang còn thấy dấu đạn để lại trên tường hay trên mặt tiền của các căn nhà ở đó.

Một kỷ niệm vui về ngã tư piscine. Khoảng đầu thập niện 1970, ở đây có tổ chức hội chợ. Vào ban đêm khi trời bắt đầu tối thì có những quầy hàng xổ số, mô tô bay, cờ bạc trá hình… Đèn thắp sáng trưng, bà con vào xem và vui chơi rất đông. Muốn vào xem hội chợ thì phải mua vé nhưng chúng tôi đâu có mua mà đi theo đường hẽm chỗ Hội Đồng Tỉnh, sau đó vạch hàng rào hồ tắm mà chui vô. Tôi cũng có chút đỉnh tiền nhưng để dành để mua vé số hay cờ bạc. Kết quả cũng thua ráo. Vui nhứt là quầy kêu lô tô hay quay số trúng thưởng. Người ta bán vé số khoảng 50 đồng một tờ. Sau khi bán xong một đợt chừng 30-40 vé thì quay số.  Bàn quay số có dây điện nối với tấm bản đồ Việt Nam mà vị trí các tỉnh là những bóng đèn có số. Khi quay số thì những ngọn đèn sáng chạy vòng vòng nhấp nháy liên tục rất vui mắt. Khi bàn quay số ngừng và kim chỉ số nào thì người có vé số đó được trúng thưởng. Giải trúng là một cái mền Sakimen hay một cái bình thuỷ.. .

Hội chợ thì lâu lâu mới có một lần nhưng hàng năm, ngã tư piscine có một đêm rất vui. Đó là đêm Noel. Lúc đó nhà thờ giăng 4, 5 sợi dây lồng đèn từ nóc xuống hàng rào. Tới tối thì thắp lên rất đẹp. Phía trước cổng thì có băng rôn với hàng chữ Mừng Chúa Giáng Sinh. Chiều tối 24, thanh niên nam nữ trong tỉnh, có đạo hay không, cũng kéo nhau ra đường đi lại ở khu nầy rất đông tạo nên không khí rất náo nhiệt.

Trước sân nhà thờ có loa phóng thanh phát ra những bài hát mừng chúa ra đời. Tôi không có đạo mà nghe riết cũng nhớ:
…Đêm đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời.
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa….

Lời ca nghe êm ái và thanh bình. Thế nhưng đám con nít thì hát khác. Chúng ca:

Đêm đông đại bác tấn công vô thành
Tấn công vô thành làm cho dân chúng phải chui xuống hầm…

Lúc đó còn chiến tranh nên sự suy nghĩ của người dân là như vậy.

Đêm Noel là đêm hoà bình, có hưu chiến, nên mọi người trãi lòng ra để vui chơi một đêm thoả sức, quên đi những nhọc nhằn và lo sợ hàng ngày. Đám trai trẻ thì ngắm mấy cô. Chúng tôi tụ nhau năm ba đứa kéo nhau vô nhà thờ coi làm lễ, sau đó thì đi vòng ra chợ hay xuống Nhà Thờ Tin Lành ở Cầu Bà Hên. Tới 10-11 giờ thì về nhà một bạn nào đó (có đạo hay không, không quan trọng) để cùng nhau ăn nhậu vui vẻ. Đoạn đường từ ngã tư piscine tới Ngã Sáu đêm Noel là đoạn đường đông vui nhứt trong năm làm tôi nhớ hoài.

Sau 1975, Ty Thanh Niên trở thành Văn Phòng Tỉnh Đoàn. Ty Thông Tin trở thành Thư Viện. Sau đó tôi đi xa nên không biết nơi đây chuyển biến thành cơ quan gì. Hình như có lúc là Nhà Thiếu Nhi. Còn bây giờ thì hết biết.

Tôi ở Thành Quan, không xa ngã tư piscine. Đối với tôi đây là một nơi có nhiều kỷ niệm đẹp của thời trai trẻ. Rảnh viết vài hàng về một địa điểm mà mình đã sống ở đó thời niên thiếu để thấy mấy mươi năm trôi qua, đã có biết bao nhiêu điều thay đổi.  Đối với tôi, hình bóng cũ vẫn vấn vương và có tình cảm hơn những kiến trúc mới. Bên kia đường, ngôi thánh đường ngày nào đã bị phá bỏ và xây to lớn, đồ sộ hơn. Nhìn ngôi nhà thờ bề thế thì thấy cũng đẹp nhưng đối với những người xa quê lâu năm như chúng tôi, nó lại trở nên xa lạ và không phải là của mình nữa.



Sân bóng chuyền Ty Thanh Niên (ảnh: Dung Dang)