Ngẩn ngơ nhìn phượng nở trên đảo St. Kitts

Minh Tâm


Bài dưới đây được trích từ du ký "Qua vùng Caribbe xinh đẹp". Tác giả đã đến đảo St. Kitts trong chuyến du ngoạn bằng du thuyền Carnival Victory khởi hành từ Puerto Rico ngày 25/4/2010 ...


Viếng thăm thành phố Basseterre:

 Thủ phủ Basseterre (theo tiếng Pháp có nghĩa là Đất Thấp) của St. Kitts và Nevis chỉ có 15.500 dân. Thành phố được người Pháp thành lập năm 1623 để cai trị thuộc địa St. Christopher. Có thời nơi đây rất phát triển và là trung tâm của cả vùng Tây Ấn thuộc Pháp (kể cả Guadeloupe và Martinique). Sau khi bàn giao cho người Anh, Basseterre là thủ phủ của toàn bộ đảo St. Kitts từ năm 1727.

 Từ khu bán hàng của hải cảng, chúng tôi theo hướng trái để vào thành phố. Ở đó có Viện Bảo Tàng Quốc Gia, nhưng chúng tôi chưa vào thăm vội mà đi thẳng ra hướng bắc.

    Trước mặt chúng tôi bây giờ là vòng xoay Circus (tên nầy bắt nguồn từ chữ Piccadilly Circus - một vòng xoay ở Anh). Giữa vòng xoay là một đài kỷ niệm có hình dáng là một chiếc đồng hồ bốn mặt lớn, làm bằng đồng, sơn màu xanh lá cây. Đồng hồ nầy trông cũng đẹp và có tên là Berkeley Memorial Clock, không biết để kỷ niệm hay ghi nhớ điều gì?. Quanh vòng xoay nầy là những ngân hàng, nhà hàng, tiệm quán xây bằng gạch, gỗ kiểu thời thuộc địa. Những kiến trúc nầy cao chỉ hai tầng nhưng trông khá đẹp và lạ mắt. Xe cộ chạy vào vòng xoay nầy rất chậm rãi, cẩn thận. Đó là điều mà chúng tôi thấy nơi đây rất khác với dân Mỹ ở Cali, người lúc nào cũng bận rộn, hối hả.

 

Vòng xoay Circus - trung tâm của đảo St. Kitts

Từ vòng xoay Circus, chúng tôi đi về hướng đông dọc con đường Ngân Hàng (Bank St.) thì tới một công viên. Đó là:

Công viên Độc Lập: Theo dòng lịch sử, nơi đây ngày xưa là nơi mua bán nô lệ. Những người Phi Châu, gồm có đàn ông, đàn bà, con nít, bị bắt đem lên tàu. Sau một chuyến hải thành gian nan, họ bị đưa ra đây để được trao đổi, sang tay cho các chủ đồn điền. Nhưng đây cũng là nơi nước St. Kitts được tuyên bố Độc Lập.

  Giữa công viên là một bồn nước, Quanh công viên có nhiều cây to lớn xanh mát. Nhưng điều làm cho chúng tôi ngẩn ngơ chính là một cây phượng vĩ rất lớn đang ra hoa đỏ rực ở phía đông công viên. Mấy ngày nay, đi chơi ở các đảo từ Puerto Rico xuống tới đây, chúng tôi đã hơi xao xuyến khi thấy ở đây có hoa phượng. Nhưng các cây phượng chúng tôi thấy thường nhỏ nên chưa gây nhiều ấn tượng cho lắm. Hôm nay tình cờ gặp cây phượng to lớn nầy chúng tôi có cảm tưởng mình đang ở Việt Nam vào mùa hè. Đó là mùa hè mấy mươi năm trước. Mùa hè của thời học sinh. Lúc đó chúng tôi mừng vui vì sắp được nghỉ ba tháng đi chơi, nhưng cũng hơi buồn vì phải xa bạn bè.

- “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn …” Lời ca của nhạc sĩ Thanh Sơn còn đọng lại trong tim, nhức nhối, thổn thức …

Nhưng mùa hè không đến nếu không có hoa phượng. Nhạc sĩ Thanh Sơn cũng đã viết:

- “Màu hoa phượng thắm như máu con tim …”. Hoa phượng đối với những người hơi có tuổi như chúng tôi quả thật là một loài hoa đầy tình cảm, đầy kỷ niệm.

Phượng nở trên đảo St. Kitts

Màu hoa phượng thắm như máu con tim ...

Mấy mươi năm qua, từ khi xa xứ, tôi cũng có dịp trở lại quê nhà nhiều lần nhưng không lần nào đúng dịp hè nên không có dịp thấy hoa phượng nở đỏ. Hôm nay, ở một xứ sở xa xôi, tình cờ chợ thấy hoa phượng nở rộ. Lòng tôi lại nao nao nhớ lại những ngày hè năm nào …

Đi chơi ở vùng Caribbe, nơi có vĩ độ tương đương với nước Việt Nam, chúng ta sẽ bắt gặp những loài thực vật như ở quê nhà. Mấy hôm trước, chúng tôi đã thấy những cây xoài, chuối, thơm, cà phê … Hôm nay gặp thêm một cây phượng thật đỏ. Kể như chúng tôi đã may mắn vì hôm nay mới đầu tháng năm. Nếu ở Việt Nam cũng chưa thật sự vào hè.

Chúng tôi chụp thật nhiều hình quanh gốc phượng nầy. Mấy người dân địa phương đang ngồi chơi xung quanh chắc không hiểu vì sao mà hai người Á Đông nầy lại mê mẩn một loại cây tầm thường như vậy. Một loại hoa đối với họ rất quen thuộc, bình thường, nhưng đối với chúng tôi nó mang rất nhiều kỷ niệm.

Chụp hình xong, chúng tôi đi tiếp tục về phía đông. Ở đó có một nhà thờ Thiên Chúa xây bằng đá. Nhà thờ nầy đã được xây 150 trước. Kế bên nhà thờ là Toà Án và một kiến trúc cổ cũng xây bằng đá. Đó là nhà nhốt nô lệ mấy trăm năm trước.

Ngược lên phía bắc, chúng tôi thấy có một vòng xoay nhỏ khác. Đó là vòng xoay Victoria vì giữa vòng xoay có tượng Nữ Hoàng Victoria của nước Anh.

Từ đây, chúng tôi trở về hướng tây dọc theo một “đại lộ” lớn nhứt Basseterre. Dọc đường bên tay phải là Sở Cảnh Sát và Nhà Tù, bên tay trái là những nhà hàng, tiệm quán nho nhỏ. Bên đường lại có một bà bán hàng tạp hoá ngay trên lề đường. Đường sá ở đây hẹp và không sạch sẽ gì cho lắm. Đôi khi tôi còn thấy nước cống chảy bên vệ đường nữa. Dân địa phương thì toàn người da đen như ở Phi Châu. Nhưng họ rất tử tế và hiền lành. Tôi có dịp bắt chuyện với một học sinh thì thấy cô nầy trả lời rất lịch sự và chỉ dẫn rất tận tình.

Tới một ngã tư, nơi có một cây xăng Shell và một tiệm Subway bán thức ăn nhanh, chúng tôi rẽ trái để về bến tàu. Dọc đường, bà xã còn ghé vô một khu bán hàng để vừa “hưởng” máy lạnh cho mát vừa xem vải Batik là một loại vải đặc biệt của nơi đây.

Thăm Bảo Tàng Viện Quốc Gia St. Kitts: Viện Bảo Tàng nằm ngay cửa của cảng nên ai cũng thấy. Đây là một căn nhà có hai tầng. Giữa nhà có một mái vòm nhỏ để trang điểm cho đẹp. Phải mua vé tốn 2 đô la để vào xem bảo tàng. Bảo tàng mang tiếng là Quốc Gia mà chỉ có 3 phòng nhỏ trưng bày:

- Sinh hoạt của những thổ dân trước khi người Âu châu tới.

- Sinh hoạt của những người nô lệ và chủ đồn điền trong thời thuộc địa

- Thành tích của nước St. Kitts sau khi độc lập.

Nước St. Kitts nhỏ nên thành tích chẳng có gì nhiều và “viện” bảo tàng nầy cũng không có gì lạ.

Sau khi đi một vòng Basseterre cho biết, chúng tôi trở lại bến cảng Zante để chờ tới giờ đi tua panorama xem một phần đảo St. Kitts.

Cảnh đẹp của St. Kitts nhìn từ đèo Timothy - bên trái là Đại Tây Dương , bên phải là biển Caribbe.