PHNOM PENH KÝ SỰ
Lưu Thanh Bình


Sang đất Kampuchia đã hơn sáu tháng mà do bận bịu với công việc mới nên dù rất muốn tôi vẫn chưa có dịp đi Phnom Pênh . Thời may có anh bạn từ VN qua, có việc phải lên đó đàm phán hùn hạp làm ăn, rủ tôi đi chơi cho biết là tôi đồng ý liền. Sáng sớm đi, ngũ lại một đêm, chiều hôm sau về.
Xe hơi ở Campuchia rẽ lạ lùng, như chiếc Camry đang bon bon với tốc độ trăm cây số /giờ trên quốc lộ từ Snoul về Kampong Cham này. Nội thất thơm mùi dạ, máy lạnh, nhạc…đầy đủ, mình kín đáo kiểm tra hộp gạt tàn thuốc ở lưng sau ghế trước: còn nguyên xi bóng láng không bị rỉ sét, nghĩa là xe qua sử dụng chưa lâu. Hỏi bác tài mua bao nhiêu thì bác giơ 5 ngón tay, năm ngàn đô! Và còn nói thêm để tỏ ra ta đây biết tiếng Việt: Nó chưa già đâu (ý nói nó chưa cũ đâu).
Đường giao thông bên đây cũng hẹp, đủ cho hai xe ngược chiều tránh nhau và xe gắn máy phải rớt xuống lề đất, y như Việt Nam. Khác là lưu lượng xe ít nên tài xế tha hồ đạp ga, và mặt đường nhựa hình như nhám chứ không trơn bóng nên tiếng vỏ xe ma xát xuống mặt đường nghe rất rõ. Với tốc độ này mà nếu có một người băng ẩu qua đường hay có con bò không biết luật giao thông thì kể như …toi. Vậy mà suốt quảng đường hơn hai trăm cây số, mình thấy rất ít tai nạn giao thông, không hiểu tại sao ?
Một chiếc xe đò đi Kratie vụt qua, trên mui chất mấy chiếc Honda dựng đứng sát vào nhau, tất cả đều ló bánh ra hai bên, sau xe là lố nhố mấy người đu, vịn … y hệt như xe đò chạy bằng than thập niên 70, 80 ở VN. Mười chiếc xe gắn máy ở đây thì chỉ có hai, ba chiếc là có bảng số, nhiều nhất là Citi nghĩa địa và Win Trung Quốc. Một lần mình thắc mắc hỏi một anh bạn người bản xứ sao xe gắn máy của anh không có bảng số thì anh ta có vẻ hơi chạm tự ái, nói rằng: xe của tui mua, ai mà không biết, gắn bảng làm chi, tui muốn chở gì thì chở chứ! Phụ nữ Campuchia vận xà rông, nên khi ngồi xe đều bỏ hai chân qua một bên, nếu chở ba thì hai người ngồi sau ngồi ngược hướng.
Hai bên đường là đồng ruộng mênh mông, bằng phẳng xa tít tắp, hàng ngàn cây thốt nốt mọc dày theo bờ ruộng. Mà ruộng ở đây canh tác theo nước trời chứ không có hệ thống thủy lợi, bây giờ là mùa khô nên trên các cánh đồng không thấy bóng người, chỉ có từng đàn bò thả rông đang ăn cỏ và lúa mọc rài, màu da trắng nổi bật trên nền cỏ xanh, ở xa nhìn có thể tưởng là đàn cò. Một đàn bò ở đây cở vài trăm con chớ không phải vài chục như bên ta, có điều con nào cũng ốm trơ xương. Không thấy bò màu vàng.
Người dân Campuchia trồng thốt nốt như ta trồng dừa. Hể chổ nào trồng được là trồng, ở sân trước sân sau, bên hông chùa, trường học, ven đường , bờ mương, bờ ruộng… Nước trái thốt nốt ủ cho lên men có vị chua chua giống như rượu nếp nhưng nhạt hơn, đựng trong những ống tròn chất lên xe đạp bán dạo giống như nước đá bào xi rô bên ta, rất đựợc ưa chuộng, trai gái già trẻ gì đều thích. Uống nhiều cũng say ngất ngưỡng chứ chẳng chơi.
Nhà cửa đa số là nhà sàn, cột gổ, vách ván, mái ngói cong cong, nhà nào cũng có sân trước chứ không chồm ra sát lề như bên VN. Tôi nhớ QL 14 ở đoạn gần cầu Nha Bích, khoảng giữa đường từ Chơn Thành đi Đồng Xoài có một xóm Việt kiều hồi hương từ Campuchia cũng cất nhà sàn y hệt. Cầu thang đi lên đặt chính giữa chứ không nép một bên. Cứ chừng vài cây số là thấy một ngôi chùa.
Xe chạy qua chợ huyện Memot tấp nập trù phú. Giống như Dầu Tiếng, mấy năm nay mủ cao su lên giá nên chợ cũng thay đổi bộ mặt, trông sung túc hơn lần đầu tôi đến những năm 90 nhiều, nhất là đã có điện từ Tây Ninh kéo qua. Bên kia biên giới, đối diện với thị trấn Memot là thị trấn Kà Tum ( Tân Châu). Xe chạy thẳng không dừng lại, chừng vài ba cây số là đến xã Đa. Nơi đây có vụ tranh chấp đường biên mà báo chí đăng tải mấy tháng trước, cũng không lạ vì đảng Sam Rainsy theo chủ nghĩa Dân tộc cực đoan thắng cử ở đây, xã trưởng là người của họ.
Lát sau thì chúng tôi đến Krek, một địa danh nổi tiếng trong chiến tranh, mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có nhắc đến trong lời bài hát Người ở lại Charlie. Nơi đây có một ngã ba , nếu rẽ trái sẽ đi về cửa khầu Samát và thị trấn Tân Biên (Tây Ninh), đi thẳng sẽ đến đồn điền cao su Chup của người Pháp trước kia, nơi mà hai phe người Việt đánh nhau trong nước chưa đã, lôi nhau sang đây đánh nhau tơi tả, với sự hổ trợ của Lonnol một bên và Pol Pot một bên. Địa hình khô ráo bằng phẳng nơi đây giống như miền Đông Nam Bộ, rất thích hợp trận địa chiến nên hễ đánh nhau là thịt nát xương rơi, hận thù chồng chất hận thù…
Xe vượt qua Suong ( đọc là Xuông ), một thị trấn lớn hơn Mimot, hai bên có nhiều dãy phố lầu của người Tàu, bán nhiều nhất là máy móc nông cụ. Gần đến thành phố Kampong Cham thì bác tài cho xe ngừng lại một quán bên đường cho chúng tôi dùng bữa trưa. Cũng cơm canh , gà , ếch xào…như món ăn Việt; muỗng nĩa trụn trong ly nước sôi; tô chén men sứ trắng rất sạch. Bàn bên cạnh là đám Tây bụi với quần soọc áo thun và chiếc ba lô trên vai, da thịt đỏ ửng như tôm luộc, cũng hăng hái ăn không kém. Tôi ăn xong sớm , nên bước ra ngoài hiên quán làm vài động tác thư giản. Gần đó là vài hàng quà đặc sản địa phương , tôi tò mò đến xem cho biết . Đặc biệt là mấy thau dế chiên (hay rang ?) đen thui còn nguyên con: đầu, cánh, cẳng và không mổ bụng nhét đậu phộng. Cạnh bên là một thúng con gì lông lá u xù to cở ngón chân cái, nhìn kỹ thì ra con nhền nhện ( họ gọi là con nhền nhện núi , to hơn nhền nhện nhà nhiều), cũng để nguyên con chiên lên. Mỗi dân tộc có một khẩu vị và sở thích riêng, chúng ta đừng vội nhìn đó rồi đánh giá, so sánh cao thấp giữa các nền văn minh. Như món tiết canh của ta, nếu người Tây phương tận mắt chứng kiến cảnh cắt cổ lấy huyết thì họ té xỉu luôn đó.
Thành phố Kampong Cham là thành phố lớn thứ ba ở Kampuchia, sau Phnom Penh và Siem Riep, nằm ven bờ hữu sông Mekong , trước khi vào thành phố phải vượt qua chiếc cầu Hữu Nghị bắc qua sông do Nhật xây viện trợ, hoàn thành đầu thiên niên kỷ mới. Tỉnh trưởng là Hun Nen, anh em với thủ tướng Hun Xen. Từ trên cầu nhìn sang bên phải , thành phố lô nhô những nóc nhà ngói đỏ và cao ốc, một minh chứng cho sự phát triển hồi sinh sau chiến tranh. Rất tiếc vì thời gian eo hẹp nên chúng tôi không thể rẽ vào ghé thăm thành phố trẻ này được , đành hẹn khi khác.
Gần đến Phnom Penh , lượng xe lưu thông tăng lên thấy rõ, các loại xe du lịch của Nhật vẫn chiếm số đông hơn Đức Pháp Mỹ, rất hiếm xe Hàn Quốc. Đặc biệt có rất nhiều xe Lexus, một loại xe dòng sang của hãng Toyota , mà các đại gia bên VN rất chuộng đi để khẳng định đẳng cấp. Tỉnh Kandal bao bọc lấy thủ đô Campuchia giống như tỉnh Gia Định bao quanh Sài Gòn trước kia. Nhà cửa nhiều hơn , to đẹp hơn , nhất là nhà của người Tàu , trước cửa có dán bùa giấy đỏ, bùa bát quái và kiếng chiếu yêu. Một lần nữa chúng tôi lại vượt sông Mekông để vào Phnom Penh .
Khách sạn nơi chúng tôi ngụ là của người Hoa làm chủ, cao bảy tám tầng, nằm giữa trung tâm thành phố, xét theo tiêu chí tiện nghi thì cở đẳng cấp ba sao. Xe dừng tại sảnh trước , có bảo vệ mặc đồng phục mở cửa xe và cô tiếp tân ngồi quầy đứng lên nhoẻn cười , chắp tay chào khách. Hình như cô kém vui khi thấy Passport của chúng tôi, không biết các bạn đồng hành có nhận xét thấy như vậy không hay tại tôi chủ quan ? Suốt trong thời gian lưu lại đây , tôi đã nhiều lần nhìn thấy những ánh mắt dè dặt kín đáo như vậy, khi biết chúng tôi là người Việt. Chiến tranh qua chưa lâu , trong ký ức mọi người vẫn còn những vui buồn lẫn lộn chưa phai nhòa , mặc dù tượng đài hữu nghị hai nước vẫn trang trọng nằm giữa lòng thủ đô để tri ân những người lính đã giúp cởi ách diệt chủng; nhưng đồng thời vẫn có những người kích động lòng hận thù giữa hai dân tộc vì ý đồ mưu lợi riêng tư cho cá nhân và phe đảng , như ông Sam Rainsy và Đảng Đèn cầy của ông ta ( Sam Rainsy Party , biểu tượng của đảng này là hình chiếc đèn cầy trắng đang cháy trên nền tròn xanh ) . Tổn thất của VN trong trận chiến với Khmer Đỏ là không nhỏ ; nếu bạn nào từng viếng nghĩa trang liệt sỹ ở Lộc Tấn ắt đã thấy ; nhất là đất nước đang kiệt quệ vì mới qua chiến tranh chưa lâu. Đánh qua biên giới để tự vệ là đúng hay lập vành đai bảo vệ biên giới là đúng ? Gọi người lính VN, những người đã chịu tổn thất mất mát, là xâm lược ư ? Hay gọi thái độ lạnh nhạt của người dân Campuchia đối với những người cứu thoát mình là vô ơn , có đúng không ?
Nhận phòng , tắm rửa xong , chúng tôi cảm thấy thoải mái hẳn lên , và rủ nhau lên xe làm một vòng quanh Phnom Penh . Điểm dừng cuối cùng là quảng trường trước Hoàng Cung, nhìn ra sông Tonle Sap, một nhánh Mekong . Buổi chiều gió lộng , làm một dãy mấy lá cờ lớn của các nước bay phần phật trong gió. Đây là cờ các nước có đặt quan hệ ngoại giao với Campuchia, kể cả Liên Hiệp Quốc. Một phụ nữ trung niên đeo chiếc máy ảnh trước ngực quanh quẩn bên cạnh chúng tôi , gạ chụp ảnh lưu niệm, nói bằng tiếng Khmer. Một hồi lâu sau , xem chừng đã đủ thân thiện thì chị chuyển sang nói tiếng… Việt. Thì ra chị dân gốc Trà Vinh , sang đây đã hơn chục năm, con cái quen nói tiếng Khmer hơn tiếng Việt, đi học trường Khmer và chỉ biết nói tiếng Việt bập bẹ. Buồn !
Đến đây xuất hiện một nhân vật mới : Khườn , dân Củ Chi nhưng có vợ người Campuchia, là bạn của… bạn tôi. Chuyên nghề buôn sỉ tạp hóa từ VN và bỏ mối bán lẽ cho bạn hàng gần chục chợ ở Campuchia.Anh rất mừng khi liên lạc được với bọn tôi và nhất quyết phải được mời cơm chiều do anh chiêu đãi mới được. Quán gần sân vận động Olimpic, rất đông khách , lấn ra cả ngoài vĩa hè, đồ ăn thức uống sạch sẽ , lạ miệng . Người Việt ta , món ăn dù có sơn hào hải vị tới đâu cũng không thể thiếu nước mắm thì người Campuchia cũng vậy , không thể thiếu món mắm – bò - hóc , một món ăn quốc hồn quốc tuý của họ. Thịt cá lóc trộn với thính và một vài gia vị, làm thành món nêm nếm không thể thiếu trong bữa cơm. Cũng là mắm bò hóc nhưng có gần hai chục loại tùy sở thích từ sang tới hèn , từ giàu tới nghèo.Bữa cơm kèm bia ABC gồm năm người, tốn hết bốn trăm ngàn ria ( riel) tức một trăm đô, tức hơn một triệu sáu trăm ngàn VNĐ.
Lên xe trở về khách sạn thì phố đã lên đèn. Cả bọn rủ nhau xuống tầng hai của khách sạn để rửa mắt. Gần trăm em mặc đồ đồng phục ngắn hết cở, đứng ngồi lố nhố trên những cái bục giống như xem đá banh hạng cá kèo , em nào cũng mặt hoa da phấn và tươi cười hớn hở ; ngồi trong phòng cách ly với khách ngắm hoa bên ngoài bằng tấm vách kính trong suốt, đèn sáng rực như ban ngày. Ngực trái mỗi em đều có đeo một số hiệu riêng, mỗi khi khách ưng em nào thì báo cho nhân viên biết để gọi vào trong bằng đường truyền riêng, khi loa trong phòng cách ly báo số mấy…có khách thì tất cả đều phải vỗ tay mừng cho bạn.
Tất cả khách ngắm hoa đều được chiêu đãi nước uống miễn phí. Tôi nhìn quanh thì thấy da vàng , da đen , da trắng có đủ. Dân Đài Loan, Trung Quốc dễ nhận biết nhất , một phần vì họ xì xồ , xì xào luôn miệng, một phần vì họ chuyên mặc quần soóc áo thun dép lê, tay thọc trong quần và mắt nhìn hau háu. Giờ này chưa phải giờ cao điểm vì còn sớm nên khách không đông lắm, bọn tôi chia làm hai phe : một số mua ticket massage, số còn lại có tôi thì xuống sảnh có Khườn đánh xe riêng đến đón, mời về nhà chơi cho biết .
Nhà Khườn là một căn phố lầu hai từng, nhà ở kiêm kho hàng nên vật dụng, hàng hóa chất lung tung nơi nào cũng có , giống như mấy khu phố người Hoa trong Chợ Lớn vậy. Cuộc sống xem chừng khấm khá có của ăn của để. Thấy có khách thì mấy đứa nhỏ đều chắp tay ngang ngực chào lễ phép, còn bà vợ thì lăng xăng tìm ghế ngồi cho khách. Tha hương ngộ cố tri , Khườn một hai đòi làm hướng dẫn viên cho bọn tôi đi chợ và tham quan Phnom Penh, nhưng bọn tôi từ chối khéo vì lịch làm việc đã chật kín không thể thay đổi được.
Khi bước ra sân chuẩn bị về , một hình ảnh làm chúng tôi rất ngạc nhiên là xe hơi đậu qua đêm đầy trên vĩa hè trước mỗi nhà. Bộ họ không sợ bị gỡ kính chiếu hậu , mâm chụp bánh xe hay chóa đèn sao ta ? Khườn giải thích cho thắc mắc của tôi là xóm này dân tình đàng hoàng hồi nào giờ nên không sợ mất cắp chớ nơi khác thì cũng giống như ở VN thôi. Lúc chia tay , tôi hẹn sẽ gặp lại bạn lần sau ở Bến xe Chợ Lớn, nơi bạn đi bổ hàng mỗi tháng. Tạm biệt một người bạn mới quen trên đất khách.
Về khách sạn thì bọn tôi bắt phe đi massage khi nãy phải tường thuật lại rõ ràng chi tiết xem kỹ thuật có gì khác bên VN không. Anh bạn vừa cười vừa kể : “ Trời đất ơi , tao tưởng đi trả thù dân tộc , nhè lựa ngay một đứa VN. Mới biết gái Việt là đẹp nhứt thế giới nghe. Sau này em mới giải thích là gái Việt đeo số màu xanh , còn gái Campuchia , Tàu , Thái đeo thẻ màu đỏ. Nó ở Tân Hồng ( Đồng Tháp ) , xin số của tao để về VN rủ đi chơi. Cháy nhà như chơi , ngu sao”.
Tôi chưa chịu tha , hỏi tiếp : “ Nhưng mà nó massage có …đã không ?” Anh ta lảng sang chuyện khác : “ Một vé massage thời gian là 60 phút nhưng tùy theo ý muốn của khách , muốn bao lâu cũng được , miễn là trả thêm một giờ là 5 đô cho khách sạn, còn mát xa mát gần thế nào là tùy thỏa thuận giữa hai người”.Có một chuyện vui , bác tài lái xe cho bọn tôi là người Campuchia rất thiệt thà. Khi nghe nói đùa là sẽ khấu trừ tiền vé massage vào tiền thuê xe thì anh ta mặt mày tiu nghĩu , khi được hỏi là có muốn mua vé không thì anh ta lắc đầu quầy quậy ; đến chừng được nghe là bao miễn phí thì bộ mặt hớn hở hẳn lên.
Buổi sáng hôm sau , chúng tôi ăn điểm tâm ở một khu có nhiều hiệu ăn người Việt, tất cả đều nói tiếng Việt, thỉnh thoảng mới chen vào tiếng Khmer. Người Việt chúng ta thuộc nhóm nhân chủng khác với người Campuchia, một bên nước da sáng ,tóc thẳng còn một bên tóc quăn, da vàng sậm như đen , tròng trắng nhiều hơn tròng đen , lông mi dài…Cách ăn vận , phong tục tập quán, ngôn ngữ chữ viết cũng khác. Trong khi dân tộc Khmer, Chăm , Thái , Lào, Miến…có nhiều nét tương đồng hơn. Nhưng tính tình cần cù , chịu cực chịu khó, thông minh sáng láng, ham học hỏi của dân tộc Việt thì không ai phủ nhận được.
Cuộc làm việc có hẹn trước của anh bạn tôi diễn ra tại khu biệt thự sang trọng , nghe nói là nhà của một vị tướng, gần phi trường Pochentong. Thực ra chỉ là thảo luận để đi đến thống nhất nội dung một bản ghi nhớ, chưa phải là hợp đồng chính thức. Cát khai thác hai bờ Mekong sẽ được vận chuyển bằng xà lan về VN, tập kết tại bãi trung chuyển ở An Giang hay Đồng Tháp gì đó…Cát cũng được phia chia ra nhiều loại , từ cát xây dựng đến cát san lấp , gọi là cát dơ có lẫn >10% tạp chất. Cuối buổi làm việc , bên đối tác ( Việt kiều ) mời tất cả về nhà chơi cho biết và dùng cơm trưa luôn.
Xe chạy qua một khu vực có nhiều trường Đại Học và Cao Đẳng, bảng tên trường ghi bằng hai thứ tiếng Campuchia và Anh. Sinh viên có trường mặc đồng phục có trường không , nhưng dù sao cũng mừng cho đất nước bạn, còn có được tầng lớp trí thức quý báu ít ỏi, tưởng đã bị bọn Pon Pot đập đầu chết hết rồi. Vậy mà cái bọn người vô nhân độc ác kia , bọn người đã đem thứ chủ nghĩa Mao ngoại lai về gieo rắc cái chết cho cả một dân tộc lại vẫn sống phây phây mạnh giỏi , không hề bị tập trung cải tạo gì cả.
Phải , Campuchia trình độ dân trí chưa cao nhưng thiểu số lãnh đạo sáng suốt biết thế nào là hòa hợp hòa giải dân tộc, biết lấy nhân nghĩa để thắng bạo tàn. Lính Khmer Đỏ rã ngũ phần nhiều là do chính sách đoàn kết dân tộc , không tra cứu trả thù của chính phủ Hun Xen chứ đâu phải bằng những trận đánh tắm máu. Ngày nay , Campuchia theo thể chế đa đảng đa nguyên và đã bãi bỏ án tử hình từ lâu.
Cửa ngõ phía Nam của Phnom Penh có một cây cầu lớn bắc qua sông Bassac ( một nhánh Mekong ) , nối con đường quốc lộ số 1 từ Tây Ninh (VN) sang, gọi là cầu Sài Gòn. Bên kia cầu, phía trái nếu đi từ thủ đô ra , là xóm người Việt ở , đa số là mái tôn lụp xụp. Nghe nói năm trước có một trận cháy kinh hồn , làm tiêu tan hơn trăm nóc gia. Nhưng nhà của anh bạn đối tác thì không lụp xụp chút nào, cao to oai vệ và có cả chó bergiê nữa. Hỏi ra thì anh là lính Quân khu , khi xuất ngũ thì không về VN mà ở lại làm ăn sinh sống luôn. Đây là đạo quân thứ năm của chính phủ VN hiện nay.
Xế trưa thì chúng tôi về khách sạn nghĩ ngơi , sau đó làm thủ tục trả phòng và đảo qua chợ để mua quà . Đặc sản ở đây là khô , mắm nhất là mắm cá sủ để nguyên con cở chừng 3 – 5 ký, dễ vận chuyển bảo quản hơn là con 10 , 20 ký. Cá được gói trong mấy lần giấy, bên ngoài bọc kín bằng băng keo , vậy mà mùi …thơm của nó vẫn xông lên điếc mũi. Mắm cá xủ chặt khứa , chưng với gừng thơm ngon bát ngát , là món quà quý cho các bà các cô ở quê nhà . Khô cá thì tôi mua mỗi loại vài ký, cũng gần chục ký. Còn dầu gió , dầu nóng thoa bóp thì sẵn tiện mua luôn chứ bây giờ bên VN cũng bán đầy.
Buổi chiều , trên đường trở ra ngoại ô, vẫn con đường vào sáng qua, thì khung cảnh ngược lại : càng ra xa càng ít ánh sáng văn minh. Chỉ khi lướt qua các thị trấn chợ huyện thì mới thấy nhà cửa phố xá đông vui một chút, còn lại hầu hết vẫn chưa có điện. Xe lao vun vút bỏ lại Phnom Penh sau lưng kèm theo một chút tiếc nuối vì đi xem chưa hết các thắng cảnh của nước bạn nhưng không sao , tôi sẽ còn quay lại nữa , chắc chắn thế…