Năm Tý qua muộn bàn về chuột...

GS TRẦN ANH

TẠI SAO CON CHUỘT ĐỨNG ĐẦU ĐỊA CHI?


Âm lịch được tính toán dựa theo thiên can và địa chi. Thiên can theo thứ tự là: giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý. Chữ "thiên can"( 天干), trong nghĩa gốc cua nó: "thiên" ( 天) là trời, "can" (干) còn có âm là "cán", có nghĩa là thân gốc, cốt cán."Thiên can" có nghĩa rằng trời như là gốc là thân của cây. Còn "địa chi" theo thứ tự là: tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi ( Dân gian thường gọi là 12 con giáp: chuột, trâu, cọp, mèo (hay thỏ ), rồng, rắn ,ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo). Theo nghĩa gốc, "địa"(地) là đất, "chi" (支) là cành, là chân tay. "Địa chi" bao hàm ý nghĩa: đất như là cành, ngọn của cây. Sự kết hợp giữa "thiên can" và "địa chi" mới làm nên cây hoàn chỉnh, có gốc thân và cành ngọn. Cây đó chính là cây thời gian, mà âm lịch là biểu tượng của nó.
    Nhưng tại sao trong 12 con vật tượng trưng cho địa chi, con chuột lại được xếp đứng đầu?
    Người ta giải thích điều đó bằng 4 cách khác nhau sau đây:

       1/ Bên cạnh những điểm xấu,  con chuột có những điểm tốt  hơn hẳn những con vật khác:
          Từ xa xưa, con chuột luôn kề cận với con người, mặc dù nó không mang lợi ích gì cho nhân loại (ngoại trừ nó được dùng để làm thí nghiệm ). Trái lại, nó gây tác hại, gây bệnh cho loài người là vô kể. Cho nên "chuột" thường dùng để chỉ cái xấu. Chuột trong tục ngữ, ca dao đều mang ý nghĩa xấu xa. "Mắt dơi, mày chuột" dùng để chỉ kẻ gian ngoa, đạo đức giả. "Đầu voi đuôi chuột " từ dùng để phê phán những việc làm cốt để phô trương ban đầu, mà kết cục thì chẳng được gì. "Cháy nhà mới lòi ra mặt chuột" để diễn tả cái xấu xa khéo giấu giếm, đến khi không còn gì che đậy nữa mới hiện nguyên hình...Chuột là hôi hám dơ bẩn: "Chuột chù chê khỉ rằng hôi. Khỉ mới trả lời: cả họ mầy thơm?". Ngạn ngữ Á Rập còn lên án cái dối trá cực độ của loài chuột bằng cách so sánh thú vị : " Cơn giận dữ cua con mèo còn tốt hơn sự trung thực của con chuột."...
        Chuột xấu là như vậy, nhưng cổ thư cũng thừa nhận: "在 人 鼠  共 處 的 漫 镸歷史, "鼠" 早已 集 生物 性 咊 人文 性" ( tại nhân thử cộng xứ đích mạn trường lịch sử, "thử" tảo dĩ tập sinh vật tính hoà nhân văn tính), nghĩa là: "Trong lịch sử lâu dài, ở những nơi người và chuột ở chung, từ lâu, chuột đã tích hợp được tính sinh vật và tính nhân văn"            
           Như vậy, rõ ràng từ xa xưa, cổ nhân cũng thừa nhận : Dù là con vật xấu xa, con người không ưa thích, nhưng khi gần gũi với con người, tự thân con chuột cũng hoà hợp được tính nhân văn với tính sinh vật của nó.          
         Trong văn học cổ Trung Hoa, người ta phân biệt chuột theo đặc tính riêng của từng loại, và tuỳ theo đặc tính đó mà mỗi loài chuột đi vào điển cố để hình thành các từ dùng để chỉ con người có đặc tính tương ứng với nó. Có loại "Tương thử" là chuột ở xứ Tương, thuộc tỉnh Hà Đông, đi lại được  trên 2 chân sau. Người ta cho rằng chuột đi trên 2 chân là vô lễ, nên từ " tương thử" dùng để chỉ những người vô lễ. Ngược lại, có loại chuột có tên là "Lễ thử". Chuột nầy biết đào hang sâu để tích trữ thức ăn, biết chữ "tiết lễ", biết giữ khí tiết, khi hang chúng bị xâm hại, chúng sẽ tự sát. Có lẽ, chuột nầy được truyện nôm khuyết danh của ta ca ngợi trong tác phẩm "Trinh thử" (con chuột khi vắng chồng, đã giữ tròn chữ "trinh" một cách cao cả trước cám dỗ và áp lực của con chuột đực khác...
         Ngoài ra, Tuân Tử còn nhắc đến một loài chuột có tên là Ngô thử. Chuột nầy sống dưới gốc bắp (ngô), có 5 tài nên còn được gọi là Ngũ kỹ thử. Chúng có thể bay được, nhưng không bay nổi qua tường. Chúng biết trèo, nhưng trèo không hết trọn thân cây. Chúng bơi được, nhưng không bơi qua khỏi dòng nước hẹp. Chúng biết chạy, nhưng chạy thua con người. Chúng biết đào hang, nhưng không đào sâu được để giấu mình...Tóm lại chúng có nhiều tài, nhưng đều là tài mọn, nên người ta dùng nó để chỉ những người làm được nhiều nghề, nhưng chẳng nghề nào tinh cả, như tục ngữ khẳng định: "một nghề thì sống, đống nghề  thì chết", "nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh."     
      Sống gần con người , chuột tích hợp được tính nhân văn bởi vì chuột là con vật nhỏ bé nhưng tinh ranh, thông minh. Con chuột trong cổ tích luôn chiến thắng những con vật to mạnh hơn mình bằng mưu mô và tài trí. Thời nào người ta cũng muốn tiêu diệt chuột, nhưng nào có được đâu, có lúc còn phải sợ nó và bóng gió gọi nó bằng "ông Tý".
          Hơn thế nữa, dân gian cũng hiểu rõ thân phận thấp hèn của con chuột đôi khi cũng may mắn, nên mới có câu thành ngữ: "Chuột sa hũ nếp". Đây là câu diễn tả sự may mắn của những người khốn khó.
          Rõ ràng là không những thấy được  những mặt xấu xa của loài chuột, con người còn phát hiện được những điểm tốt của nó là: mang tính nhân văn, thông minh và may mắn. Chính vì vậy người ta cho nó đứng đầu 12 con giáp.  

         2/Quy luật họat động của con chuột phù hợp với giờ đầu tiên của một ngày mới:
         Giờ Can Chi ngày xưa dài gấp đôi giờ ngày nay, nên 1 ngày- đêm chỉ có 12 giờ, bắt đầu là giờ tý (từ 11 khuya -1 giờ sáng, giờ hiện nay). Đây là thời gian con chuột hoạt động nhộn nhịp nhất. Đây cũng là khoảng thời gian hỗn độn, đen tối nhất trong ngày
phù hợp với đặc tính bẩn thỉu, xấu xa của con chuột, đồng thời phù hợp với quan niệm của người xưa: "Thiên khai ư tý" (trời bắt đầu mở ra từ giờ tý).
     Tiếp đến là giờ sửu (từ 1-3 giờ sáng, giờ hiện nay). Đây là giờ trâu đang nhai lại, chuẩn bị đi cày. Giờ dần ( từ 3-5 giờ sáng) là lúc con cọp hung hãn nhất khi đi tìm mồi. Giờ mão (có nơi cho là mèo, có nơi cho là thỏ: từ 5- 7 giờ sáng) là lúc con mèo hăng
hái đi bắt chuột, lúc ấy mặt trăng (con thỏ ngọc) vẫn còn chiếu sáng. Giờ thìn (từ 7-9  giờ sáng) là lúc rồng đang làm mưa. Giờ tỵ (từ 9-11 giờ sáng) là lúc rắn vào hang, không hại người. Giờ ngọ (từ 11-1 giờ trưa) là lúc ngựa có dương tính, chạy lồng lộn nhất. Giờ mùi (từ 1-3 giờ trưa) là lúc dê ăn cỏ. Giờ thân (từ 3-5 giờ chiều) là lúc khỉ thích nhảy, hú. Giờ dậu (từ 5-7 giờ chiều) là lúc gà bắt đầu vào chuồng. Giờ tuất (từ 7- 9 giờ tối) là lúc chó phải canh nhà. Giờ hợi ( từ 9-11 giờ tối) là lúc heo ngủ say nhất.
         
          3/Thuận theo  nguyên lý âm-dương:

          Theo nguyên lý âm dương, các số lẻ 1,3,5,7,9 là số của trời, số dương; các số chẵn là số của đất, số âm. Vì là địa chi, nên căn cứ vào số móng vuốt của các chi của con vật để xác định âm dương. Chân những con vật: cọp, rồng, khỉ, chó có 5 ngón, ngựa có 1 móng, đều mang số lẻ nên chúng thuộc dương. Chân các con vật: trâu, mèo (thỏ), dê, gà, lợn đều có 4 vuốt thuộc số chẵn, nên chúng thuộc loại âm. Rắn tuy không có chân, nhưng lưỡi nó chia ra làm 2 nên cũng được tinh là âm.
       Đặc biệt, chuột thuộc dương ( chân sau nó có 5 móng, số lẻ), nhưng lại có chút tính âm ( vì chân trước nó có 4 móng, thuộc số chẵn). Cho nên nó có vị trí đặc biệt là được đứng đầu. Giờ tý bắt đầu một ngày. Đây là thời điểm hỗn mang nhất, âm dương
lẫn lộn, phù hợp với đặc tính của con chuột vừa có âm, vừa có dương.
             
           4/ Theo quan niệm của truyền thuyết d
ân gian.
      Tương truyền Ngọc Hoàng thượng đế chọn được 12 con vật tượng trưng cho 12 con giáp, nhưng chưa biết sắp xếp thứ tự thế nào, nên thông báo cho các con vật đó ở thế gian biết: "Ngày lên thiên đình nhậm chức, con nào đến sớm nhất sẽ được đứng đầu và tiếp theo là các con đến sau đó. Chuột nhỏ con, nhưng mưu trí, đi nhờ trên lưng trâu. Trâu to khỏe, cần mẫn, chạy nhanh liên tục, nhưng khi gần đến đích, chuột trên lưng trâu phóng nhanh ra phía trước mặt trâu, nên được tính về nhất, được xếp đứng đầu, kế đến là trâu, và tiếp theo là cọp, mèo (thỏ), rồng, rắn...
       Câu chuyện nầy được kể theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là: con chuột nhờ mưu trí, thông minh nên đến trước nhất và được xếp ngôi đầu bảng của thập nhị chi.
        Tóm lại, con chuột đứng đầu thập nhị địa chi (12 con giáp) được giải thích bằng 4 cách trên. Mỗi cách theo một tư duy khác nhau, nhưng nhìn chung, đều thừa nhận con chuột có điểm ưu việt hơn những con vật khác, vì nó tích hợp được tính nhân văn, thông minh, hội tụ được cả âm dương, có thêm được một chút may mắn, nên xứng đáng đứng đầu 12 con giáp.
        Có lẽ những yếu tố giúp con chuột đứng đầu địa chi cũng giống như những điều kiện để con người vươn cao nhất trong cuộc đời mình. Đó là nhân tính, tài năng, sự hoà hợp và một chút may mắn./.

TRẦN ANH

(Bài đã đăng báo “Xuân Kiến Thức ngày nay” 2020)