Mùi nhớ!
Dong Trinh


Buổi tối hôm trước, mưa tầm tả suốt đêm. Sáng nay, tôi đi ngang chợ cá, chân mang đôi dép Nhựt Bổn quai kẹp, cứ mỗi bước là chiếc dép bị dính xuống mặt đường, dở chân mạnh lên, nước bùn văng tứ tung, mà khi về đến nhà , nhìn ngược vô cái tủ kiếng, lời thôi, tôi thiệt tình không thể nào tưởng tượng được. Từ lai quần đến cổ áo, lấm tấm những chấm đen, tôi phải lật đật thay ra đem đi giặt lập tức. Còn chân tôi đầy bùn lầy, nhớp nhúa...mùi tanh nồng nặc bay lên xông vô mủi theo từng cơn gió từ dưới bờ sông. Những người đàn ông rán bưng mấy thùng thiếc tròn cỡ bằng cái nia sàng gạo , chiều cao cỡ bốn tấc từ hướng vựa cá Long Vân đi tới. Ông chủ vựa còn trẻ lắm, lối chừng bốn mươi, dáng người mập ú, mặc quần xà lỏn, áo sơ mi trắng ngắn tay, theo sau, tay cầm cuốn sổ, miệng chỉ huy đám người làm công. Mấy chị bán cá mặc toàn đồ đen, chắc như vậy thì dù có dơ, có ướt cũng hỏng đến nổi nào. Tôi lom khom chỉ một con cá lóc hơi hơi trọng, kêu chị Bảy cân. Con cá hơn một ký, mập tròn quay. Chị bắt đầu chặt vi, đánh vẫy, lạng da rồi mổ bụng, móc ruột. Một đùm trứng màu vàng thiệt lớn! Cha! Điệu này kho chung với cá là ngon hết ý nha. Chị Bảy làm con cá sạch trơn, thiệt là lẹ, thiệt là thiện nghệ. Xong, chị lấy sợi dây lát, luồn qua cái hàm con cá, cột lại tòn teng đưa cho tôi. Trả tiền xong, tôi vội bước đi cho thiệt lẹ...tanh quá...! Vô tới chợ khô, trời nắng gắt, mùi khô bốc lên nồng nực. Từng sạp, từng sạp nào khô tra, khô lóc, khô sặc, khô cá thiều...mỗi giỏ cần xé là một loại. Bỗng có tiếng la thất thanh:
-Trời ơi, chết tui rồi!
-Nè tao đập chết mẹ mày để coi mày còn dám phá giá tao nữa không?
Tôi quay qua, người ta đương bu đen nghẹt. Tò mò, tôi cũng chen vô ngó coi chuyện gì xấy ra...Ý trời đất quỷ thần ơi, con Chín bán khô mà tôi thỉnh thoảng hay ghé qua mua, hai tay đang ôm đầu, máu chảy ròng ròng chạy dài xuống mặt, xuống vai đỏ chét, con nhỏ vừa khóc vừa la ỏm tỏi. Bà Bốn tay còn cầm cái cán cân, dá dá vô đầu con Chín, miệng thì tru tréo:
-Mày mà còn tiếp tục cái mãng đó nữa là tao đập cho nát đầu mày ra...

Trời! Người gì mà dử quá chừng vậy nè! Cả khu chợ khô này ai cũng biết tiếng của bả, bả có cái gốc bự lắm nên không coi ai ra gì hết.
Một người đàn ông lật đật vẹt đám đông , bước vô, vác con Chín chạy lẹ về phía trên, chắc là đưa con nhỏ đi nhà thương.
Mọi người bàn tán xầm xì một lát rồi cũng vãng ra, mạnh ai nấy lo trở về gian hàng của mình, tiếp tục rao hàng, trả giá. Sinh hoạt trở lại bình thường trong hỗn độn, ồn ào của buổi chợ sáng, chuyện hồi nãy xây ra như ăn cơm bữa mà!
Tôi rão bước về hướng nhà lồng chợ. Tiếng xèo xèo, một làn khói mỏng bốc lên, mùi thơm ngào ngạt của dừa, của đường tán, của nước cốt dừa hoà lẫn nhau, quyện vô mủi tôi. Cái mùi của những món bình dân, rẽ tiền này lại vô cùng độc đáo sau khi cái bánh dừa được nướng chín trong cái khuôn sắt tròn lớn cỡ chục gắng tay. Ông già Tàu trong bộ xá xẩu vải đen mộc mạc vừa dở nắp bánh ra, người người bu đen kín xung quanh ông đang xoè tay đưa tiền ra:
-Tui hai miếng!
-Tui một miếng!
-Tui bốn miếng!
Ông già cầm con dao lưởi dài cả bốn năm tấc, sắc lẽm, cắt ngang cắt dọc ổ bánh thiệt,khéo, thiệt đều, miếng nào miếng nấy bằng y nhau như đã được đo sẵn. Tay đưa bánh, tay thu tiền, thoáng cái, ổ bánh hết sạch, ông lại tiếp tục đổ ổ khác.
Gần đó, mấy xe mì, hủ tíu bốc hơi lên khiến bụng tôi nghe đói cồn cào. Mùi nước lèo đặc biệt mà sau này tôi nhiều lần tập nấu vẫn không làm sao giống được.
Bên lề đường Đoàn Trần Nghiệp, trước cửa tiệm gạo Đức Hoà, tiếng cạp cạp, tiếng chíp chíp, tiếng mấy chị bán gà, vịt mời khách. Cứ thỉnh thoảng, chị hốt một nắm thóc đã ngâm nước, cố banh hai cái mỏ của mấy con gà ra để nhét thóc vô. Hèn gì bầu diều con nào con nấy đầy căng. Mấy chị làm vậy để cho gà nặng cân thêm. Đầu cổ, áo quần chị nào chị nấy đầy lông gà lông vịt. Mùi phân ngai ngái xông lên dưới ánh nắng chói chang của mùa hè.Tôi rãi bước lên phía tiệm vàng Nhựt Hưng, trên lề đường, nào tô, dĩa, chén lu, khạp..bày lủ khủ, đủ cở. Những xâu chén một chục mười hai được cột bằng sợi nylon hường, chắc chắn để san sát nhau. Mấy cái tô có hình con gà trống với cái đuôi dài cong vút, cái mồng đỏ chét, đứng oai vệ gì đâu. Ngày xưa, đối với nông dân, con gà trống đóng một vai trò rất quan trọng. Sáng chiều, nó gáy to để báo hiệu mặt trời mọc và khi hoàng hôn xuống. Vì vậy, cái tô, cái chén có hình con gà trống là coi như tượng trưng cho chén lập nghiệp của nông dân thời xưa. Một động cơ thúc đẩy họ luôn cần cù với mãnh ruộng quê hương.Bữa ăn luôn được coi là rất quan trọng trong đời sống hàng ngày, nên vật dụng ăn uống cũng được mọi người chú tâm đến. Nhà giàu thì dùng chén kiểu rông, phượng trong khi đó, người nông dân , lao động thì rất chuộng những tô chén có hình con gà trống đen tuyền, bên cạnh còn có nãi chuối và bông hoa để tượng trưng cho sự may mắn.
Rồi tôi lại lang thang về phía tháp đồng hồ cao ngất ngay phòng thông tin. Xung quanh đó, những tiệm sách báo Nam Cường, Ngọc Thành, Việt Hưng, Minh Cường...người mua báo, kẻ lựa sách. Tiếng bào nước đá xèn xẹt đều đặn từ mấy cái xe đậu đỏ bánh lọt, tiếng máy xay nước mía, tiếng lốc cốc của mấy đứa nhỏ gõ mì. Mùi thơm ngất ngây của nồi chè hột điều có cô chủ tên Hiền mà thiệt lanh hết sức. Mùi bánh xèo nứt mủi người ngang qua, cầm lòng không đặng, phải ngồi xề xuống kêu một cái, bự bằng cái dĩa bàng. Ôi thôi bánh màu vàng nghệ, hơi cháy cháy nâu nâu, bên cạnh mấy lá xà lách xanh mướt, vài cọng tía tô tím thẩm, mấy lá húng lủi xanh dờn, thêm dấp cá có mùi tanh tanh nhưng vị lại chua chua. Khách lấy tay, ừ ăn bánh xèo là phải dùng tay mới đúng điệu nhen quý vị. Từ từ, xé miếng bánh xèo ra, thịt ba rọi, trắng hếu bóng mỡ, mấy con tép hồng ló dạng bên những miếng nấm đen, còn có thêm hành củ, hành lá, giá. Cho lên miếng xà lách, kèm mấy loại rau nho nhỏ, từ từ cuốn lại. Chấm vô chén nước mắm tỏi, ớt, chanh đường, đưa lên miệng, cắn một miếng thiệt bự mới đã nha...ôi thôi..nóng nóng, dòn dòn, cay cay, mặn mặn. Xong lại hớp một ngụm trà huế nóng hổi, khà một tiếng...ý cha chả, ngon gì đâu là ngon, ngon quên trời quên đất và quên cả đường về!

Lần vài bước ngắn, tiệm nước Đức Thình Hưng mà cả nhà tôi hay gọi bằng một cái tên thiệt là bình dân là tiệm nước hai căn vì nó có hai căn liền nhau. Đơn giản và dễ nhớ nhất. Trưa nào tôi cũng xách cái ly cối xuống đây mua cho má tôi ba đồng cà phê sửa. Tôi không biết uống cà phê nên không cảm nhận được cái hấp dẫn của nó tới đâu mà lại lôi cuốn bao nhiêu là người, sáng sớm phải có một cái xây chừng, viên xíu mại thì mới đi làm nổi. Trưa dỗ cơn buồn ngủ bằng ly cà phê sửa đá với cái bánh đậu xanh có tròng đỏ hột gà muối thiệt ngon. Mùi cà phê nồng nàn lôi cuốn bao người vậy mà không sao gây cho tôi một chút thèm thuồng. Về ngang qua ngã ba Lê Văn Duyệt, bến xe ngựa còn lưa thưa vài chiếc, những vũng nước sủi bọt được mấy con ngựa thảy ra, lênh láng trên mặt đường, chảy ròng ròng xuống cống kế bên khai ngấy. Tôi cứ thông thả từng bước về nhà.

Bước qua ngạch cửa, ba đang ngồi nơi phòng khách đọc báo, tôi khẻ gọi :Ba! Người ngước mắt lên nhìn, rồi lại cuối xuống tiếp tục đọc dở dang một mẫu tin trên tờ Tiếng Dội Miền Nam của ông Trần Tấn Quốc. Lần vô trong, giường nệm, ván gõ...để san sát nhau...anh Thọ và Khánh đang say sưa ngủ, chị Hai đứng trước tủ kiếng chải đầu sửa soạn đi dạy. Chị im lặng ngó tôi đi ngang qua. Xuống tới nhà dưới, má và dì Sáu đang ngồi trên bộ ngựa lặt rau, gọt bí...bếp lửa hồng nghĩ ngút khói, mùi thịt kho tiêu thơm nứt mũi. Tôi đến cạnh má hỏi : hôm nay má có mua bánh thuẩn cho con không? Má dịu dàng bước tới tủ gạc măng rê gần đó, mở cửa lấy cái bánh đưa tôi...tôi đưa tay ra đón...cái bánh và cánh tay má tôi lui dần...tôi càng cố tiến, má tôi càng lui....bóng má khuất dần trong làn khói mỏng, tôi kêu to: Má á á á á á...!

Mở mắt ra...tôi đang đứng trước cửa ngôi nhà thân yêu tự lúc lọt lòng. Ngôi nhà mà tôi đã từng cất tiếng oa oa, rồi bập bẹ từng tiếng kêu ba, ba..cửa vẫn khoá im lìm, cái ống khoá to đùng nằm gọn trong sợi xích sắt luồn từ cái kẻ cửa lá sách! Tôi cầm cái ống khoá lên...bên trong là tiếng cười của chị em tôi, tiếng ho khèn khẹt của ba, tiếng nước chảy róc rách của vòi nước...nước mắt tôi đầy mặt...tôi đã trở về và chẳng có lối vô...
Bên kia vườn bông điêu tàn xơ xác, hồ sen đã cạn nước, trong hồ những rác, những miễng chai, giấy vụn và bùn xình. Sân cỏ tiêu điều héo úa, cây lá tàn lụi. Con đường Nguyễn Thái Học vẫn còn đó nhưng đâu mất hết rồi những bảng hiệu quen thuộc mỗi ngày đập vô mắt tôi, đâu rồi nhà thuốc Tây Lê Quan Quản, đâu rồi tiệm radio Nghĩa Thành, tiệm uốn tóc Tân Thanh, nhà thuốc Võ Văn Chẩm...đâu rồi, tất cả những hình ảnh thân quen đâu hết rồi...tôi lại nghe mùi nồng nặc từ khói xe, mùi xăng nhớt khét nghẹt của tiếng bánh xe rít trên đường.
Những mùi thương, mùi nhớ năm nào của tôi đã trôi dần theo tuổi thơ, chẳng bao giờ quay lại nữa. Nhìn quanh quất đâu đây, lòng bồi hồi, cảm xúc. Tôi vội vã bước đi, như trốn chạy hay muốn tìm lại những gì đã mất của ngày xưa?

Fort Smith, Feb 02-2018

Dong Trinh.