MƯA SÁNG

LƯU THANH BÌNH
----------------------------------------------------------------------------------------------------

Buổi sáng dậy sớm, định xỏ giày đi bộ dọc bờ kè thì trời đổ mưa lâm râm. Thế là mình đành quay lui, trở vô nhà, ngồi bên bàn phím chờ nắng lên. Mưa sáng thường không lớn nhưng dai dẳng, ảnh hưởng đến giờ giấc đi làm và học hành. Ở Việt Nam bây giờ là giữa mùa mưa, có khi ông trời mưa suốt từ sáng đến chiều, nghĩ mệt một lúc vào lúc trưa rồi lại mưa tiếp đến tối. Đường phố thưa thớt người qua, hàng quán vắng vẻ, người bán nhiều hơn người mua. Tuy nhiên những người xa xứ đến đất này mưu sinh đều nhận xét Bình Dương là đất lành, may mắn được thiên nhiên ưu đãi, chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp từ những cơn bão chứ ít khi bị trực tiếp. Mưa dầm chỉ là “sổ mũi nhức đầu” so với những nơi khác phải chịu cảnh thiên tai khốc liệt hơn nhiều.  


Hàng năm đáo lệ, ở xứ Lái Thiêu này, cứ vào giữa mùa mưa là dân buôn bán lớn nhỏ ở chợ kêu khổ, nào tiền góp, tiền hụi, nào tiền thuế, tiền phí, tiền mặt bằng, tiền hoa chi, điện nước, rồi tiền ăn, tiền học hành con cái …trăm thứ. Buôn bán ế ẩm, chi phí ăn thâm vào vốn. Nên đến hẹn lại lên, tháng mưa dầm là tháng bể hụi, khất nợ, giựt nợ. Nhiều người xem lối thoát duy nhứt là chơi …đề, chỉ có trúng đề họa may mới đổi đời. Nhưng xưa nay chưa hề có ai chơi đề mà làm giàu. Cái vòng lẩn quẩn ấy cứ xoay như bánh xe luân hồi. Nhưng dân làm nông, nhứt là miệt miền Tây mới chịu hạn vừa rồi, xem những cơn mưa rửa mặn quý như vàng, người ta cứ ngước mặt cầu trời cho mưa về, đặng làm đất xuống giống. Thật là làm ông trời cũng khó xử : được lòng người này thì mất lòng người kia.

Mưa về, lũ cá sông ngược nước tràn vô đồng sinh sôi nảy nở; mưa về kéo theo nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi chính là nguồn sống của gia đình bao nông dân miền tây. Kể cả bọn trẻ cũng góp phần vào sinh kế (nên có ý kiến đề nghị né tựu trường mùa nước nổi). Năm nay lũ đầu nguồn về chậm, cũng có nghĩa sản vật của trời cho cũng kém, hai đặc sản điển hình mùa lũ là cá linh và bông điên điển thành ra cao giá, một ký bông điên điển gần năm chục ngàn! Chưa kể nhiều món khác như cua, ốc, chuột, rùa, rắn, chim cũng hiếm. Khái niệm miền tây được thiên nhiên ưu đãi, làm chơi ăn thiệt giờ chỉ còn là chuyện cổ tích. Một ví dụ nhỏ là đội quân bán vé số dạo quanh chợ Lái Thiêu đa phần đều là dân miền tây ly hương.  

Nhớ thuở đi học, cái áo mưa là vật bất ly thân, ngày nào cũng thủ sẳn trong cặp, vậy mà có khi mưa bất chợt lấy ra không kịp. Nhà để xe ở trước phòng giám học coi thiệt ngộ : áo mưa xanh đỏ tím vàng đủ màu, phủ trùm lên các xe đạp và xe gắn máy từng dãy dài. Giờ tan trường, những chiếc áo mưa đủ màu như đàn bướm bay ra khỏi tổ. Mặc áo mưa, khổ nhứt là khi leo lên xe đò, xe lam: lóng ngóng không biết để đâu, cuối cùng đành xếp gọn ôm vào lòng. Vô lớp thì vất đại lên mấy bàn cuối, hoặc mắc vào chấn song mắt cáo bên hông. Trường Nam tọa lạc sát đường lộ, nên chỉ vài bước chân là đến lớp, nhưng các bạn bên trường nữ thì phải cuốc bộ một đoạn dài, con đường đất đỏ vô trường nắng bụi mưa lầy. Nay thì con đường này đã tráng nhựa, dẫn vào khu công nghiệp An Thạnh gần kề.

Bây giờ là giữa mùa mưa, đi đâu cũng nghe câu chuyện thời sự : nước ngập. Những năm trước mình xem đó là chuyện người khác, không dính gì tới mình, nhưng nay thì bị lãnh đủ. Chợ Lái Thiêu tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, thoai thoải từ bắc xuống nam, trước chỉ có mấy xã Phú Long, Vĩnh Phú là bị ngập nhưng cũng rút nhanh theo con nước ròng. Nay thì ngập tứ tung, chạy đâu cũng không thoát. Hầu như tất cả ý kiến trên báo đài đều đổ cho làn sóng xây dựng nhà tự phát, lấn chiếm đất nông nghiệp, bê tông hóa đường phố bít lấp mất các ao vũng tự nhiên, nước mưa không có nơi thấm thấu xuống đất nên cứ chảy tràn vòng quanh, nơi nào thấp thì đổ dồn về, ứ đọng lại đó.



Người xưa xây chợ, trong ý tưởng thiết kế luôn có dự phòng cho tương lai, vài mươi năm sau vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển. Bây giờ ngôn ngữ thiết kế quy hoạch gọi là “tầm nhìn”, nhưng nói thiệt, mình chẳng có thấy cái tầm nhìn gì ráo trọi. Mọi việc cứ phát triển một cách tự phát, đến khi vướng chổ này chổ nọ thì đổ cho ‘thiếu phối hợp đồng bộ”. Rồi thì rút kinh nghiệm, huề cả làng. Mà cái giải rút thắt lưng còn có giới hạn chớ kinh nghiệm rút hoài không bao giờ hết. Các bạn thử hình dung một bác tài tuyên bố vừa lái vừa rút kinh nghiệm thì hành khách trên xe run cở nào. Nên chuyện dài nước ngập nói riết nói hoài rồi cũng chán, tập thói quen sống chung với ngập cho xong.

Chợ Lái Thiêu bây giờ khác hẳn chợ xưa trong ký ức người cao tuổi phương xa. Dãy phố lầu ở bờ sông đã bị đập bỏ, đường ven sông thảm nhựa mới, di dời các sạp hàng dưới lòng đường đi nơi khác để tạo cảnh quang thông thoáng và vỉa hè rộng rãi cho người đi bộ, hàng ghế đá hướng ra sông thuận tiện để ngồi hóng gió. Nhưng rồi không có chổ bố trí cho các sạp hàng bị giải tỏa nên nhà nước đành chấp nhận cho họ tiếp tục ngồi bán trên …lòng lề đường như trước. Còn vĩa hè ven sông thì trở thành bãi giữ xe đạp, xe gắn máy cho người đi chợ. Bài toán mỹ quan đô thị coi vậy mà thật khó, khó cũng bằng …đánh Mỹ.

Lái Thiêu bây giờ có hai ngôi chợ vệ tinh cũng sầm uất nhộn nhịp không kém chợ huyện. Đó là chợ Đồng An và chợ Bình Hòa, cả hai đều là chợ của dân ngụ cư, phần đông là công nhân phía bắc vào. Dạo một vòng quanh chợ, hầu như không nghe một tiếng miền nam nào. Chợ Bình Hòa nguyên thủy là cái chợ xép nằm trong vòng đai ấp chiến lược gom dân từ các nơi mất an ninh về. Sau 75, Bình Hòa trở thành khu nhà trọ cho công nhân các khu công nghiệp gần đó như Việt-Sing, Việt Hương …lần hồi trở thành chợ Bắc Hà hồi nào không biết, ở đó thức ăn phong phú, giá rẻ phù hợp túi tiền công nhân, kể cả quần áo giày dép cũng rẻ hơn chợ Lái Thiêu. Dĩ nhiên không thiếu các món đặc sản như cà pháo mắm tôm và thịt chó. Ngày tết, chỉ duy nhất chợ này có bán lá dong gói bánh, chở từ ngoài bắc vào. Chuyện vui kể anh chồng là dân miền tây, khi nghe vợ nhờ mua xấp lá dong về gói bánh thì ngớ ra, cũng như chị vợ người bắc, thắc mắc không biết rau kèo nèo là rau gì ?

Lá dong là cái lá chi
Kèo nèo là cái… rau gì hở anh

Nhưng nhiều người là dân Bình Dương cũng đâu có biết rau kèo nèo ? Đó là một loại rau mọc trên đất sình ngập nước ven sông (gọi đúng là đất biền) giống như rau móp, xào tỏi cũng được, nhúng lẩu chua cũng được, thậm chí chấm nước tương ớt cũng được. Những ngày mưa, ăn cơm nguội với rau kèo nèo luộc chấm mắm chưng, ngon hết biết. Bây giờ thì rau kèo nèo đã đường hoàng bước vào các quán ăn ở phố thị chớ không còn là món ăn của nhà quê nữa. Thịt cá ngán quá, người ta quay về các món ăn dân dã, lạ miệng mà ngon, bổ , rẽ.