Một thời để nhớ NLS BD

Nguyễn Bá Hùng Steven


(trích trang nhà Nông Lâm Súc)
http://www.nlsbinhduong.com/index.php/hinh-nh-9/bu-ky-hi-ky/996-m-t-th-i-d-nh-nls-bd-nguy-n-ba-hung-steven

Ngày đó tôi chuyển trường về Nông Lâm Súc Bình Dương học lớp 12 vào niên khóa 1973-74. Trường mới, thầy mới, bạn học mới, và mọi thứ đều xa lạ làm tôi bỡ ngỡ quá. Thêm nữa tôi lại nhút nhát thành ra giai đoạn chuyển tiếp phải nói là cần thời gian. Lúc ban đầu đi đi về về mỗi ngày từ Sài Gòn làm tôi khá mệt mỏi và không chú tâm được vào việc học hành như ngày ở NLS Cần Thơ. Buồn nhiều hơn vui trong giai đoạn chuyển tiếp này, nhưng việc tập dợt âm nhạc guitar đã giúp tôi tự giải khuây đôi chút.
 
Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Tôi dọn về Búng để tiện việc học hành. Mọi việc sau đó dần dần trở lại bình thường, và đến khi tôi cảm thấy ấm cúng với ngôi trường mới này thì ngày tốt nghiệp Trung Học đã gần kề. Sau ngày này mỗi người mỗi nơi. Đa số các bạn tiếp tục học ở các đại học (ĐH) Sài Gòn, Đại Học Tổng Hợp Thủ Đức (TĐ) hay Đại Học Cần Thơ (CT). Có bạn may mắn đi học thật xa bên trời Âu. Tôi cũng đã thi vào ĐH TĐ, ĐH CT,… nhưng hình như số mạng tôi vẫn còn “duyên nợ” với xứ Búng, và tôi đã trở lại NLS BD học chương trình chuyên viên Ngư Nghiệp niên khóa 1974-75.
 
Mới thoáng đó mà các bạn đã người một nơi, kẻ một nẻo. Buồn vì đa số các bạn đã đi xa. Tính tôi thì nhút nhát, nên tôi thì vẫn thui thủi một mình đi trên con đường từ Búng đến trường mỗi ngày dù mưa hay nắng, chỉ khác là bấy giờ tôi mặc áo xanh (sinh viên) thay vì áo nâu (học sinh). Tôi vẫn tập đàn Guitar những khi cơn buồn ập đến. Vẫn nhớ lời hát của 1 bản nhạc làm cho tôi cảm thấy thật thấm thía.
 
“... một ngày như mọi ngày, đi về một mình tôi, ...”.
 
Thời gian vẫn từ từ trôi, và tôi vùi đầu trong việc học hành và tập dợt nhạc trong những tháng ngày kế tiếp. Tôi không nhớ rõ lắm khoảng tháng 10 hay 11 gì đó, một người bạn rủ tôi lên BD vì có họp liên trường ở Phú Văn. Tôi bằng lòng đi vì thật sự tôi chưa lên BD lần nào trong gần 1 năm rưỡi ở đây. Đến chỗ họp tôi thấy mỗi trường có 1 khu riêng biệt, và mỗi khu được ngăn ra bởi những sợi dây thừng. Nhóm NLS BD thì nằm kế bên trường Trung Học Trịnh Hoài Đức (THĐ). Có lẽ 1 số lớn các bạn NLS không thích sự sắp đặt này vì tôi nghe nói học sinh THĐ thường gọi học sinh NLS là học sinh "Trâu Bò" gì đó. Cá nhân tôi thì trung hòa vì tôi không có ác cảm với học sinh trường ấy. Sau một lúc họp mặt thì ai về trường nấy. Mỗi trường đều có sinh hoạt riêng. Đây là lúc bạn tôi chở tôi đến trên chiếc Honda cũ kỹ.
 
Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ kế tiếp, bên nhóm NLS còn đang bàn tính và phân phối công việc thì bên THĐ hoạt động nhộn nhịp hơn. Các nam sinh thì treo lều, người khiêng củi,… và 1 số nữ sinh thì ngồi sinh hoạt văn nghệ. Không biết do Ma đưa lối, Quỉ dẫn đường hay sao đó, mà tôi - thường rất nhút nhát - lại tự nhiên vén mấy sợi dây thừng lên và bước qua xin sinh hoạt văn nghệ với một nhóm khoảng 10 -12 nữ sinh THĐ trước những cặp mắt bực bội của các nam sinh. Tôi nói với các nữ sinh là họ hát hay lắm và tôi xin qua ngồi nghe. Vài nam sinh muốn tôi về lại bên NLS, nhưng các cô nữ sinh lại mời tôi ở lại. Đương nhiên tôi ở lại vì bây giờ “được mời” mà. Phải nói các cô hát hay thật. Họ còn biết hát bè (hát giọng hòa âm khác nhau) khi trầm khi bổng ăn nhịp thật điêu luyện. Sau khi họ hát, 1 nữ sinh quay qua tôi và chỉ định tôi phải hát. Chết tôi rồi- hát bình thường tôi đã dở, mà bây giờ phải hát trước những người hát hay và giỏi như thế này thì đúng là “múa rìu qua mắt thợ”, và nói theo kiểu NLS là “bán lúa giống”. Tôi xin đàn thay vì hát thì họ bằng lòng. Tôi về lại bên NLS và đem cây guitar qua. Hôm đó tôi đàn bài Romance của Bartoli. Sau khi tôi đàn thì 1 nữ sinh khác (có lẽ là trưởng nhóm vì cô ta rất hoạt bát) vừa hát vừa đàn bài Thoi Tơ điệu Valse (Waltz) thật ấm cúng. Bài hát kế đến họ muốn tôi đệm cho họ hát. Vì tôi chỉ biết đàn classic, tôi không thể đệm tân nhạc. Tôi về lại bên NLS nhờ 2 bạn (Minh từ Bình Tuy (?), và Nguyễn Hoàng Minh từ Lái Thiêu) qua đệm đàn cho các bạn nữ sinh hát, trước những cặp mắt không được thân thiện của nhóm nam sinh THĐ. Sau vài giờ sinh hoạt, nhóm văn nghệ này tan hàng vì trời sắp tối, và vài người (trong đó có tôi) không dự định ở lại sinh hoạt lửa trại ban đêm. Người nữ sinh hát bài Thoi Tơ có nói chuyện với tôi về nhạc classic vì cô ấy cũng là người chơi nhạc cổ điển. Lúc nói chuyện, tôi để ý thấy cặp mắt cô ta có cái gì lạ lắm. Hôm đó tôi rất vui vì được nghe bao nhiêu bài hát hay và các giọng hát tuyệt vời. Thành thật mà nói thì lâu lắm rồi tôi mới được 1 hôm vui như vậy. Trên đường về, tối hôm đó, và các ngày sau đó, tôi rất ngạc nhiên với chính mình vì tôi cứ nghĩ đến cặp mắt lạ lùng của người nữ sinh đó. Thật sự lúc đó tôi không nhớ tên cô ta! Tôi cho đó là ảo giác và sản phẩm của trí tưởng tượng, và tôi cố gắng không nghĩ ngợi gì thêm.
 
Vài tuần lễ sau tôi gặp Cẩm, một nữ sinh THĐ vui tính mà tôi quen biết trước đây qua vài nguời bạn NLS, và Cẩm hỏi là làm sao tôi quen với ND bạn của cô ta. ND? Ai là ND? Tôi không biết ND là ai, nhưng sau vài mẫu đối thoại ngắn với Cẩm, tôi biết ND là người có cặp mắt lạ lùng đó. Thế rồi 1 ngày đẹp trời nọ, đang trên đường đi học thì ND tươi cười đứng ngay cổng trường THĐ trước mặt tôi bằng xương bằng thịt. Tôi thật lúng túng như là kẻ trộm bị bắt quả tang. Sẵn trên tay có bản nhạc “Etude in E minor” của Villa Lobos, tôi đưa ngay cho ND để cô nàng tập thử. Từ đó chúng tôi quen nhau.
 
Trong vài tháng kế tiếp, chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau ở ngoài cổng trường. Thỉnh thoảng qua Cẩm chúng tôi nhắn tin cho nhau. Một hôm ND và Cẩm ghé qua nhà trọ thăm tôi vào một buổi trưa thứ bảy. Tôi thật cảm động về chuyến viếng thăm đó, nhưng tôi mắc cỡ và xấu hổ vô cùng vì nhà trọ không có ly và nước để mời khách. Một lần tôi dám cả gan viết thư ngắn cho ND và treo ngay trên hàng rào ranh giới giữa 2 trường, và ra dấu cho ND biết để lấy. Ôi, bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm của thuở đi học, của mối tình học trò... Tôi vẫn còn nhớ và có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên là hôm đó chiều thứ sáu tôi cúp cua và gặp ND ở quán nước trước trường. Tụi tôi nói chuyện nhiều lắm đến chiều tối. Chúng tôi dường như không muốn rời nhau, nhưng trời đã xâm xẩm tối, ND phải về nhà trên BD, và tôi cũng phải đón xe đò về Sài Gòn. ND đứng bên kia đường đón xe, trong khi tôi đứng bên này đường cũng đón xe. Tụi tôi đố nhau xem ai đón được xe đò trước, và oái oăm thay xe đò về Sài Gòn đã đến trước! Thay vì lên xe đi Sài Gòn, tôi quyết định không lên xe, mà ở lại để đảm bảo là ND lên được xe đò về BD an toàn vì lúc đó trời đã tối, và ND là người duy nhất đứng chờ xe ở đó. Tôi sợ những gì không may mắn có thể xẩy ra cho ND nếu tôi đi. Và nếu tôi đi, rồi chuyện gì không tốt xẩy ra, có lẽ tôi sẽ hối hận suốt đời. Khi xe đò SG chuyển bánh, ND ngạc nhiên vô tả khi thấy tôi còn đứng đó. ND vui hẳn lên. Tôi chỉ nói với ND là tôi muốn chờ cho ND lên xe đò rồi tôi mới đi. Lúc đó, không biết là ND có biết và cảm nhận được sự lo sợ của tôi không? Không cần thiết là ND biết điều đó, nhưng tôi thấy người ấy vui là đủ. Mười phút sau, xe đò BD đến đón ND đi. Không còn xe đò về Sài Gòn, tôi lững thững đi bộ về Búng trong bóng đêm của ngày thứ sáu cuối tuần.
 
Trong tuần lễ sau, tôi chưa kịp gặp ND vì quá bận rộn thi cử, và rồi tôi phải khẩn cấp rời trường để về Sài Gòn gấp vì chiến tranh đã đến lúc cao điểm, mà không kịp chào từ giã bất cứ ai. Hơn hai tuần sau đó, tôi rời VN lúc Sài Gòn đang hấp hối trong khung cảnh thật tuyệt vọng. Lúc bước xuống tàu, tôi nhìn về phía Bình Dương và lo lắng không biết giờ này ND ra sao; không biết ND có thể chịu đựng được nhiều sự đổi thay lớn lao sắp tới như đã xảy ra ngoài miền Bắc năm nào không? Mắt tôi nhòa đi khi nghĩ đến đây. Không dè, lần chờ xe đò đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy nhau. Tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là lần cuối, và tôi cũng không thể ngờ 1 cuộc họp mặt liên trường ở Phú Văn 8 tháng trước đã thay đổi quỹ đạo của 2 tâm hồn. Giờ này, kẻ ra đi, người ở lại!!!
 
Ngạn ngữ Tây Phương có câu “Thà rằng có tình yêu rồi mất còn hơn là không bao giờ có tình yêu”. Thật đúng như vậy cho chúng tôi. Bây giờ mặc dầu ở 2 phương trời xa cách, tôi bao giờ cũng thầm cám ơn Thượng Đế đã cho chúng tôi những giây phút ấm cúng bên nhau ngày đó. Cuộc tình học trò đã cho chúng tôi nhiều kỷ niệm êm đềm và ngọt ngào. Viết đến đây, tôi chợt nghĩ ngay đến bản nhạc Historia de Un Amor (Chuyện Tình Yêu) thể điệu Rumba thật trữ tình của C E Almaran,
 
“Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đầy mộng mơ. Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy thật kiêu sa. Và trần gian thênh thang chỉ có ta. Mình cho nhau yêu thương rồi xót xa. Rồi chia ly rồi đến phôi pha...“
 
và bản nhạc La Cumparsita (Vũ Nữ Thân Gầy) thể điệu Tango mạnh dạn nhưng oán trách của G M Rodriguez,
 
“…Chưa nói yêu nhau, mà lòng đã đau; Chưa biết môi em, mà tình đã trao ...”
 
Vâng, đúng là một thời để nhớ, và cũng là một thời để yêu – tại NLS BD. Âu đó cũng chỉ vì chữ “duyên” đã đưa tôi trở về xứ Búng và gặp ND ở đây.
 
Nguyễn Bá Hùng Steven
Tháng 10 năm 2015