MỘT NĂM NHÌN LẠI (2016)
(Những cuộc gặp gỡ không ngờ)
Gs Nguyễn Thị Tâm


    Năm 2016 với tôi là một năm có nhiều cuộc gặp gỡ khá đặc sắc. Tôi đã gặp lại bạn bè, các học sinh (trước và sau 1975), ít nhất là đã cách xa trên 35 năm và nhiều nhất là trên 45 năm.

    Tháng 4 – 2016
    (Gặp lại các học sinh khóa 14 và 15)
    Tôi đã gặp lại các em tại nhà của hai em Cư và Hạnh. Khoảng hơn 20 giáo sư và các học sinh của 2 khóa đã quây quần bên nhau. Mọi người hớn hở vì gặp lại những người bạn thân quen, cùng trò chuyện, cùng nhau tâm sự. Đặc biệt có vài đồng nghiệp đã chuyển về Sài Gòn rất lâu rồi. Có lẽ hơn nửa thế kỷ.
    Nhà của 2 em rất đẹp và rất rộng, có vườn cây ăn trái ở phía sau. Phong cảnh khá bắt mắt làm cho người ta quên đi cảnh phồn hoa đô hội bên ngoài. Tất cả đều cảm thấy thư giãn và mong muốn năm sau gặp lại tại đây.
    (Phần này tôi đã viết một bài riêng).

    Tháng 5 – 2016
    (Gặp lại người học trò nhỏ năm nào)
    Tôi không bao giờ ngờ mình có thể gặp lại người học sinh thân thương này. Đã hơn 40 năm tôi không có tin tức nào về em. Thế mà bỗng dưng em lại xuất hiện trước mắt tôi một cách đột ngột làm tôi thấy choáng. Vì thế niềm vui rất là lớn.
    (Phần này tôi đã viết một bài riêng).

    Tháng 6 – 2016
    (Bí mật hơn 40 năm mới “bật mí”)
    Khóa 12 Trịnh Hoài Đức nói chung và lớp 12B5 nói riêng có với tôi nhiều kỷ niệm trong những tháng năm ở trường.
    Cứ mỗi lần tôi đến Phòng Giáo dục có việc, tôi đều gặp một nhân viên khoảng tuổi học trò lớn của tôi. Mặc dù tôi không đến để liên hệ với em, em đều vui vẻ tiếp và trò chuyện với tôi. Lần đầu khi từ giã tôi để vào phòng làm việc, em nhìn tôi và cười cười. Tôi ngạc nhiên và vào phòng các chị thư ký. Tôi hỏi các chị mặt tôi có dính gì không. Nhưng lần sau tôi cũng thấy em cười cười như vậy. Em nói chuyện rất lịch sự và lúc nào cũng xưng “em” với tôi.
    Mỗi khi đi ăn sáng thường gặp em và lãnh đạo Phòng Giáo dục cùng đi chung. Em cũng đến chào tôi và hỏi han dăm ba câu. Trong khi đó lãnh đạo phòng Giáo dục (học trò cũ của tôi ở Trịnh Hoài Đức) chỉ chào tôi thôi.
    Một hôm chúng tôi đi xuống một nhà quen ở Phú Văn chơi. Thì ra nhà đó là nhà của em. Em tiếp tôi niềm nở. Em đưa tôi ra vườn rau rất rộng lớn ở phía quanh nhà. Em chỉ cho tôi xem các loại rau và giải thích cách trồng rau cũng như thu hoạch... Tôi thích nhất là rau tía tô, lá thật lớn, màu tím đẹp... Tôi cứ nghĩ là em biết tôi quen với gia đình nên em hay nói chuyện với tôi.
    Tháng 6 – 2016, tôi lại gặp em cùng đi khám bệnh ở bệnh viện Tỉnh. Em nói: “Để em ngồi kế bên chị”. Tôi cười mà không nói gì. Một lúc sau, có lẽ không nhịn được nên em cười hơi lớn và nói: “Lúc em học lớp 12 ở Cấp 3 Thị Xã, thỉnh thoảng em có vào lớp học của chị dạy ở Trịnh Hoài Đức chơi”. Tôi ngạc nhiên vì chưa hiểu rõ ý em.
    Không biết tại sao ông Phạm Ngọc Em lúc đó xếp cho tôi môn Công Dân Giáo Dục lớp 12B5 vào đầu giờ học buổi chiều. Lên khỏi cầu thang là đến ngay phòng học đó. Nghe em nói bây giờ tôi mới nhớ lại. Lớp học ở trên lầu này có khi rất nhiều học trò. Tôi lấy làm lạ nhìn các em thì có em cúi mặt xuống như muốn né tránh. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tại tôi dạy nhiều lớp quá nên không nhớ rõ mặt học sinh và lẫn lộn lớp này với lớp kia. Giờ tôi mới hiểu là lớp tôi lúc đó có một số học sinh ở Cấp 3 Thị Xã vào “dự thính” mà tôi không biết.
    Thì ra các em lớp 12B5 (khóa 12) rủ rê các em này vào. Sau khi học xong môn Công Dân Giáo Dục thì cùng nhau đi Sài Gòn để học luyện thi.
    Tôi mới gặp một em học sinh cũ của lớp này và nói tôi đã biết bí mật năm xưa các em đã cho học sinh trường khác vào lớp học của tôi. Em này chỉ cười cười, nói tụi nó có đứa trong thời gian chuẩn bị đi lính nên rảnh. Tôi hỏi những bí mật khác mà tôi đang tìm hiểu thì em có vẻ né tránh.
    Thật may mắn là lúc đó không có chuyện lộn xộn gì xảy ra ở lớp tôi đang dạy.
    Tháng 6 là tháng có nhiều sự việc xảy ra. Huê Mỹ (khóa 8) thuyết phục tôi mua ipad. Vì ngày xưa tôi học ban C nên tôi rất ghét tính toán, sợ máy móc lộn xộn. Cuối cùng tôi cũng mua và thế là Huê Mỹ phải là người dạy tôi sử dụng từ đầu a.b.c.
    Thấy Huê Mỹ phải lên tận nhà tôi để dạy cực khổ quá nên tôi nhờ người tìm cho tôi thầy dạy kèm là phụ nữ. Rốt cuộc không có. Mà nếu có thì tôi phải đến nhà người dạy. Giờ giấc phải theo sắp xếp của họ. Cuối cùng tôi nhờ học trò đang học với tôi tại nhà dạy (từ lớp 2 trở lên).
    Tôi lại bắt đầu viết văn. Vì 40 năm qua, tôi không hề viết bằng tiếng Việt Nam nên tôi gặp rất nhiều trở ngại. Cuối cùng cũng viết được ba bài riêng theo cảm xúc của mình. Em Lê Minh Chánh (khóa 15) đánh máy bài viết để gởi cho Minh Tâm giùm tôi.
Minh Tâm đề nghị ghép 3 bài thành 1, đặt tên tựa bài mới và hỏi ý kiến tôi. Tôi đồng ý.
    Nhớ lại có lần anh Đặng Văn Danh hỏi tôi lần sau chị viết 1 bài, tôi viết 1 bài cho Đặc San nhe. Tôi nói tôi viết 2 bài, anh nói anh cũng viết 2 bài. Tôi nói tiếp là tôi viết 3 bài. Lần này thì anh ngưng không nói nữa. Thật là trùng hợp!
(Lúc đó tôi không hề có ý định viết bất cứ thứ gì).

    Tháng 7, 8, 9, 10 / 2016
    (Tiếp tục viết bài)
    Trong những tháng này tôi tiếp tục viết một cái sườn cho hồi ký của tôi. Lần lần tôi bổ sung thêm những gì tôi nhớ lại. Bây giờ tôi vẫn tiếp tục bổ sung theo cái sườn bài đó. Nhưng chắc chắn là sẽ không có bài kết thúc, vì tôi thấy hình như là kết thúc rồi thì không hay chút nào...

    Tháng 11 – 2016
    (Gặp gỡ người quen và người lạ)
    Tháng 11 là tháng gặp học sinh mới và cũ nhiều nhất (học sinh trước và sau 1975). Các em cũng đến thăm như mọi năm. Nhưng năm nay đột nhiên có một em đến thăm và trò chuyện khá lâu. Sau này tôi mới biết em là tiền trạm cho cuộc họp mặt ngày 31.12.2016. Đây là lần đầu tiên tôi gặp lại các em sau 35 năm xa cách.
    Ngày 18.11.2016 tôi có một cuộc gặp gỡ với người không quen, nhưng thật ấn tượng.
    Trước giờ ít khi có chuột chạy vào nhà tôi. Mà có vô thì cũng không có chỗ trú nên phải chạy ra. Lần này là chuột nhắt, có lẽ lạc bầy chạy vào. Tôi đuổi ra.
    Khi đi công chuyện về tôi lại thấy nó lởn vởn trong nhà. Tôi lại đuổi ra nhưng vì nó nhỏ quá nên chui được vào kẹt cửa phòng tôi. Tôi đặt bẫy. Và khoảng 3 giờ chiểu bẫy sập. Tôi vào xách ra hố ga trước nhà.
    Tôi đang lưỡng lự không biết làm thế nào để giải quyết con chuột này. Bỗng nhiên có một cô bé rất xinh đẹp người nước ngoài đi tới. Cô nhìn chăm chú vào chiếc bẫy. Ban đầu cô đứng ở xa lộ vẻ xót thương con chuột. Sau đó cô xích lại gần tôi, nhìn tôi chăm chú như muốn van xin điều gì, rồi nhìn con chuột. Thấy tôi yên lặng. cô lại nhìn tôi và lấy tay chỉ vào con chuột. Có lẽ cô không biết tiếng Việt. Tôi hỏi cô bằng tiếng Anh: “Có phải cô muốn tôi không giết con chuột này? Hãy để nó đi!”. Cô hớn hở gật đầu lia lịa, rồi lấy tay chỉ ra hướng bờ kè.
    Tôi vốn rất thích tác phong của người Phương tây và vẻ đẹp bên ngoài của họ. Tôi hơi xúc động trong lòng. Tôi suy nghĩ một chút. Cô nhìn tôi chăm chú và yên lặng, vẻ mặt van xin… Tôi nắm lấy cánh tay phải của cô, còn tay kia xách chiếc bẫy đi về hướng bờ kè. Cô ngoan ngoãn để yên cho tôi nắm tay và yên lặng đi theo tôi.
    Tới bờ kè tôi dừng lại, nhìn cô, cô cũng nhìn tôi. Tôi nhẹ nhàng mở chiếc lồng ra. Tôi nghe cô thở một hơi dài nhẹ nhỏm. Cô nhìn sâu vào mắt tôi và nói với tôi bằng 1 cái giọng nhẹ nhàng như hơi thở: “Let it go!”. Tôi nhìn thấy con chuột cuống quýt chạy ra khỏi cái bẫy. Nó chạy ra hướng bờ kè có nước ở bên dưới, thấy vậy nó lật đật quay vào bên trong. Đây là lần đầu tiên mà tôi cảm nhận được sự mừng rỡ vì thoát chết của 1 con chuột(có lẽ cũng là 1 sinh linh).
    Cô bé nghiêm chỉnh đứng đối diện trước tôi, chắp hai tay lại trước ngực rồi cúi đầu xuống trước mặt tôi 1 cách trịnh trọng. Có lẽ cô bé theo đạo Phật.
    Tôi lửng thửng xách chiếc bẫy trống không trở về hướng nhà mình. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ mình làm vây có đúng không.
    Người Việt Nam chúng ta thường hay nói “tình lý”. Như vậy có phải chữ “tình” bao giờ cũng đi trước và trên chữ “lý”. Tôi vì tình cảm với cô bé đã thả con chuột đi để cô khỏi xót xa. Tôi thấy có “3 người” vui. Trước tiên là cô bé không đau lòng, kế đó là con chuột, nó là kẻ mừng nhất vì được thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Tôi cũng cảm thấy nhẹ nhỏm và yên bình. Thôi thì coi như tôi chưa hề bẫy được con chuột đáng thương đó.
    Cô bé người nước ngoài thật có lòng, dù với 1 con chuột. Tôi bâng khuâng tự hỏi: “Tại saongười ta có thể xài tiền muôn bạc tỷ 1 cách dễ dàng, mà chút tấm lòng không chịu bỏ ra”.

    Tháng 12 năm 2016
    (Cuộc gặp gỡ giữa 3 thế hệ)
    Khoảng 1 tuần lễ trước ngày 31-12-2016, tôi lại có 2 học sinh đến viếng thăm: Em thứ nhất đã đi tiền trạm hôm 20-11. Lúc đến thăm lần trước em có gợi ý muốn mời tôi tham dự cuộc họp mặt của lớp em vào tháng 12 sắp tới.
    Lần này em dẫn theo 1 em nam. Ngồi nói chuyện một chút em xin phép về vì em chỉ là người dẫn đường cho em kia.
    Tôi nói tôi đi họp mặt nhưng phải có điều kiện. Nhóm em phải tuân thủ:
Không được lộn xộn vấn đề tình cảm
Có gì ăn nấy, không bày vẻ để phải tốn kém, nếu không khả năng.
Chúng tôi có thể hỗ trợ các em nếu cần.
Quan trọng là phải hòa đồng, không được phân biệt đối xử.
Em nói em rất đồng quan điểm với tôi. Trong buổi họp mặt này các em có dành phần quà riêng cho các bạn còn khó khăn. Nghe em nói vậy tôi thấy chúng tôi thật gần gũi, mặc dù mới gặp nhau sau 35 năm.
    Đến ngày em đích thân cùng bạn em mang xe đến đón chúng tôi. Thấy chúng tôi đến các em chạy ùa ra ngoài sân rước vào. Thật thân quen. Trong số họp mặt cũng có 1 em từ Pháp về cùng chồng (người Pháp).
    Sau khi biết ngày xưa tôi dạy ở Trịnh Hoài Đức, và cô giáo các em lại là học trò cũ của tôi, các em rất vui mừng vì không ngờ như vậy. Vậy là 3 thế hệ gặp nhau.
    Không khí thật là tưng bừng náo nức, mọi người đều hân hoan trò chuyện bên nhau, tôi thấy thật là vui, thật là thân tình.
    Chúng tôi phải về sớm 1 chút vì tôi có giờ dạy buồi chiều. Hơn nữa chúng tôi muốn các em có không gian riêng tư của mình.
    Các em tiễn chúng tôi ra tận xe và luôn miệng nói: “Năm sau các cô tới dự nữa nghe”.
    Đây là nhóm học sinh (sau 1975) họp mặt làm tôi hài lòng nhất.
    Năm 2016 quả là năm mà tôi có nhiều cuộc gặp gỡ thú vị ngoài tưởng tượng. Có chuyện tôi cứ ngỡ như là cổ tích vậy.
    (9-1-2017)