MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
KIẾN HÀO
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Con đường bờ kè dọc theo sông chợ nay là cửa ngõ dẫn vào Lái Thiêu. Xe buýt từ Sài Gòn về cũng rẽ theo đường này. Quán xá mọc lên, ban đêm trông không khác gì con đường Hoàng Sa ven kênh Nhiêu Lộc. Bên kia sông trông hoang sơ hơn, là dự án dở dang của một công ty bất động sản nay cũng bất động luôn. Xưa nơi ấy có cánh đồng trồng rau cải hoa màu cung cấp cho chợ Lái Thiêu, cái nơi gọi là Sở Cải ấy nay không còn nữa. Bất giác nhớ câu ”thương hải biến vi tang điền”. Cuộc sống, cảnh vật đổi thay khiến người tại chỗ còn thấy lạ lẩm, huống chi người đi xa lâu lâu về thăm lại quê nhà, đứng bần thần lục tìm trong ký ức những hình ảnh xa xưa: Bến tắm ngựa, Piscine Bạch Đằng, Rạp hát mới, lò đậu Chú Thăng, lò đường chú Cót, tiệm mì chú Hớ, sân banh Ấp trưởng, Mạch Chà… Tất cả chỉ còn trong hoài niệm. 
Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng tư 75, miếng ăn không phải là miếng tồi tàn nữa mà trở thành vật tối thượng, thống lĩnh tâm trí mọi người. Tiểu thư đài các cũng phải xắn quần lội ruộng, còn mệnh phụ xuống đường làm con buôn lam lũ. Cô giáo vận áo ngắn, thầy giáo mang dép lê, áo bỏ ngoài thùng lên lớp. Cả một xã hội đua nhau tung hê ba mớ biểu ngữ mơ hồ, huyền bí như lá diêu bông. Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Rồi đổi tiền, rồi đánh tư sản mại bản, rồi cải tạo công thương nghiệp, đi kinh tế mới… từng từng lớp lớp như những con sóng. Ngủ một đêm thức dậy, không ai biết việc gì sẽ xảy ra. Những chuyện như mới hôm qua, giờ kể lại cho thế hệ sau gọi là 8x, 9x gì đó, chúng tỏ ý nghi ngờ là chuyện bịa không có thật. 
Năm đó tôi dạy lớp cuối cấp 1 trong một ngôi trường làng, sâu trong rừng cao su miền Đông. Một buổi sáng đang giờ dạy bổng nghe cuối lớp xôn xao. Hỏi thì có em nhanh nhảu trả lời dạ thưa thầy nó bị… xỉu. Sao vậy, sao xỉu? Dạ thưa thầy nó đói. Trời ơi, con trẻ sao khổ thế này! Tôi muốn rớt nước mắt mà phải kìm lại, giả lảng qua chuyện khác: xức dầu, bắt gió và cho em về sớm. Thực ra lúc đó tôi cũng đâu có ăn sáng (và chắc nhiều người cũng vậy). Không biết bây giờ em có còn nhớ thầy không, nhưng chuyện hôm đó theo tôi đến tận bây giờ. Tôi còn nhớ chỉ vài ngày sau thì trên radio có thông báo bộ đội Việt Nam đánh qua Campuchia.
Có lần, người quen từ bên Pháp gởi về thùng thuốc tây, một dạng cứu đói trá hình. Gọi là thùng cho oai nhưng thực ra phải gọi là hộp (box) mới đúng. Mượn chiếc Suzuki dame, hai vợ chồng đèo nhau về Sài Gòn. Tìm đúng địa chỉ rồi, nộp giấy báo và ngồi chờ gọi tên, nhìn quanh sao toàn những gương mặt rụt rè, khắc khổ, chịu đựng, hoàn toàn không một nụ cười. Lâu rồi không gặp, người của Hòn Ngọc Viễn Đông đây sao ? Từ Cô Giang về nhà, cò thuốc tây ngồi trên mấy chiếc xe đeo bám theo dai như đĩa, gạ mua. Lên tới dốc cầu Bình Triệu mới chịu buông. Sau này mới biết, hầu hết số thuốc này đều chạy ra chợ trời Trần Quang Khải hết.
Cuộc sống khắc nghiệt, tình cảm cũng trở thành của hiếm. Mấy cô trong tổ đời sống giờ ra chơi phải tổ chức bắt thăm từng cái vỏ xe đạp, chia từng thìa bột ngọt ra giấy, không ai nhường ai vì ai cũng có “hoàn cảnh”. Những con người mới hôm qua hãy còn xe cộ đón đưa, tha thướt với tà áo dài, môi má ửng hồng dưới bóng dù sặc sỡ nay phải vất vả kiếm việc làm thêm, nhiều người vừa làm mẹ, vừa làm cha luôn. Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi, của mòn con lớn. Năm tháng qua đi, những con người khốn khổ như thân cây liễu uốn trước gió kia, người còn kẻ mất, người ở lại kẻ đi xa, mỗi người mỗi số phận không bao giờ lặp lại.
Một thời quyển “Thép đã tôi thế đấy” trở thành sách gối đầu giường. Thanh niên cả nước hóa thân làm Paven Coócsaghin. Có Paven đi đào kênh Nhị Xuân, An Hạ. Có Paven đi khai thác lâm trường, có Paven ra biên giới làm tuyến sau, có Paven tham gia đổi tiền, cải tạo tư sản mại bản. Nhưng năm mười năm sau cũng có nhiều Paven vượt biên, chạy chợ hoặc ra ngã tư làm bạn với chiếc Wave tàu. Chỉ số ít được cử đi học lý luận chính trị rồi chuyển sang ngành kinh tế hoặc quản lý nhà nước. Vậy mà ngộ, không ai muốn nhắc nhớ lại một thời sôi nổi đó, kể cả người được và kẻ mất.  
Bây giờ nếu có dịp đọc lại nghị quyết đại hội lần IV năm 1976, nhiều người sẽ cười mếu vì cảm giác chua xót. Năm 1978 là năm bản lề, phấn đấu để hai ba năm sau chỉ còn lại hai thành phần kinh tế là quốc doanh và tập thể. Người ta dựa vào nghị quyết để tiến hành cải tạo tư sản mại bản, cải tạo công thương nghiệp toàn miền Nam. Buôn bán là cái đuôi tư bản đẻ ra bóc lột, cấm buôn bán để xóa bỏ nguồn gốc sinh ra giai cấp giàu nghèo, người với người không còn là chó sói nữa. Để xây dựng huyện thành một đơn vị kinh tế nông công nghiệp hoàn chỉnh, người ta đổ ra đường dựng rào chắn kiểm soát hàng hóa, con kiến bò không lọt. Đổi tiền để tăng sức mua cho đồng tiền, khống chế tiền đổi theo đầu người để xóa bỏ giai cấp giàu nghèo, đợt 1 đổi tiền “ngụy” ra tiền giải phóng, đợt 2 đổi tiền thống nhất cả nước, đợt 3 đổi tiền vì lạm phát phi mã. Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói. Đi xây dựng kinh tế mới để có cuộc sống mới, để lại nhà cửa cho người “mới vào” ở. Phấn đấu mươi năm, hai mươi năm căn bản hoàn thành cơ sở hạ tầng thời kỳ quá độ XHCN. Bây giờ đã hơn bốn mươi năm, không ai biết được thời kỳ quá độ còn kéo dài bao nhiêu năm nữa nhưng nợ vay của chính phủ đã vượt quá GDP (Gross Domestic Product) đến gấp 2 lần.
Những sai lầm đưa dân tộc lầm than một thời, ai là người chịu trách nhiệm ? Hơn bốn mươi năm qua không một lời xin lỗi, nói gì tới chuyện bồi thường. Thiệt hại vật chất còn tính được, tổn thương tinh thần lấy gì bù đắp. Gọi thuyền nhân là những người tị nạn kinh tế tuy không sai nhưng cũng chỉ đúng một phần vì xét cho cùng, không ai lại lấy sinh mạng ra đánh đổi lấy tiện nghi vật chất. Kinh tế là thống trị, các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao cũng để phục vụ mục tiêu về kinh tế; nhưng kinh tế cũng không phải là tất cả, vì chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đi hợp tác lao động thì chưa chắc có độc lập tự do. Mà mỹ từ đó cũng không phản ảnh đúng bản chất của công việc, chỉ là một dạng chơi chữ. Không ai gọi người làm thuê là “hợp tác lao động” với chủ bao giờ, có bình đẳng đâu mà hợp tác.
Nghe nói những bậc đại hiền, thánh sống có tuệ nhãn có thể thấy được tương lai. Tôi chỉ là người trần mắt thịt đủ thứ tham sân si, ước sao một lần được thấy Tổ quốc tôi, dân tộc tôi giàu có, hạnh phúc dù trong giấc chiêm bao cũng được. Nhớ một lần, nhà văn Sơn Nam có kể câu chuyện đối đáp giữa anh cảnh sát khu vực và ông thợ hớt tóc, chuyện rất đời thường nhưng hết sức thâm thúy nên nhớ lâu. “Tiệm” của ông nằm dưới bóng mát cây đa cổ thụ thuộc quận 1, trung tâm thành phố Sài Gòn, rất đơn giản chỉ gồm một tấm kính được móc treo bên hông tường nhà người ta và một chiếc ghế nhựa, nhưng chiếc ghế lại đặt trên vĩa hè, là phần đất công cộng do nhà nước quản lý. Rủi thay chỗ ấy bị nhà nước giải tỏa trong chiến dịch gọi là “ đường thông hè thoáng” tức là trả lại lòng lề đường cho người đi bộ. Trong lời trần tình của người thợ hớt tóc có nhắc đến hai từ “Tổ Quốc” khiến cho anh cảnh sát cảm thấy khó chịu, mới hỏi vặn lại ông hiểu thế nào là Tổ Quốc ? Câu trả lời hết sức thực tế, dù không được văn hoa trau chuốt như các nhà văn, thi sĩ nhưng  rõ ràng, cụ thể : Tổ Quốc là nơi người ta có được một việc làm đàng hoàng lương thiện không bị làm khó dễ, sở hữu một nơi gọi là nhà để chui ra chui vào mà không sợ bị thu hồi giải tỏa, con cháu lớn lên được dạy cách sống làm người có đạo đức. Thật tuyệt !
Lái Thiêu có một quán cà phê địa điểm ven sông tôi rất thích. Con sông Sài Gòn buổi chiều lộng gió xua đi không khí nóng bức hầm hập đầu mùa hè, loa văng vẳng những bản nhạc hòa tấu của Paul Mauriat với kỹ thuật hòa âm phối khí thật tuyệt vời. Quán có một thức uống đặc biệt rất riêng gọi là cà phê Điểm Hẹn, uống một lần là ghiền luôn. Ngã người ra ghế, tôi nhìn mấy giề lục bình trôi lửng lờ theo con nước. Xa xa là mấy chiếc xà lan chở cát thật khẳm, xếp hàng một chui qua dưới dạ cầu rồi khuất sau một khúc quanh. Trên cầu là những chiếc xe gắn máy nối nhau qua cầu trông như một đàn kiến tha mồi về tổ. “Nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhân sầu”, cố nhân buồn vì khói sóng trên sông gợi nhớ nhà, hay còn vì lý do gì khác ? Chợt nhớ câu kinh của “thiền sư” Paven: “Đời người chỉ sống có một lần…”, vâng, không nghi ngờ gì, những kẻ lý tưởng chủ nghĩa nghĩ vậy, những con thiêu thân tuổi teen nghĩ vậy, những kẻ hoạt đầu chính trị nghĩ vậy và những con sâu dân mọt nước cũng nghĩ như vậy. Còn tôi nghĩ khác, nếu không gặp vận hội thì thôi, thà thác với cỏ cây, xách giỏ theo ông Khương Tử Nha mà buông cần trên giòng sông Vị vậy…

(2017)