CUỘC THĂM VIẾNG CUỐI NĂM TRÀN ĐẦY Ý NGHĨA 1

(Ở Bình Dương)

Gs Nguyễn Thị Tâm    

    Một hôm em Huỳnh Thu Hà điện cho tôi. Ý em nói là khi nào các em đi thăm viếng để tặng quà chúc Tết cho các cựu giáo sư Trịnh Hoài Đức thì mời tôi đi cùng. Lý do là vì các em không biết hết các thầy cô cũ. Tôi thấy cũng không có gì trở ngại nên đồng ý. Vả lại tôi cũng muốn viếng thăm các anh chị đồng nghiệp ngày xưa ấy. Tôi nghĩ chắc là vui mà cảm động nữa.

    2 giờ chiều ngày 11.1.2017, các em sắp xếp mọi thứ rồi đến nhà tôi lúc 2g30. Các em đã điện để liên lạc với các thầy cô ngày đến thăm. Chỉ có anh Tôn Thất Đường là chưa liên lạc được bằng điện thoại.

    Em Đỗ Thanh Phong, cựu học sinh trường Trịnh Hoài Đức, là người tình nguyện lái xe nhà của mình chở chúng tôi đi. Thu Hà là người thu xếp mọi thứ: cho in đặc san Tết của năm 2016 và 2017, liên lạc các thầy cô, mua quà, mua hoa, viết thiệp chúc Tết... Các thầy cô mất mà không hay tin cũng đến viếng cùng hoa và quà, tặng đặc san cho người nhà của họ. Thầy cô nào không nhận hiện kim thì chuẩn bị bông hoa, bánh trái...

    Ngoài ra còn có em Phạm Ngọc Hoa sẽ hướng dẫn đến chỗ các thầy cô mà em biết. Các em đều là cựu học sinh khóa 15.

    * Đến thăm anh Thử

    Chúng tôi đến nhà anh Thái Thu Thử trước tiên. Anh già hơn trước. Tóc để dài và cắt ngang, hơi quăn, trán lại hói nên trông rất giống các nhà bác học nước ngoài. Trong lúc nói chuyện em Thu Hà có nhắc lại bài văn tôi viết về cuộc họp mặt tháng 4 – 2016 của khóa 14 và 15. Em cười và nói cô Tâm chưa chỉnh bản đánh máy thì họ đã tải qua cho Minh Tâm nên chỗ tên anh có viết sai. Mọi người đều cười ồ. Anh Thử cũng cười, rất thông cảm.

    Khi ra về chúng tôi thấy anh Thử cảm động vì tình cảm của các thầy cô và học sinh cũ của hội Ái Hữu đối với anh. Anh chớp chớp mắt mấy lần, nắm tay chúng tôi ra vẻ trìu mến và tiễn chúng tôi ra tận cổng.


    * Đến thăm Từ Nhung

    Chúng tôi đến nhà Từ Văn Nhung. Bạn đang ngồi trong nhà. Hình như đang đọc sách báo gì đó. Nghe chúng tôi kêu, bạn đứng dậy mời vào. Không thấy Thủy (bà xã của Nhung), tôi bảo sao không mời Thủy ra. Thủy ra và ngồi kế bên tôi nói chuyện. Giống như ở nhà anh Thử, chụp hình chung, riêng...

    Vì bạn không nhận hiện kim nên các em mua hoa và quà, cùng 2 đặc san 2016 và 2017 để tặng. Còn chỗ anh Thử chỉ tặng hiện kim và 2 đặc san Tết.

    Tôi nói tôi quên cám ơn Từ Nhung về việc lúc xưa cũng có chở dùm tôi từ Trịnh Hoài Đức về Bình Dương. Bây giờ tôi mới nhớ lại nên không có viết trong bài đã đăng. Bây giờ cám ơn tại đây vậy.

    Khi nói chuyện có lúc bạn gọi tôi là “Đại Tỷ”. Tôi bật cười vì nhớ lúc xưa tôi dạy ở Trịnh Hoài Đức và làm việc ở Trung tâm Giáo Hóa Thiếu Nhi Thủ Đức (các em phạm tội). Lúc đó cũng có khi tôi nghĩ thầm: hắc bạch lưỡng đạo gì mình cũng quen thân, và làm việc hết mình.

    Khi tiễn chúng tôi ra cửa Từ Nhung nói: “Nhà tụi tui ở đây chị Tâm rành quá”. Thật ra chị của bạn là bạn của tôi, còn anh của bạn là bạn của anh tôi. Lúc xưa chúng tôi thường lên đây chơi thì Minh Tâm còn nhỏ. Tôi không nói chuyện với em lần nào. Có lẽ tại em cũng ít nói.

    Từ Nhung vui và cảm động vì chuyến viếng thăm này. Lúc ở trong nhà bạn bảo hôm nay cho học trò nghỉ. Thấy hoa quả đầy trên bàn thờ, hỏi ra mới biết hôm nay là ngày giỗ bác gái...

     

    * Thăm cô Lê Ngọc Anh

    Cô Lê Ngọc Anh thấy chúng tôi đến nhà thì chạy ra tiếp. Chúng tôi nói cười thật vui vẻ. Bạn là bạn học của em gái tôi ngày xưa ở trường Trịnh Hoài Đức. Chúng tôi khá thân nhau.

    Rồi cũng chụp hình, tặng quà. Khi chúng tôi về Ngọc Anh đưa chúng tôi ra tận xe. Bạn vẫy tay chào chúng tôi liên tục và nước mắt rưng rưng làm chúng tôi rất xúc động.



    * Thăm bạn Lương Thị Chánh

    Tìm nhà bạn Lương Thị Chánh hơi khó một chút. Nhà khá rộng, vườn tược xung quanh, cây trái hoa lá đầy màu sắc và đẹp. Cây bưởi ở hông nhà lủng lẳng trái.

    Chánh cho chúng tôi ăn mứt chùm ruột mà bạn tự làm rất khéo, rất ngon, có màu đỏ đẹp. Bạn đem tặng chúng tôi mỗi người 2 cái để nhắc nồi và 1 cái để dưới bình hoa. Tất cả đều được móc bằng len rất đẹp, rất khéo. Sau đó thấy chúng tôi khen quá, bạn mang ra cả túi và bảo Hà muốn tặng ai thì tặng. Khách chưa tặng quà mà đã nhận quà rồi.

    Khi biết bạn nói tại rảnh rỗi nên móc các thứ trên, tôi nói các em có quen ai thì giới thiệu để bạn gởi bán. Bạn không khó khăn gì, nhưng làm nhiều quá vì thích làm, biết để đâu cho hết.

    Anh Hiệp (chồng của Chánh) cũng là chỗ quen biết với chúng tôi. Anh cũng tiếp chuyện chúng tôi rất vui vẻ.

    Cả bọn kéo nhau ra sân để chụp hình tặng quà. Thật cảm động khi Chánh bảo Thu Hà chụp cho một tấm ảnh Chánh đang ôm hôn tôi.   

    Khi được tặng quà Chánh rất cảm động. Ý nói như vậy rất vui, rất được an ủi vì mình vẫn được mọi người quan tâm. Chánh nói bằng giọng rất xúc động, có ngấn nước mắt trong đó. Và Chánh đã lặp câu đó lại hai ba lần.

    Trước khi về hưu Chánh làm Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, gần Trịnh Hoài Đức. Nhắc đến đây tôi thấy rất tự hào vì sau 1975, nhiều giáo sư Trịnh Hoài Đức xưa được mời làm Hiệu trưởng hoặc giữ những chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục. Và học trò Trịnh Hoài Đức cũng vậy.

    Khi tiễn chúng tôi ra về, bạn theo chúng tôi ra tận ngoài xe, rất xa nhà. Chúng tôi nói thôi vào đi. Bạn nói chúng tôi từ xa tới đây có kể gì đâu.

     

    * Thăm anh Phan Văn Ban

    Vòng qua vòng lại rồi chúng tôi cũng đến nhà anh Phan Văn Ban. Anh đang ngồi phía trong nhà. Thấy chúng tôi vào anh lăng xăng đi lấy bánh ngọt, nước uống mang ra. (Bà xã anh đã mất).

    Anh không được khỏe lắm, chân đi hơi không bình thường, dáng người cũng thấp hơn xưa. Anh nói anh bị đau bao tử nhưng trị hoài không hết. Ăn từ sáng đến trưa cũng không thấy đói. Tôi nói với Thu Hà hay là giới thiệu anh đến chỗ xét nghiệm của Hà Thị Sương. Hà nói ở chỗ Sương không có nội soi.

    Anh Ban rất vui vì được bạn bè và học sinh cũ nhớ tới. Anh nói thầy cô nào cũng được quan tâm như nhau là điều quý hiếm, làm cảm động lòng người.
    Chúng tôi xin phép ra về vì còn 2 nơi nữa phải đến. Anh tiễn ra cổng. Chúng tôi có chụp vài tấm hình ở đó nữa.

   
   
    * Thăm cô Nguyễn Thị Cạng (đã mất)   

    Đến trước cổng nhà chị Cạng. Vì là trường hợp đặc biệt, chị Cạng đã mất mà chúng tôi không hay, không có đi cúng nên lần này mua hoa, quà để tạm thay mặt hội đến viếng. Ngoài ra còn tặng cho người nhà của chị 2 đặc san Tết.

    Trước khi vào nhà, Thu Hà hỏi ý kiến tôi em viết thiệp gởi như thế có được không. Thấy em viết tên chị không có chữ g ở phía sau, tôi nhắc em chỉnh lại. Em Phong cũng nói: “Đúng rồi, chữ Cạng có g đằng sau”.

    Phong hỏi ý tôi và em vào bấm chuông cửa. Trong nhà có người ra. Đó là chị của chị Cạng. Chị chống gậy từ từ ra mở cổng. Chị không nhìn thấy chúng tôi rõ vì mắt chị kém. Tôi nghĩ nói tên ba tôi ra chị sẽ nhớ. Chị nhìn tôi một lúc rồi hỏi tôi: “Có phải cô là cô Tâm không?” Tôi nói phải. Chị nói tiếp: “Cạng nhắc cô hoài. Nó thương cô lắm”. Tôi đã từng đến nhà chị Cạng đôi ba lần để tiệc tùng. Tôi quả thật là người vô tình. Từ sau 1975 đến nay chưa hề đặt chân đến đây.

   


    Tôi thay mặt các em đốt nhang cho chị Cạng. Chắc ở nơi xa xôi nào đó chị đang mỉm cười nhìn chúng tôi. Tôi nhớ mái tóc dài uốn cong trước trán một cách tự nhiên, làn da mặt luôn trắng hồng và đôi môi mọng của chị. Như chị đang đứng nhìn tôi ngày nào ở Văn phòng trường Trịnh Hoài Đức.

    Nhóm dự tiệc ở nhà chị là những người làm ở Văn phòng. Trong số đó có anh Thơm. Anh cũng có dạy học. Mà hình như tôi không rõ về anh lắm vì tôi chỉ chơi thân với các chị.

    Tôi đang đứng ở giữa đường đi trong nhà nhìn các chị nấu nướng thức ăn. Các chị vì thương tôi nên bảo tôi không phải làm gì hết hay là sợ tôi làm không tốt? Chắc là cả 2 ý đó. Thấy anh Thơm từ xa đi đến nên tôi nép vào nhường đường cho anh đi qua. Không ngờ anh đứng lại trước mặt tôi, nhìn tôi. Tôi không rõ chuyện gì. Tôi hơi ngại anh Thơm vì thấy anh nghiêm túc trong cử chỉ, lời nói,...

    Anh hơi cười và hỏi tôi: “Ai nói tôi có gai vậy?”. Tôi đỏ mặt lúng túng. Có lần tôi đứng ở Văn phòng chơi với các chị. Một người khách đến hỏi anh Thơm. Tôi nói nhỏ với các chị: “Thì cứ thấy người nào có gai thì người đó là thơm”. Không biết ai kể lại cho anh nghe. Hại thật!

    Bây giờ anh không có ở đây. Anh đã mất lúc nào tôi không biết. Tôi xin hứa với anh tôi sẽ không bao giờ nói về anh như vậy nữa. Xin anh hãy yên nghỉ.

    Tôi sực nhớ đến chị Xuân (y tá). Hình như chị ở Thủ Đức. Chị của chị Cạng cho chúng tôi số điện thoại của chị ấy.

    Trò chuyện một lúc chúng tôi từ giã chị của chị Cạng để đến nhà anh Tôn Thất Đường.

    * Thăm anh Tôn Thất Đường (anh đi vắng)

    Kiếm nhà anh thật vất vả. Lúc ở nhà chị Chánh, anh Hiệp có chỉ đường cho em Phong. Khi xuống đến nơi kiếm không được, đi tới đi lui nên rất mệt.

    Lúc đầu vào đúng nhà nhưng kêu hoài không thấy ai ra. Rồi quay đi hướng khác hỏi vài nhà. Cuối cùng quay lại chỗ đậu xe.

    Chợt thấy một người nam, một người nữ mặc quần áo thể thao đang đi tới, định lại hỏi. Ai ngờ em Phong quen với người đàn ông. Thì ra em này là cựu học sinh Trịnh Hoài Đức, khóa 9, tên là Nguyễn Hữu Từ.

    Tôi đi về phía người phụ nữ. Người này hỏi: “Có phải cô là cô Tâm không?”. Tôi hỏi: “Vậy em là ai?”. Em là Đỗ Thị Năm, khóa 11, là học sinh của tôi. Lúc đó tôi dạy em môn Triết. Em kể tên học sinh cùng học lúc đó, như Lâm Thúy Vân...

    Nghe chúng tôi nói đi tìm nhà anh Tôn Thất Đường, 2 em cùng đi với chúng tôi. Vòng tới vòng lui đổ cả mồi hôi hột. Tôi không mệt lắm vì quen đi bộ nhưng cả 3 em kia thì khỏi phải nói. Em Phong bảo: “Đổ cả mồ hôi đầy người” và ngồi xuống thở. Những người lúc nào cũng đi xe khi ra đường, nhứt là xe hơi, thì phải vậy thôi.

    Rồi các em gọi điện thoại cho anh Hiệp, để hỏi. Cuối cùng ngôi nhà không có người trả lời lúc nãy là nhà anh Đường. Lần này có một cậu trai ra trả lời. Anh Đường không có nhà. Anh đã lên trang trại gần biên giới. Con trai anh là Tôn Thất Tú và con gái của anh tiếp chúng tôi. Chúng tôi đề nghị điện thoại cho anh, em Tú nói: “Đã ngủ hết rồi. Ngủ sớm để sáng dậy sớm làm vườn”.

   


    Lúc đó mới 6g30, nhưng vì ở trong vườn rậm rạp nên rất tối. Thu Hà chỉ chụp một ít hình, tặng quà. Các em mời đến nhà chơi vào mùa trái cây. Theo lời em Từ cảnh phía sau vườn rất đẹp.

    Chúng tôi định về luôn nhưng em Từ và Năm mời vào nhà chơi, vì gần đó. Lúc nãy khi xe chạy ngang ngôi nhà này chúng tôi thấy rất đẹp và khen. Em Phong nói chút nữa sẽ vào. Tưởng em nói đùa, bây giờ vào thật.

    Chủ nhà mang mứt mãng cầu dẻo ra mời. Thật là ngon, vừa đủ ngọt và trông rất sạch sẽ. Trò chuyện một lúc lâu. Rồi chủ khách bịn rịn chia tay.

    Chúng tôi ghé Mỹ Liên, cả 2 quán đều đóng cửa vì đều hết thức ăn. Cuối cùng lên quán bò viên ở Bình Minh. Vừa đói vừa mệt vì đi từ lúc 2 giờ. Em Phong đãi chúng tôi mỗi người 2 tô bò viên ăn kèm thêm bánh mì, và 1 ly sâm bổ lượng.

    Khi đưa tôi về nhà, lúc tôi chuẩn bị xuống xe, em Phong nói: “Cô vô nghỉ sớm cho khỏe”. Tôi nói: “Cô còn phải ghi một ít ý tưởng chính, sợ mai quên”.

    Tôi vào nhà, đã 8g30 tối rồi. Thật là 1 ngày vừa vui, vừa cảm động, vừa bùi ngùi, vừa xót xa... Chúng tôi đã nhận được những thứ mà có nhiều tiền chưa chắc đã mua được: tình cảm thân ái tận đáy lòng...

    Trong thiệp gởi cho quý thầy cô Trịnh Hoài Đức cũ có ghi:

Xuân Đinh Dậu
Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư – Học Sinh
Kính chúc quý thầy cô đã từng
giảng dạy – công tác tại trường
TRỊNH HOÀI ĐỨC

Năm mới xuân về cuộc sống vui
An khang mạnh khỏe, thảnh thơi đời
Tương lai phía trước đầy phơi phới
Dù tuổi về hưu vẫn thấy tươi

- BAN ĐIỀU HÀNH HỘI-

(Tác giả bài thơ này là anh Trần Văn Anh)

HT 12.1.2017