Mội nước nhà Thầy Bảy và giếng gom nỗi nhớ.
Lâm Quang Khải



1.    một : Gửi các bạn xa quê vài hình ảnh nếu bạn còn nhớ chút gì quen thuộc.

Nhà thầy Bảy (ông cả Luận), ông là thầy thuốc bắc. Dưới chân hàng cau là giếng nước thật trong, nước uống vào mát tận ruột, vào những năm 1960 đến 1970, các gia đình xung quanh đến gánh nước về xài thoải mái.
Hồi nhỏ tôi theo chân người lớn đi lấy nước, gánh của tôi là hai lon sửa Ông Thọ, ông Bảy nói chơi bảo tôi phải trả tiền là năm xu mới cho gánh; tôi không trả mà cứ tiếp tục mang gánh nước về, vì lúc ấy tôi chưa biết tiền là cái gì.
Hiện vợ chồng cháu nội của ông Bảy Luận ở đây, anh chị là bác sĩ Nguyễn Như Sơn và dược sĩ Lâm Lệ Du đã hơn 70 tuổi. Cây cối xung quanh ngôi nhà tuy có thay đổi nhưng anh chị vẫn cố lưu giữ hình ảnh xưa, kể cả bụi bông trang mà tôi đã thấy trước ngày ông Bảy ra đi.(2)



2.    hai : Mội nước giếng nhà Thầy Bảy và con đường đắp mới ngày xưa.

Tôi thường hay ước mơ có một lần được về lại, để tắm mội giếng của ngày xưa. Cái mát thót bụng khi dội thùng nước giếng lên đầu và rồi cái mát chạy xuống mình rồi sau đó ... Mát ơi là mát .... Xong xã, uống vài ba ngụm nước... Ôi nước ngọt làm sao! Cái ngọt là cái ngọt của lưởi nếm, mường tượng rõ ràng chứ không phải là cái thi vị hóa đâu. Tôi có thể phân biệt được nước uống của ''phông tên'' ngoài chợ, nước của giếng đất gò vùng Bến Thế .
Con đường đắp mới, hay còn gọi là xóm Cầu Mới nầy. Bà con hay gánh nước, từ giếng nước của nhà cô Ba Nữa, hay là gánh nước ở mội của nhà thầy Bảy Luận, giếng nầy được ưa chuộng hơn. Người thì gánh nước mướn, kẻ thì gánh cho nhà mình xài. Gánh mướn thì dùng “đổi nước’’. Nhà nào cần , thì nói với người gánh nước, xin đổ cho tui năm, hay bảy đôi nước, chứ bà con mình không dùng chữ ‘’bán nước’’ hay mua nước . Cám ơn anh Trần Định có nhắc lại chị Câm đi gánh nước. Làm tôi nhớ đến chị Ba .. Hai người nầy và một vài người nữa mà tôi đã quên tên . Họ hai trong số năm ba người chủ lực của đội gánh nước mướn … Tôi nhớ đến chị Ba, dáng thấp người, lưng khá còng vì nặng vai gánh, khuôn mặt chị dài , đôi khi chị nhếch miêng cười lúc nói chuyện, nụ cười cho có mà chẳng tươi. Bà Bảy ( chủ nhà của mội nước này) cũng hay kêu chị đổ nước cho ở nhà dùng .

Tiếng va chạm của mấy thùng thiếc, gào múc nước từ mội lên, tiếng người đi gánh nước, âm thanh đó vang dội tận lòng tôi đến ngày hôm nay. Một điệu nhạc ru của đời, âm thanh, cũng là diệu âm của chư Phật.
Anh BS Nguyễn Như Sơn , chủ nhà hiện tại nầy; nhắc, từ cửa sổ của nhà, thầy Bảy hay ngồi phía trong cửa sổ, trên bộ ván gõ, mấy lúc thầy rảnh rỗi, nhìn sinh hoạt của mấy người gánh nước , cho vui.

Trưa, giờ thầy Bảy ngủ, thì không cho người ta gánh nước. Buổi trưa vắng im ã, tôi hay ngồi trên thành mội, nhìn xuống giếng, nước trong thấy tận đáy, rất cạn chỉ hai ba thước chiều sâu, thành giếng rêu trong xanh... Tiếng ve hát rền trên những cành sầu riêng, những hàng cau già thơm nhẹ mùi quê nội ... Trưa, không có người gánh nước, mội nước vẫn tiết tục nhẹ phun nước lên; có một ống nước nhỏ, dẫn chảy ra mương. Đường mương nầy dẫn nước chảy ra sau vườn. Những lúc nước ròng, mặt nước của mương thấp hơn ống dẫn nước trong giếng ra, ống nước chảy chảy giòng nước, nhỏ, róc rách nhẹ xuống mặt nước mương.

Đầu óc bé nhỏ của tôi, cho đây là thượng nguồn, chảy (mương, tôi thi vị hóa là giòng sông), chảy qua líp trầu, nọc tiêu của Cố, tới khúc quành của một đường mương, chảy qua cây chôm chôm tróc, cây dâu miền dưới rợp mát, chảy qua nhà bếp của Nội, Tôi cho khúc này là ... giòng sông ở bến Bạch Đằng ... Trí tôi bay bỗng, và như mây vẫn bay bay, trong tâm trí tôi gần cả cuộc đời. Giòng sông nhỏ nầy, chảy vào cuộc đất của bà Ba , khúc nầy mương khá rộng ... Tôi thầm hát bài ca ... như, người qua sông rộng, ta chạy vòng vòng, ta chạy vòng quanh, nào biết hay đời cạn, nào biết hay cạn đời .... Sống, và tôi mãi sống với giòng tâm tưởng nầy ... gần cả đời tôi . Nó ru tôi đi vào giấc ngủ, rồi sự mộng mị giữa ban ngày và tất cả những điều đó, nó đem sự bình an cho tâm hồn của tôi.
Người ta không thể tắm hai lần trong một giòng sông, vì nước cứ mãi chảy không dừng. Vậy thì, mội nước của cái giếng nhỏ này, giòng nước trong không chảy nữa. Nhưng giòng đời, với cảnh vật thay đổi khủng khiếp của thời nay ...

Giòng nước mội của vùng nầy nay đã bị ô nhiễm và cạn kiệt.
Tôi vĩnh viễn, không được tắm lại mội nước trong vắt của ngày xưa ...
Tường rêu đổ xuống đâu đồng vọng Thơ
Gập ghềnh năm tháng, hay chưa?
Đường dài người mỏi, gót lừa kêu đau..” (1)
1- Tuệ Sỹ
2 - Bài của Diệp Mai ( Mai Diep ) Trích BSNQ - BDX và nay
MTL 24.06. 2016, giây phút tìm về ...
Tặng riêng em