Mội nước năm xưa !
Trần Ngọc Sương
Tôi là một trong những người con lớn lên trên mảnh đất Bình Dương
- nơi nổi tiếng với những mội nước ngọt ngào, trong vắt và mát lạnh... Đó
cũng là nguồn nước giải khát cho trẻ con trong những buổi trưa hè rong chơi
ngoài trời.
Đặc biệt, có thể nói Xóm Giếng Máy là khu có nhiều mội nước nhất.
Hầu hết mỗi nhà ở dưới bưng đều có một hoặc hai cái mội. Như nhà bác chín
Thinh có hai cái mội. Rồi đối diện bên kia đường là khu đất của ông đốc Di,
nhà ông Hai Phụng, cô Hai Tài, bà Tư Diêu, bà Năm Cua, ông Hai Quảng, ông
Tám Sòm, chú Năm Sách, bà Năm Quỳnh, anh Hai Bé, phía sau dãy phố của ông
Phán Sành.... ( nhiều lắm... không nhớ hết để kể ...) nhà nhà đều có một
cái mội nước cho gia đình dùng. Riêng mội nước nhà ông Hai Tẻo có một vị
trí đặc biệt nên những gia đình ở xóm chùa Đức Sơn thường xuống đó để gánh
nước về dùng trong gia đình mà không phải trả tiền, còn những gia đình khác
(không rõ lý do) thường kêu bà Hai Đó hay bà Bảy Kiểm gánh dùm rồi trả tiền
công mỗi đôi là ...$$... Đây là một trong những nét đặc trưng của nền văn
hóa nông thôn ngày xưa ở Việt Nam mà chúng ta cần được trân trọng. Ngoài
ra, ở cạnh quán cà phê bà Sáu Em có một khoảnh đất nhỏ với hơn mười cái
mội nước nằm cạnh nhau cho nên có thể cung cấp một lượng nước rất lớn....
Ngày ngày hai buổi sớm chiều có một chiếc xe hơi tải nước (phía sau là một
cái bồn kín rất lớn để chứa nước, xung quanh bồn là những ống nhựa lớn cuộn
tròn nằm gọn gàng giống như những dẫn nước của các xe chữa lửa nhưng thô
sơ hơn). Xe nầy dùng máy bơm hút nước từ những cái mội này chuyên chở và
phân phối nước cho những gia đình ở khu chợ Bình Dương dùng trong việc nấu
ăn bởi vì đây là nguồn nước thiên nhiên tinh khiết cùng với vị ngọt tự nhiên
mà trời đất đã ban cho con người ở khu Giếng Máy nói riêng cũng như những
khu lân cận của tỉnh nhà... Riêng khu vực chợ Bình Dương vì xài nước máy
(phông tên) có mùi hăng hắc của hóa chất khử trùng cho nên cũng phải nhờ
đến dịch vụ ''đổ nước'' này.
Trong một dịp tình cờ, tôi được biết chủ nhân của dịch vụ phân phối
nguồn nước tinh khiết này chính là ông chủ tiệm nước Đông Thành ở Ngã Sáu
– Bình Dương. Đây là sáng kiến kinh doanh khá hay. Ông bỏ tiền mua chiếc
xe, thuê nhân công gồm một tài xế và một phụ lơ, thuê khoảnh đất nhỏ nơi
có kho tàng nước mội, mỗi năm trả tiền thuê và lợi nhuận thu được cũng khá
cao...
Trở về với cái mội nước của ông Hai Tẻo, nó nằm song song với con
đường hẻm nối liền xóm Giếng Máy và xóm chùa Đức Sơn. Ra khỏi mội nước khoảng
chừng 100 mét là tới chân dốc. Thêm vài chục mét nữa là khu vườn mít. Những
cây mít này có lẽ thông cảm được nỗi nhọc nhằn của người gánh nước đi qua
một đoạn dốc khá xa nên sẵn sàng sản sinh ra những nhánh rễ vừa to, vừa dài,
cuộn vào nhau như những con trăn trườn lên khỏi mặt đất để làm thành băng
ghế thô sơ cho người ngồi nghỉ chân vài phút, lấy lại một chút sinh lực để
gánh tiếp đôi nước về đến nhà. Con đường dốc đầy sỏi đá, ngoằn ngoèo... Với
đôi thùng nước nặng trĩu trên vai, nếu không khéo bạn dễ dàng vấp té; và
chuyện gì xảy ra... Nước bị đổ ra, một chút xây xát trên thân thể... Nhưng
trẻ con ở đây không chịu bó tay. Chúng đứng lên phủi sơ đá sỏi bám vào quần
áo, chia đều thùng nước còn lại và tiếp tục gánh về nhà.
Lớn lên trong khu vườn mít, được nuôi dưỡng từ nguồn nước mội ngọt
ngào, được ngắm nghía cảnh ngày ngày hai buổi sáng chiều, trẻ già, trai
gái... gánh một đôi nước trên vai với nhiều dáng điệu khác nhau... Có người
bước đi nhẹ nhàng, khoan thai. Có người đi như thể đánh đong đưa đôi thùng
nước như khiêu vũ. Có người gánhvới thể điệu nhạc rock - đôi thùng nước nhảy
tưng tưng trên cây đòn gánh quằn trĩu trên vai. Và cũng có người gánh nước
như chạy đua vậy....
Vâng! Tôi nhớ nhiều lắm! Tôi nhớ bà Hai Đó gánh nước mướn. Tôi nhớ đến cuộc
đời bất hạnh của bà với người chồng nghiệt ngã. Ông Hai Đó - chồng bà là
người thích ăn thịt chó, uống rượu và đốt nhà nhiều lần ....
Tôi nhớ những buổi trưa hè trốn ngủ, rong chơi ngoài trời nắng chang
chang cho đến khi cảm thấy cần tiếp thêm nhiên liệu thì vội vàng chạy về
nhà, mở nắp lu đựng nước uống, múc một ca nước ực một hơi, quay qua thùng
phuy chứa nước xài xối một gáo nước vào mặt là có ngay cảm giác mát lạnh
từ trong ra ngoài...
Mội nước năm xưa giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức của chúng ta mà
thôi... Ngày nay tôi được biết hầu hết mỗi nhà đều có giếng đóng. Con dốc
sỏi đá đã được mở rộng và được tráng xi măng. Hình ảnh con người quảy gánh
nước trên vai không còn nữa. Mội nước nhà ông Hai Tẻo giờ là cái sân tráng
xi măng và trang trí với những chậu kiểng, chậu hoa... Còn cái bãi đất với
nhiều cái mội nước phục vụ cho xe phân phối nước ngày xưa đã mọc lên những
ngôi nhà, những cửa hiệu buôn bán, dịch vụ...Cái vị mát ngọt tự nhiên, tinh
khiết ( nước sống - uống không cần đun sôi) của nguồn nước mội biết tìm đâu
bây giờ ?
Được cái duyên đọc bài viết về cái mội nước nhà ông Cả Luận, được
sự khuyến khích của anh Lâm quang Khải đã giúp tôi viết nên bài này. Chân
thành cám ơn anh.
(6/2016)