Miễu nhỏ
Lưu Thanh Bình
 

Ngôi miễu nằm ở ven đường, hiện diện ở đấy đã hàng mấy mươi năm kể từ khi tôi còn rất nhỏ, qua vài lần QL 13 được mở rộng, đến nay ngôi miễu đã lọt thỏm hoàn toàn trong phần lộ giới, sát mép đường. Cũng không biết thờ ai, nhưng xây bên vệ đường thì chắc là thờ những oan hồn tai nạn giao thông rồi. Nơi đây thuộc xã Vĩnh Phú quận Lái Thiêu, một địa phương thuần nông dù chỉ cách tua 18, ranh chợ Lái Thiêu có hai cây số. Gọi là tua ( tour) mười tám vì có cột cây số chỉ khoảng cách từ đây đến Sài Gòn. Có người ngờ vực cự ly này, nhưng đó là sự thực hay đúng hơn phải nói là “khoảng cách từ đây đến Bưu điện Sài Gòn” vì đầu thập niên 60 chưa có cầu Bình Triệu và xa lộ Đại Hàn; xe cộ từ miền Đông, miền Trung muốn vào Sài Gòn phải qua cầu Bình Lợi, cầu Băng Ky, xuống toà Tỉnh Gia Định, đi ngang Lăng Ông và trường Mỹ thuật Gia Định. Đường nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo. Thuở nhỏ, mỗi khi được ba chở đi chơi Sài Gòn bằng chiếc Traction đen (tôi còn nhớ bảng số là NBC 745), tôi mong đến Bình Lợi gặp lúc xe cộ phải dừng lại để cho xe lửa qua cầu, là dịp để bọn tôi thò đầu ra ngoài la hét ỏm tỏi, hoặc đưa tay ra vẫy lia lịa những người .. không quen trên các toa. Năm 1967, hãng RMK bắt đầu nắn tuyến QL13, giảm bớt những khúc cua nguy hiểm và mở rộng mặt đường, sau đó là xây dựng xa lộ vành đai (xa lộ Đại Hàn) và cầu Bình Triệu, Bình Phước… đường về Sài Gòn thâu ngắn lại nhưng tên tua 18, tua 17 vẫn còn đến bây giờ.

Bên cạnh miễu là con lộ đất nhỏ hẹp dẫn vào nhà cố và ngoại của tôi, hai bên là những thửa ruộng lúa, vườn cây ăn trái, những con mương dẫn nước rửa phèn xẻ ngang dọc nối nhau dài ra tới ven sông Sài Gòn, cung cấp nước tưới cho cánh đồng mía bát ngát rộng hàng trăm mẫu. Hồi đó việc chuyên chở bằng đường bộ chưa phát triển, phần lớn mía cây sau khi đốn, được bó lại vác xuống ghe chở về những lò đường nằm rải rác ven sông. Sau này những chiếc ghe bầu chở mía với lốc máy mạnh vài mươi sức ngựa trở thành phương tiện vượt biên lý tưởng, khi nằm trong vàm sông trông dềnh dàng vậy nhưng ra tới biển rộng thì chỉ như chiếc lá tre mong manh. Lò thủ công sản xuất ra đường tán, thứ đường thô mộc không hoa hoè bắt mắt nhưng chữ đường rất cao, thường được dùng để nấu …chè, mùi thơm đặc trưng và nếu bỏ thêm vào nồi vài ba lá dứa nữa thì thơm hết biết. Có thể nói đường tán chính là “người trong mộng” hay vị cứu tinh của những ai từng trải qua cảnh cá chậu chim lồng. Cắn cái bụp và ngậm mà nghe chất ngọt chảy dần xuống cuống họng. Quy trình chế biến cũng đơn giản, người ta dùng che ép đường mía chảy thành mật vào những chảo gang lớn, nấu cô lại sền sệt rồi múc bằng gàu cán dài đổ vô khuôn nguội lại là thành đường tán. Thuở nhỏ bọn tôi hay lân la xin mấy chú nhân công dễ tính được khoắn những khúc mía vào chảo để có một thanh kẹo mạch nha dài cả thước, đó là một trong những trò vui ngày hè của bọn mình. Dĩ nhiên lò đường thủ công cũng có cái dở là ô nhiễm môi trường và không bảo đảm vệ sinh, nhưng dù sao cũng đã một thời vang bóng, tạo ra công ăn việc làm cho không ít người dân nơi đây. Thạnh Lộc hiện vẫn còn chợ Đường, bán đủ thứ nhưng không còn bán đường (tán ) nữa.
 
Sau này, khi ngoại tôi rời Miễu Nhỏ dời về chợ Lái Thiêu sinh sống thì ngôi nhà rộng chỉ còn bà cố sống thui thủi một mình. Nhà cố xây theo kiểu xưa, ba gian hai chái, mái ngói âm dương, vách ván tắp, cột gỗ kê tán bằng những viên đá xanh, nền đất lâu ngày lên vảy rồng, từ ngoài sân nắng chói khom người bước vào qua ngạch cửa gỗ nhưng dòm không thấy cánh cửa nào cả. Nghĩa là nhà cố mở cửa quanh năm? Thật là một khái niệm lạ lùng đối với dân chợ như bọn tôi. Và cũng giống như bao nhiêu ngôi nhà xưa khác, chỗ trang trọng nhất giữa nhà là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, trước có cái bàn dài và mấy chiếc ghế dựa, hai bên là hai bộ ván gõ. Trên vách treo đầy những tranh ảnh kể lại Sự tích Trầu cau, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Thạch Sanh chém chằn…kèm theo mấy câu thơ minh hoạ. Truyện dân gian có mục đích khuyên răn người ta làm lành tránh dữ, phù hợp với tâm lý đơn giản của người dân quê là đoạn kết luôn luôn phải có hậu: kẻ dữ gây ra tội ác bị trừng phạt, người ngay được giải oan và hưởng phước. Thiện ác thật rạch ròi phân minh. Nên có trường hợp đám hát về cúng đình, mấy tay đóng vai phản diện ra chợ bị mấy bà mặt hầm hầm, lườm nguýt kêu bằng “thằng này, thằng nọ”… có khi còn bị ăn củ chổi nữa chớ.
 
Ngoài hàng hiên,dọc dài theo vách là mấy cái lu mái vú rất lớn, nắp đậy bằng đất nung dùng để chứa nước mưa uống quanh năm. Sau này trong các khu du lịch sinh thái, nhà nghĩ miệt vườn người ta hay phục dựng hình ảnh cái khạp nước với nắp đậy bằng sành , bên cạnh là cái gáo dừa có tra cán, úp lên cây cọc tre bên cạnh. Cùng với cỗ xe ngựa, bánh xe bò, chiếc đèn bão, bộ ván ngựa… đó là những hình ảnh làm gợi nhớ lại bao kỷ niệm xa lắc xa lơ thuở nào tưởng đã mất đi vĩnh viễn. Lại nhớ chuyện vui ông thầy bùa viết sớ, không biết viết tên thân chủ là Lon (Loan) nên vẽ hình cái lon, rủi mực chảy dài thành ra thêm cái cán, khi đọc lại thành Gáo, bị cự nự quá ông mới nói chữa thẹn rằng nhiều chuyện quá lon hay gáo gì cũng để múc nước thôi mà!  
 
Ngày thường nhà cố chỉ sinh hoạt nhiều ở nhà dưới, là cái chái bếp bên hông thông với nhà trên bằng cửa ngách, cũng có một bộ ván ngựa để cố ngồi têm trầu. Ở thôn quê, bếp nhà nào cũng nấu củi nên có nét giống chung là mái bếp đều ám khói đen thui. Nét độc đáo nữa là cái vỏ bình trà, làm bằng trái dừa bị khoét rỗng có thể giữ cho nước trà ấm nóng rất lâu…Những kỷ niệm xa xưa, khi ẩn khi hiện vì bụi thời gian đã phủ mờ, nhưng tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác thích thú được về Miễu Nhỏ ăn giỗ.
 
Đám giỗ ở thôn quê, mọi việc được chuẩn bị từ mấy hôm trước. Ngày thường bầy gà được thả lang ngoài vườn; muốn bắt phải chờ ban đêm, khi chúng đang đậu ngủ trên cành cây, nhẹ nhàng thò tay tóm lấy cặp chân là xong, nhốt trong giỏ chờ hoá kiếp. Củi khô sắp gọn sau hè, dao thớt đều sẵn sàng…. Nhà bếp là nơi tập trung đông người nhất, tiếng cười nói râm ran không dứt. Đám giỗ cũng là dịp để mấy bà mấy cô hàn huyên tâm sự, thỉnh thoảng có đứa trong bọn tôi chạy ngang qua là má ngoắc tay kêu lại, bắt khoanh tay quay qua bên đây thưa dì, quay qua bên đây thưa mợ…mà với trí óc non nớt bọn tôi không làm sao nhớ hết. Đa phần họ là con gái , con dâu của bà Bảy, bà Mười; hai bà là em của bà ngoại tôi. Sau đó là màn sờ đầu, vuốt tóc, nắm tay,vỗ đít và nhiều nhứt là câu “ Chèn ơi , sao mà lớn mau quá vậy học lớp mấy rồi con” hay “ Trời ơi mau quá, vài năm nữa là trổ mã rồi nghen”.v..v…

Đến giờ ăn, bọn tôi được dọn cho ăn trước.Chăn cho khoản hai ba chục đứa xi lố cố ăn không phải dễ, bởi vì chúng tôi ăn không theo trình tự nào cả. Bánh phồng tôm ăn với gỏi thì chơi cho sạch bánh phồng trước, gà xé phay thì ăn đầu cánh cẳng trước, ra gu thì ăn nước chấm bánh mì không ăn cái, bún gạo xào lòng gà thì chỉ ăn bún chan nước tương, bánh thì có bánh tét chuối,bánh ú, bánh cấp, bánh bò, bánh thửng ( hay thuẩn?), bánh da lợn. Đủa muỗng thi nhau rơi loảng xoảng, nước tương nước mắm nhểu trúng đầu là sự thường, và nếu nghe cái bộp nghĩa là có đứa làm bể tô (!). Nhớ lại hồi nhỏ hay bị hù ăn chân gà bị …run tay run chân, sau này mới biết là do mấy ông nhậu sợ mất phần nên phao tin đồn nhảm.
 
Mấy năm chiến tranh, khoảng cách nông thôn và thành thị làm mối quan hệ thân thuộc mờ dần. Miễu Nhỏ nằm trong vùng xôi đậu, không còn thanh bình như xưa. Dù sau này, khi học thêm luyện thi ở Sài Gòn, mỗi ngày phải hai lượt đi về qua Miễu Nhỏ nhưng tôi cũng chỉ liếc mắt nhìn qua một cái rồi thôi. Con lộ đất dẫn vào nhà cố vẫn im lìm hiện diện với hai hàng cau trầm mặc như thuở nào, ngay cạnh con đường cái với nhịp sống ồn ào hối hả ngày đêm không dứt. Ôi một khoảng cách quá gần mà lại xa biết bao nhiêu.
 
Nhớ năm đó cố đã hơn 80 tuổi mà vẫn còn có thể đi bộ từ nhà lên chợ, xách theo từng bó mía lau, bó rễ tranh trắng phếu và bọc mận xanh ngọt lịm. Có lẽ cố phải chuẩn bị món quà từ hôm trước, rửa từ trái mận, so từng khúc mía, đào rửa phơi ráo từng cọng rễ tranh. Nước mắt chảy xuống, bao giờ người già cũng nghĩ về đám hậu sinh trước. Phải chăng đó cũng là quy luật của tạo hoá ? Nhận quà thì mừng rỡ nhưng lũ cháu chắt vô tình đâu biết cố còn phải về; cũng đi bộ, đường xa nắng gắt, tấm lưng còng với hai lớp áo, chiếc khăn vải sọc ca rô nhỏ hai màu trắng đỏ bắt chéo trên đầu, chiếc nón lá sờn vành ngã màu ngà cũ kỹ…
 
Một buổi chiều về thăm quê, ra đứng ở bờ sông gió mát thổi lồng lộng, dòng nước chảy mang theo những dề lục bình trôi lững lờ về nơi vô định. Sông Sài Gòn đến đây đã mở ra rất rộng nhờ được tiếp nước của các chi lưu, nên khung cảnh có nét giống hao hao với miền Tây. Cũng tiếng bìm bịp gọi nước âm vang bờ bãi, cũng đám dừa nước chắn sóng ven bờ, cá thòi lòi chạy trên lớp sình bên lở bên bồi, và mấy nhánh mù u nghiêng mình soi bóng bên bờ rạch. Xa xa giữa dòng, mấy chiếc xà lan đang tranh thủ chạy xuôi theo con nước lớn, chở cát đầy khẳm tưởng chừng chỉ một đợt sóng ngược vỗ mạn là xuống thăm hà bá, vậy mà chúng vẫn lù lù tiến lên thật kiên định ( hay ngoan cố ?). Bên kia là Ba Thôn, vùng đất thuộc Mười Tám Thôn Vườn Trầu nổi tiếng, liền kề với chiến khu An Phú Đông, một vùng chuyên canh cây mía xen với  trầu cau và lài.
 
Dân gian có câu: “ Tấn về nội, thối về ngoại”, bởi vì từ bao đời nay, quê ngoại lúc nào cũng đồng nghĩa với bao dung đôn hậu, về ngoại cũng là về với những thú vui bình dân giản dị. Mẽ cá con kho quẹt ăn với cơm nguội ngày mưa dầm, nồi canh chua lươn với nguyên liệu ngoài vườn gồm me chua,bắp chuối, bạc hà, rau thơm, giá sống, ớt đỏ, cà chua, cà bắp và dĩa nước mắm sống, vừa ăn vừa hít hà chảy nước mắt vì cay và nóng. Hay lội mương bắt ốc bu ngâm nước vo gạo dầm ớt cho nhả nhớt, rồi hấp với lá sả lá chanh hái ngoài vườn. Ốc luộc chấm với nước mắm hay muối tiêu chanh…

Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ…

Quê ngoại đơn giản mộc mạc vậy đó nhưng chung thuỷ chân tình biết bao. Gã con đi,có lẽ người mẹ nào cũng ấp ủ hoài mong ngày con mình về chơi, mang theo đàn con nhỏ cho biết bên ngoại. Mà thường một năm chỉ có hai ngày như vậy thôi: ngày Tết và ngày giỗ…

Má ơi đừng gã con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
 
( 06 – 2010)