Má Tôi

Nguyễn Thị Hòa Nam
(viết nhân ngày Hiền Mẫu 2013)


Những gì tôi biết về má tôi không nhiều lắm, nhất là thuở nhỏ của bà. Tuổi thơ má tôi thế nào, sướng hay khổ, rồi sau nầy, làm vợ, làm mẹ, bà có mãn nguyện không? Hoàn toàn không nghe bà nhắc đến. Bà là người không thích kể lể. Cũng chưa hẳn là như vậy. Có lẽ do tôi không biết quan tâm, hỏi han, hay thắc mắc. Nói một cách chính xác hơn là lúc má tôi còn sống, tôi thương bà chưa đủ. Thuở nhỏ thì tôi thương chơi, thương học; lớn lên thì tôi thương công ăn, thương việc làm; lập gia đình thì tôi thương chồng, thương con. Ôi, giá như má tôi để lại cho anh chị em chúng tôi một cuốn nhật ký thì quý biết chừng nào. Bây giờ, sau hơn ba mươi năm làm mẹ của ba đứa con, tôi mới thực sự thấy thương má tôi, muốn biết nhiều hơn về má, thì bà đã qua đời. Má tôi đã không còn nữa. Nhớ má tôi, tôi chỉ còn biết nhớ những chuyện xưa, chuyện tuy rất xưa nhưng tôi vẫn nhớ rõ ràng.

 
 
Bà ngoại tôi mất rất sớm, từ khi má tôi mới lên ba. Ông ngoại tôi sau đó đã tục huyền. Bà ngoại nhỏ không có con nên bốn anh chị em má tôi mặc dù không có được tình cảm thiêng liêng của người mẹ đẻ, nhưng không đến nỗi phải chịu cảnh “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”. Rồi bà ngoại nhỏ cũng mất sau đó. Má tôi lại mồ côi mẹ một lần nữa trước khi bà lấy chồng.
 
Ông ngoại tôi theo đạo Cao Đài, vì vậy má tôi hồi nhỏ có lên Toà Thánh Tây Ninh ở một thời gian. Bà đã được người trong Toà Thánh dạy đọc, dạy viết, cho nên tuy ở làng quê nghèo gần 90 năm trước, không có trường học, mà má tôi cũng biết chữ. Bà biết chữ vừa đủ để có thể dùng phấn ghi notes trên cánh cửa tủ những gì cần nhớ; để trưa trưa trời nắng gắt, không làm việc ngoài vườn, hoặc những lúc rảnh rỗi, ngồi đọc đi đọc lại mấy cuốn Truyện Kiều, Đông Châu Liệt Quốc, Ngàn Lẻ Một Đêm, Phong Thần, Thuỷ Hử, Tam Quốc Chí, Đau Đớn Phận Nghèo..., mà bà đã gần như thuộc lòng nhưng vẫn thích đọc; để, theo lời chị tôi kể, má tôi dùng than đen viết lên mo cau trắng, dạy mấy chị tôi học đọc học viết, vì thời ấy, quê tôi vẫn chưa có trường. Bởi vậy, khi có trường - cái trường đầu tiên được làm toàn bằng tre và lá mía chỉ có 2 phòng học, mà tôi vẫn còn nhớ - mấy chị tôi không cần phải học lớp 1 nữa, mà vô thẳng lớp 2, vì đã quá lớn và đã biết đọc biết viết chữ rồi. A, B, C thời đó đọc là a, bê, xê. "Xê ra. Nhớ chưa?", má tôi dạy mấy chị tôi cách nhớ chữ C như vậy. Còn con nít bọn tôi thì cứ hay nghêu ngao “a bê xê cò, ăn cắp bánh bò, bỏ túi bành tô”. Lắm khi chị em tôi nhắc nhau về má, chúng tôi luôn thắc mắc một điều mà không ai có thể giải thích được: Má tôi mồ côi mẹ từ lúc còn nhỏ mà sao bà giỏi tới như vậy?
 
Ông ngoại tôi có chia cho má tôi một mảnh đất nhỏ. Sau khi cưới nhau, ba má tôi cất nhà trên mảnh đất đó. Ông bà trồng cau, trầu, rau cải và đủ loại cây trái. Má tôi tuy không đi làm hãng xưởng hay ruộng rẫy, nhưng bà chửa đẻ liên miên, vừa lo cơm nước, chăm sóc, giặt giũ cho anh chị em chúng tôi, vừa lo vườn tược, rồi phải thu hoạch, đem bán lấy tiền, cũng cực khổ vất vã lắm. Hái măng cụt thì dễ, vì cây măng cụt trơn tru có nhiều nhánh to, dễ leo, dễ đứng, trái măng lại dễ hái. Nhưng tội nghiệp nhất là lúc má tôi hái chôm chôm, vì bà phải đối phó với lủ kiến vàng đỏ ối chỉ thích làm ổ trên cây chôm chôm. Má tôi bắt thang leo đứng trên cây, tay nầy bà cầm kẹp hái trái, tay kia bà phủi lia phủi lịa đám kiến vàng đang bu lại tấn công. Mấy chị em tôi càng già, càng xót xa ngậm ngùi khi nhắc lại với nhau hình ảnh đó. Rồi cứ vài hôm ba tôi bắt thang leo hái trầu một lần. Trầu hái xong được đổ một đống lớn trên bộ ván, má tôi phải ngồi liển, nghĩa là xếp 4 lá thành một xấp, hai lá lớn ở ngoài, hai lá nhỏ ở giữa, rồi sắp xoay tròn trong thúng. Sáng hôm sau bà gánh trầu ra chợ Bình Dương bán. Cực vậy đó mà chị tôi kể lại: Có lần đó má tôi gánh trầu lên chợ, đứng đã đời không có ai mua, gần trưa, chợ bắt đầu vắng, má tôi phải đem lại cầu Đúc ở ngay sát chợ, đổ cả gánh trầu xuống sông, rồi móc tiền túi ra, mua thức ăn gánh về. Má tôi vui vẻ, nhưng hiền khô, không lanh lợi, không biết chào mời nên không bán buôn gì được hết. Kể từ lần đó, má tôi không dám gánh đồ lên chợ bán nữa, má bán trầu cau và cả trái cây cho dì ba, chị ruột của má, một người to lớn dềnh dàng, tuy không biết chữ nhưng lanh lợi “miệng bằng tay tay bằng miệng”. Dì ba sống bằng nghề buôn bán. Dì đến những nhà có rau cải, trái cây, như nhà má tôi, mua với giá rẽ rồi đem lên chợ Bình Dương bán lại kiếm lời.
 
Cũng có lúc má tôi xây lò tráng bánh tráng để bán kiếm tiền phụ thêm với lương thầy giáo của ba tôi. Má tôi ngồi tráng thì mấy chị tôi phải đội liếp đi phơi. Tóc mấy chị tôi hồi nhỏ hớt ngắn kiểu con trai, thỉnh thoảng, đội liếp bánh tráng, bánh tráng bị tóc chọc lũng, còn tóc tai thì dính bê bết bánh tráng. Má tôi còn nuôi heo nữa. Thời đó má tôi nuôi heo cho ăn cám độn thêm cây chuối. Chuối chặt lấy quài xong, cây chuối được đốn xuống, xắt mỏng, rồi bỏ vô cối, giả nhỏ, trộn vào cám cho heo ăn. Má tôi tráng bánh, nuôi heo để tăng gia thu nhập mà vẫn chưa đủ sống, má tôi còn phải tiết kiệm, tính toán dữ lắm. Hồi đó gia đình tôi chỉ ăn sáng bằng cháo trắng với đậu phọng rang muối hay dưa gang muối xắt mỏng chiên lên. Muốn tiết kiệm được tiền, mỗi năm vào mùa đậu phọng, má tôi tìm đến tận gò trồng đậu, mua đậu mới nhổ đem về, rửa sạch sẽ, phơi khô, cất đi. Khi nào cần rang mới đem đậu ra lột. Dưa gang cũng vậy, đến mùa thu hoạch, má tôi đến tận ruộng dưa, mua xong gánh về, rồi tự muối lấy. Đậu phọng, dưa gang mua như vậy thì giá cả rất rẽ so với giá ngoài chợ. Tương hột má tôi cũng tự làm lấy. Thử tưởng tượng xem, má tôi đã tiết kiệm được biết bao nhiêu tiền bạc từ những sự tính toán tinh vi như thế. Cũng tội nghiệp mấy bà chị của tôi, má tôi cực bao nhiêu thì mấy chị tôi cũng cực gần như bấy nhiêu. Mấy chị tôi chỉ có thời gian học bài vào buổi tối dưới ánh đèn dầu leo lét. Còn chúng tôi, anh tám tôi, tôi và ba thằng em trai vì còn nhỏ, lại có nhiều chị lớn nên sướng lắm, chỉ biết ăn, chơi, đi học. Tuy không ngon lành như công tử Bạc Liêu nhưng cũng là công tử, tiểu thư ... nghèo của thôn Bà Lụa.
 
Làm tiểu đội trưởng quản lý một tiểu đội như má tôi, bà phải đặt ra những luật lệ gắt gao để giữ gìn trật tự nề nếp mà anh chị em tôi, từ trên xuống dưới, phải răm rắp tuân theo. Nè nhen, kéo ghế ra, ngồi xuống, đứng lên, phải đẩy vô cho gọn gàng ngay ngắn; tuyệt đối không được lên nhà trên lúc ba tôi đang ngủ trưa; ngồi trong bàn ăn không được nói chuyện; không nói bậy, chửi tục; hàng xóm mang đến cho cái gì không được tự động ăn trước, phải chờ má tôi nghiệm thu để biết mà trả lễ cho tương xứng... Nhiều luật lệ lắm, không kể nổi đâu. Nhưng có cái nầy thì tôi đặc biệt nhớ: Ở nhà quê mà, đất cát sình bùn dữ lắm, cho dù chiều nào anh em tôi - là tôi nói từ anh tám tôi trở xuống, chứ mấy chị tôi lớn rồi, không tính - cũng tắm rửa sạch sẽ, nhưng khi đi ngủ, hai bàn chân vẫn không thể nào sạch được. Người ta thì đánh răng trước khi ngủ, nhưng má tôi đặt thêm quy củ: rửa chân trước khi ngủ. Để đở giặt mền chiếu đó mà. Tối nào, má tôi cũng đợi chúng tôi nằm yên trên ván - thời đó, năm đứa nhỏ chúng tôi ngủ chung trên bộ ván lớn - má tôi 1 tay bưng đèn dầu, 1 tay cầm roi đi kiểm tra bàn chân của từng đứa. Đứa nào có bàn chân không sạch, vừa bị ăn 1 roi, vừa phải tuột xuống đi rửa lại. Ha. Ha. Nhất là đứa nào ngu, trời nóng quá trời mà đắp mền kín mít cho má tôi đặc biệt chú ý, chạy trời không khỏi nắng.
 
Quần áo chúng tôi mặc cũng phải có thứ tự, không được xô bồ xô bộn. Nhà nghèo mà; cái nào mặc ở nhà; cái nào mặc đi học; cái nào mặc đi chơi, đi chợ, đi búa; cái nào mặc ngày Tết; đều có quy định cả. Mấy chị và tôi mỗi người đều có 1 chiếc áo đầm và 1 cái nơ cài tóc có đính kim tuyến, hồng, xanh, tím, đỏ khác nhau. Cất kỹ lắm. Chỉ được mặc vào mấy ngày Tết. Ạ, bây giờ tôi mới nghĩ ra: Tôi là con gái út, nhỏ nhất nhà, chắc là tôi phải bận áo đầm 4 đời của 4 bà chị của tôi, không bao giờ có được áo mới, chứ gì? Vậy mà hồi nhỏ, tôi mong đến Tết dữ lắm, giống như tất cả những đứa con nít khác. Nhưng ở tôi, còn thêm một lý do, đó là mấy ngày duy nhất tôi được mặc áo đầm và được cài nơ lên tóc trong một năm. Mà má tôi giỏi thiệt đó. Quần áo chị em tôi mặc đều do tay bà may lấy. Bà cắt quần cho mấy chị tôi xong, mót phần vải còn dư để may cho tôi. Hai cái cho chị tôi thì thêm được một cái cho tôi. Dĩ nhiên quần tôi không thể nào rộng rãi vì không đủ vải, cho nên chạy nhảy tối ngày như tôi, cứ bị bung chỉ rách đáy hoài. Khổ. Má tôi còn sử dụng rành rọt búa, kềm, dùi, đục, dao rựa, cưa, kéo nữa chứ. Bà cưa cây cưa củi, bà đục chỗ nầy, trám chỗ nọ, trét chỗ ki. Thiết kế cũng bà mà thi công cũng bà. Đàn ông cũng bà, mà đàn bà cũng bà. Sao má tôi giỏi quá cở hỏng biết? Có ai tin không? Sức lực vô biên tiềm ẩn trong thân hình nhỏ nhắn của má tôi sao hồi trẻ tôi không nhận ra? Bây giờ hồi tưởng lại, những cực nhọc mà tôi trải qua sau ngày lấy chồng, nếu đem so sánh với má tôi, nào có nhằm nhò gì.
 
Hồi nhỏ tôi thích được đi chợ với má tôi lắm. Con nít ở nhà quê ngày xưa có được đi đâu ngoài đi chợ. Đi chợ bằng xe ngựa. Lên tới chợ, tôi ngồi giữ gánh cho má tôi. Bà đi mua đồ, đem lại bỏ vào gánh, rồi đi mua tiếp. Bận đi thì chỉ có người, không đồ đạc, nên ngồi xe ngựa thoải mái. Bận về, vừa người vừa đồ đạc, xe chật cứng, tôi là con nít, luôn bị nhét vô giữa, không nhúc nhích, cục cựa gì được, lúc bước xuống xe, hai chân tê cóng, thiếu điều muốn quỵ. Vậy mà tôi ham đi lắm, vì lần nào cũng được má tôi cho tiền ăn một ly nước đá đậu đỏ bánh lọt của ông “cắc chú” ở Phòng Thông Tin, món mà tôi ghiền nhất ở chợ Bình Dương lúc nhỏ. Trời nắng, ăn nước đá đậu đỏ bánh lọt, vừa ngọt, vừa mềm, vừa bùi, vừa lạnh, ngon hết biết.
 
Má tôi lại là người hiền lành, lễ phép, rất mực hiếu kính và thương ông bà nội tôi. Bởi vậy mà bà nội thương má tôi như con gái ruột. Má tôi cũng vậy, từ ngày lấy chồng, nhà bà nội tôi là chỗ dựa vững chắc nhất cho má tôi tá túc những lúc bà bị ba tôi ăn hiếp. Có lần, má tôi giận ba tôi, bà đem bốn đứa con về nhà nội, hai đứa nhỏ nhất được bà để vô hai cái thúng rồi gánh trên vai, hai đứa lớn hơn thì lúc thúc chạy theo sau. Má tôi lùn và nhỏ con, gánh như vậy đi từ nhà tôi ở Bà Lụa lên nhà ông bà nội trên xã Chánh Nghĩa hơn sáu cây số, vì lúc đó và thậm chí cho mãi đến bây giờ, từ nhà tôi lên nhà nội tôi không có xe. Nghe chị tôi kể lại, tôi vừa mắc cười, vừa thương, mà cũng vừa phục má tôi quá xá.
 
Mặc dù không biết hát nhưng má tôi cũng có tâm hồn nghệ sĩ. Anh Ba tôi kể lại, hồi anh còn nhỏ, nhà nghèo lắm, nhưng khi biết anh ba tôi thích đàn, má tôi cũng cho anh tiền mua cây đàn mandoline, lại còn cho anh tôi đi học đàn nữa chứ. Hình như bên ngoại tôi có máu văn nghệ thì phải. Nhạc sĩ Võ Đông Điền, tác giả của những bài ... Con Chim Đa Đa, là con của cậu tư, anh trai duy nhất của má tôi. Còn thằng Cường, em tôi, cũng là tay trống nổi tiếng của trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương hồi nó học trung học. Thằng lớn của tôi bây giờ cũng là dân mê karaoke, nhưng mỗi lần nó vặn máy lên rồi "rên" thì tôi và mấy thằng em của nó len lén nhìn nhau thở dài, vì bảo đảm lỗ tai chúng tôi phải bị hành tội mê.
 
Má tôi rất được lòng người trong làng. Bà tuy nghiêm khắc với con cái trong nhà nhưng đâu đó đàng hoàng, lại hiền lành, vui vẽ và tốt bụng với hàng xóm láng giềng. Cuộc đời tôi chưa từng thấy bà gây gổ, cãi vã với ai bao giờ. Bà  cũng không gian trá, lợi dụng hay lường gạt ai cả. Mấy bà bạn già của má tôi thương quí bà lắm. Đôi khi tôi cố gắng suy nghĩ để tìm xem má tôi mang nhiều nữ tính hay nam tính trong người, nhưng rồi tôi cũng không làm sao tìm được câu trả lời. Bà là người thông minh, tháo vát, giỏi giang, không ỷ lại, không thở than, không kể lể, tuy nghèo nhưng rộng rãi, phóng khoáng và hào sảng. Có lúc bà đau bệnh rất nặng, nhưng vẫn nằm im, âm thầm cắn răng chịu đựng, không hề rên la hay than thở. Má tôi là người không biết nhõng nhẽo,có lẽ do bà mất mẹ từ lúc mới lên ba chăng? Vì vậy mà bà chịu thiệt thòi hơn ba tôi. Ba tôi tuy là đàn ông nhưng nhõng nhẽo dữ lắm. Ăn không ngon miệng ông cũng thở dài. Nhức cái răng ôngcũng rên hừ hừ. Những lúc đó, má tôi lẩm bẩm: “Hứ, ổng mà đẻ, cả nước đều biết”. Nói vậy chứ má tôi nể ba tôi lắm. Xí, xó, háy, hó gì cũng nho nhỏ ở nhà dưới chứ không bao giờ dám để ba tôi nghe đâu. Tôi chưa từng nghe má tôi xon xỏn cãi lại ba tôi bao giờ. Bà cũng là người nhẫn nại, giỏi chịu đựng, nhường nhịn và rất thương con như hầu hết mọi người phụ nữ Á Đông mẫu mực khác. Tôi còn nhớ, khi mấy anh em trai tôi vượt biên đi rồi, ba tôi đêm đêm vẫn ngủ tuốt luốt, còn ngáy om sòm trời đất. Vậy mà khuya khuya, mỗi khi chúng tôi bất chợt thức giấc, thường nhìn thấy má tôi âm thầm bưng đèn dầu, rọi nhìn vào mấy tấm hình của các con cho đở nhớ. Nhắc lại chuyện này, mấy chị em tôi vẫn còn muốn rơi nước mắt. Ôi, má của chúng tôi!.
 
Má tôi là “The best má in the world” đối với tôi. Phần lớn đàn bà Việt Nam đều hy sinh và chịu đựng, nhưng cái tuyệt vời của má tôi là với thu nhập rất thấp của gia đình tôi thời đó mà bà đã chắt chiu, tính toán để nuôi mười một anh chị em chúng tôi ăn học đàng hoàng. Hình ảnh má tôi trong lòng tôi như con gà mẹ luôn dang rộng đôi cánh, lúc thì ấp ủ, sưởi ấm; lúc thì bảo vệ bầy con khi thấy diều hâu bay lượn trên cao. Hình ảnh má tôi trong lòng tôi như “con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Má tôi tuy không phải gánh gạo nuôi chồng, nhưng bà cả một đời khổ cực, hy sinh, chịu đựng, nhường nhịn, và hằng đêm vẫn khóc nỉ non, mặc dù không bao giờ để ai nghe thấy, khi nhớ mấy anh em trai tôi lúc đang lưu lạc xứ người.
 
Má tôi cũng là “The best má in the world” trong lòng mười anh chị em khác của tôi. Tất cả, dù giàu có, thành đạt hay không, dù sống bên cạnh má tôi hay không, đều thương yêu, kính trọng má tôi. Sau khi má tôi mất, thằng Cường em tôi, vì thương nhớ má, đã làm một bài thơ ca ngợi công đức của bà, tuy rằng vần điệu không hay, nhưng rất thiết tha, chân thành và cảm động. Bài thơ đó bây giờ luôn được để cạnh bàn thờ má tôi. Nó thích bài Bông Hồng Cài Áo lắm, có tiệc tùng gì là anh chàng vừa gãy guitar vừa hát:
 
Một bông hồng cho anh.
Một bông hồng cho em.
Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ.
Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn.
 
(Bông Hồng Cài Áo - Phạm Thế Mỹ)
 
Riêng tôi, bây giờ lớn tuổi, lắm khi rảnh rỗi cũng ngồi mà suy ngẫm chuyện đời, trong đó có cả ngẫm nghĩ về cuộc đời người má đáng kính của tôi: Một người đàn bà đức độ, giỏi giang, một đời chỉ biết hy sinh cho gia đình, liệu bà có mãn nguyện về cuộc đời của bà không? Má tôi không thích kể lể, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng nghe má than phiền về cái tính gia trưởng của ba tôi, nên tôi không thể hình dung được tình cảm của má dành cho ba tôi ra sao? Cho mãi đến khi ba tôi mất ở cái tuổi 80, má tôi không than khóc ỉ ôi  nhưng tinh thần suy sụp thấy rõ. Vào một buổi tối, trời mưa rỉ rả, bà chép miệng buồn bã rồi nói với chị tôi rằng: “Trời mưa, cái gì cũng đem vô được, chỉ trừ có một thứ là không thể đem vô." Chúng tôi đều biết bà muốn nói đến ba tôi, người đã được chôn trong khu vườn của gia đình.
 
Má tôi mất đi không để lại tài sản vật chất gì nhiều cho con cái, nhưng tài sản tinh thần thì thật là vô giá. Đó là niềm tự hào, hãnh diện vì được làm con của má. Đó là những đức tính của má mà chúng tôi đã được thừa hưởng. Đó là sự cảm nhận được tình cảm thiêng liêng và cao quý của một người mẹ trong chúng tôi.
 
Mong rằng tất cả những người con trên thế gian nầy, đều có một người mẹ tuyệt vời như anh chị em chúng tôi. Mong rằng tất cả những người con trên thế gian nầy, những ai còn má, hãy nghĩ đến, hỏi han, chăm sóc và thương má mình nhiều hơn nữa.
 
Nếu mai nầy mẹ hiền có mất đi.
Như đoá hoa không mặt trời.
Như trẻ thơ không nụ cười.
Như đời mình không lớn khôn thêm.
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm.
 
(Bông Hồng Cài Áo - Phạm Thế Mỹ)

Tháng hai năm Quý Tỵ 2013