Má Tôi
Huỳnh Thanh Hùng
 
Bài viết nhân sắp đến ngày giỗ Mẹ.
Ngày ấy khoảng năm 1964, 65, con đường Nguyễn Trãi là một con đường nhỏ chạy dài từ Chợ Lái Thiêu đến Cầu Ông Bố để vào Đông Ba. Cha mẹ tôi có một căn nhà nhỏ tại đường xuống Hồ Tắm Bạch Đằng nay xuống Cafe Gia Nguyên, Sông Xanh...
Lúc ấy Ba tôi còn đi dạy học còn tôi đang theo học trường Tiểu học Lái Thiêu, Mẹ thì buôn bán ngoài Chợ mà tôi nhớ rất rỏ là Mẹ tôi khi ấy bán thịt heo sau khi cân lại tại các thớt thịt.
Mỗi lần sáng sớm là mỗi lần tôi vừa buồn ngủ vừa lo sợ vì phải thức đi ra Chợ lấy thịt để sáng Mẹ tôi ra bán. Thú thật từ nhà con đường đất nhỏ xuống hồ tắm ban đêm rất tối vì không có đèn đường và có chăng là cây trụ đèn ngay ngã ba hồ tắm và đường Nguyễn Trãi. Đèn đường chỉ là cái bóng tròn 100 watt vàng vọt yếu ớt. Mỗi lần Mẹ kêu tôi dậy là như cái máy nhận lấy tờ giấy mà Mẹ tôi ghi những món cần lấy và số lượng cùng một cái giỏ hơi to thế là tôi dung rủi đi ra Chợ vì tôi là con trai lớn trong nhà, còn lại các em của tôi còn rất nhỏ.
Ra khỏi cổng nhà...tim tôi bắt đầu loạn nhịp vì chỉ một khúc đường dất nhỏ này hai bên cũng có gần 10 ngôi mộ đá xanh có, đá đỏ có lẫn mộ đất và những đám cây cỏ dại làm cho khung cảnh hơi lạnh gáy cho những ai sợ ma.
Thú thật tôi cũng sợ nhưng vì công việc mà Mẹ tôi giao nên tôi phải liều thôi nha chứ không có gan như người khác. Tôi vừa ra cổng lấy cái giỏ úp lên đầu xeo xéo chừa hai con mắt để nhìn đường đi xong tôi chạy một cái vèo lên tới trên đường chính là đường Nguyễn Trãi.
Nếu hôm nào hên thì sẽ gặp một hay ài người gánh rau củ từ Đông Ba ra Chợ...còn như các hôm mưa gió hay lạnh thì chỉ một mình tôi thui thủi bước thật nhanh ra Chợ vì dọc đường thỉnh thoảng có ánh sáng đèn của các cây trụ đèn, vừa đi vừa lâm râm trong miệng a di đà phật...
Khoảng thời gian 4, 5 giờ sáng ấy cũng trên con đường Nguyễn Trãi này tôi không bao giờ quên. Thời ấy tôi học rất giỏi năm nào cũng được lãnh thưởng và thật vui khi được Mẹ khoe với các bạn hàng bán chung ngoài chợ. Niềm vui của Mẹ đã giúp tôi bớt lo sợ để mỗi khi trời hừng sáng có một thằng bé úp giỏ lên đầu đi như chạy ra chợ mà miệng lâm râm niệm Phật.
Ngày 11 tháng 10 này là ngày Giỗ Mẹ tôi nay tôi viết lần lượt những kỷ niệm thời thơ ấu để còn lưu lại sau này. 19.11.2017.


Má Tôi
Xin được gọi là Má vì từ nhỏ anh em chúng tôi đều gọi là Ba Má theo kiểu dân Nam Bộ truyền thống. Nay viết bài này cho các em của tôi hiểu thêm về cuộc sống gian khổ mà Má tôi đã trải qua.

Sau khi dọn từ nhà trên Nội về Lái Thiêu thì căn nhà đầu tiên là căn nhà lá ngay Cổng Đình Tân Thới ngó qua, Ba đi dạy học còn Má lo công việc nhà. Lúc đó tôi mới biết đi chập chửng và Má may cho bộ đồ Pyjama trắng và cho mang đôi guốc dông đi trên đường nghe lốp cốp.
Có lần đi xuống ngỏ trước nhà Cô Giáo Ba bị chó cắn, Má tôi trị theo dân gian là lấy lưỡi dao yếm dập nát trái ớt và xát vào vết chó cắn. Lúc ấy tôi rất sợ xe tăng... Mỗi lần có đoàn xe quân dội chạy ngang mà có xe tăng là tôi sợ trốn biệt. Má tôi biết nên có lần một đoàn xe lính có xe tăng đi qua và đậu từ Ngã Năm vào tới Gò Cát thì Má tìm cách dụ tôi ra ngã ba Xóm Xe Bò ăn nước đá đậu đỏ bánh lọt món mà tôi khoái do ông Biếu bán ngay cột đèn sắt đầu đường và cũng sát với mấy chiếc xe tăng đang đậu. Ý má tôi làm như vậy là tập cho tôi hết sợ nhưng thú thật là hôm ấy vừa ham ăn vừa run sợ và vì nước đá lạnh làm tôi rét run quá đổi nhưng cũng từ đó tôi không còn sợ xe tăng.
Căn nhà thứ hai là căn nhà đầu hẽm xuống lò Nem và cạnh nhà Bà Chín kẹo hột điều... Chiều chiều vào mùa điều Ba thường hay rang hột điều mà Ba hái nhặt được những nơi Ba đi dạy bằng cách sau: Ba lấy nắp thùng thiết dầu hôi có đục lỗ bằng đinh như rổ rồi nhóm củi để miếng thiếc lên trên cho hột điều lên trên tấm thiếc trộn đều cho tới khi hột điều phựt cháy thì nhân hột điều đã chín, Ba Má đổ ra rồi dùng cây củi kê lên cục đá đập lớp vỏ cháy là đã có những hột điều giòn nóng rất ngon để anh em chúng tôi thưởng thức.
Căn nhà thứ Ba là căn nhà dưới đường xuống Hồ tắm Bạch Đằng. Khi về đây thì Hồ tắm cũng mới khai trương. Trước nhà lại có cây trứng cá rất to và trái rất sai. Dạo ấy người Sài gòn vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật hay lên Lái Thiêu chơi và hay ghé hồ tắm rồi mới về. Ba đốn một cây trúc. Phần ngọn chẻ nhỏ thành nan và đan lại thành như một cái bầu để hái trứng cá chín. Má sau khi rửa sạch đổ vô rổ lấy ghế ra trước cổng vô nhà kê lên và được người Sài gòn đi chơi thấy lạ ghé vào ăn thử thấy ngọt nên hỏi mua. Má ra giá và lấy lon sữa bò đong bán cho khách kiếm thêm chút tiền mỗi dịp cuối tuần.
Rồi tổng động viên, Ba phải đi lính với cấp bậc Trung sĩ Không quân đóng tại sân bay Biên Hòa. Cùng lúc này thì Bà Chín kẹo hột điều đổi căn nhà trên đường Nguyễn Trãi cho Ba Má. Căn nhà này Bà Chín cho Ông Năm Bé ở nhưng vì sao đó Bà Chín đổi nhà với lý do là căn nhà trên đó quá rộng mà Bà Chín rất thương Ba Má nên đổi nhà kèm với một số tiền Ba Má phải bù thêm, việc tiền bạc này anh không rõ là Ba Má có mượn trên Nội hay không... Má thì lo buôn bán ngoài Chợ từ bán thịt heo rồi vàng giả, tôi phải theo Má mổi lần Má đi xuống Chợ Bình Tây, Chợ Lớn mua vàng giả về trãi trên cái tràng ra Chợ Lái Thiêu ngồi bán. Lâu lâu mà Ba không về phép Má dẩn anh đón xe đò Bình Dương Biên Hòa chạy theo ngỏ Đồng An qua thăm Ba.
Dưới sau Hồ tắm có một khúc sông từ ngoài Lái Thiêu chảy vào cho tới lò Quảng Hòa Xương hay gọi là bến Lội là một nơi có bãi cát sạch và một gốc Mù U to dùng để nhảy tắm rất tuyệt. Má và Chị Cúc ( Bà hay Cơ ) hay đi xuống lội và anh thường hay được Má cho đi theo và anh biết lội từ thuở ấy.
(Những kỷ niệm về Ba Má còn nhiều, anh sẽ sắp xếp viết lại cho các em nhất là các em sau này hiểu thêm về Ba Má thời còn trẻ.
Sắp đến ngảy Giỗ Má, anh em chúng mình sẽ gặp nhau lại để tưởng nhớ lại những gì mà mà Ba Má đã gian khổ lo cho anh em chúng mình và thắp nén nhang thương tiếc.)

BÁNH XÈO
Má tôi khi còn sống hay đổ bánh xèo cho cả nhà thưởng thức mỗi khi Ba nghỉ phép về thăm nhà, khi ấy tôi tuy còn nhỏ nhưng nhớ rất rỏ từng công việc để được món ăn rất ngon,
Trước tiên tối hôm trước Má phải ngâm gạo để sáng mai sang nhà hàng xóm xay, thời ấy phải xay bằng cối đá và lần nào cũng vậy tôi được phụ xay gạo,tuy hơi mệt vì phải cầm cần xay bột đẩy tới kéo lui nhưng rất vui...xong Má tôi dùng chút ít bột cà ry để bánh có màu vàng. Sáng hôm ấy Má đi chợ rất sớm mua rau sống, giá, chút ít tép, thịt ba rọi và bắt buộc phải có một cục mỡ to bằng hột quẹt diêm ngày ấy, bạn có biết cục mỡ ấy dùng vào việc gì không ?...haha chỉ dùng để tráng chảo trước khi đổ bánh tôi bạn à. Cục thịt mỡ thì luộc chín sắt lát mỏng và tép thỉ cũng được luộc sơ và công việc đổ bánh bắt đầu như sau:
Nhúm lừa xong cho cái chảo gang lên chờ nóng sẽ dùng chiếc đủa có cắm cục mỡ heo thoa đều lòng chảo, dùng cái giá múc một số bột đã pha chế cho vừa đủ cũng phải tráng quanh chảo tạo thành một lớp bột bánh mỏng vừa phải tiếp cho chừng hai miếng thịt mỏng và một hay con tép cuối cùng là một ít giá sống vào giửa cái bánh xong dùng một cái nắp nồi vừa với chảo đậy kín lại thì chỉ mọt hai phút sau lớp rìa bánh phía ngoài chín giòn là Má tôi dùng xẻng xúc từ từ hất xếp đôi bánh lại và cho ra cái mâm có lót lá chuối được lau sạch sẽ...
Má hay cho ăn bánh xèo vừa tráng xong vì ăn như vậy bánh còn độ giòn ngon hơn và nhất là chấm với nước mắm ngọt đâm tỏi ớt có đồ chua làm bằng cà rốt và củ cải trắng cuốn chung với các loại rau là tuyệt cú mèo...
Bánh xèo miền Nam là vậy...viết bài này trước là để tưởng nhớ Má tôi và sau để các bạn biết thêm về món bánh xèo miền Nam các bạn nhé.


MÓN CANH CHUA THƠM NẤU CUA CỦA MÁ.
Trước đây mà tôi thích nên thường nấu món canh chua thơm nấu với cua. Hôm nay tôi xin viết lại để các bạn tìm hiểu và có thể nấu thử coi món này có hấp dẩn hay không nha, tôi đã tìm trên mạng thấy món này rất hiếm và chỉ tìm được tấm hình vừa ý mà tôi phải chụp lại qua màn hình laptop.
Cua mua thường má tôi chọn cua chắc về giao cho tôi dùng dao nhỏ đâm xuyên ức rồi dùng bàn chải chà rửa cua cho thật sạch. Lột cua ra bẻ làm đôi, thơm thì thường đã được gọt sạch vỏ và mắt lấy dao bầm gọt thành mớ thơm có sợi nhuyễn, má sẽ cho nồi lên bếp đổ thơm vào xào với một ít đường cát trắng đợi cho thơm chín quyện với đường như mứt rối má tôi mới đổ nước vào với lượng cần nấu.
Nước sôi mà tôi vớt bọt và cho cua đã làm sạch kia vào và chờ có bọt thì vớt bọt ra bỏ. Xong má sẽ nêm một ít muối và một chút nước mắm ngon cùng với mớ rau om sắt nhuyễn có vài lát ớt. Má tôi nấu món này không cần tới bột ngọt mà rất ngon, má thường hay nấu cho cả nhà ăn và là món không thiếu trong mỗi dịp đám giỗ.
Nào các bạn mình khéo tay hay làm nấu thử đi để thưởng thức hương vị lạ miệng nhưng tôi chắc rằng canh thơm cua sẽ rất ngon vì anh em chúng tôi đã được Má nấu cho ăn từ nhỏ.
Giỗ Má lần này tự tay tôi sẽ nấu lại món canh này để tiếc nhớ ngày xưa.