NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ MĂNG
CỤT LÁI THIÊU
Mạnh Cường
Trái măng cụt hay còn gọi là trái măng, có nguồn gốc tên gọi từ tiếng
Pháp Mangostana (Măng-gô-tan). Được người phương Tây du nhập từ Malaysia/
Indonesia sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng đã trồng đầu tiên ở khu vực Lái Thiêu
trên nền đất thịt phù sa cổ hạ lưu sông Sài Gòn. Khi quan Tổng trấn Gia Định
chọn măng cụt làm sản vật tiến cống, được vua Minh Mạng khen ngợi ban cho
tên gọi Giáng Châu Tử (hạt ngọc trời ban, tên Giáng Châu vẫn còn được dùng
như 1 cách gọi đài các kiểu gia đình quý tộc ở một số vùng của Huế).
Ngày nay măng cụt đã được trồng quy mô lớn ở nhiều vùng có quỹ đất
rộng như Dầu Tiếng, Bình Phước, miền tây. Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định
măng cụt Lái Thiêu vẫn có gì đó ngon khác biệt so với các vùng khác, và so
với măng cụt Thái Lan. ("Ngon" là một khái niệm cảm tính nên cá nhân mình
xin phép không có ý kiến ở đây).
Nhà mình chỉ còn chục gốc măng nhưng sống ở giữa vùng măng Lái Thiêu
(gọi chung cả khu Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định - Cầu Ngang, An Sơn, An
Thạnh), cóp nhặt kinh nghiệm từ các lão nông tri điền tại địa phương nên
có 1 vài điều chia sẻ với mọi người nhé.
1. Măng cám: được xem là loại măng ngon nhất đặc trưng của măng Lái
Thiêu, chuẩn từ hình dáng, kích thước đến vị ngọt thanh khác biệt. Có đặc
điểm bề ngoài lớp cám xám xám trên vỏ.
2. Măng tai: trái nhỏ xíu ở những cành nhỏ đầu ngọn. Đặc điểm 100%
lép không hạt.
3. Măng lão: những cây măng lớn tuổi đời trên 40-50 năm trở lên xuất
hiện nhiều trái nhỏ, tròn đều, màu tím đâm, vị thanh ngon hơn trái từ những
cây măng nhỏ (gọi là vườn măng tơ).
4. Măng bẹo: trái măng bị méo lẹm hẳn 1 bên, chỉ 1 bên có múi. Những
trái này thường có vị ngon (tương tự trường hợp sầu riêng, điều, dưa) nhưng
hình dáng xấu nhà vườn giữ lại cho con cháu ăn chứ không bán ra.
5. Măng trong: múi măng cụt bình thường màu trắng đục như sữa, nhưng
múi măng trong thì trong suốt nhìn thấy rõ hạt ở bên trong, ăn giòn sật sật.
6. Măng sa cạ: tất cả trái măng mới hái xuống 1 đống chưa phân loại.
Tới mùa khoảng sau 30/4 hàng năm những vựa măng sẽ thu mua từ các nhà vườn,
huy động người phân loại để bán với mức giá khác nhau.
7. Măng loại 1: là loại đạt chuẩn về kích thước, hình dáng, hương
vị.
8. Măng đầu mùa: măng đầu mùa ngon do trời còn đang nắng hạn, bao
nhiêu tinh túy đất trời hội tụ vào đó. Hơn nữa còn ngon do bản thân người
ăn phải chờ đợi vả năm mới tới mùa. Nên giá thường rất cao. Tiền nào của
nấy thôi. Ai có muốn cho biếu tặng thì nên chọn thời điểm đầu mùa để tăng
giá trị quà nhé.
9. Măng mủ: khi những cơn mưa mùa hạ xuất hiện nhiều cũng là lúc một
số trái măng bị nổi mủ màu vàng, có vị đắng đắng. Lúc này giá trị đã giảm
quá 1 nửa rồi.
10. Đi hái măng cần ít nhất 2 cây sào, 1 cây ngắn để dễ xoay trở,
1 cây dài để hái trái trên cao. Đúng chuẩn thì cây sào ngắn thường có cái
rọ để trái không bị bá cành hay rớt dập.
Về một số quan điểm:
1/ Món gỏi gà măng cụt (và các món gỏi măng cụt tôm thịt, sinh tố
măng cụt, trà măng cụt, gỏi gà dâu gia, gà sầu riêng...) đã có từ lâu đời
người dân ở đây ăn nhiều năm chưa thấy ai ch.ế.t cả. Có chăng là ngon quá
mà lâu không có ăn thì cảm giác ch.ết. thèm mà thôi.
2/ Cây măng nào năm nay sai trái thì năm sau ít trái: này là dinh
dưỡng thôi. Chứ mình thấy nhiều cây chăm sóc tốt năm nào cũng sai trái cả.
3/ Phát cành măng sẽ không ra trái: này cũng sai. Cây măng cũng là
1 loài cây thôi phát cành không ảnh hưởng trái. Tuy nhiên không nên phát
cành măng thấp do cành này rất sai trái và dễ hái. Đồng thời khi cây măng
lâu năm thì cây cũng tự bỏ những cành thấp này để cao lên.
4/ Hôm nào trời nắng mới được hái măng: vì lá măng rất rậm rạp không
có ánh sáng mặt trời thì khó nhìn rõ. Và tránh các nguy cơ khi trời mưa (gió,
cành trơn, muỗi vắt rắn rết). Chứ không có gì duy tâm ở đây cả.
5/ Đi hái măng nên có nhóm 2-3 người: là để cùng hái và lượm. Người
hái thường khỏe hơn, có thể trèo cây và tinh mắt. Người lượm cũng khá mệt
do nhiều trái khó nhìn lẫn với màu đất hoặc lá rụng, đôi khi trái còn rớt
xuống mương nước phải vớt lên. Chứ vườn lớn cây rậm 1 người hái xong mới
lượm thì hay bị sót mất.
Nguồn theo Mạnh Cường sưu tầm tài liệu, cóp nhặt kinh nghiệm từ người
dân địa phương.