TẾT TA BÀN CHUYỆN LÌ XÌ TIỀN ĐÔ MỸ

GS Trần Anh


    Lì xì trong ngày Tết là 1 mỹ tục của Việt Nam, Trung Hoa và các nước Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Ngay theo nghĩa từ nguyên của chữ Lì xì cũng nói lên cái tốt đẹp của phong tục nầy. Đây là phong tục cho ngày Tết âm lịch, xuất phát từ Trung Hoa, nên xét nghĩa từ nguyên của nó cũng phải trên nghĩa chữ Hán. Nhiều người cho rằng Lì xì là tiếng phát âm của người Hoa với 3 chữ sau đây: 利市(lợi thị =số lời thu được  do mua bán), 利是(lợi thị= được lợi),利事(lợi sự= sự việc có lợi). 3 từ nầy có chỗ giống là ở chỗ “lợi”. Người ta tranh cãi nhau về việc lựa chọn cho đúng 1 trong 3 chữ đó. Cuối cùng, có lẽ chữ 利是(lợi thị) là hợp lý nhất!
      Tục lì xì bắt nguồn từ triều đại nhà Tần của Trung Hoa. Lúc ấy, những người già thường để dành những đồng tiền xu xỏ dính nhau bằng một sợi chỉ đỏ. Tiền nầy được coi là may mắn để xua tà khí, ma quỉ, bảo vệ sức khỏe,  tránh xui xẻo cho người trẻ. Nó được người trưởng thượng tặng cho con cháu. Sau nầy, ý nghĩa tốt đẹp đó lan ra thành tục tặng tiền lì xì mừng tuổi cho nhau, không phân biệt lớn nhỏ trong ngày Tết với ý nghĩ trao tặng may mắn cho nhau...
      Khi ngành in phát triển, người ta in những phong bì màu đỏ thay thế cho sợi chỉ đỏ để chứa những đồng tiền giấy. Tuy nhiên phong bì đỏ đó có khi đổi màu tuỳ theo mỗi nước, chẳng hạn ở Nhật, Hàn Quốc nó có nhiều màu, và  trong phong bì đó có thể chứa tiền hoặc ngọc ngà, đá quý...
       Ở Mỹ không có tục Lì xì trong ngày Tết dương lịch của họ. Nhưng khi nhiều người châu Á nhập cư vào đất nước họ đã mang theo cả phong tục Lì xì. Thế là Lì xì cũng đã xuất hiện ở Mỹ với bộ mặt mới và đồng tiền mới: tiền đô Mỹ.
        Tất nhiên tiền chứa trong bao Lì xì cũng hàm chứa ý nghĩa tốt lành và may mắn. Ở Mỹ đồng tiền mang lại tốt đẹp và may mắn không phải là đồng đô la có mệnh giá lớn hay đồng tiền xu, mà chính là đồng tiền giấy 2 đô.
    Đồng 2 đô Mỹ vừa mang ý nghĩa may mắn, trọn vẹn đủ đầy, vừa tượng trưng cho quyền lực và sức mạnh vô địch, sự thành công và thống lĩnh...
    Trước nhất, nó là đồng tiền may mắn nhất, cứu con người thoát chết một cách hi hữu. Năm 1976, trong 1 vụ rớt máy bay ở Mỹ, duy nhất có 1 người sống sót. Khi cứu ông ta, người ta tìm thấy trong đáy túi ông còn duy nhất 1 tờ 2 đô. Từ đó người ta nghĩ đồng tiền may mắn 2 đô đó đã cứu sống ông. Người ta liên tưởng đến năm 1976 là năm rớt máy bay, nên cho rằng đồng 2 đô được phát hành năm 1976 là đồng tiền may mắn nhất! Đồng 2 đô in trong 2 năm 1917, 1928 cũng được coi là chứa đầy may mắn nhờ ở tuổi đời quá cao của nó! Còn đồng 2 đô phát hành năm 1963 có in dấu mộc đỏ, biểu tượng của may mắn cũng là 1 tờ 2 đô quý giá.
      Tiếp theo, đồng 2 đô Mỹ được coi là đồng tiền đủ đầy may mắn. Nó còn biểu thị cho hạnh phúc vẹn toàn. Số 2 là con số chẵn khởi đầu, con số của tròn cặp đủ đôi
Thông thường, các cặp đôi yêu nhau thường lì xì tờ 2 đô cho nhau để mong ước tình yêu bền vững và hạnh phúc trọn vẹn bên nhau.
     Đối với người Mỹ, đồng 2 đô còn biểu thị  của quyền lực, sức mạnh đồng hành với sự thuận buồm xuôi gió để đi đến thống lĩnh và thành công. Không có bất kỳ đồng tiền đô Mỹ nào được in hình độc đáo như đồng 2đô. Trên mặt sau của tờ 2 đô Mỹ bức tranh “Declaration of Independence”(Tuyên ngôn độc lập của họa sĩ John Trumbull, được vẽ năm 1817).Trên tranh là hình ảnh của 42 vị, gồm tổng thống và 41 quan chức cấp cao nhất của nước Mỹ khi cùng nhau ký vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh ra nước Mỹ năm 1774.(Có nhiều người cho rằng đây là ảnh của 42 vị tổng thống Mỹ là không chính xác)
     Ở mặt trước của đồng tiền nầy khi in lần đầu tiên là hình của Bộ trưởng Tài Chánh đầu tiên của  Hoa Kỳ, Ông Alexander Hamilton, được phát hành năm 1862. Sau đó, từ lần in thứ 2 trở đi cho đến ngày nay, hình trên mặt trước của đồng tiền nầy được thay thế bằng hình của tổng thống thứ 3 của Mỹ: ông Jefferson, tác giả của Bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ. Đây là vị tổng thống tuyệt vời của Mỹ. Khi ông mất đi, trên mộ ông được khắc đậm dòng chữ: “Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Thomas Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, của Đạo luật Virginia về tự do tín ngưỡng, và là cha đẻ của trường Đại học Virginia". Ghi nhận đó nhầm nêu bật sự hội tụ 4 luồng hào quang: độc lập, đức tin và trí tuệ nơi vị tổng thống tài hoa nầy của nước Mỹ. Và đó cũng là ý nghĩa tiếp theo mà đồng 2 đô Mỹ muốn chuyển tải.
      Hơn thế nữa, đồng 2 đô Mỹ thuộc đồng tiền quý hiếm. Nó hiếm vì Mỹ phát hành rất ít loại tiền nầy. Nó chiếm khoảng 1% trong tổng số các tờ tiền ra đời tại nước nầy. Người ta hạn chế số lượng và số lần in loại tiền nầy.  Nó chỉ được in theo nhu cầu của Cục dự trữ của liên bang, nhiều năm  nó mới được in lại 1 lần. Cho đến nay, nó chỉ được in lại ở các năm: 1917, 1918, 1928, 1953, 1963, 1995, 1976, 2003 và 2009.  
    Năm 2009 là thời điểm in đồng 2 đô la cuối cùng tính đến nay, và chỉ 12 bang trong tổng số 50 bang của Mỹ được phép in tờ tiền này.
   Tuy vậy, có lúc đồng 2 đô trở thành là đồng tiền xui xẻo. Đó là lúc đồng tiền đến với tay các con bạc đang sát phạt nhau. Người đánh bạc cho rằng đồng tiền nầy mang số của lá bài thấp nhất là con 2 (Deuce). Cho nên khi gặp đồng 2 đô nhiều con bạc cắt đi 1 góc hoặc xé đi để tránh mọi bất hạnh. Một số bồi bàn còn hôn lên tờ 2 đô để tránh xui xẻo mỗi khi nhận nó.
    Còn những thầy bói ma thuật người Mỹ gốc Phi châu cũng cho rằng đây là đồng tiền xui xẻo, nên để thoát khỏi điềm xấu thì phải xé một góc của tờ tiền và giấu nó sâu vào trong túi.
   Nhưng giá trị may mắn của đồng tiền này luôn to lớn hơn nhiều so với sự xui xẻo mà người ta đồn đoán về nó. Cho nên đồng 2 đô Mỹ vẫn còn là đồng tiền được ưa chuộng, đầy may mắn. Và người ta vẫn thường bỏ nó vào phong bì màu đỏ để lì xì cho nhau.
     Ở VN, có khi người ta bỏ ra tiền triệu VN để mua cho được đồng 2 đô Mỹ để làm tiền lì xì. Và mỗi khi muốn tiền lì xì vừa có giá trị vật chất vừa có giá trị may mắn, người ta đưa kèm đồng 2 đô Mỹ với số tiền lớn muốn trao tặng.
   Thật ra, chưa ai kiểm chứng được đồng 2 đô Mỹ mang lại may mắn cỡ nào, nhưng muốn trao tặng may mắn cho ai người ta vẫn thường chọn nó là món quà đại diện. Đó cũng là điều phổ biến xưa nay!
                                TRẦN ANH