Lều Chõng Ngàn Xưa

GS Phạm Đức Liên
    - Kính tặng quí thầy cô - những kỹ sư tâm hồn - mà một thời đã tận tụy cho tuổi trẻ và giáo dục Việt Nam.
    - Mến tặng các CHS Trịnh Hoài Đức Bình dương.


Dẫn Nhập:

1.        Thi Hương, thi Hội, thi Đình
        Ba kỳ thi lớn - ta bình (1) êm ru!
        (khuyết danh)

    Từ ngàn xưa, Rồng Tiên là một dân tộc hiếu học, coi trọng khoa bảng: sĩ, nông, công, thương, binh. Nhân tài (matière grise = chất xám) là nguyên khí của quốc gia, nên triều đình (vua chúa) tổ chức những kỳ thi để tuyển lựa người tài giỏi để cùng nhau kiến tạo đất nước.
    Thi Hương để lấy Cử Nhân (BA/BS), Tú Tài.
    Thi Hội để lấy Tiến Sĩ (Doctorate's Degree = Ph.D = Doctor of Philosophie = bất cứ ngành học nào - học đến cùng cũng là Triết Lý - kể cả Toán Học), và Phó Bảng (DES = Diplome d'Etude Superieure = Master's Degree = Cao Học, có thời gọi là Sous-Docteur = Phó Tiến Sĩ).
    Thi Đình để chọn Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa và Hoàng Giáp (TN, BN. TH trước 1975 là Thạc Sĩ = Agrégé = Post Doctor với ít nhất 11 năm college).


Trường thi Nam Định


Sĩ tử đi thi Hương ở Nam Định

2.
    - Nhà Lý, năm Ất Mão (1075) mở khoa thi Tam Trường (sĩ tử phải làm 3 bài thi) chọn được 10 người văn học bổ ra làm quan. Thủ khoa khóa nầy là Lê văn Thịnh. Kỳ thi năm Ất Mão là kỳ thi Hương đầu tiên của nước ta ngày xưa (1075).
    - Nhà Nguyễn, năm Kỷ Mùi (1919) cho mở khoa thi Hội/ thi Đình cuối cùng ( ngay sau khi có kết quả thi Hội - quí vị Tiến Sĩ vào chầu vua để thi Đình) để rồi nền Hán Học của nước ta cáo chung!
        Nào có ra gì cái chữ Nho,
        Ông Nghè ông Cống cũng nằm co
        Sao không đi học làm Thông (2), Phán,
        Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò
        (Trần Tế Xương 1870-1906 chữ Hán và văn Nôm tuyệt vời. Ông thi Hương từ khóa Giáp Ngọ (1894) đến khoa Bính Ngọ (1906) thế nhưng lần nào cũng chỉ đậu đến Tú Tài. Đúng là học tài thi phận!. Đậu Tú Tài 2 lần gọi là Ông Kép, 3 lần gọi là Ông Mền, 4 lần gọi là Ông Đụp. Tú Xương là Ông Đụp).
    - Từ năm 1705 đến năm 1919 là 844 năm. Ông cha chúng ta đã trải qua gần 1000 năm khoa cử Nho học. Bảng vàng bia đá nghìn thu - Lều chõng ngàn xưa phải qua nhiều kỳ thi với chi tiết như sau:

I. Đại Cương về Thi Hương (còn gọi là Đại Tị):

1. Kỳ thi Đại Tị có ở những thành phố lớn. Dưới triều Nguyễn (1802-1945) trường thi Hương được tổ chức tại 8 nơi: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Gia Định và An Giang. Từ nhà Lý (1010-1225) qua nhà Trần (1225-1400) - nhà Hồ (1400-147) - nhà Lê (1428-1178) đến nhà Tây Sơn (1788-1801) thì cứ 6 năm mở một khóa thi Hương. Từ năm 1822, vua Minh Mạng (1820 -1840) ấn định cứ 3 năm có một kỳ thi Hương và thi vào những năm Tí, Mão, Ngọ, Dậu. Năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội. Bộ Lễ tổ chức thi Hội và những năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất.

2. Thi Hương có 3 bài thi (Tam Trường) - cho những khóa đầu tiên - là: bài Kinh Nghĩa và Văn Sách, bài thơ, phú, và bài Chiếu, Chế, Biểu. Dần dần, khoa bảng được kiện toàn, và thi Đại Tị có 4 bài thi (Tứ Trường). Nhà Hồ có thêm bài thi Toán (Ngũ Trường).
    * Kỳ đệ nhất trường: bài thi Kinh Nghĩa. Đó là bài luận văn (essay, dissertation) hay bài bình giảng (tối thiểu 1,000 chữ hay 3, 4 trang giấy bản). Thay vì bài Kinh Nghĩa - thí sinh có thể làm bài Tứ Thư Nghĩa 4 bài, mỗi bài tối thiểu 300 chữ - tức là 1,200 chữ hay 4, 5 trang). Thí dụ một đề thi "bài Kinh Nghĩa đệ nhất trường":  Bình giảng câu: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh". Tạm dịch: "Thỏ chết thì chó săn bị ăn thịt".
    Khi làm bài Kinh Nghĩa, thí sinh phải thuộc những lời nghị luận ở Kinh (Ngũ Kinh) là 5 bộ sách trọng yếu của Nho Giáo: Kinh Dịch, Khi Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu - lịch sử nước Lỗ do Khổng Tử soạn), ở Thư (Tứ Thư là bốn bộ sách truyện: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), và nhất là phải thông minh, lập luận vững chắc, hành văn khúc chiết. Đây là một bài trường thiên vấn đáp qua tay 4 vị giám khảo. Thí sinh còn phải thuộc nằm lòng Sử Bắc, Sử Nam, và bộ Tính Lý Đại Toàn ...
    * Kỳ đệ nhị trường: thi bài thơ, phú. Bài thi có nhiều câu đối. Mỗi câu có 8, 9, 10 chữ. Hội đồng thi cho vế 1, và thí sinh phải đối lại vế 2.
    Thí dụ một câu vế 1: "Quài thư bích thượng - tận thu tứ hải sơn hà" (Treo tranh trên vách thu hết non sông bốn bể). Đề thi được mô tả là dài (trên 10 chữ) và khó.
    Một thí sinh đã đối đáp - vế 2: "Tẩy túc trì trung - giao động cửu thiên tinh đẩu" (Rửa chân trong ao - lay động trăng sao chín tầng).
    Đối lại như thế là trên cả tuyệt vời chắc chắn sẽ được điểm 4 ưu .
    * Kỳ đệ tam trường: làm bài Chiếu, Chế, Biểu.
    Bài Chiếu: mệnh lệnh của vua, thay lời vua mà ban bố cho thần dân.
    Bài Chế: là lời vua, phong thưởng cho công thần, như sau khi thắng quân Minh, vua Lê Thái Tổ (1428-1433) phong thưởng cho các quan văn võ (đứng đầu hàng văn là Nguyễn Trãi, bên võ là Lê Vấn).
    Bài Biểu: thay lời thần dân mà chúc mừng vua (hạ biểu) hoặc tạ ơn (tạ biểu) hoặc bày tỏ điều gì.
    Chiếu, chế, biểu có niêm lệ nhất định và phải chen nhau, đối nhau ...
    * Kỳ thi đệ tứ trường: làm bài Văn Sách. Bài làm phải dài (ít nhất là 1,000 chữ hay 3, 4 trang giấy) về cổ văn và kim văn.

3.     Thí sinh đậu kỳ đệ nhất trường (4 điểm ưu, 4 điểm bình hay 4 thứ) mới được vào thi đệ nhị. Đỗ kỳ đệ nhị mới được vào thi đệ tam. Đậu kỳ đệ tam mới được vào thi đệ tứ.
    Đỗ cả 4 trường được gọi là Cử Nhân (thời nhà Nguyễn gọi là Hương Cống).
    Hỏng kỳ đệ tứ trường được gọi là Tú Tài ( nhà Nguyễn gọi là Sinh Đồ).
    Đứng đầu nhiều lần Tú Tài (ít nhất là 2): được coi như đậu Cử Nhân.
    Đỗ đầu kỳ thi Đại Tị gọi là Giải Nguyên. (Lê Quý Đôn, năm 1744, đậu thủ khoa lúc 18 tuổi - Phan Bội Châu đỗ Giải Nguyên năm 1900 ở Nghệ an với 20 ưu vì quá xuất sắc (thay vì tối đa là 4 điểm ưu x 4 bài = 16 điểm ưu)
    Đậu thứ hai kỳ thi Đại Tị gọi là Á Nguyên. (Á Khôi)
    Trung bình cứ 3 năm ở nước ta có 400 cử nhân (50x8 trường) và 1,200 tú tài (150 x 8 trường). Nhiều trường hợp sĩ tử đậu Tam Trường với Ưu, Bình, Thứ, nhưng ở Tứ Trường bài thi bị phê "liệt": Không đỗ Tú Tài!.

4. Học hành và thi cử quá nặng về văn chương nên dưới thời nhà Hồ, năm 1444, Hồ Hán Thương làm một cuộc cách mạng giáo dục: thêm Toán Pháp trong chương trình học và trong Hương Thí có bài thi Toán đố - dầu chỉ là toàn về số học. Bài thi Toán được coi như thi đệ ngũ trường.
    Thí dụ đầu đề bài toán đố: (bằng chữ Hán, xin tạm dịch: "Vừa gà vừa chó có 36 con, Bó lại cho tròn đếm đủ 100 chân" Hỏi có bao nhiêu con gà, bao nhiêu con chó. Đáp số: 22 gà, 14 chó.

5. Muốn được tham dự kỳ ti Đại Tị, thí sinh phải qua kỳ thi sát hạch ở tỉnh hay lộ, do quan Đốc Học (Cử Nhân, chánh ngũ phẩm) tổ chức.
    Nếu đỗ kỳ thi nầy thì được gọi là Cậu Khóa.
    Thí sinh đậu đầu là Tỉnh Nguyên.
    Thi Hương tại địa phương (8 tỉnh) do Đốc Học tổ chức về hành chánh, nhưng Hội Đồng Giám Khảo (20 đến 26 vị cho mỗi trường thi) do triều đình cử về. Quan Đại Thần (Chánh Nhất Phẩm (3)) làm Chánh Chủ Khảo, và quan Ngự Sử (Chánh Nhị Phẩm) làm Giám Sát. Quí vị Giám Khảo thường rất nghiêm khắc, điển hình là quan giám khảo Trần Sĩ Trác...

6. Tùy theo nhu cầu quốc gia và thứ bậc - đậu cao thấp (ưu, bình, thứ), quí vị tân khoa được bổ ra làm quan.
    * Cử Nhân được bổ làm Tri Phủ (là huyện hay quận lớn, tòng ngũ phẩm), Tri Huyện ( huyện trung bình, chánh lục phẩm), Tri Châu (vùng thượng du/cao nguyên, tòng lục phẩm) hay Đốc Học (coi sóc việc học hành và thi cử trong một tỉnh, chánh ngủ phẩm) hay làm Hành Tẩu (tạm phái) trong Lục Bộ (Lại, Hình, Lễ, Hộ, Binh, Công) ..
    * Tú Tài được bổ làm quan Giáo Thụ (dạy học ở phủ, chánh thất phẩm), quan Huấn Đạo (trông coi việc học ở huyện, chánh bát phẩm) hay những chức vụ hành chánh khác.

7. Từ đông sang tây, tự cổ chí kim, khoa mục là đường tiến thân vinh hiển nhất. Từ Stanford University, Prof. Postdoc. Condoleezza Rice (4+2+2+1=9 năm college) hiên ngang bước  vào chánh trường  với chức Secretary of State để rồi hãnh diện về với Stanford University đầu năm 2009.
    Nho sĩ (nhà Nho) đỗ đạt ra làm quan là hiển nho.
    Thi hỏng về làm nghề dạy học, thầy thuốc, xem tử vi, lý số ... là hàn nho, túc nho.
    Nhiều người đỗ đạt, hiển hách nhưng không thích chốn quan trường: "Lên non tìm động hoa vàng ...ngủ say - thơ của Phạm Thiên Thư". Đó là ẩn nho.

II. Đại Cương về Quốc Tử Giám và Thi Hội

A. Quốc Tử Giám:

1. Quốc Tử Giám (còn gọi là Quốc Học Viện, Thái Học Viện ...) là trường quốc học đầu tiên ở nước ta được chánh thức thành lập năm 1076 tại Thăng Long. Thuở  bình minh (1076), Giám là trường công lập của hoàng gia mà người học trò đầu tiên là thái tử Lý Càng Đức (tức Lý Nhân Tông, 1072-1127). Qua thời gian, Giám được nâng cấp để trở thành trường đại học cao cấp nhất của Vạn Xuân. Vua Trần Thái Tông (1225-1258) năm 1253 đã xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước đến Giám để nghe giảng Tứ Thư, Ngũ Kinh ... Các sĩ tử Hội thí đến kinh đô mà học và luyện thi ở Giám rất đông, để nghe Hoàng Giáp (Chánh Tiến Sĩ) Bùi Huy Bích, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ .. và quí vị Tiến Sĩ Trần công Xán, Phan Huy Ích ... bình những bài văn hay của những cử nhân, tiến sĩ đậu cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội trước. Và cống sinh (người dự thi Hội = PhD candidate) đừng quên ôn tập cổ văn, Đường thi, và các truyện Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Thủy Hử ..


Văn Miếu và Quốc Tử Giám ở Hà Nội

2. Giám được xây theo hướng bắc nam: "Thánh nhân nam diện nhi trị" (kẻ sĩ hướng về phía nam mà cai trị). Thái Học Viện chuẩn bị cho sĩ phu - như là những ông Hổ - hùng dũng xuống núi: "Mãnh hổ hạ sơn" - mà đứng đầu Giám (Viện Trưởng) là quan Tế Tửu (tòng tứ phẩm)
    Văn Giám và Văn Miếu (thờ Khổng Tử và Thất Thập Nhị Hiền) và được xây cất từ năm 1070) là một yếu tố quan trọng - để Đông Đô - trở thành thủ đô: "Ngàn năm văn vật"
    Năm 1802, nhà Nguyễn xây Văn Miếu và Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế. Văn Giám Tràng An thật sự bị đóng cửa vào năm 1879!. Hà Nội mất dần ưu thế!

3. Điều kiện được nhận vào học ở Quốc Học Viện Giám:
     - Những ông Cống, con cháu vua (tôn sinh), con quan (từ ngũ phẩm trở lên, gọi là ấm sinh).
     - Sinh viên ưu tú trong dân gian
     - và khoảng 300 Tam Xá Sinh là những sĩ tử thi Hội khóa trước nhưng chỉ đỗ:
        * Tam Trường (gọi là Thượng Xá Sinh) - được cấp 1 quan = 10 tiền mỗi quí - ba tháng)
        * Nhị Trường (gọi là Trung Xá Sinh) - được cấp 9 tiền mỗi quí.
        * Nhất Trường (gọi là Hạ Xá Sinh) - được cấp 8 tiền mỗi quí.
    Một quan = 10 tiền = 600 đồng. Làm thuê cả ngày được 1 tiền (mua được 4 bát gạo). Người có 6 vạn = 60.000 tiền là cự phú.


Một sĩ tử ngày xưa

4. Giám (nhất là gác Khuê Văn) sôi nổi nhất, hào hứng nhất là những buổi bình thơ phú, bình văn định kỳ (mỗi tháng 1 lần là Tiểu Tập, 3 tháng một lần là Đại Tập) dưới sự hướng dẫn của Viện Trưởng, Viện Phó (quan Tưng Hiệp, tòng ngũ phẩm) và các thầy (Trực Giảng) như lôi cuốn lòng người - lâng lâng đi vào văn chương nghệ thuật mà đắm chìm trong văn hóa dân tộc - ngàn năm dấu yêu. Bình giải kinh thư (Tứ Thư, Ngũ Kinh) luôn luôn là đề tài hấp dẫn và vô tận. Đi xa hơn, ướt át hơn là những khách mời và thầy trò cùng bình giảng" "Sắc bất ba đào, dị nịch nhân" (sắc đẹp người con gái ví như vực sâu, không thấy sóng mà người thường chết đuối vì nó!). Tình tứ hơn, lãng mạn hơn thí sinh bình giải:
    "Kim nhật bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong"
Thi hào Nguyễn Du dịch:
    "Trước sau nào thấy bóng người,
    Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông".
Khuyết danh dịch lã lướt hơn:
    "Tình lỡ rồi, mà hình bóng người,
    Còn như ôm mãi trong lòng tôi".

B. Thi Hội:

1. Thi Hội ở kinh đô, do Bộ Lễ (Bộ Lễ trông coi nghi lễ, tế tự và học hành thi cử) tổ chức (soạn đề thi, cử hội đồng giám khảo ...). vào mùa xuân những năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất. Ngày xưa thi Tiến Sĩ là kỳ thi tập thể (tất cả sĩ tử cùng làm một đề thi). Ngày nay, mỗi sinh viên 1 đề tài nghiên cứu thí dụ: "Thực trạng nông dân Việt Nam dưới thời Pháp Thuộc (1862-1945)" là một luận án Tiến Sĩ về Lịch Sử, "Sự phát triển giáo dục đại học của Mỹ và Đại Hàn trong thập niên 1960" là một luận án Tiến Sĩ về Giáo Dục, "Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu cho chánh sách tiền tệ ở Việt Nam (2003)" là luận án Tiến Sĩ Kinh Tế.
    * Vua Trần Thái Tông (1225-1258), năm Nhâm Thìn (1232) cho mở khoa thi Thái Học Sinh để lấy tiến sĩ. Đó là khoa thi Hội đầu tiên của nước Văn Lang. Đỗ thứ nhất thi Hội là Hội Nguyên.
    * Vua Trần Duệ Tông (1372-1377), khóa thi Giáp Dần (1374) ban áo mão vinh qui bái tổ cho 50 tiến sĩ.
    * Qua thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) thì khoa cử Đại Việt đến cực thịnh (mỗi khóa có 3, 4 ngàn thí sinh. Nhà vua cho khắc bia Tiến Sĩ (Ông Nghè) và Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Tên quí vị - mỗi khóa- được khắc trên một tấm đá - và dựng ở Văn Miếu Đông Kinh (1070-1879).

2. Thi Hội có 4 bài thi (tứ trường) tương tự Hương thí nhưng bao quát rộng lớn hơn nhiều
    * Kỳ Đệ Nhất Trường: Bộ Lễ ra 7 đề thi (2 bài ở Tứ Thư, 5 đề ở Ngũ Kinh). Cống sinh chỉ phải làm 3 đề (là 1 bài Truyện và 2 bài Kinh), hoặc cả 7 đề thi (không được làm 4, 5, 6 đề).
    * Đệ Nhị Trường: thí sinh thi 3 bài (Chiếu, Biểu và bài luận văn).
    * Đệ Tam Trường: cống sinh thi bài thơ, phú: đó là thơ ngũ ngôn, Đường luật 8 vần, bài phú 8 vần.
    * Đệ Tứ Trường: thí sinh thi bài Văn Sách gồm cổ và kim văn.


Giám khảo coi thi

3. Mỗi bài thi qua tay 7 quan trường (giám khảo):
    * 4 vị quan đồng khảo, chấm riêng biệt rồi cùng nhau quyết định bao nhiêu điểm (phân) và ký tên, đóng dấu nội trường.
    * 3 vị chánh phó chủ khảo và quan Tri Cống Cử - chấm riêng rẽ - rồi cùng nhau phê quyển thi và đóng dấu ngoại trường. Nội trường chấm xong thì chuyển qua ngoại trường.
    * Bài thi (từng bài) được chấm và phê điểm từ 1 đến 10 phân:
        - quyển thi bị đánh hỏng (liệt) là dưới 1 phân, giám khảo phê: "bất cập nhất phân".
        - quyển được 1 phân, giám khảo phê: "thứ con".
        - quyển được 2 phân, giám khảo phê: "thứ lớn".
        - quyển được 3 phân, giám khảo phê: "bình thứ".
        - quyển được 4, 5 phân, giám khảo phê: "bình".
        - quyển được 6, 7, 8 phân, giám khảo phê: "bình lớn".
        - quyển được 9,10 phân, giám khảo phê: "ưu".
Khác với thi Hương,sĩ tử Hội thí:
    * dẫu bài thi đệ nhất trường bị hỏng (liệt) vẫn được vào thi kỳ đệ nhị. Nếu kỳ thi đệ nhị lại bị phê "bất cập nhất phân" thì thí sinh mới bị loại.
    * kỳ thi đệ nhất trường được 1 phân, kỳ thi đệ nhị dù bị phê là "bất cập nhất phân" thí sinh vẫn được vào thi kỳ đệ tam trường. Kỳ đệ tam trường dù chỉ được 1 phân, cống sinh vẫn được thi đệ tứ trường. Đời nhà Nguyễn, thí sinh chỉ đỗ được Tam Trường và được gọi là Phó Bảng (4) (tương đương sous docteur, từ 1829).

4. Để cho thi cử được nghiêm túc (thực ra khoa cử ngày xưa rất nghiêm minh), trong suốt thời gian khảo thí, quí vị giám khảo phải ăn ở trong trường thi, tuyệt đối không được liên lạc với bên ngoài.
Giám khảo có quyền tối hậu. Thời VNCH (1954-1975) chỉ có những năm cuối cùng, vì nhu cầu của cuộc chiến (chiến tranh quá tàn bạo từ năm 1967), Bộ Quốc Phòng cần nhiều sĩ quan nên đề nghị Bộ Giáo Dục hạ thấp điểm Tú Tài xuống còn 7/20 thay vì 10/20. Đó là Tú Tài 7 điểm (thay vì 10 điểm). Từ những năm 1968 về sau (điểm dậu Tú Tài hạ thấp từ từ: xuống 9.5, 9.0, 8.5, 8.0, 7.5 sau cùng là 7.0!.

5. Điều kiện để được gọi là Cống Sinh (thí sinh dự thi Hội thí)
    * Sĩ tử không phải qua kỳ thi sát hạch:
        - sinh viên trường Quốc Tử Giám.
        - những cử nhân, quí vị đậu 2 lần Tú Tài trở lên.
        - Giáo Thụ, Huấn Đạo, và quí vị đã đỗ kỳ sát hạch nhưng hỏng đệ tam trường kỳ thi Hội.
        - quí vị chỉ có Tú Tài và trên 40 tuổi.
    * Thí sinh phải qua kỳ thi sát hạch:
        Kỳ thi sát hạch được mở trước kỳ thi Hội 2, 3 tháng và có 3 bài thi : chiếu, biểu và bài sớ (hay luận văn). Thí sinh phải được điểm từ Bình trở lên mới được dự Hội thí. Thi Hội quả là khó vậy - nhất là cống sinh phải tự học.

6. Một bài thi Hội tiêu biểu: - khóa Tân Mùi 1871:
    * Phần nào đã thấy rõ sức mạnh súng đạn của Pháp, vua Tự Đức (1487-1883) đành chấp nhận Hòa Ước Nhâm Tuất (1862) nhường cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường!. Nhà vua không chủ trương đánh Tây nữa. Sĩ phu thì người muốn đánh, kẻ muốn thôi!
    * Kỳ thi Hội, khóa Tân Mùi (1871) , bài thi Văn Sách (đệ tứ trường) - phần kim văn - Bộ Lễ hỏi: "Công thủ chi sách" (Thí sinh phải tâu trình- - trong tình trạng hiện tại của đất nước đang nguy biến thì đánh hay hòa với Tây là thượng sách? ).
        -Trong số những quyển trả lời, một cống sinh phe chủ chiến - dùng những chữ quyết liệt để quyết đánh và có ý trách triều đình Huế như sau: " Triều đình ủng bách vạn quân thiết, triều đình ủng bách vạn chi tinh binh. Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã" (Triều đình có cả trăm vạn quân tinh nhuệ mà thấy việc nghĩa - không dám làm là không có dũng khí!).
        - Tân Mùi (1871) là khóa thi đặc biệt vì "Tổ quốc lâm nguy". Hội đồng giám khảo phải đệ lên "ngự lãm" (cầu cứu vua). Vua Tự Đức phê một câu Hán văn đại ý: "Hôm nay xin đánh, ngày mai xin đánh - đánh mà không thắng thì đặt trẫm vào chỗ nào?!). Quan trường cho tên thí sính nầy vào danh sách Phó Bảng (4) (sous docteur es lettres, trong Ất bảng hay Bảng đỏ). Đó là Phó Bảng Vũ Tuân. - làm quan đến Kinh Kỳ Đạo Ngự Sử (tòng tứ phẩm) rồi bất bình với vua Tự Đức mà rũ áo từ quan về quê (Hà Nam dạy học.

7. Tùy theo quan điểm cao thấp, Hội Đồng Giám Khảo tạm định 3 cấp (tam giáp) Tiến Sĩ:
    * Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ Cập Đệ (cao nhất, ngày nay là Tiến Sĩ Quốc Gia).
    * Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ Xuất Thân (Tiến Sĩ Đại Học - Docteur de lUniversité).
    * Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân (Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp - Docteur du 3 eme Cycle).

Ngay sau khi có kết quả Hội thí, qúi vị Tiến Sĩ vào sân nhà vua để thi Đình.

III. Đại cương về Thi Đình:

 
Thi Đình thời Hậu Lê

A. Chú thích về hình: Kỳ thi Đình Đối năm 1685 của Samuel Baron
    1. Vua Lê Hi Tông: chánh chủ khảo
    2. 4 vị quan đại thần: phụ tá
    3. 2 vị đại thần: ngồi ghế có lọng che ở sân rồng (sân thứ nhứt)
    4. các viên chức an ninh trường thi túc trực ở sân rồng (sân thứ nhì)
    5. phòng làm việc của giám khảo
    6. thí sinh thi Đình Đối khóa Ất Sửu (1685) đang nổ lực làm bài.
    7. quan võ canh phòng cẩn mật tại sân thi (sân thứ nhất).

Chú thích thêm: Kỳ thi Đình Đối (Thi Điện), khóa Ất Sửu 1865 được tổ chức dưới thời vua Lê Hi Tông (1876-1705). Bộ Lễ tập họp được 2800 thí sinh vào tháng chạp. Qua kỳ Hội thí chỉ còn lại 13 Tiến Sĩ. Tháng Giêng năm Bính Dần (1686) quí vị được Hoàng Thượng gọi vào thi Đình. Đề thi hỏi về:" Lễ trời đất muôn vật". Ngài cho đỗ:
    *Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ Cập Đệ - Đệ Tam Danh (Thám Hoa) là Vũ Thịnh. Không có Tiến Sĩ nào xứng đáng cho Đệ Nhị Danh (Bảng Nhãn) và Đệ Nhất Danh (Trạng Nguyên)
    * Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ Xuất Thân ( hay Hoàng Giáp = Tiến Sĩ Chánh): Bùi Công Tốn
    * Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân: 11 người.
Kết quả: (1+111): may mắn, kỳ Đình Đối này đậu 100%.

Sau mỗi kỳ thi Đình, kết quả có 3 danh sách
    * Danh sách thứ nhất là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Đó là 3 vị đỉnh cao của khoa bảng ngày xưa (ngày nay là Post Docteural Followship = Agrégé = Thạc sĩ). Vua chúa rất kính nể
    * Danh sách thứ hai là những Chánh Tiến Sĩ hay Hoàng Giáp (cụ Nguyễn Nghiễm, thân phụ đại thi hào Nguyễn Du ...)
    * Danh sách thứ ba là quý vị Tiến Sĩ (đồng Tiến Sĩ Xuất Thân) và danh sách nầy thường dài hơn hai danh sách trên.

B. Đình Thí:

1. Năm Đinh Mùi (1247), vua Trần Thái Tông đặt ra Tam Khôi là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Đó là kỳ thi Đình đầu tiên của nước ta - với Trạng Nguyên (Nguyễn Hiền), Bảng Nhãn (Lê Văn Hưu), tác giả bộ Đại Việt Sử Ký, 30 cuốn) và Thám Hoa (Đặng Ma La).
    -Thí sinh làm bài thi ở sân - trong cung điện nhà vua (Thi Điện) - trọn một ngày - từ giờ Mão (7 giờ sáng) đến giờ Thân (5 giờ chiều). Thi Điện còn gọi là Đình Đối - vì thí sinh ứng đối trước sân rồng - hiên ngang đối diện với nhà vua.
    - Thí sinh cứ người không mà vào thi. Nhà vua cung cấp bút giấy, nước trà, thực phẩm...

2. Thi Điện chỉ có 1 bài thi (Văn Đình) - nên có thể coi là Đệ Ngũ Trường của Hội thí. Vua ra đề thi, là chánh chủ khảo, là giám khảo. Thiên tử lấy quyết định sau cùng để chọn Tam Khôi và xếp bậc Tiến Sĩ. Dĩ nhiên nhà vua có các quan đại thần phụ giúp. Ngài chỉ như xem lại (double check for accuracy). Kết quả kỳ thi Hội do Bộ Lễ trình:
    - Danh sách thứ nhất, cao nhất: là 3 vị nhất, nhì ba của khóa thi
        * Đệ Nhất Giáp, Tiến Sĩ Cập Đệ - Đệ Nhất Danh: Trạng Nguyên
        * Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ Cập Đệ - Đệ Nhị Danh : Bảng Nhãn
        * Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ Cập Đệ - Đệ Tam Danh: Thám Hoa.
Vua Lê Thánh Tông, khoa Bính Tuất (1466) không lấy thí sính nào xứng đáng trong danh sách nầy. Có 1,100 thí sinh vào Thi Hội. Trúng tuyển 27 người. Vào Thi Đình với kết quả (0+ 8 +19).
    - Danh sách thứ hai là Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ Xuất Thân: Chánh Tiến Sĩ (hay Hoàng Giáp)
    - Danh sách thứ ba là Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân.
Khóa Ất Mùi(1475) có hơn 300 cống sinh vào thi. Đỗ 43 tiến sĩ. Kết quả thi Đình: (3+3+27)

3. Chấm thi và cách lấy đậu Đình thí:

    - Tuy là khoa thi của nhà vua, vua ra đề thi (gọi là chế sách) - bài giải đáp của thí sinh là đối sách (văn sách)-  thế nhưng vẫn có ban giám khảo phụ vua/chấm quyển và định đoạt thứ bậc - với dấu nội trường và ngoại trường (hay độc quyển - quyền tối hậu)
        * Bài Văn Đình được phê điểm 3 phân: đỗ Đệ Tam Giáp Đồng Tiến Sĩ Xuất Thân (điểm thi Hội liên quan chặc chẽ với thi Đình. Có thí sinh chỉ được 1, 2 phân của bài Văn Đình nhưng kết quả thi Hội là 8 phân - Hoàng thượng cho đậu trong danh sách thứ 3.
        * Nếu bài Văn Đình được 4, 5 phân: Đệ Nhị Giáp Tiến Sĩ Xuất Thân (chánh Tiến Sĩ), danh sách 2).
        * Nếu bài Văn Đình được 6, 7 phân: Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ Đệ Tam Danh : Thám Hoa
        * Nếu bài Văn Đình được 8, 9 phân: Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ Đệ Nhị Danh : Bảng Nhãn.
        * Nếu bài Văn Đình được phê điểm 10 phân: Đệ Nhất Giáp Tiến Sĩ Đệ Nhất Danh : Trạng Nguyên.

Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa là danh sách thứ nhất. Một cách giản dị: đó là tương đương với Thạc Sĩ (Post Doctor ngày nay với ít nhất 10 năm đại học) của kỳ thi Đình Đối.


Bảng hổ đề danh (3 bảng)

4. Phải mất gần 400 năm (từ 1075) từ đời vua Lê Thánh Tông trở đi (1460-1497) thì khoa cử nước ta mới được kiện toàn - tới cấp cao nhứt là thi Đình.
Nhà vua đặt ra lệ xướng danh (gọi tên quí vị trúng tuyển một cách trang trọng), lệ vinh qui bái tổ (rước tân khoa về nguyên quán), khắc bia Tiến Sĩ (mỗi khoa một tấm bia đá dựng ở Văn Miếu Thăng Long), còn sao khắc bia Tiến Sĩ từ khóa đầu tiên của triều Lê - Nhâm Tuất ( 1442) trở xuống, lệ cấp áo mũ - đại xiêm cho thêm phần long trọng, lệ cho vào dự yến ở Vườn  Quỳnh, đãi ngộ sĩ tử hết sức nồng hậu ... Làm gì mà quí vị Nho sĩ chẳng một lòng với vua, với dân tộc và tổ quốc Việt Nam. Thực ra, lệ vua ban áo mão vinh qui cho quí tân khoa có từ thời vua Trần Duệ Tông (1372-1377) cho 50 Tiến Sĩ, khóa Giáp Dần (1374).
    Tôi yêu nước Việt lạ thường,
    Yêu từ ngọn núi, đến từng con sông
    Ngân Sơn, châu thổ sông Hồng,
    Là nơi ấp ủ con Rồng cháu Tiên.


Lễ xướng danh

5. Học tài thi phận?
Sau khi làm xong bài Đối Sách ở Đình thí, sĩ tử chỉ còn chờ xem mình ở trong danh sách nào của Tam Giáp Tiến Sĩ (vì kết quả dự thảo của kỳ thi Hội do Bộ Lễ tổ chức là căn bản - thì mình đã đậu Tiến Sĩ rồi). Tuy nhiên có khóa thi Điện, nhiều thí sinh bị nhà vua phê "liệt", để rồi chỉ đậu Phó Bảng !. Khóa Nhâm Thìn (1772), thời vua Lê Hiển Tông, đậu 30 tiến sĩ. Vào thi Đình, thiên tử cho đỗ (0+2+11)!

Đó là bia đá Tiến Sĩ số 79 (Nhâm Thìn), niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 33, dựng năm 1772.

6. Bài thi Đình dưới thời vau Lê Tương Dực (1510-1516) khóa Tân Mùi (15110
    - Bài Văn Đình, hỏi sĩ tử: " Đường lối trị nước xưa nay": Làm sao để tô điểm sơn hà, mở mang và giáo hóa dân chúng, sắp xếp chánh sự, và trau dồi phong tục tập quán ...
    - 107 thí sinh (đã đổ thi Hội thí đã nắm bằng Tiến Sĩ - dù nắm qua không khí! - vào thi Đình Đối nhà vua cho đậu 47 vị mà thôi! (3+9+35).
    - Thường thường vua Đại Việt - "văn hay chữ tốt" - vì được học quan hướng dẫn tỉ mĩ ngay từ lúc lọt lòng mẹ - điển hình là vua Tự Đức. Cho dù "văn hay chữ đẹp"  - thế nhưng nhà vua không đi thi như thường dân - vì là Thiên Tử.

7. Chẳng bao lâu sau ngày vinh qui bái tổ - các tân khoa tuần tự được triều đình bổ nhiệm. Ai ai cũng có nhiệm vụ mà phô diễn tài năng và tiết tháo của mình. Rồi cứ 10 năm được thăng một trật và 15 năm được lên một chức. Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm (Tân Hợi, 1731) lên đến Công Bộ Thượng Thư. Bảng Nhãn Lê Quí Đôn (NhâmThân 1752) Công Bộ Thượng Thư.

8. Vua Gia Long (1802-1819) , năm 1807 cho mở lại kỳ thi Hương đầu tiên của triều Nguyễn. Nhưng mãi tới năm 1822 , Minh Mệnh (1820-1840) mở lại Hội Thí và Đình Thí. Vì e rằng quí Trạng Nguyên kiêu căng và lộng hành, nhà vua bỏ hẳn danh xưng Trạng Nguyên. (Nguyễn Bĩnh Khiêm (1492-1587) đỗ Trạng Nguyên thời nhà Mạc (1527-1592) làm quan đến Lại Bộ Thương Thư - Thái Phó Trình Quốc Công - vì thế người đời gọi là Trạng Trình. Ông rất giỏi văn chương và lý số. Rồi dần dần, nhà Nguyễn bỏ luôn danh sách thứ nhất của tam giáp Tiến Sĩ. Người đậu đầu thi Đình được gọi là Đình Nguyên. Bia Tiến Sĩ triều Nguyễn dựng ở Văn Miếu, kinh đô Huế (193 vị).

9. Bia Tiến Sĩ từ 1442 đến kỳ thi cuối cùng Đinh Mùi (1787 đời vua Lê Chiêu Thống) có 117 khóa (96 thời Lê, 21 triều Mạc) Nếu tính cả các khóa thi đặc biệt (Đông Các, Chế Khoa) thì tổng cộng là 124 khóa thi với 2,200 Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa và Tiến Sĩ trong 345 năm (Đông Các và Chế Khoa: không có danh sách một). Như thế trung bình mỗi khoa Đình thí ngày xưa có 18 vị. Phần vì mai một với tháng năm, phần vì tiêu thổ kháng chiến (19 tháng 12, 1946) chỉ hiện còn 82 bia ở Văn Bia Quốc Tử Giám Đông Kinh mà thôi (mất 42 bia).


Bia Tiến Sĩ ở Hà Nội

10. Nho học cáo chung, Kỷ Mùi 1919 là khoa thi Hội /thi Đình cuối cùng của nhà Nguyễn. Cũng năm 1919, vua Khải Định (1916-1925) ban sắc chỉ: bãi bỏ các kỳ thi Hán học (thi Hương, Hội thí và Đình thí) tại Trung và Bắc phần. Chữ Nho được thay thế bằng hệ thống giáo dục thuộc địa.

Lời kết:

"Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"
(Thiền Sư Đời Lý)

"Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai"
(Ngô Tất Tố dịch)

Thơ phú hay quá và chữ Hán tuyệt vời. Nhưng lối học xưa kia quá từ chương  mà quên đi Toán, Khoa Học và Kỹ Thuật. Kỹ sư, khoa học gia và các nhà kỹ thuật Mỹ chiếm dưới 5% dân số nhưng đã đóng góp 55 tổng sản lượng nội địa (Reader's Digest, 12/2005, p. 110-111). Đây là một bài học quí giá vô cùng cho "Việt Nam lục địa" - chỉ gởi sinh viên du học/ để học những ngành đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế quốc gia - mà quên đi các ngành "hữu danh vô thực!" nhé.

God bless Vietnam and America!

GS Phạm Đức Lien
Former Instructor
Central Piedmont Community College

Chú thích:
     
        1. Bình có 2 giải thích:

            - hạt bình địa (trong nước gọi là giải phóng mặt bằng), dễ dàng thi đỗ.

            - đậu Bình tức là Magma Cum Laude: = 3.8 + = 95+ trong thang điểm Ưu, Bình, Thứ, Liệt = yếu = rớt = dưới 50 / thang điểm 100.

2. Thông ngôn (thông dịch Pháp Việt), Phán sự (thơ ký tòa Hành chánh), Thầy trợ giáo (dạy lớp 1, 2, 3 tiểu học), Thầy ký (lục lộ = công chánh, kiểm lâm, kho bạc, giây thép, nhà thương ...): tối thiểu có bằng tiểu học (Certifica d'Etude Primaire = Xecs = Rime), lương tháng là 5 đồng (trong khi lương lính khố xanh là 2 đồng - bộ đồ Tây Âu phục giá 2.5 đồng).

3.  Quan chế ngày xưa chia làm 9 phẩm (cửu phẩm), mỗi phẩm có 2 bậc chánh và tòng.

            Cao nhất là nhất phẩm, thấp nhất là cửu phẩm:

            * Chánh nhất phẩm (hay tòng nhất phẩm): quan đại thần, lương hàng năm là 470 quan tiền + 300 phương gạo.

            * Chánh nhị phẩm : quan Ngự Sử, Tổng Đốc.

            * Tòng nhị phẩm: Tuần Phủ

 ...

            * Chánh bát phẩm (tòng bát phẩm): Huấn Đạo.

            * Chánh cửu phẩm (tòng c ửu phẩm): Thơ Lại, Chánh Tổng ... lương 24 quan tiền, 16 phương gạo.

4.  Ông Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh) , năm học 1907/08 đang học lớp đệ nhất niên (tương đương lớp đệ thất, lớp sáu) trường Quốc Học Huế thì bị đuổi học vì tham gia biểu tình chống thuế tháng 4/1908. Tháng 6/1911 đi Tây làm cách mạng. Thế nhưng thân phụ (cụ Nguyễn Sinh Sắc) đậu Hương Cống và được vào học ở Quốc Tử Giám để luyện thi Hội (qua sự giúp đỡ của Thương Thư Bộ Lại là Cao Xuân Dục) . Cụ Sắc rớt kỳ thi Hội - khóa Tân Sửu (1901). Chánh chủ khảo là Cao Xuân Dục xét lại bài thi và cho đậu Phó Bảng (ngày nay tương đương với Master).