LAN MAN NHIỄU SỰ 5
LƯU THANH BÌNH

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGUYỄN NGỌC NGẠN
Hầu như mọi người Việt mê ca nhạc trong ngoài nước đều biết đến ông, mặc dù ông không phải là ca sĩ hay nhạc sĩ mà chỉ là người dẫn chương trình (MC) cho Paris By Night. Sự thành công của các show diễn luôn có sự đóng góp đặc biệt của ông, đó là điều không phải bàn cãi.Nhắc đến ông, người ta nhớ đến một giọng nói  từ tốn, khoan thai dễ khiến người nghe cảm thấy gần gũi dễ mến. Hài nhưng thâm trầm đúng gốc Bắc, không cường điệu để nhận những tiếng cười dễ dãi.
Bên cạnh khả năng ứng đối tự nhiên, linh hoạt cùng MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, ông còn là một pho tự điển sống về kiến thức văn hóa và lịch sử, thông qua những lời giải thích rành mạch, sâu sắc về những giai thoại, phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống của dân tộc. Người già xúc động vì nhớ lại hồn quê, người trẻ có dịp hiểu biết thêm về nguồn cội. Có thể nói, ông là một người nặng lòng với quê cha đất tổ, một sứ giả giữ gìn bản sắc văn hóa Việt ở hải ngoại. Chương trình Paris By Night nhờ có ông mà nhận được rất nhiều sự ủng hộ, cả ở trong nước.
Đối với khán giả là người lớn tuổi đã từng trải qua cuộc sống thăng trầm ở Việt Nam, ông dễ được cảm thông vì là nhân chứng, người trong cuộc, có chung một hoàn cảnh, tâm trạng khi chọn nơi này làm quê hương thứ hai lúc đã quá nữa đời người, khi người ta nghe Nguyễn Ngọc Ngạn nói, họ nghe thấy tiếng lòng của chính mình. Hòa nhập nhưng khó hòa tan, những ký ức từ lúc còn nằm nôi ở quê mẹ theo gợi nhớ của ông làm sống dậy biết bao cảm xúc của người nghe.
Đối với thế hệ thứ hai, thứ ba sinh trưởng ở nước ngoài, những lời giải thích của ông về phong tục ngày Tết, những truyền thống dân tộc giúp họ không quên nguồn cội, quê cha đất tổ khi đã hòa nhập vào đời sống, trở thành công dân của nước sở tại. Đối với khán giả trong nước, ông giúp họ hiểu hơn tâm tư tình cảm của cộng đồng người Việt nước ngoài, phá bỏ những định kiến gây chia rẽ, biết rằng bản sắc văn hóa dân tộc là tài sản chung, giữ gìn và phát triển là trách nhiệm của mọi người chứ không phải của riêng ai hay nhóm người nào.    
Khi được hỏi bí quyết làm nên sự nổi tiếng, ông có những lời nói hết sức khiêm tốn, khắc kỷ “…“Thì chú cũng thế thôi, chú cũng như bất cứ nhà văn nào khác, bất cứ người viết kịch nào khác. Cháu sáng tạo sự thực là mô phỏng. Cháu từ một cái có này cháu ra cái có khác chứ không phải chỉ có Thượng đế mới sáng tạo từ cái không thành có. Một người viết văn, một người viết kịch, một người làm MC thì phải học thôi cháu. Phải đọc nhiều, phải học nhiều, coi show, coi phim, coi báo chí. Nếu chú có được những thành tựu như cháu nói thì sự thực ra là sự chăm chỉ của chú thôi…”*. Vâng, quả thực đầy rồi thì không “khua”, chật rồi thì không “nổ”. Người tài năng luôn giữ thái độ khiêm cung, không ai tự đề cao mình.
Nếu nói về những sự mất mát sau cuộc chiến tương tàn của đất nước, có lẽ sự tiêu tán của cải, sản nghiệp hoặc mất nơi ăn chốn ở hoặc mất nghề nghiệp cũng còn đỡ hơn mất mát người thân, nhất là việc ấy lại diễn ra trước mắt giữa sóng nước đại dương chứ không phải trên giường bệnh, trong vòng tay người thân. Năm năm tuổi lính, ông phải trả bằng ba năm trong trại cải tạo, để đến bến bờ tự do, ông phải trả giá bằng chính sinh mệnh của vợ con. Đến nơi ở mới, ông phải làm lại từ đầu, trước tiên là lao động chân tay như bao người khác. Cuộc sống dần ổn định, ông mới có cơ may trở lại nghiệp văn chương sở trường. Ông cộng tác với Thúy Nga Productions từ năm 1992 đến nay, và dự tính sẽ về hưu năm sau vì lý do sức khỏe.
Trong bài “Ngày xuân thăm bạn” đăng trên Đặc san THĐ xuân Đinh Dậu 2017 , mình có nhắc đến nổi đau của người bạn là phế binh “… Cái đáng quý của Luật là không thở than trách móc, không nguyền rủa một ai, mặc dù mình đoán nổi ám ảnh của chiến tranh có lẽ hiện về trong giấc ngũ của Luật một thời gian rất dài, và rất lâu sau đó nổi đau mới nguôi ngoai, người thương binh mới quen với hiện thực cuộc sống cũng như quen với thân thể không còn lành lặn của mình…”.
Với ông có lẽ cũng vậy, hãy nghe ông tâm sự trong bài phỏng vấn nói trên … * “Nguyễn Ngọc Ngạn nói ông từng rơi nước mắt trên sân khấu khi xem lại những khoảnh khắc di tản hỗn loạn trong ngày Sài Gòn sụp đổ khi ông dẫn chương trình kỉ niệm 20 năm và 30 năm sự kiện này. Có lúc sự xúc động biến thành nỗi đau quặn thắt khi ông nhớ về cuộc vượt biên năm 1978 của chính mình. “Chính chú bị đắm tàu. Tàu của chú 161 người chết trong đó có vợ con chú. Nhìn thấy những cái tàu ở trên biển khi chiếu lại trong cuốn ‘Tôi là người Việt Nam’ chú đã thấy xúc động rồi, nhiều khi chú phải quay mặt đi không dám nhìn. Nó nhắc lại chú những cái cảnh hãi hùng và những cái cảnh chết chóc của 43 năm về trước,” ông nói.”
Đau thương nhưng không hờn oán, bất đồng nhưng không lên án hoặc chỉ trích cực đoan, nay ông vẫn nhìn về quê cũ với đầy thiện cảm và hy vọng. Theo năm tháng, hận thù cũng phôi pha, những chính sách kinh tế thay đổi theo hướng mở rộng thị trường, tuân theo quy luật cung cầu, cùng với những thay đổi về nhận thức thế giới quan khiến ông có cái nhìn cởi mở hơn về Việt Nam, theo ông Việt Nam (2021) là một nước tư bản, mặc dù là một nước tư bản độc đảng. *  
Có thể ở đây còn nhiều ý kiến bất đồng, Việt Nam vẫn chưa có tam quyền phân lập thực sự, vẫn còn hạn chế một số quyền đã được ghi trong hiến pháp, điển hình như cái Hội Hướng Đạo cỏn con của tôi, không biết đến ngày nhắm mắt có được thấy nó phục hoạt hay không, nhưng ít nhất (qua ông) tôi cũng thấy cái khoảng cách xa vời đã được rút ngắn lại, những khoảng cách nhất định giữa người trong nước và ngoài nước, giữa bên này bên kia và giữa các vùng miền trong nước.
*(Bài phỏng vấn của Hoàng Long, VOA ngày 26/12/2021)

CHỐNG NGOẠI XÂM
Theo Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, dẫn theo truyền thuyết thì giống người Việt nguyên thủy cư trú ở phía nam sông Dương Tử, vì không chịu đồng hóa với tộc Hạ (Hoa Hạ) mà di cư dần xuống phía nam, trong số Bách Việt thì Âu Việt và Lạc Việt chính là tổ tiên của chúng ta.Đến nay, người Tàu vẫn gọi Quảng Đông-Quảng Tây là tỉnh Việt. Năm 111 trước công nguyên, nhà Hán đánh chiếm Nam Việt của Triệu Đà, mãi đến năm 939 sau công nguyên, Ngô Quyền mới giành lại độc lập tự chủ cho đất nước. Tính ra nước ta bị lệ thuộc mất hơn một ngàn năm.
Mất nước hơn ngàn năm mà phục hồi lại được, có lẽ chỉ có hai quốc gia là Việt Nam và Israel làm được. Nếu không phải là nhờ tinh thần độc lập tự chủ mạnh mẽ của dân tộc thì lý giải như thế nào trước áp lực đồng hóa suốt một thời gian dài của kẻ cai trị ? Tinh thần chống ngoại xâm của người Việt truyền từ đời này sang đời kia, nay có thể nói đã nằm trong huyết quản, trở thành dân tộc tính. Kể cả trong quá khứ lẫn hiện tại và tương lai sau này,vtôi tin đó chính là tấm khiên làm chùn tay kẻ bán nước, là thanh gươm làm nản lòng quân xâm lược.
Cũng vì đề cao sự sống còn của đất nước nên trong sử Việt có nhiều trường hợp soán ngôi, thay đổi triều đại bằng âm mưu mờ ám của những đại thần lộng quyền, võ tướng nắm binh quyền hoặc âm mưu của những kẻ ngoại thích (bên ngoại của vua) nhưng sau đó nhờ công lao đánh thắng giặc ngoại xâm, giữ vững nền độc lập tự chủ của đất nước mà lịch sử trân trọng ghi công, đề cao tính chính thống của triều đại mới; còn tội thoán đoạt được xem nhẹ, nếu có nhắc đến thì cũng coi như việc xảy ra ở nội bộ chốn cung đình, không làm ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân. Xin lược kể mấy vụ án sau :
Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng bị ám sát chết, con nhỏ là Đinh Toàn lên thay. Chỉ vài tháng sau, Dương thái hậu và Lê Hoàn dựng màn kịch soán ngôi, với chi tiết “âu yếm khoác hoàng bào” nổi tiếng trong lịch sử. Sau đó, Dương thái hậu trở thành vợ chính thức của Lê Hoàn. Năm 981, quân Tống sang đánh, tính từ khi vua Đinh chết đến khi quân Tống động binh là hai năm (979-981), như vậy chính vì cái chết của vua Đinh mà quân Tống mượn cớ sang xâm lăng nước ta, chứ không phải vì nguy cơ quân Tống xâm lăng mà Lê Hoàn soán ngôi. Trò lập lờ đánh tráo khái niệm này thể hiện rất rõ trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”, vậy mà bao người tin sái cổ ! Chiến thắng quân Tống đã khiến Lê Đại Hành (Lê Hoàn) trở thành anh hùng dân tộc, một biểu tượng chống ngoại xâm thay vì là một kẻ giết vua soán ngôi.
Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông lên ngôi, khi ấy cả hai đều cùng 8 tuổi, mọi việc đều do Trần Thủ Độ định đoạt. Để tuyệt đường họ Lý, Trần Thủ Độ bức tử Lý Huệ Tông với câu nói nổi tiếng : “ Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Họ Trần chỉ lấy người trong họ cũng vì để tránh họa ngoại thích mà họ đã sử dụng. Thủ Độ lại phế Chiêu Hoàng, ép Thái Tông phải lấy em gái Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa, khi ấy đã có chồng là Trần Liễu và đang có mang 3 tháng. Cuối cùng là màn kịch trục ra khỏi hoàng cung bằng cách gả chồng cho Chiêu Hoàng. Họ Lý bị truy sát rất dữ, đến nổi Chiêu Hoàng chấp nhận lấy chồng với điều kiện là ngưng truy sát họ Lý. Tất cả tôn thất họ Lý còn lại đều phải cải sang họ Nguyễn.
Những việc làm loạn nhân luân của Trần Thủ Độ, theo Việt Nam sử lược “tự thượng cổ mới có là một”. Tuy nhiên, trong cuộc chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất (1257), Trần Thủ Độ có góp công lớn, giữ vững tinh thần vua quan, binh lính với câu nói nổi tiếng “Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”. Cùng với hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và 1288, triều Trần chính là một trong những triều đại chống ngoại xâm lừng lẫy nhứt của nước ta, và cũng là triều đại được lòng dân nhứt qua “Hội nghị Diên Hồng” mà ai cũng biết.
Như vậy cả hai triều (Tiền) Lê và triều Trần đều chiếm ngôi vua bằng con đường bá đạo chứ không chính thống như triều Lý và (Hậu) Lê hay triều Nguyễn sau này, nhưng lịch sử không phê phán nặng lời vì có công chống ngoại xâm. Còn triều Hồ với Hồ Quý Ly học theo Trần Thủ Độ, cũng dùng chiêu ngoại thích để soán ngôi, nhưng vì thất bại trong việc chống quân Minh xâm lược nên bị lịch sử phê phán, xem như ngụy triều.
Tôi thú thực rất dở về các thao tác kỹ thuật trên mạng, nếu không sẽ load về cho các bạn nghe bài “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn. Đành xin đọc chay một đoạn để kết thúc bài ở đây :
Một ngàn năm nô lệ giặc tàu
Một trăm năm đô hộ giặc tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, để lại cho con
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn…
…Dạy cho con tiếng nói thật thà
Dạy cho con chớ quên màu da
Con chớ quên màu da, nước Việt xưa…

(12-2021)