Lan man nhiễu sự 6
LƯU THANH BÌNH

VŨ THẾ THÀNH CHẤM COM

Vũ Thế Thành thực sự không phải là một nhà văn, mà là một chuyên gia Hóa-sinh, là cái nghiệp anh ta theo đến bây giờ. Dân Petrus Ký trước 75, sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn, cùng một lứa tuổi 1954 như bọn tôi, và là dân Bắc kỳ di cư sống ở Tân Định. Nhiều bài viết trên trang nhà Trịnh Hoài Đức của tôi lây hứng từ những bài tùy bút của anh ta. Sao mà hợp ý lạ. Cũng nhức đầu với bài “kẻ sĩ ” đầy từ Hán- Việt của Nguyễn Công Trứ, cũng bôn ba chạy gạo sau 75, phải đạp xích lô thời vụ để kiếm sống, cũng chịu thiệt thòi vì chủ nghĩa lý lịch, cũng khoái “ House of the rising sun”, chỉ có khác (có lẽ) hồi đi học anh ta khoái dân Trưng Vương chứ không khoái dân Gia Long (còn nhớ con đường nhỏ bên hông Gia Long có gánh chè đậu rất ngon).

Bài tùy bút “Trăm nghìn nhánh khổ” tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, có khi đang đi ngoài đường tức cảnh sinh tình vội về nhà bật computer coi lại lần nữa, vẫn thấy hay như thường. Những ngày sau biến cố đổi đời, rất nhiều số phận bị thay đổi một cách nghiệt ngã, trí thức phải xuống đường chạy chợ hoặc lên rừng lao động khổ sai là chuyện bình thường. Tôi như thấy lại hình ảnh, tâm trạng của mình trong bài đó, và nhớ đến thầy Lê Vĩnh Thọ lam lũ với chiếc xe đạp thồ năm nào. Đời nhiều cảnh ngộ, gặp người cùng tâm trạng là một may mắn, có khi không gặp lại lần thứ hai trong đời. Nhứt là lứa tuổi chúng tôi, ra đời khi hiệp định Geneve chưa ráo mực và đứt phim khi vừa bước qua tuổi hai mươi. Một biến cố “vĩ đại” xảy ra, là vận hội mới cho người này nhưng lại là thua thiệt cho người kia; nhiều khi không gieo nhân mà phải gặt quả, triết lý nhà Phật gọi là nghiệp tiền duyên. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh gã lái buôn chính trị Henry Kissinger với cái mề đay Nobel hòa bình 1973 tại Oslo, nhe răng ra cười trước ống kính dù trong thâm tâm hắn cũng thừa biết nền hòa bình này là giả tạo. Mỉa mai thay, cái mề đay hòa bình kia nhuốm đầy máu và nước mắt của dân Việt. Nói gì thì nói, những mất mát, cay cực một thời có thể bị bụi thời gian phủ mờ, người ta có thể rộng lượng theo tuổi tác, theo năm tháng trôi qua, nhưng tha thứ không có nghĩa là quên.
Những năm tháng sau này, khi cuộc sống đã ổn định, đã có chút tiếng tăm trên văn đàn, quan điểm Vũ Thế Thành có  thay đổi đôi chút. Để hiểu hơn, xin trích một đoạn trong bài tùy bút “ Hồi đó tụi mày ở đâu” :
…Sống trong đất nước cộng sản, mà không bạn bè là cộng sản thì mới là điều lạ. Những người bạn mới của tôi có người chơi được, có người không, như mối quan hệ riêng tư ở bất cứ xã hội nào khác, đâu cứ là ở xứ cộng sản mới có người được người không. Có những quan hệ thân tình cả hai chục năm chứ đâu phải ít, mà bây giờ vẫn cư xử thân tình như thế. Khi chén chú chén anh, thỉnh thoảng vẫn có “khắc khẩu” về ý nghĩa cuộc chiến, nhưng ngày mai lại quên. Cái thân tình nặng hơn sự khác biệt quan điểm. Năm tháng, tuổi đời cũng làm những xung đột quan điểm đó hẹp dần lại, thân tình rộng hơn…
Ái chà ! một loại diễn biến hòa bình trong nội tâm, hay gọi là vết thương lành lên mày đây mà. Tôi không lạ gì quan điểm này, nhiều nữa là khác. Cái tư tưởng thuộc loại này không phải chỉ có ở trong nước, mà nghe nói có cả ở hải ngoại. Cũng đúng một phần, vì cuộc sống tiến triển, người ta cũng không thể gặm nhắm mãi nổi buồn hoài cổ. Cái gì đã xảy ra thì cũng qua rồi, cuộc sống luôn hướng về phía trước. Nhưng tôi thấy không công bằng, vì nhận thức này chỉ có ở một bên, mà đáng ra phải là ở cả hai bên mới đúng, như thế mới gọi là hòa giải hòa hợp. Người ta cứ ăn mày dĩ vãng để giữ hùng khí, trong khi với một số thì như chọc vào nỗi đau xé lòng. Nếu Vũ Thế Thành đang ở ngoài mà nói được những điều này, tôi mới cho là thực tâm, khâm phục cho sự độ lượng vị tha đúng với triết lý “buông bỏ” của nhà Phật. Còn không thì tôi xem đó chỉ là một phát biểu mang tính thỏa hiệp, cầu an của một người khôn ngoan mà thôi. Kiểu AQ của Lỗ Tấn. Có lẽ Vũ Thế Thành cũng không mất gì nhiều, như những người khác, những gia đình khác ở miền Nam nên dễ quên.
Còn nếu nói “cái thân tình nặng hơn sự khác biệt quan điểm”, thì tôi hoàn toàn không đồng ý một chút nào, bởi vì nếu đã khác biệt quan điểm thì làm gì có thân tình, đó chỉ là một sự thỏa hiệp gượng ép, lãng tránh xung đột để giữ hòa khí. Đó là cái thân tình xuề xòa bên bàn rượu, buổi trà đàm. Cái thân tình không phải ở ngoài chiến trường chia xẽ điếu thuốc trong giao thông hào, không phải cái thân tình chia nhau cục đường tán trong trại cải tạo, không phải cái thân tình của lời trối trăng nhờ đồng đội gởi về cho người nhà. Vài chục năm quen biết không thể gọi là thân tình, có khi chơi với nhau từ nhỏ đến khi tóc bạc da mồi vẫn còn giữ khoảng cách đó thôi.
Nếu nói về tình bạn khăng khít, còn gì bằng tình bạn B5 của lớp chúng tôi, trải qua bao thử thách vẫn giữ chặt mối dây, hữu sự đều đủ mặt. Những buổi họp mặt thường niên, dù tay bắt mặt mừng nhưng khi chọn chổ ngồi vẫn kín đáo lựa nhóm bạn thích hợp. Thử tưởng tượng một người bạn đang lo lắng đến cái vườn dừa bị đuông ăn hay cái chân ruộng cao phải bơm nước mùa khô để cứu lúa, lại ngồi chung bàn với các anh trung cao về hưu thích buôn chuyện thời sự tỉnh nhà, anh này lên hương chị kia lên thớt, tỏ ra am tường chuyện kinh tế vĩ mô với thời sự quốc tế. Ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, muốn góp chuyện cũng khó, tự biết thân biết phận mà nói chuyện với cái chén và đôi đủa cho xong. Hoàn cảnh thay đổi khiến tính cách con người cũng thay đổi, nhiều người cứ hoài niệm tình bạn thời quần xanh áo trắng, vô tư và hòa đồng. Xa xôi lắm rồi. Vật chất quyết định ý thức, Marx đã nói vậy.
Một người bạn tôi có cái phổi bò và ruột gan để ra ngoài. Một lần bọn tôi đến thăm bạn trên giường bệnh mà hắn cũng còn tưng tửng nói nửa đùa nửa thật “ Tao chờ xem Mỹ Tàu uýnh nhau rồi mới chết, lúc đó thì cái sổ hưu của chúng mày cũng vất, nhé". Câu nói làm các cựu quan chức sa sầm nét mặt, quả là cà cuống đến chết đít cũng còn cay. Bây giờ Mỹ Tàu chưa uýnh nhau mà bạn tôi đã ra người thiên cổ mất rồi. Đấy, chơi với nhau mấy chục năm nhưng đâu phải ai cũng là bạn thân. Ở chốn vĩnh hằng, không biết các bạn có đem cái ý niệm “thân tình nặng hơn bất đồng quan điểm” ra mà cãi nhau nữa hay không. Cũng có thể ý của Vũ Thế Thành muốn nói khác biệt quan điểm là nhất thời, thân tình là mãi mãi chăng ? Tôi nghĩ thân tình thực sự phải chịu thử thách qua thời gian như lửa thử vàng. Nếu bạn có nhiều hơn một người bạn thân trên đời, thì đó là một diễm phúc thực sự. Tôi có cầu toàn quá chăng ?
Trong đám đông, tôi nghiệm ra có một đề tài dễ tìm được tiếng nói chung nhứt, đó là ba cái chuyện cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, tim mạch, đau khớp, thoát vị cột sống, phì đại tuyến tiền liệt mà anh nào cũng có ít nhiều, bởi anh nào cũng đã bảy bó, và nói thiệt anh nào cũng sợ chết cả. Bây giờ đó mới là đề tài hot nhứt trên bàn tiệc chứ không phải mấy cái hủ rượu ngâm ông uống bà khen như trước nữa; bệnh tật nó cũng không phân biệt lý lịch, thành phần giai cấp nên khỏi sợ xung đột quan điểm ./.

5-2023