LAN MAN NHIỄU SỰ - PHẦN 2
LƯU THANH BÌNH

ĐẶT TÊN :
Con người sinh ra ai cũng phải có tên, thế nhưng ngoài việc đặt tên cho tiện phân biệt và xưng hô, việc hệ trọng này cũng có nhiều ngụ ý, đa phần là gởi gấm kỳ vọng của cha mẹ như một lời nhắc nhớ cho con cháu sau này. Có người còn được đặt cho hai tên : tên xấu gọi ở nhà ( ma quỷ chê khỏi bắt, dễ nuôi) và tên đẹp trên giấy khai sanh. Rủi thay mấy ông hộ tịch (đầu thế kỷ 20) không phải ông nào cũng rành chữ quốc ngữ nên mới có việc ghi tên tréo ngoe, tên tốt thành tên xấu. Liên thành Liêng, Oanh thành Quanh, Tuyền thành Tiền… Thí dụ như nhà văn Sơn Nam tên Phạm Minh Tày, nhưng thật ra là Tài mới đúng ý thân phụ của ông. Từ ngữ Hán -Việt không có chữ Tày. Ngoài ra còn nhiều tên khác “quỷ khốc thần sầu” hơn mà nạn nhân phải đeo theo cả đời. Nói đi thì cũng phải nói lại, nhiều người may mắn được ông hộ tịch (hoặc ông thầy) cho thêm cái râu cho đời đỡ khổ, vô lớp khỏi bị chúng bạn trêu chọc, nhưng về nhà thì vẫn gọi theo tên cúng cơm (xin bác sĩ Cư khóa 12 đừng giận).
Đặt tên người, đó là việc riêng tư, nhưng đối với việc đặt tên đường thì khác, bởi đường là của chung, là tài sản của toàn dân. Tên đường phải đáp ứng được sự đồng thuận của xã hội thì mới chính danh, nên đa số đều lấy tên của các danh nhân văn hóa, lịch sử của dân tộc nhất là các anh hùng chống ngoại xâm. Thoạt tiên, ai cũng nghĩ dễ ợt vì đã là người Việt Nam, ai lại không biết Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ…là những người mà tài năng và nhân cách khỏi bàn cãi. Trước kia khi đặt tên đường phố Sài Gòn, người xưa cũng có nhiều ngụ ý như đại lộ Nguyễn Huệ là con đường đẹp nhứt, thênh thang nhứt nhưng lại hơi …ngắn vì nhà vua vắn số, tương tự là đại lộ Hàm Nghi,  ông vua yêu nước nhưng sự nghiệp cứu quốc không thành. Đại lộ Lê Lợi là con đường trung tâm Sài Gòn, kéo dài từ công trường Quách thị Trang cho đến tòa nhà Quốc Hội, ghi công người anh hùng áo vãi cởi ách nô lệ cho dân tộc. Trần Hưng Đạo là vị tướng thiện thủy chiến thì được dựng tượng tại bến Bạch Đằng và Đại lộ Trần Hưng Đạo dài ơi là dài, từ Sài Gòn vô tuốt trong Chợ Lớn. Chúa Hiền là người có công mở cõi cho đất phương Nam, được tri ân bằng con đường Hiền Vương từ Đakao tới Ngã Sáu. Ngoài ra Sài Gòn còn có những con đường gắn liền với kỷ niệm một thời hoa niên của nhiều người như Duy Tân (uống ly chanh đường), Nguyễn Du (cà phê), Lý Thường Kiệt (cơm bụi Bách khoa), Cường Để (quán Văn)…   
Tuy nhiên có những nhân vật lịch sử mà sự phán xét công tội còn nhiều khác biệt, ảnh hưởng bởi sự thay đổi quan điểm qua các thời kỳ cận đại dẫn đến việc thay đổi tên đường. Đó là trường hợp của các vua triều Nguyễn cùng các bậc khai quốc công thần Nguyễn Huỳnh Đức, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu hoặc các học giả như Pétrus Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh. Những sử gia xưa như Lê văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Trần Trọng Kim khi ghi nhận công lao chống ngoại xâm của Lê Hoàn, Trần Thủ Độ cũng không quên ghi lại những thủ đoạn mờ ám, loạn luân, vô đạo của họ. Đó là quan điểm theo tôi là công bằng, công tội phân minh. Ngược lại khuynh hướng sử gia (trong nước) ngày nay bỏ qua việc tư mà đề cao công trạng, đi ngược lại quan niệm “tiên học lễ hậu học văn” của đạo đức dân tộc. Cái lý của các sử gia là công tích của họ có lợi cho hàng triệu người, còn công việc riêng tư gây hại bất quá cũng chỉ vài chục, vài trăm cá nhân hoặc một giòng họ. Giống như các sử gia Trung Quốc ngày nay đề cao Tần Thủy Hoàng và Thành Cát Tư Hãn là vì họ có công thống nhất đất nước, nhưng nếu thống nhất đất nước mà dìm người dân vào đau khổ thì thống nhất để làm gì ? Gay cấn nhứt là trường hợp tên đường Alexand des Rhode (cha Cả), treo lên, hạ xuống bao lần, đến nay cũng chưa nhận được sự đồng thuận trên phạm vi cả nước. Được biết miền bắc đã có tên đường Mạc Đăng Dung và Trần Thủ Độ, hai nhân vật gắn liền với sự kiện lịch sử Thành Thụ hàng (Quảng Tây) và diệt tộc họ Lý gây tranh cãi. Vậy thì chúng ta cũng hy vọng một ngày nào đó, cụ Phan Thanh Giản cũng sẽ được xét lại công –tội một cách công minh để an lòng dân miền Nam, nhứt là người dân hai tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long.
Ở Lái Thiêu sau năm 75, tên đường phố nói chung không có xáo trộn nhiều, đường mới đặt tên mới, tên đường cũ vẫn được giữ lại. Cái sự định hướng thoạt tưởng dễ ấy thực ra là cả một cố gắng dũng cảm của một ai đó khó mà biết được (xin cám ơn nhiều !). Đường Lê Văn Duyệt bên hông dinh quận kéo dài xuống bờ sông Chợ, đường Tổng Đốc Phương chỉ 50 mét,bên cạnh nhà Tiều, đường Châu Văn Tiếp từ công-xi heo tới bar Mỹ Lan, đường Phan Thanh Giản, đường Đông cung Cảnh, đường Gia Long (bờ kè) .v..vv…những tên đường này đã chính thức bị xóa hẳn tên ở nhiều nơi khác, kể cả bệnh viện và trường học nhưng ở Lái Thiêu vẫn giữ tên như vậy cho đến nay. Mới đây nhứt (tháng 7 năm 2020) báo chí chính thống Việt Nam loan tin Sài Gòn đã phục hồi tên đường Lê Văn Duyệt, đoạn từ cầu Bông đến Tòa hành chánh tỉnh Gia Định cũ. Chỉ mẩu tin nhỏ nhưng tôi mừng muốn rớt nước mắt vì cuối cùng thì chính kiến nhất thời cũng phải phục tùng lòng dân và sự thật lịch sử. Đức Tả quân là người có công khai mở và bảo hộ vùng đất Nam Bộ, chủ trương tự do giao thương và tôn giáo khiến nơi đây trở thành trù phú nhất nước, tri ân tiền nhân chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt. Lăng Ông khói hương ngày ngày không ngớt, thể hiện tấm lòng ngưỡng vọng của người đời sau đối với công lao của ngài.

BÁC HAI VỐN
Tôi gọi Bác vì ông là bạn với ba tôi, cùng đá chung trong đội banh Lái Thiêu những năm 50, 60 của thế kỷ trước, thời hoàng kim của bóng đá Nam Kỳ, điển hình như đội Ngôi Sao Gia Định, Xẹc Tây…Những ai sinh trưởng ở Lái Thiêu hầu hết đều biết Bác Hai nhất là lứa nhi đồng , học sinh tiểu học trường Lái Thiêu. Cứ mỗi mùa Trung Thu rước đèn quanh phố chợ, Bác lại đeo râu, giả làm Quan Công cởi con ngựa giấy Xích Thố tự làm mua vui cho lũ nhỏ. Gần Tết, Bác lại vót tre, uốn khung, phết giấy làm đầu cù đi quanh phố chợ, con nít chạy theo la hét rầm trời.
Lớn lên một chút, tôi được theo ba đi coi đá banh. Sân banh ở trong Ấp Trưởng, cổng vào có tấm bảng ghi Vận Động trường, dưới tán của một cây điệp tây rất lớn. Sân banh khi ấy có nhiều bông cỏ may ghim vào vớ, về nhà anh em tôi hay lôi đôi vớ sọc ngang của ba ra nhổ, nhưng chỉ một chút là chán vì nhiều quá. Hồi ấy ít có cầu thủ nào đá đều hai chân mà thường chỉ thuận một chân, Bác Hai sở trường đá cánh trái vì thuận chân trái. Biết bao nhiêu thế hệ thanh niên Lái Thiêu trưởng thành từ cái sân này. Cùng thời với ba tôi ngoài Bác Hai tôi nhớ có ông Lộc Lô, ông Sáu Sơn, ông chín Nô…, kế tiếp là thế hệ của các anh Bé ke, Năng ( Hảo), Đức, Dư Tân, Sấm, Hiếu, Năm Bánh mì …, sau này có Giàu, Búp (con bác Hai), Lợi, ba anh em họ Trương, Cọp …
Bên phải sân banh có một cái khán đài bằng gỗ ván, chỉ đủ sức che mưa nắng cho khoảng vài trăm quan khách, nhưng đa số thích xuống đứng gần đường biên la hét thoải mái hơn. Các cầu thủ khi thay đồ thì đi vòng ra sau, chui vào gầm khán đài. Theo thời gian, nó trở nên ọp ẹp, có cảm giác sắp sập bất cứ lúc nào. Đầu thập niên 70, kinh phí quận giao Bác Hai chỉ vừa đủ xây cái khán đài xi măng-mái tôn khiêm tốn. Vậy mà xây xong Bác phải chịu lời ong tiếng ve. Có lần trong bữa cơm gia đình, ba tôi có nhắc lại chuyện này. Ông gián tiếp ủng hộ bác Hai bằng cách phê phán những kẻ ganh ăn tức ở, chỉ giỏi phê phán người khác mà làm thì không dám làm. Theo ông cái chánh là khán đài xây dựng tốt, đứng vững với thời gian là được rồi.
Sân Lái Thiêu có tục “đá vén màn”, trước khi trận đấu chính diễn ra, thường có trận giao hữu giữa các đội thiếu niên chân đất như Thiếu niên Phú Long, thiếu niên HTX Đồng Tiến, thiếu niên Ấp Trưởng, Tân Thới …do Bác Hai sắp xếp, cái chính là góp vui cho phong trào chứ thù lao không đáng kể. Người có tâm huyết với địa phương như Bác Hai xưa nay hiếm, những ông quận trưởng đến rồi đi hỏi có mấy ai còn nhớ tên, còn những đóng góp âm thầm của Bác ghi dấu ấn đậm nét trong lòng bao thế hệ lớn lên trên mảnh đất này mà Bác đâu có cần đến huân huy chương gì đâu. Ngoài cầu thủ Búp đội Sông Bé, Bác Hai còn có một người con gái là nghệ nhân đờn ca tài tử Cao thị Thắng cũng rất nổi tiếng. Còn bác Hai gái là chủ quán ăn Lão Tướng ở Ngã Năm, nay đã mất dấu vì mở rộng vòng xoay.
Sau năm 1975, khi giải vô địch bóng đá quốc gia diễn ra, mỗi cuối tuần Bác Hai thường thuê nguyên cỗ xe lam đi sân Thống Nhất (sân Cộng Hòa cũ) xem và ủng hộ các đội Hải Quan, Cảng Sài Gòn, Sở Công nghiệp …tiền thu từ vé xe cũng vừa đủ trang trải chứ không lời lóm gì, cái chính là ông ghiền cái không khí reo hò náo nhiệt, ghiền mấy tiếng “vô vô” và cả tiếng chửi thề của dân cá độ. Hàng năm, vào ngày rằm tháng giêng (Tết nguyên tiêu), Bác Hai luôn được bầu Thiếu ưu ái cho đi đầu đoàn rước kiệu Bà diễn quanh phố chợ.
Khi hai mắt đã bị lòa, ông cũng chưa chịu nằm nhà. Mỗi sáng có đứa cháu cầm một đầu gậy dắt Bác Hai ra tiệm hớt tóc bình dân của chú Tám kế vách Ngân hàng nông thôn, ngồi đó đến trưa rồi thằng cháu ra dắt ông về ăn cơm. Ở đó Bác Hai nghe tiếng chào hỏi của nhiều người, có người ông nhớ nhưng cũng có khi phải nhắc tên thì ông à à, gục gặt cái đầu. Có người biết ông hay nghe bàn chuyện bóng đá, mới làm như vô tình nói lớn cho ông nghe : Bà mẹ cái thằng…, cách “gun” có mấy mét, con nít đá cũng vô mà nó đá không vô. Ông quay sang hóng, thằng nào, thằng nào ? Thằng Búp chứ ai. Ông bèn giả điếc, làm như không nghe.
Ngày Bác mất, theo di nguyện, đám tang đi một vòng quanh phố chợ cho bác từ giã bà con lần cuối. Các bà, các chị tự dọn dẹp sạp hàng sang bên (một nghĩa cử hiếm) cho trống đường mà không một lời phàn nàn, phải chăng đó chính là thể hiện tấm lòng mến mộ của người dân Lái Thiêu với Bác Hai.   

CHỮ NHO
Vốn dĩ chữ Nho là chữ Hán đọc theo âm Việt. Chúng ta đọc là nhất nhị tam tứ, người Quảng đọc là dách, dì, xám, xây; người Bắc kinh đọc là í, ớ, xán,tsớ…nhưng chữ viết thì thống nhứt không khác biệt. Do đó mà dù không hiểu tiếng của nhau nhưng nhà cách mạng Phan Bội Châu và Lương Khải Siêu vẫn nói chuyện được, bằng phương pháp bút đàm. Trước thời Pháp thuộc, chữ nho được dùng làm văn tự chính thức trong các công văn, khoa cử và văn chương. Chỉ có trong triều đại của vua Quang Trung thì mới dùng chữ Nôm. Mà muốn biết chữ Nôm thì phải rành chữ …Hán, chữ Nôm phát triển trên nền tảng Hán tự như vậy nên rốt cuộc không thay thế chữ Nho được. Mỹ ý của vua Quang Trung là người Nam dùng chữ Nam không thành. Triều Nguyễn vẫn dùng chữ Nho như các triều trước.
Đầu thế kỷ 20 (1911), người Pháp khai tử chế độ khoa cử theo Nho học, chữ La tinh thành chữ quốc ngữ. Sự tiện dụng, phổ thông của chữ quốc ngữ nhanh chóng được thừa nhận , nhưng chữ Nho là ngôn ngữ viết của các từ có nguồn gốc Hán –Việt thì vẫn ảnh hưởng sâu đậm trong mọi mặt sinh hoạt xã hội, nhất là văn hóa và lịch sử. Việc tang ma hiếu hỷ, đình chùa lăng miếu, sách vở thư mục cổ, các tác phẩm văn chương của các danh nhân văn hóa, đâu đâu cũng thấy có bóng dáng của chữ Nho. Cũng chính vì không muốn nhai lại các tác phẩm dịch của người khác mà tôi cố công tìm học chữ Nho, đến nay cũng chưa sạch nước cản nhưng cũng đọc tạm được đôi ba câu đối ở nhà từ đường. Gia đình Trịnh Hoài Đức chúng ta có ba người rất giỏi chữ Nho, là Trần Phò (anh thầy Trần Anh), thầy Phan Thanh Đào (đã mất) và nhà thơ Hạt Cát (cựu học sinh khóa 11). Tôi rất tiếc không có cơ duyên được học hỏi với cả ba người kể trên.   
Đầu năm nay, đại gia đình tôi có việc hệ trọng, phải di dời cải táng tập trung mộ của chi họ Lưu vào một mảnh đất của gia tộc. Có hai ngôi mộ , chữ trên bia ghi bằng chữ Nho. Tôi bèn nhờ một người bạn vong niên là anh Sấm, một gia sư dạy kèm chữ Hoa cho người Quảng ở Lái Thiêu. Anh là bạn của anh Thông (cựu học sinh THĐ khóa 1). Sáng hôm đó, chúng tôi đến khu mộ xem sớm vì ngày khởi công đã gần kề. Anh một tay sờ soạn, một tay đưa lên ngang trán nhăn mặt nhíu mày như thầy bói sờ mu rùa, khi đọc được chữ nào thì tôi lật đật chép lại vào tập giấy chữ đó. Những chữ trên mộ bia của bác ba tôi, anh đọc được hết vì nét chữ hãy còn rõ nhưng đến ngôi mộ của bà cố tôi thì gặp rắc rối nảy sinh : bia mộ bằng đá xanh đã phai mờ hết dấu sơn trên nét chữ (đục âm) chỉ có số năm 1930 là ngày lập mộ ở cuối. Chúng tôi bèn lấy cọ chấm vào sơn đỏ, tô theo vết rãnh đục chìm để dò ra từng nét chữ. Đến đây là giai đoạn thử thách khó nhứt vì ngoài vốn từ phong phú ra, còn phải có khả năng đoán mò, truy theo bộ thủ của Hán tự. May thầy phước chủ, anh đoán ra được tên và chữ lót, nhưng đến họ là chịu thua. Thầy chạy ! Sau này mới biết không phải là anh trình độ dỡ, mà do mấy ông thợ đục đá cũng dốt chữ Nho như tôi, đục hết sức đại khái, mà chữ Nho chỉ cần dư hoặc thiếu một nét là nghĩa đi sai vạn dặm.   
Tôi đành phải liên lạc với Từ Minh Tâm, xin địa chỉ của một người tận bên… Mỹ giúp đỡ giùm. Được sự đồng ý rồi thì tôi chụp hình tấm bia, gởi email sang. Người này là một cựu học sinh Trịnh Hoài Đức, rất giỏi chữ Nho và Phật học, cả thầy cô cũng nể. Chị có khả năng sáng tác thơ văn bằng chữ Hán, tự dịch sang chữ Việt thành một bài thơ Việt mà vẫn giữ hồn thơ như nguyên tác. Tôi có thử vào đọc trang thơ của chị nhưng phải mở thêm trang Tự điển Hán Việt (thivien.net), cày cuốc hết sức khổ sở, không thưởng thức cái thần của bài thơ được! Chỉ trong khoảng năm phút sau khi gởi meo là chị hồi đáp liền, và tôi cũng sáng ý ra luôn. Thì ra là ba nét của bộ thủy bên trái chữ “vương”, đọc là “Uông”. Một chút “đại khái” của mấy bác đục bia mà chín chục năm sau còn làm khổ thằng tui. Có lẽ mấy ổng nghĩ thời đại hậu sanh chắc không còn ai quan tâm chữ Nho nên đục sao cũng được chăng ?
“Thanh Minh trong tiết tháng ba”, cải táng dịp này khỏi coi ngày,  khi mọi việc đã xong xuôi, các tấm bia mới đều được ghi bằng chữ Việt mạ vàng trên nền đá đen rất đẹp, tôi cũng có chút tự hào khi nhìn tấm bia mới của Bà cố. Chỉ là chút đóng góp nhỏ nhoi so với công của đứa em trai và bà chị, tuy nhiên khi những tấm hình chụp nghĩa trang gia tộc đã hoàn thành được gởi đi Úc, Mỹ, riêng tôi được bà chị ở Mỹ gởi về mấy trăm đô, gọi là khen thưởng công đóng góp (nhưng bóc lũm hết rồi, chị Bạch Vân à)./.
Ghi chú : Xin giải thích thêm chỗ này : mỗi người chúng ta có bốn ông cố và bốn bà cố. Bà cố tôi nhắc trong bài là mẹ của bà nội tôi, tức là bà ngoại của ba tôi. Đạo thờ ông bà của chúng ta chỉ thờ nội chứ không thờ ngoại (khác họ), thờ cố chứ không thờ sơ. Còn Bà cố tôi nhắc tới trong bài “Miễu Nhỏ” là mẹ của bà ngoại tôi, tức là ngoại của má tôi.

(8-2020)