LAN MAN NHIỄU SỰ
LƯU THANH BÌNH

TUỔI GIÀ DẠO CHƠI

Nhà văn Sơn Nam sinh năm 1926, tuổi con Cọp, nhỏ hơn ba mình hai tuổi. Thuở sinh tiền, ông đi và viết nhiều, vốn sống phong phú như bộ bách khoa từ điển. Ông không biết đi xe gắn máy, suốt đời chỉ biết đi bộ và ngồi xe ôm. Vậy mà dấu chân ông lội hầu khắp đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, biết rành rẽ từng gốc cây, con đường, từng di tích lịch sử cũng như nguồn gốc những sự kiện văn hóa, tâm linh; những lễ hội đình chùa miếu mạo nội ngoại thành, kể cả ở các tỉnh xung quanh.  Mộ các danh thần triều Nguyễn vùng Gia Định, ông viếng hầu hết. Thậm chí từng ra tới Quảng Bình, đọc điếu văn trước mộ Nguyễn Hữu Cảnh dưới chân thác Ro. Huế, Hà Nội đều có lưu dấu chân ông. Truyện ngắn “Mùa len trâu” của ông được chuyển thể thành phim, còn đạo diễn phim “Người Tình” mời ông làm cố vấn, góp ý vể trang phục, cảnh quang thời thập niên 40, 50 thế kỷ trước.
Ông không phải dân Sài Gòn chánh gốc, mà bản quán ở tuốt miệt Rạch Giá – Kiên Giang. Sau năm 54, về thành chọn nghề cầm bút kiếm cơm. Thuở nhỏ, mình rất mê đọc truyện ngắn của ông và nhà văn Bình Nguyên Lộc, chuyên về truyện đồng quê, đăng trong tạp chí Hương Quê của Bộ Thông tin Sài Gòn. Văn phong giản dị, ngôn từ không trau chuốt, truyện của ông “thấm” từ từ, “đọng” lâu dài trong lòng người đọc. Trong số những tác giả chuyên về truyện ngắn, ông cũng không phải “thần tượng” của mình (Thạch Lam, Nguyễn Tuân) nhưng không hiểu sao mỗi lần ngẫu nhiên vớ một quyển sách của ông trên kệ, mình có cảm giác bồi hồi khó tả, giống như thấy lại một món đồ thân quen bỏ lạc lâu ngày, hay như những kẻ đi xa lâu ngày về gặp lại những món ăn dân dã: bánh ít bột nếp nhưng dừa, bánh quai vạt, bánh cam, bánh da lợn, bánh thửng … Những năm cuối đời , ông nhượng bản quyền toàn bộ tác phẩm cho Nhà xuất bản Trẻ TP Hồ Chí Minh, lấy một số tiền dưỡng già. Nay ông an nghĩ nghìn thu trên đất Bình Dương (Chánh Phú Hòa), suy cho cùng cũng là lá rụng về cội, vì đây là đất Hai Huyện xưa, thuở Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lịnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, Bình Dương thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên.
Tác phẩm biên khảo của ông có nhiều , nhưng mình thích thể loại truyện ngắn của ông hơn, như tập truyện Hương Rừng Cà Mau. Mỗi lần đọc lại truyện “ Con Bảy đưa đò”, gấp sách lại, mình không dứt ra được những suy nghĩ miên man, buồn cho nhân vật chính hồng nhan bạc phận, đưa đò cho thiên hạ nhưng mình thì lỡ mất chuyến đò duyên, đành suốt đời ở vậy. Những câu kết của truyện “ Hòn Cổ Tron” với văn phong nhẹ nhàng, sâu lắng không kém Tự Lực Văn Đoàn : “…chiều chiều, khi ra bờ biển để câu cua, đẩy xịp, người ta nhớ ông Từ Thông như nhớ một cái vỏ ốc xa cừ ngũ sắc tấp vào bãi bùn. Như nhớ vài trang sách Phong Thần tình cờ lượm được trong ngăn tủ bỏ quên, những trang sách rách nát hơi khó hiểu vì thiếu hồi thứ nhứt và không có hồi sau phân giải.”.
Hai tập Dạo Chơi và Tuổi Già, lần tái bản sau nhập lại thành một quyển Dạo Chơi Tuổi Già, với câu ca dao mở đầu sệt giọng Nam Bộ:
Dạo chơi, quán cũng như nhà,
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói cao
Tạp văn, tùy bút có ưu điểm là không cần bố cục, nhớ gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy, ý tưởng  có trùng lặp cũng không sao. Cốt sao cái tình, tạo được cảm thông giữa người viết và người đọc, đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Như trong Dạo Chơi, tác giả viết “chuyện nọ xọ chuyện kia” mà hay đến nổi khó bỏ sách xuống nữa chừng được.
Sơn Nam tuổi già đi dạo chơi nhưng không phải để thong dong hưởng nhàn như Nguyễn Khuyến mà như một nhà nghiên cứu dân tộc học đi điền dã, một phần vì sinh kế. Nhà văn có nhiều độc giả nhờ hầu hết các nhân vật của ông đều là những người bình thường, sống giản dị mà ta dễ bắt gặp ngoài đời. Qua ngòi bút của ông, nông thôn miền sông Hậu hoặc ngoại thành Sài Gòn với những con người và cảnh vật hiện lên sinh động, những lối sống, nếp suy nghĩ bình dị đời thường nhưng đầy triết lý nhân sinh. Người đọc thấy có dáng dấp mình trong đó.  
Trong trang hình ảnh cũ trên trang nhà cựu HS Trịnh Hoài Đức, mình thấy có tấm hình nhà văn Sơn Nam chụp chung với thầy Phúc. Định hôm nào gặp thầy sẽ hỏi về lai lịch của tấm hình ấy. Trông gương mặt của Thầy và nhà văn Sơn Nam còn trẻ, chắc chụp hồi thập niên 60 thế kỷ trước. Hôm rồi thầy trò gặp nhau trong … bệnh viện, không nói chuyện được nhiều.                                                                                                                                                                                

GIAO MÙA

Mấy hôm nay buổi sáng trời trở lạnh, đi bộ thể dục dọc bờ kè sông mình phải mặc hai lớp áo. Gió sớm nghe khang khác mọi lần, hơn năm giờ mà đất trời hãy còn mờ mờ chưa tỏ mặt người. Tiết lập đông sắp đến, ở cái xứ Nam bộ hai mùa mưa nắng này, thực ra không có Xuân Hạ Thu Đông rõ rệt như ở Đàng Ngoài. Nếu không có lá cây rụng đầy sân, quét mệt nghĩ thì đâu biết đang là mùa Thu. Mùa của các văn thi sĩ mà cũng là mùa của các … bác sĩ. Buổi giao mùa, người lớn tuổi và con nít bịnh nhiều, gọi là bịnh thời khí. Có người nói mùa Thu chỉ là bước đệm chuyển từ Hạ sang Đông, có người lại nghĩ đó là khoảng thời gian giao mùa từ mưa sang nắng. Ngày ngắn dần, buổi chiều trời mau sụp tối, ai cũng mong sớm về nhà như chim bay về tổ.
Vậy là mùa lạnh sắp đến, trẻ con hay ăn chóng lớn, già cố chống chọi bệnh tật. Qua một mùa là sắp thêm một tuổi. Cũng có nghĩa bước thêm một bước về phía… ấy. Hy vọng có nhiều bước, giống như thời kỳ quá độ! Tuy nhiên, cũng còn mấy cơn bão rớt chứ chưa chuyển mùa hẳn. Cuối năm, những cơn bão từ Biển Đông vào đất liền dịch chuyển dần về phía Nam, đem theo những cơn mưa lớn, nhà nông gọi là mưa dứt mùa. Những cơn mưa sẽ đưa lũ cá con từ trong đồng ra sông lớn, hoặc rút xuống lung, đìa để tránh mấy tháng khô hạn. Rồi qua năm sau, lại theo mấy cơn mưa đầu mùa mà ngược nước vào trong đồng sinh nở. Tạo hóa thật khéo sắp xếp vòng tuần hoàn của vạn vật, giống như sinh lão bệnh tử của con người.
Nhớ những ngày còn học dưới mái trường Trịnh Hoài Đức, tiết trời se lạnh khiến sân trường  rực rỡ với những chiếc áo len xanh đỏ tím vàng. Đầu giờ học ngồi co ro, cầm cây viết lóng ngóng, phải xoa tay, hà hơi cho bớt cóng. Giờ ra chơi, đua nhau ra đứng dọc hành lang tắm nắng. Ngồi xe trên đường đến trường phải so vai rụt cổ. Nhà vườn Bình Nhâm, An Sơn lại mong cho trời lạnh vì kinh nghiệm là những năm rét nhiều thì măng cụt trổ hoa, đậu trái mới nhiều. Nhưng cái lạnh chỉ thoảng qua vài ngày, vừa đủ cho mọi người nhớ Noel sắp đến, trước khi thời tiết trở lại giao mùa như cũ. Nhiều bạn chủ quan, nghĩ là mùa mưa đã dứt nên đi học không đem theo áo mưa, khi ông trời giộng cho một cây mưa đích đáng thì bị ướt loi ngoi như chuột lột. Đứng trú dưới mái nhà xe, liếc sang bên thấy “người ta” ôm cặp đứng co ro thấy thương mà không dám lại gần.
Những kỷ niệm tưởng như mới hôm nào, nhớ lại đã trôi qua hơn bốn mươi năm lẽ. Thời trai trẻ đã qua, bây giờ mùa lạnh đến kẻ than đau xương đau khớp, người than mệt mỏi với chứng tim mạch bất thường. Trái gió trở trời phải “dụ” lũ cháu đấm lưng bóp tay. Nhiều nhứt là bệnh tăng huyết áp và tiểu đường. Riêng mình, ngoài hai món trên còn thêm mỡ máu và thoái hóa đốt sống cổ (C6 và C7). Cho đủ bốn món ăn chơi.

THÁNG MƯỜI CHƯA CƯỜI ĐÃ TỐI

Cuối năm, lại nói về tục cưới gã. Từ xa xưa Việt Nam ta vốn là xứ nông nghiệp, việc đồng áng cực nhọc dồn vào mấy tháng cuối, kết quả thu hoạch là nguồn sinh sống cho cả năm sau, vì vậy ngày mùa phải huy động sức lao động tổng lực, già trẻ bé lớn đều có việc làm. Chỉ khi lúa thóc đã vô bồ thì người ta mới toan tính đến những việc khác, mà cưới gã là một việc cũng hết sức hệ trọng. Truyền thống ấy kéo dài cho đến bây giờ, tuy nông nghiệp không còn giử vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nữa. Cuối năm là mùa cưới, thiệp mời bay tung tăng khắp nơi. Không mời thì hờn, mời thì than …cháy túi. Mà bây giờ đã có dịch vụ bao trọn gói, từ nấu ăn cho đến cổng hoa, rạp che, ban nhạc, quay phim, chụp ảnh, bánh, rượu …chứ không còn cảnh tất bật chạy mượn lối xóm từng chục tô, chục chén kiểu như xưa. Xưa mời hai chục bàn đã kể là có máu mặt, nay phải từ ba bốn chục bàn trở lên. Đó là tiệc cưới kiểu cây nhà lá vườn, còn nếu  đãi nhà hàng thì khỏi nói, nào xe mui trần, quân hầu, sân khấu, ban nhạc …, nói chung có tiền mua tiên cũng được. Bây giờ không còn cảnh cô dâu chú rể đi từng bàn ra mắt và nhận quà mừng của người thân quen mà đã có cái giỏ mây đặt trên bàn cạnh cổng hoa, khách mời cứ xếp đôi cái phong bao lại mà nhét vào khe giỏ là xong nhiệm vụ. Đó là phong tục của người Hoa, nay ta đã thấy quen mắt.
Còn nói về giờ giấc dự tiệc, ai mà đến đúng giờ ghi trên thiệp thì coi chừng bị coi là người …ham ăn. Không biết có xứ nào mà giờ giấc kéo dãn như giây thun vậy không. Nghe nói tật đi trễ qua tới Mỹ cũng còn. Khổ nhất là đi dự tiệc cưới ở Sài Gòn. Thiệp ghi sáu giờ đón khách bảy giờ nhập tiệc, ghi vậy mà không phải vậy. Cở tám giờ mới tắt đèn làm lễ, xong tới thủ tục giới thiệu hai họ, cô dâu chú rể, cắt bánh rót rượu giao bôi, ca múa vén màn …thì cũng xem xem chín giờ. Bụng đói cồn cào, nước bia óc ách. Tiệc nhà bia ai nấy ôm, ở nhà hàng có người phục vụ tận ly. Hết bia có bia, hết đá có đá. Cụng ly nhè nhẹ, không có một hai ba vô vô. Khăn lau tay, chùi mũi để trên bắp đùi. Tư ếch tui thấy sang trọng nhưng không hào hứng bằng ở quê nhà.
Đi ăn cưới miền Tây (đãi nhà) có nhiều cái ngồ ngộ : kẻ ra người vô từ sáng sớm, cứ đủ người một bàn là dọn, không có giờ nhất định. Ăn xong còn đi làm chuyện khác, hơi đâu hẹn giờ. Đàng trai trên miền Đông (Bình Dương, Biên Hòa) đi rước dâu là phải xuất hành từ lúc khuya hôm trước, mờ sáng ngồi tắc ráng vô đồng, rước dâu lẹ lẹ về cho kịp con nước ( Hòa Nam bạn tui rành sáu câu). Cuối năm coi bộ đất trời cũng ủng hộ tân lang, tân giai nhân : tháng mười chưa cười đã tối , đi ra đi vô loanh quanh một chút là trời sụp tối, nhà ai nấy ở. Lớp B5 có bạn Mão nay làm nghề tay trái  “đi ăn nói” đắt như ca sĩ chạy sô, gần tết phải đăng ký trước, có  khi kín lịch. B5 lại có một thầy khác cũng chạy sô đắt không kém, ai gặp cũng chắp tay kêu “thầy”, nhưng không phải thầy giáo.
Hôm nọ đi ăn tiệc cưới trên Búng, mình cứ bần thần, không biết làm sao mà hồi đó đi bộ một mạch từ trường về nhà được, mà đâu phải một lần. Thời cuộc lúc đó lộn xộn, hay mất an ninh nên xe đò xe lam dứt chạy sớm, mấy cầu thủ bóng đá mê chơi đành phải lội bộ về. Tuổi trẻ vô tư, chỉ biết lo ăn và học. Con đường quốc lộ 13 in dấu thời niên thiếu của bao thiếu niên quần xanh áo trắng ngày hai lượt đến trường, lớn lên theo quê hương một thời hoạn nạn. Đến năm Đệ nhị (1972) thì vỡ tổ, tan hàng “cố gắng”. Nhiều bạn rời trường rồi là một đi không trở lại, như tráng sĩ Kinh Kha.